Thứ Sáu, 30 tháng 12, 2011

Chuyện người tiều phu ở chốn bồng lai

Vượt hàng ngàn bậc thang lên đỉnh núi Két (Anh Vũ Sơn) để tìm chủ núi Nguyễn Văn Sơn (Sơn Đào, 60 tuổi ngụ thị trấn Nhà Bàng, huyện Tịnh Biên), người mà tôi đã từng nghe danh trước đây để tìm hiểu thực hư về gã tiều phu lên rừng gánh mướn, đốn củi lại quyết định lên núi sống “ẩn dật” khi kinh tế gia đình đã khá hơn.

Chọn non cao…
 
Hôm leo núi Két được một đoạn dốc thẳng đứng khoảng 1km, chúng tôi đã thấy cảm giác ngán ngẫm, bỗng gặp gã tiều phu Sơn Đào tay cầm thanh tre lội bộ băng băng xuống núi, trông dáng vẻ gấp gáp lắm. Ông nói: “Hổm rài trời nắng gắt, cộng hưởng với gió bấc làm cây rừng khô dần nên Kiểm lâm mời đến UBND thị trấn Nhà Bàng họp triển khai kế hoạch PCCC rừng mùa khô. Xuống núi dự khoảng chiều mới lên…”.
 Ông Sơn Đào
 
Ngồi trên tảng đá lớn, trò chuyện chưa được 5 phút thì ông Sơn Đào đã lội nhanh xuống núi cho kịp giờ. Ông nói, các chú cứ leo lên gặp vợ tui cũng đang cư ngụ trên đỉnh Bồng Lai. Nằm cặp Tỉnh lộ 948, thuộc thị trấn Nhà Bàng, núi Két là một trong những ngọn núi cao (gần 230 mét) trong dãy Thất Sơn huyền bí, với nhiều dốc dựng đứng, hang núi ăn sâu.
 
Sở dĩ có cái tên núi Két là do ở giữa lưng chừng núi có tảng đá khổng lồ giống như cái đầu con két. Ngoài ra, cũng có giai thoại cho rằng xưa kia ở nơi này có vô số loài két rừng trú ngụ nên được người dân gọi là núi Ông Két.
 
Chia tay ông Sơn Đào, chúng tôi tiếp tục leo lên tới đỉnh. Tấp vào trong quán, tiếp chúng tôi bà Nguyễn Thị Hòa Liên, vợ ông Sơn Đào cho biết, hồi trước, còn ở dưới chân núi gia đình sống nghèo khổ, ổng thường lên núi gánh su, gánh điều mướn cho nhà vườn. Thi thoảng, ông còn kiếm củi về bán, kiếm sống lây lất qua ngày.
 
Về sau, tích lũy được số vốn, ông Sơn Đào đã chuyển sang mở doanh nghiệp khai thác đá. Làm ăn ngày càng khấm khá, Sơn Đào đã lên núi sang đất lại từ những chủ vườn đang bỏ trống do trồng trọt không hiệu quả.
 
“Ban đầu ổng mua được 7 công nằm gần mỏ ông Két. Hễ nghe ai bán là đến đặt cọc. Đến nay, ông xã tôi đã sang được hơn 20 héc-ta đồi núi tại núi Ông Két. Lúc đó, ổng đầu tư ai cũng chê…”- bà Liên kể về cách làm táo bạo của chồng.
 
Đầu tư du lịch
 
Bà Liên nói rằng, hồi còn trẻ làm lụng cật lực vì con cái. Lúc trở về già muốn tìm nơi yên tĩnh, tạm gác lại chuyện bon chen ngoài đời để sống thoải mái hơn. Ngoài xây nhà ở, ông Sơn Đào còn đầu tư xây dựng nhiều điểm du lịch hấp dẫn y như chốn bồng lai tiên cảnh.
 
Người dân dưới chân núi thường ví von, ông Sơn Đào giống như một tu sĩ sống ẩn dật. Nói là “cảnh tiên” cũng không sai, bởi khu vực này có khí hậu mát mẽ, còn có những tảng đá tự nhiên chồng chất lên nhau, cứ như có một bàn tay siêu nhiên dựng lên từ thời sơ khai. Bước lên điện A Di Đà nhìn quanh đỉnh núi là một quần thể kiến trúc đá trông rất kỳ bí.
 
 Giếng Tiên núi Két

Đến sân Tiên, nếu không tận mắt nhìn giếng Tiên nằm ẩn mình trong hang núi thì thiệt uổng. Theo vợ ông Sơn Đào kể lại, giếng này có nước trong vắt mát lạnh quanh năm, cũng nhờ đó mà ông có nước sinh hoạt và xây dựng những điểm du lịch trên núi Két. Ngoài ra, giếng Tiên còn đem lại nguồn nước uống quanh năm cho các loài thú rừng trên núi như: Khỉ, rắn, chồn…
 
Đặc biệt, hiện nay trên núi Két vẫn còn một số lượng quần thể khỉ khá nhiều, với khoảng 60 con được ông Sơn Đào bảo vệ nghiêm ngặt không cho ai léng phéng săn bắt. “Những ngày rằm lớn, khách mang trái cây lên đây cúng, cả bầy lũ lượt kéo về lấy trái cây trong miếu để ăn…
 
Tay cầm chiếc đèn pin, ông Hai (người giữ các miếu thờ trên núi Két) dẫn chúng tôi đến tham quan điện U Minh- thờ Diêm Vương. Theo ông Hai đi xuống vực, cảnh đầu tiên làm chúng tôi hãi hùng là ở 2 miệng hang có cặp rắn hổ mang chúa bằng đá phùng mang, miệng đang nuốt thi thể con người. Đi qua một đoạn nữa đến điện U Minh tối mịt, thờ Diêm Vương, rồi cảnh Phán Quan đang tra sổ sinh tử, tranh Mục Liên đi tìm mẹ…
 
Vợ chồng gã tiều phu Sơn Đào sống trên núi Két đang góp phần bảo tồn thiên nhiên và làm kỳ bí thêm những câu chuyện núi non…
Theo THÀNH CHINH (An Giang Online)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét