Thứ Năm, 22 tháng 12, 2011

Có bao nhiêu đền thờ Nguyễn Trung Ngạn ở Hà Nội ?

(TinMoi) - Thăng Long, Hà Nội vinh dự có được một danh nhân văn hóa, đồng thời cũng là vị quan đứng đầu kinh thành vào giữa thế kỷ 15 dưới triều đại nhà Trần nổi tiếng tài cao, đức trọng, đó là Hoàng giáp Nguyễn Trung Ngạn mà giới sử học vừa long trọng kỷ niệm 720 năm ngày sinh của ông bằng một cuộc hội thảo khoa học tại Văn Miếu - Quốc Tử Giám. Dấu ấn của nhân vật lịch sử này còn được ghi lại qua 7 di tích trong nội thành Hà Nội ngày nay.


Đền Hương Tượng thờ Nguyễn Trung Ngạn ở 64 Mã Mây

Ngôi đền Tiên Hạ ở số nhà 46A ngõ Phất Lộc tương truyền là nơi thờ Nguyễn Trung Ngạn ngay sau khi ông mất vào đời vua Trần Dụ Tông. Tuy nhiên, theo các tấm bia còn lại trong đền và căn cứ vào diện mạo kiến trúc bây giờ thì di tích được tạo dựng năm 1856 dưới đời vua Tự Đức nhà Nguyễn. Nơi đây hiện còn lưu giữ một số di vật văn hóa có giá trị về lịch sử và nghệ thuật: hoành phi, câu đối, long ngai, bài vị, khám thờ...nhất là 5 tấm bia đá, trong đó có bia ghi dòng chữ Hán: Tiên Hạ linh từ trùng tu bi ký, cho biết rõ địa danh Tiên Hạ thuộc huyện Thọ Xương, trước kia vốn là phường Đông Các, sau là phường Dũng Thọ thời Nguyễn. Di tích cũng còn lưu đôi câu đối ngợi ca sự nghiệp của Kinh sư đại doãn Nguyễn Trung Ngạn: Công rực rỡ ba triều sáng ngời sử cổ- Tiếng linh thiêng bảng miếu phù trợ cố đô.

Đền Hương Nghĩa ở 13 Đào Duy Từ được phối thờ cả Nguyễn Trung Ngạn và Cao Tứ, một nhân vật lịch sử thời An Dương Vương chống Triệu Đà xâm lược. Vốn là trước kia, danh nhân Nguyễn Trung Ngạn được thờ ở đình làng Hương Nghĩa, nhưng về sau do ngôi đình bị hủy hoại, nên người ta mới đưa bài vị của ông về cùng thờ chung với tướng quân Cao Tứ.

Trong số các di tích thờ Nguyễn Trung Ngạn, chỉ có đền Hương Tượng ở 64 Mã Mây hiện vẫn được bảo tồn khá nguyên vẹn. Di tích này có quy mô kiến trúc kiểu hình ống mang nét đặc trưng của khu phố cổ Hà Nội bao gồm Phương đình, gian Trung tế và Hậu cung. Chính giữa Hậu cung là một sàn gỗ cao 148cm, rộng 240cm có ván bưng ba mặt, bên trong bài trí hai bộ long ngai bài vị thờ Nguyễn Trung Ngạn. Ngôi đền hiện còn bảo lưu các bản thần tích, sắc phong từ năm 1783 đến 1924 và một số tấm bia đá, trong đó có bia mang niên hiệu Minh Mệnh năm thứ 6 (1825) ghi rõ thời gian khởi dựng  di tích: Ngôi đền của giáp ta sáng lập từ triều Trần, trang nghiêm rộng rãi. Phía trên để thờ các vị phúc thần, phía dưới để thờ các vị anh hùng dân tộc...

Còn lại 4 ngôi đền khác trước đây thờ danh nhân Nguyễn Trung Ngạn thì nay đã gần như trở thành những công trình dân sự hoặc đã biến dạng. Đình Mỹ Lộc ở 45 Nguyễn Hữu Huân, đình Phúc Lộc ở số 6 Lương Ngọc Quyến và đình  Ưu Nghĩa ở 2A Nguyễn Hữu Huân bây giờ trở thành nhà dân, đình Hương Bài ở 90 Trần Nhật Duật cũng bị thu hẹp lại rất nhiều so với ban đầu. Tình trạng ấy cũng tựa như dãy phố mang tên danh nhân Nguyễn Trung Ngạn nối giữa phố Phạm Đình Hổ với phố Nguyễn Công Trứ nay cũng chỉ như một ngõ cụt do nhà dân xây dựng chắn ngang làm mất lối thông.

Chí Thành
Theo www.hanoimoi.com.vn

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét