Thứ Sáu, 30 tháng 12, 2011

NGHI LỄ DOLTA CỦA DÂN TỘC KHMER

Xem hình
Lễ hội đua bò trong nhũng ngày lễ Dolta. Ảnh của tuoitreangiang.com
Dân tộc Khmer Nam Bộ nói chung, và đồng bào người dân tộc Khmer Bảy Núi có những phong tục tập quán, truyền thống văn hóa, tín ngưỡng, tôn giáo mang bản sắc riêng. Có những lễ hội của dân gian được dân tộc hóa và hòa nhập với các nghi lễ tôn giáo, tín ngưỡng sâu đậm truyền thuyết của Phật giáo Nam Tông.
Lễ Đônta (Lễ ông bà) là một trong hai lễ lớn hiện nay – và trở thành lễ hội tại địa phương. Nội dung bao trùm trong Lễ Đônta - (Lễ ông bà) là nhằm tưởng nhớ công ơn cha mẹ, họ hàng và cầu phước cho linh hồn những người đã khuất.
Lễ Đônta kéo dài từ ngày 16 đến 30.8 âm lịch với 4 lễ thức chính tại chùa và tại mỗi nhà người dân tộc Khmer như sau:
1/ Lễ đặt cơm vắt (Banh canh banh)
2/ Lễ cúng ông bà (Banh Sên Đônta)
3/ Lễ hội (Banh phchum banh)
4/ Lễ tiễn ông bà (Banh chuônh Đônta)
Nghi thức Lễ đặt cơm vắt (Banh canh banh) được tổ chức tại chùa, từ 16 đến cuối tháng 8 âm lịch hàng năm. Các vị Tà–à-cha phân công cho từng nhà, hoặc từng tổ (vênh) thay phiên nhau đem gạo, nếp, thực phẩm, nhang đèn, tiền bạc… về chùa để tổ chức nấu nướng và cúng liên tục thời gian 15 ngày. Mỗi ngày nấu nhiều mâm cơm, đặc biệt có một mâm cơm được vắt cơm thành từng viên tròn bằng trái cam – người Khmer gọi là bai banh, và theo các vị chức sắc ở phum sóc cho rằng: Từ này bắt nguồn từ phạm ngữ Banh-đa có nghĩa là phần cơm dâng cúng cho người đã chết. Cơm vắt (bai banh) được đặt trong mâm cùng với bánh trái, thức ăn, thức uống đem lên nhà hội (sa la) cúng Tam Bảo, có sự chứng kiến, tụng kinh nhằm cầu phước của sư sãi cho linh hồn những người trong họ tộc đã quá cố. Sau đó đem cơm vắt ra ngoài cúng cho ma quỷ. Lễ đặt cơm vắt được cúng liên tục tại chùa trong 15 ngày như thế.
Nghi thức Lễ cúng Ông Bà (Banh Sên đônta) được tổ chức vào ngày cuối của thời gian Lễ đặt cơm vắt (ngày30.8 ÂL) và vào chiều cùng ngày, sau khi cúng trên chùa xong, được tổ chức tại mỗi gia đình người dân tộc Khmer. Trước đó, từng nhà dọn dẹp, trang hoàng sạch sẽ và ngày cúng Ông Bà được mỗi gia đình sắm sửa một mâm cơm thịnh soạn, có hoa quả, nhang đèn… rồi mời họ hàng và gia đình sum họp đầy đủ cùng nhau cúng vái.
Thường là khấn vái, mời linh hồn những người trong họ tộc đã quá cố về ăn uống. Người chủ hộ khấn vái ba lần, mỗi lần rót trà, rượu và gắp thức ăn mỗi thứ một ít vào chén… Tiếp đó là đem ra sân để cạnh hàng rào nơi sạch sẽ, đốt nhang mời ma quỷ đã dẫn dắt ông bà họ về cùng ăn - vì theo người dân tộc, những linh hồn ma quỷ ấy không dám lên ăn chung mâm với ông bà nên phải đem ra ngoài cho ăn riêng. Họ khấn vái, mời ông bà, dòng họ quá cố và ma quỷ ở lại ăn uống, vui chơi trong ngày lễ. Sau đó, gia đình, họ tộc, bạn bè (có nhà mời bạn bè là người Kinh láng giềng) cùng nhau ăn nhậu mừng đón Lễ vì theo họ ông bà, họ hàng đã cùng về dự đông đủ.
Lễ Hội, có nơi còn gọi Lễ Hội linh - Banh Phchum banh (theo Trần Văn Bổn, sách "Một số lễ tục dân tộc Khmer Nam bộ"). Lễ này được tổ chức linh đình tại chùa, tất cả các gia đình trong phum sóc đều nấu một mâm cơm thật tươm tất mang đi chùa cúng vào ngày 30.8 ÂL. Trước khi đem mâm cơm đến chùa, chủ gia đình khấn vái, đại để: Hôm nay là Lễ Đônta kính thỉnh ông bà, họ hàng thân nhân đã khuất cùng đến chùa nghe sư sãi tụng kinh, nhận sự cầu chúc của Phật và sẽ đầu thai kiếp khác sung sướng hơn. Tại chùa, quy tụ đầy đủ sư sãi, À cha, Phật tử, con sóc… cùng dọn thức ăn trên các cỗ dài, rồi sư sãi tụng kinh cúng Tam Bảo, kinh cúng dường cầu phước cho ông bà, họ tộc đã khuất. Cũng có nhiều mâm cơm vắt (Bai banh) để cúng cho ma quỷ. Nơi đây, tất cả cùng nhau ăn uống, thết đãi bạn bè (có cả người Kinh đến dự). Và hơn 15 năm qua, trong mùa Lễ hội này, trước hoặc sau ngày 30 Âl, chính quyền, các ngành chức năng và sư sãi, À cha còn tổ chức hội đua bò Bảy Núi luân phiên mỗi năm ở chùa Tà Miệt, huyện Tri Tôn hoặc chùa An Hảo, Thamith, huyện Tịnh Biên thu hút hàng chục ngàn người dự xem. Năm 2006, chùa Sà Lôn còn tổ chức giải bóng chuyền dân tộc, giao lưu các trò chơi dân gian…
Lễ tiễn đưa Ong Bà (Banh chuônh đônta) được tổ chức vào 3 ngày sau, tức qua mùng 3 tháng 9 âm lịch âm lịch tại mỗi gia đình. Nếu lễ cúng ông bà (ngày 30.8) thì lễ tiễn ông bà có khác đôi chút.
Mỗi gia đình đều làm một chiếc thuyền bằng bẹ chuối dài từ 5 đến 7 tất, có nhà làm đẹp và dài cả thước. Trang trí cờ phướn màu sắc rực rỡ. Sau khi nấu mâm cơm thịnh soạn, họ bới 4 chén cơm gắp thức ăn mỗi thứ một ít vào chén rồi khấn vái và mang ra đặt trên thuyền, cùng với lúa, gạo, muối, đậu, bánh trái… người chủ gia đình đem thả trên sông hoặc kênh gạch, mé ruộng gần nhà, nhằm đưa tiễn ông bà và ma quỷ cùng trở về âm phủ. Sau đó, tập trung về nhà cùng quây quần ăn uống vui chơi với gia đình, họ hàng, bè bạn. Đến đây, coi như lễ Đônta đã chấm dứt .
Cũng cần nói thêm, Lễ Đônta, lễ ông bà của người dân tộc Khmer, bắt nguồn từ sự tích rút ra từ kinh điển Phật giáo. Xin được tóm lược như sau: Một hôm, vào lúc đêm khuya canh vắng, tại hoàng cung của vua Ping-pis-sara, bỗng vang dội tiếng gào thét, khóc lóc thảm thiết, kèm theo là tiếng van xin: Hãy cho chúng tôi ăn, cho chúng tôi uống với, vì chúng tôi đang đói lắm! Nhà vua bèn truyền lệnh triệu tập các nhà tiên tri đến hỏi, các nhà này cho rằng đó là bọn ma quỷ đói khát đến xin ăn. Nhà vua phải lễ cúng tế cho họ. Quốc vương nghe vậy, mới ngự giá tìm đến chùa thỉnh ý Phật Thích Ca. Phật bảo rằng – đó là những đầu bếp (do gian lận ăn cắp cơm gạo, thức ăn trong các lễ cúng dường ở thời Quốc vương Mahinta – cách nay đã 92 kiếp) khi chết đi thành quỷ ở cõi âm và bị phạt phải nhịn ăn, nhịn uống đến nay là 92 kiếp – nay biết Ngài (tức Quốc Vương Ping-pis-sara) là chủ của họ hồi tiến kiếp, nên họ mới đến đòi ăn. Vậy Ngài nên cúng dường, dâng cơm cho các tu sĩ, nhờ ân đức và lời kinh của các vị này chuyền phước đến bọn quỷ đó. Nhà vua vâng lời Đức Phật, bọn quỷ được ăn uống no nê, và được đầu thai kiếp khác, sau khi chịu những hình phạt về tội đã làm ra ở kiếp trước.
Từ sự tích trong kinh điển Phật giáo trên, nên người dân tộc Khmer tổ chức Lễ Đônta hằng năm thành phong tục, gắn với nghi thức tôn giáo nhằm nhờ sư sãi tụng kinh cầu phước cho ông bà, cha mẹ, họ tộc quá cố được mau chóng đầu thai kiếp khác sung sướng hơn


TRẦN THẾ VINH (An Giang)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét