Thứ Sáu, 30 tháng 12, 2011

Giếng Tiên giữa trời

Ở núi Dài nhỏ (Ngũ Hồ Sơn), trên tảng đá lớn khoảng chục mét vuông nhưng có đến 5 giếng nước trong vắt. Do giếng ăn sâu và có đường thông vào các ngõ ngách nên nước đọng quanh năm, sơn dân gọi là giếng Tiên giữa trời.

Căn chòi giữa lưng chừng núi
Từ thuở xa xưa, người dân sống dưới chân núi đã đặt tên cho ngọn núi Dài nhỏ để phân biệt với núi Dài lớn (Ngọa Long Sơn) ở huyện Tri Tôn.
Núi Dài nhỏ, ngọn núi cao thứ tư trong dãy Thất Sơn, với 265m, chu vi khoảng 8.700m, có năm giếng nước trên núi, nên còn gọi là Ngũ Hồ Sơn, thuộc thị trấn Nhà Bàng, vách phía tây và đông thuộc địa phận xã An Phú, Văn Giáo (Tịnh Biên).
Núi Dài nhỏ không như các ngọn núi khác dốc đứng cheo leo mà có độ dốc thoai thoải. Men theo con đường đất khoảng 3km, chúng ta sẽ bắt gặp những vườn cây rợp bóng với đủ các loại cây ăn trái như xoài, mít, chuối, hồng quân… cho trái quanh năm.
Tấp vào căn chòi của Nguyễn Văn Quang (Quang liều) hớp ca nước mưa trong vắt, ngọt lịm để giải khát mới biết, người dân đặt cho ông cái tên Quang liều là bởi tính khí ông ngang ngạnh, liều lĩnh, một mình lại dám che lều sống ở lưng chừng núi chống chọi với thiên nhiên hà khắc và tiềm ẩn nhiều thú rừng hung dữ.
Vào ban đêm, ông cũng chẳng ngại chuyện một mình lội bộ xuống núi mỗi khi có chuyện gấp. Ông đi rừng như “ăn cơm bữa”, chẳng sợ thứ gì cho dù là rắn độc.
Gặp chúng tôi, Quang liều kể: “Hồi trước khu vực núi Dài có nhiều hổ, beo, mển, khỉ, tôi lên đây khai phá nương rẫy, lập vườn ai cũng cho là mình liều. Đặc biệt là rắn hổ mang, hổ chuối, hổ sơn thì khỏi phải nói, nhiều người đi rừng lâu lâu bị “phập” vào chân chết không kịp đến bệnh viện.
Sống ở đây lâu năm nên có kinh nghiệm, muốn đi rừng vào ban đêm phải mang đôi ủng ngang gối đề phòng giẫm phải rắn, bị rắn mổ vào chân. Nếu lỡ bị rắn độc cắn tốt nhất dùng bật lửa đốt ngay vết cắn cho nọc tụ lại một chỗ không để chạy về tim thì mới mong giữ được mạng sống…”.
5 giếng nước trên một tảng đá
Từ chòi của ông Quang, chúng tôi tiếp tục đi khoảng 400 mét đường rừng nữa là tới giếng Tiên. Thật lạ kỳ, trên một tảng đá lớn lại có đến 5 miệng giếng lớn nhỏ, cái to nhất bằng mặt bàn, còn nhỏ nhất bằng miệng thau. Nước giếng trong xanh, mát lạnh. Dùng một thanh cây cắm xuống một miệng giếng, khi rút lên đo độ sâu khoảng 1,5m. Cạnh đó, người dân có xây một ngôi miếu thờ sơn thần.
Theo người dân cho biết, 5 cái giếng ăn sâu vào vách đá đã có từ lâu. Trước đây, bộ đội cũng lấy nước từ 5 cái giếng này mới có thể bám trụ trên núi... Cây trái ở khu vực này xanh tốt cũng nhờ có nguồn nước giếng tưới.
Ông Huỳnh Văn Thông (70 tuổi) người đã lên núi Dài lập vườn hơn 20 năm cho biết, lúc mới lên đây đã thấy 5 cái giếng có đầy nước, bà con rất mừng vì nó là nguồn sống của những người làm vườn. Có lẽ mạch nước ngầm trong đá luôn rỉ ra nên nguồn nước giếng vô tận.
“Theo truyền thuyết, ngày xưa 5 cái giếng đầy nước quanh năm, các nàng Tiên trên trời thường hay xuống tắm… Cũng có giai thoại cho rằng, hồi mới khai sơn lập địa, ở 5 miệng giếng mọc 5 đài hoa sen rực rỡ cùng năm con thú quý canh giữ. Chính vì sự huyền bí ấy mà đã thu hút đông đảo du khách đến đây chiêm ngưỡng, cúng viếng. Mỗi lần chinh phục núi Dài, khách đến viếng 5 giếng đầu tiên, rồi leo qua cúng điện Bà, điện Ông…” – ông Huỳnh Văn Thông kể. 
Lúc lên đây, tôi chọn những khu đất gần giếng tiên để khai khẩn trồng trọt cây trái kiếm cơm. Mỗi lần dọn cỏ là thấy rắn hổ sơn nằm trước mặt. Đứa con gái 16 tuổi của tôi không gặp may, trong một lần giẫy cỏ bị rắn hổ chuối bổ ngay bắp chân, sùi bọt mép chết tại chỗ. Bởi vậy, dân làm rẫy trên rừng tụi tôi ví von “ăn của rừng rưng rưng nước mắt”. Có nhiều kinh nghiệm dạy cho mình chống chọi với thiên nhiên để từ đó mới biến nơi sỏi đá thành cơm…”- ông Thông kể.
Theo THÀNH CHINH (An Giang Online)


“Giếng tiên” Bảy Núi


Vùng Bảy Núi - An Giang có hàng chục “giếng tiên”. Điều kỳ lạ là các giếng này đều nằm trên những đỉnh núi cao chót vót, ăn sâu vào lòng đá nhưng quanh năm luôn đầy ắp nước

Về vùng Bảy Núi, chúng tôi nghe những người cao tuổi kể rất nhiều về những điều kỳ bí ở đây, trong đó có chuyện “giếng tiên” trên những đỉnh núi cao chót vót.

Không bao giờ cạn nước

Núi Ba Thê ở thị trấn Óc Eo, huyện Thoại Sơn - An Giang là một trong những nơi có nhiều “giếng tiên” nhất xứ Thất Sơn. Hàng chục năm trước, khi Ba Thê còn là vùng hoang sơ, quanh chân núi đã có nhiều nhà dân sinh sống. Trong một lần lên núi, ông Mai Đức phát hiện trên sườn phía Đông có một giếng đầy ắp nước mát lạnh và trong vắt.

Mỗi đêm trăng sáng, dưới đáy giếng này lung linh những hạt cát vàng óng ánh nên người dân địa phương đã đặt tên là giếng Vàng. Trên đỉnh núi Ba Thê, cạnh một phiến đá cheo leo bên phải chùa Chân Tiên cũng có một “giếng tiên” hình tam giác quanh năm không bao giờ cạn nước. Không ai biết giếng này bắt nguồn từ đâu. Giếng vô danh nên người ta gọi theo tên của chùa Chân Tiên.

Không ai thống kê được vùng Bảy Núi có bao nhiêu “giếng tiên” như vậy, nhưng hầu như trên mỗi ngọn núi đều có một vài giếng mà người dân vô tình phát hiện được. Đỉnh núi Két ở thị trấn Nhà Bàn, huyện Tịnh Biên – An Giang cũng có một “giếng tiên” trên phiến đá cao nhất.

Giếng Chân Tiên trên đỉnh núi Ba Thê quanh năm đầy ắp nước

“Thấy giếng nằm trên một phiến đá cheo leo mà lại có nước ngọt và nhiều người tới viếng, nên tôi đã làm hàng rào bảo vệ an toàn cho khách” - ông Nguyễn Văn Sơn, sống trên đỉnh núi Két, cho biết. “Giếng tiên” này chỉ rộng khoảng 0,5 m, ăn sâu vào lòng đá. Càng ăn sâu, lòng giếng càng nhỏ lại nhưng không biết nước từ đâu cứ dâng lên khi vừa vơi bớt.

Những người thường xuyên đến viếng thăm vùng Thất Sơn không ai có thể bỏ qua núi Dài Năm Giếng, còn gọi là Ngũ Hồ Sơn ở thị trấn Nhà Bàn, đối diện núi Két. Trên 5 đỉnh của núi này ở độ cao hàng trăm mét có 5 giếng nước. Còn ở Núi Cấm tại xã An Hảo, huyện Tịnh Biên, khó đếm hết có bao nhiêu “giếng tiên”.

Trong đó, “giếng tiên” dồi dào nguồn nước quanh năm được người dân nhắc đến nhiều nhất là ở vồ Đá Vàng. Giếng Đá Vàng là mạch nước lớn nhất vùng. Từ trong lòng đá, nước cứ dâng đầy. Thấy nguồn nước xanh mát, quanh năm không bao giờ cạn, những người sống trên núi đã xây dựng vách ngăn như một bể chứa để nước không chảy tràn lãng phí.

Nguồn sống cho hàng ngàn hộ dân

Không chỉ cung cấp nước sinh hoạt cho hàng ngàn hộ dân trên các ngọn núi cao, những “giếng tiên” này còn là nguồn nước tưới tiêu cho cây trồng và là nơi giải khát của thú rừng.

Anh Trần Văn Thảo ở ấp Vồ Bà, xã An Hảo trồng hơn 5 ha quýt hồng trên núi Cấm. Nhờ nguồn nước ở giếng Đá Vàng mà vườn nhà anh luôn xanh tốt. Lúc gia đình anh đem giống quýt hồng về trồng trên núi, điều trăn trở nhất là nguồn nước tưới.

Trong một lần đi bẫy thú rừng trên vồ Đá Vàng, anh Thảo lội theo dấu chân heo rừng tìm đến một mạch nước lớn ở đây. Mệt lả người, anh đưa tay hớt một bụm nước uống cho đỡ khát thì thấy nước ngọt lịm. Anh về bàn với cha tìm cách đưa nước về tưới cây trồng ở vườn nhà.

Thấy mạch nước dồi dào quanh năm, cha con anh Thảo vận động một số hộ dân trên núi đem vật liệu lên xây vách ngăn như một miệng giếng để trữ nước. Bà Hai Mính, trồng 2 ha bưởi da xanh phía trên vườn quýt của anh Thảo, cũng học cách dẫn nước từ giếng Đá Vàng về tưới xanh vườn bưởi.
Cũng nước lớn, nước ròng
Ông Võ Văn Oanh ở ấp Tha Lót, xã An Hảo, huyện Tịnh Biên, An Giang trồng một rẫy rau xanh lớn trên vồ Đá Bạc, núi Dài Lớn, huyện Tri Tôn - An Giang. “Chính nhờ “giếng tiên” trên vồ Đá Bạc mà cư dân núi ở Chót Ông Còn mới sống nổi. Ăn uống, tắm giặt, tưới cây... đều nhờ nước giếng đó” - ông Oanh cho biết.
Ông Nguyễn Văn Đa, ở xã Văn Giáo, huyện Tịnh Biên, khoe với chúng tôi vừa mua được 30 công đất rừng trên vồ Đá Bạc để trồng rau xanh và một vườn xoài. “Nghĩ cũng lạ thật, nước ở đâu không thấy, miễn múc cạn thì một lúc sau lại tự dâng đầy trở lại. Lâu ngày để ý, tôi thấy mực nước trong giếng thay đổi lên xuống theo 2 buổi sáng - chiều trong ngày. Người dân làm rẫy xem đây là cách báo hiệu thời gian để xuống núi. Khi thấy nước lớn, dâng đầy giếng thì mọi người biết đã xế chiều để xuống núi” - ông Đa giải thích. Từ đó, ông Đa theo dõi và nhận thấy “giếng tiên” ở vồ Đá Bạc cũng có nước lớn, nước ròng xoay theo con trăng hằng tháng.
Bài và ảnh: QUỐC DŨNG

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét