Thứ Sáu, 30 tháng 12, 2011

Cây sến 500 năm và chuyện “Cầu được ước thấy”!

“Làng Spa Eco” nằm trên đường ven biển Phan Thiết đi Tân Thành (Hàm Thuận Nam), cách hải đăng Khe Gà khoảng 1,5 km.

Gọi là làng nhưng kỳ thực đó là  khu du lịch sinh thái, hình thành bởi một số bungallow mái lợp tranh hình tổ chim cúc cu trên lưng chừng đồi, cùng những ngôi nhà  kiểu xưa lợp ngói âm dương, tất cả đều quay ra biển và chỉ cách  đường 719 ngang qua làng chỉ vài bước chân… Chính vì thế, từ phía Bắc vô, từ phía Nam ra, cứ bước xuống xe là đến làng, không phải di chuyển nhiều, đặc biệt thuận lợi cho người có hành lý. 
Anh Lê Hải, giám đốc điều hành Làng Spa Eco cho hay: “Hàng năm, trong mấy tháng cuối, hàng đoàn khách nước ngoài  đến làng. Khung cảnh hoang sơ của  đồi nhãn rừng, những dãy đồi cát dựng đứng, cộng với biển xanh và một chút sáng tạo của con người trong cách bài trí, phối cảnh của toàn bộ ngôi làng đã thu hút họ”.
Gần đây, làng Spa đón thêm nhiều khách Việt. Họ đến với làng ngoài nghỉ dưỡng còn để  tham quan cây sến 500 tuổi nằm trong khu rừng  thuộc quyền quản lý của làng spa.
Đó là cây cổ thụ  nhiều nhánh, tàng khá rộng, thuộc họ sến cát, chỉ mọc vùng cát ven biển Bình Thuận - Bình Châu (Bà Rịa - Vũng Tàu). Đây cũng là cây sến nhiều tuổi nhất trên địa bàn Bình Thuận hiện nay.
Nguyên nhân giúp cây sến này tồn tại  đến ngày nay trước bao ánh mắt của thợ rừng (đây cũng là khu  vực nhiều người từng đốt than) là do người dân quanh vùng đã khoác lên cho cây sự huyền bí, về khả năng: “Ước gì được  nấy, kể cả chữa khỏi một số bệnh”.
Có lẽ vì lời đồn này, mới đây, một gia đình khoảng chục người từ miền Tây ra nghỉ đêm tại Làng Spa, và sáng hôm sau họ leo đồi vào chỗ cây sến. Bên gốc sến già đầy nhánh, gia đình người miền tây khần cầu  cho mẹ họ hết bệnh, còn những đứa trẻ thì cầu cho học hành giỏi giang.
Chứng kiến sự việc, tôi hỏi  người thanh niên dẫn đường: “Em có tin những điều đó xảy ra?”. Người thanh niên đáp ngay: “Cây sến là một điểm tham quan của làng spa. Khách của Spa muốn tham quan cổ thụ, chúng tôi đều dẫn đường. Mọi người sẽ đi rất chậm, nghỉ nhiều chặng, mỗi chặng năm hoặc mười phút.. thành ra  việc đi thăm cổ thụ là dịp để mọi người rèn luyện sức khỏe. Chúng tôi thấy nhiều người cầu ước bên gốc cổ thụ nhưng tuyệt nhiên không ai  bày các nghi thức mê tín nên chấp nhận được”.

Theo Hà Thanh Tú (Bình Thuận Online)

Lầu xả stress ở Spa Eco


Leo mấy chục bậc tam cấp, cuối cùng tôi cũng đến lầu xả stress ở làng Spa Eco (Tân Thành, Hàm Thuận Nam, Bình Thuận).

Được thiết kế như  lầu vọng nguyệt, không có cửa chính, từ lầu xả stress có thể quan sát  tứ hướng nhờ vào hàng lan can thấp bao quanh. Mái lầu lợp lá, hơi tròn, gần như chiếc dù lớn dành cho khoảng một chục người.
Lầu xả stress
 
Người dẫn đường cho hay: chỉ  người có tâm sự mới đến lầu, thành ra lầu đặc biệt vắng vẻ. Vé cho mỗi lần  xả stress là 50 ngàn đồng. Người  mua vé sẽ được cung cấp những chiếc chén sành loại khó vỡ. Sau đó, khi chỉ còn lại một mình giữa hoang sơ, người có tâm sự sẽ một mình  “đối thoại” với những  điều làm cho khó chịu, mệt mỏi và… rồi sẽ ném những chiếc chén vỡ tan tành cho đến khi nguôi ngoai bực tức trở lại trạng thái cân bằng..
 
“ Lầu xả stress thường là chỗ người nước ngoài tìm đến”- người  hướng dẫn  góp chuyện.  Chúng tôi bước  vào bên trong lầu, nơi có chiếc ghế dài mặt quay về một chiếc hố chứa đầy mảnh chén vỡ.
 
Người dẫn đường nói thêm: “ Có  một số người vô tình gặp nhau tại lầu. Sau khi lấy lại trạng thái cân bằng,  họ mời nhau ăn sáng và ăn tối, rồi trở thành bạn của nhau trong những ngày lưu lại Spa Eco.
 
Được biết, trung bình có đến cả trăm lượt người đến lầu xả stress mỗi năm. Điều đấy cho thấy trong cuộc sống công nghiệp hiện nay, nhu cầu xả stress là cần thiết.
Theo Hà Thanh Tú (Bình Thuận Online)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét