Thứ Ba, 27 tháng 12, 2011

Tiễn Người Quá Cố Theo Nghi Thức Công Giáo

(Theo Cha Nguyễn Trọng Hiếu- Dòng Tu Ngôi Lời - San Bernadino)
Dựa theo niềm tin của người Công giáo, cuộc hành trình đức tin của người Kitô hữu bắt đầu khi lãnh nhận Bí tích Rữa Tội.  Đây là nghi lễ thanh tẩy tâm hồn của một con người và tuyên nhận niềm tin vào Đấng đã tạo nên mình.  Nếu như con người đã một lần từ lòng mẹ được “sinh vào đời” để bắt đầu cuộc hành trình trên thế gian của mình, thì qua Bí tích Rữa tội con người một lần nữa “sinh vào đạo” để bắt đầu cuộc hành trình trở về lại lòng Cha, Đấng đã tạo nên sự hiện thân của mình trong vũ trụ.  Dù theo định luật tự nhiên của mọi sinh vật “sinh, lão, bệnh, tử”, thân xác con người sẽ hư thoái và tiêu hủy theo thời gian, cuộc sống của con người không chấm dứt ở sự chết của xác thân, mà vẫn luôn mãi tồn tại trong cuộc sống tâm linh của linh hồn mình.
Chính vì vậy, trong cuộc hành trình đức tin tại thế của con người, người Kitô hữu luôn được nuôi dưỡng tâm hồn mình qua lương thực tình yêu của Bí Tích Thánh thể; được hoàn chỉnh tâm hồn mình qua sự từ bi và hoán cãi của Bí Tích Giao Hoà; được thêm sức kiên cường trung can của ơn Chúa Thánh Thần qua Bí Tích Thêm Sức; được trọn vẹn trong tình yêu sáng tạo vũ trụ qua Bí Tích Hôn Phối; và khi mãn thành sứ mạng trên thế gian, người Kitô hữu một lần nữa được thanh liệm trong ân sủng qua Bí Tích Xức Dầu.
Đối với tâm lý bình thường của một con người, các sự kiện đánh dấu sự sinh tồn của con người là quan trọng.  Đối với đức tin của người Công Giáo, sự kiện qua đời của một con người sẽ là dấu tích quan trọng nhất vì sự kiện này nói lên niềm tin tối hậu của con người khi phó thác thân xác mình trong sự chết để khải phục hồi sinh trong cuộc sống vĩnh cữu ở Nước Trời.
Dựa trên nền tảng của niềm tin này, các nghi thức của Bí Tích Xức Dầu đều chú trọng vào việc chuẩn bị tâm hồn cho người trong giai đoạn cuối của cuộc đời như thể chuẩn bị cho một người trước khi đi dự buổi tiệc quan trọng nhất của một đời người.  Qua Bí Tích Xức Dầu, người Kitô hữu một lần nữa được mời gọi thanh tẩy lòng mình qua sự từ bi tha thứ của Thiên Chúa Cha, được hồi phục và thêm sức cho tâm hồn và đức tin qua dấu ấn dầu thánh của Chúa Thánh thần, và tiếp tục tham dự tiệc thánh tình yêu qua của ăn hiến tế của Đức Kitô. 
Dù rằng các Bí tích đều do các Linh mục chủ trì, tất cả mọi Kitô hữu và gia đình thân quyến đều được mời gọi dự phần trong các nghi lễ và qua các việc đọc kinh và cầu nguyện.  Các nghi lễ của các bí tích và việc đọc kinh cầu nguyện không những chủ đích giúp cho người sắp ra đi trong cảm nhận được tình yêu thương và mong đợi của Thiên Chúa và sự quay quần đỡ nâng của những người thân, gia đình, cộng đoàn dân Chúa, mà còn giúp cho những người còn ở lại cảm nhận được sự bình an trong sự cậy trông vào tình yêu của Thiên Chúa và sự hy vọng của ngày gặp lại người thân thương của mình trên Nước Trời.
Một khi được Thiên Chúa “cất về”, gia đình và cộng đoàn tiếp tục cầu nguyện và dâng lễ cho người “đã khuất”(nhưng không mất đi).  Các nghi thức tẩm liệm, khai tang của truyền thống văn hoá luôn được kết hợp với nghi lễ Misa của Công Giáo để cầu xin Thiên Chúa đón nhận linh hồn người quá cố.  Nghi thức hoặc thánh lễ “Vọng tang”(trước ngày an táng) là dịp để tất cả gia đình và thân quyến quây quần bên người quá cố để tưởng nhớ và cầu nguyện.  Thánh Lễ An Táng tại nhà Thờ để thánh hiến người thân thương trong tình yêu Cứu độ của Thiên Chúa.  Và qua nghi thức hạ huyệt, người Kitô hữu xin phó thác người quá cố vào lòng đất trong sự cây trông vào ơn Cứu Độ và Phục Sinh qua chính sự hy sinh mạng sống của Chúa Giêsu.  Quả thật, như chính Chúa Giêsu ngày xưa đã một lần hiến thân mình cho sự chết của xác thịt trong đau đớn, khổ đau, tang khóc, nhưng vẫn luôn cậy trông vào tình yêu của Thiên Chúa Cha và sự khải hoàn của chương trình Cứu Độ con người. Người Kitô hữu ngày nay, với những buồn thương, sầu khổ trong long mình, vẫn luôn cậy trông phó thác vào Tình Yêu Cứu Độ của Thiên Chúa.
Sau khi an táng, gia đình và người thân vẫn tiếp tục tưởng nhớ và cầu nguyện cho người quá cố qua thánh lễ cầu hồn và nghi thức cầu nguyện, đọc kinh trong tuần cửu nhật và bốn mươi. Cả về khía cạnh tâm lý con người, và khía cạnh tâm linh của đức tin, các nghi lễ và cầu nguyện nhằm mang lại niềm an ủi trước sự ra đi của người thân thương qua sự cậy trông vào lòng thương xót của Thiên Chúa và sự đỡ nâng và yêu thương trong sự hợp nhất của gia đình,thân quyến, cộng đoàn dân Chúa qua những nghi lễ, cầu kinh của truyền thống đức tin của người Công Giáo.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét