Thứ Sáu, 30 tháng 12, 2011

Nhím biển- món ăn hải sản bổ dưỡng


Tôi được một người bạn mời đến thưởng thức món ăn hải sản ở làng Chài nổi trên biển, thuộc TP Nha Trang. Ở đây, có rất nhiều loại hải sản đang sống trong các lồng nuôi, như cá mú, mực, ốc, cua, tôm, ghẹ, chình biển… nhưng điều làm tôi tò mò nhất đó là con nhím biển (dân địa phương gọi là con nhum hay cầu gai) là loại giáp xác với thân hình bao bọc bởi một hệ thống gai nhọn tua tủa trông đến phát khiếp, nếu không có kinh nghiệm, thì chẳng thể nào cầm được nó lên để ngắm nghía.
Thấy tôi có vẻ tò mò với loại sinh vật biển này, bạn tôi mua mười con với giá 25 ngàn đồng/một con, rồi nói với tôi: “Hôm nay mình đãi cậu món đặc sản này nhé, nhìn nó gớm ghiếc vậy nhưng bên trong nó trái ngược hoàn toàn với hình dạng bên ngoài”. Khi đĩa nhím biển còn sống đặt lên bàn với một chén nhỏ mù tạt và ít lát chanh tôi không khỏi kinh hoàng hỏi: “Loại này ăn sống vậy sao?” Bạn tôi cười nói: “Loại này chế biến được nhiều món lắm như nấu cháo, nướng, chiên… mỗi kiểu chế biến đều có vị ngon đặc trưng của nó nhưng mình muốn cậu ăn thử món nhím sống trước để thưởng thức hương vị nguyên khai của nó”. Nghe bạn nói vậy, mặc dù rất ghê nhưng sự tò mò của tôi bỗng trỗi dậy một cách mãnh liệt. Tôi lấy con dao Thái can đảm tách lớp vỏ xù xì đầy gai nhọn của nó ra, qua cái lớp nhớp nhúa kia là 5 thùy của bộ phận sinh sản (điểm đặc trưng của động vật da gai). Màu sắc của nó từ màu rám nắng rồi ngả sang màu cam sáng, còn bề mặt thì từ mềm như bơ ấm đến chắc mịn, như một chiếc bánh ngọt ngào. Bạn tôi giải thích: “Màu sắc năm thùy của bộ phận sinh sản của nhím biển phụ thuộc vào những thức ăn và môi trường nơi nó sinh sống”. Tôi thích thú reo lên, rồi lấy chiếc muỗng nhỏ múc một múi chấm một chút mù tạt đã có chanh ăn thử, thấy ngon đến lạ kỳ. Mềm mại, đó là cảm giác đầu tiên. Rồi sau đó là vị mặn rất dịu dàng và kết thúc bằng hương rong biển, hòa quyện với vị cay nồng chua cay của mù tạt và chanh tươi tràn ngập lan tỏa hết tất cả các giác quan trong cơ thể. Dường như đó là một chu trình tự nhiên khi lần đầu tiên nếm thử món nhím biển. Tôi không thể tin rằng hương vị mỏng manh và sự mềm dịu xa hoa đó lại diễn ra bên trong những sinh vật sống mà bên ngoài có vẻ xấu xí và thô kệch. Bởi khi nếm chúng, tôi thấy cái vị khêu gợi của biển cả, một cảm giác lãng đãng trôi dạt như một thứ bọt biển xa xăm, cứ dập dềnh theo sóng, mê ly và dạt dào vẫn vỗ mãi trong tiềm thức không thôi, khiến cho tôi lúc nào cũng nghĩ tới nó. Điều hấp dẫn lạ lùng của nhím biển là các thùy của nó có chứa một hợp chất tự nhiên anandamide mà theo các nhà khoa học, đó là một tác nhân gây ra những cơn hưng phấn rất đỗi ngọt ngào mà người ta khó có thể chối từ. Bạn tôi nói vui: “Những thanh niên chưa vợ luôn được giới sành ăn nhím dặn dò là phải tăng cường rau răm để hãm bớt sự “rộn ràng phấn khích” sau khi ăn món này”. Thưởng thức món nhím biển mất nhiều thời gian và nhiều công phu- công phu cả người làm và công phu cả trong chuyện ăn. Còn sau đó, tác dụng của nó như thế nào thì... có trời mới biết. Nhưng nếu có cơ hội để thưởng thức một món lạ thì cũng nên thử để tự thấy nó có ứng nghiệm như lời đồn thổi của dân gian hay không. Nhím biển nấu cháo chung với các loại hải sản như: hàu, sò, ngao là cực kỳ hợp, dễ ăn, có vị ngọt gần như cháo trứng gà. Và dĩ nhiên, ăn một tô cháo nhím sau buổi tắm biển thì mau chóng phục hồi sức khỏe và tăng cường thể lực.
Chia tay với bạn, tôi không thể nào quên được món nhím biển mà bạn tôi đã giới thiệu. Tôi nghĩ bụng thế nào tôi cũng đưa cả gia đình đến thưởng thức một bữa để bồi dưỡng sức khỏe.
HOÀNG BÍCH HÀ(Cần Thơ)


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét