Thứ Năm, 29 tháng 12, 2011

Yên Tử – nẻo về tâm (phần kết)

Ninh Hạ


Chùa Một Mái

Một ngôi chùa? Trong hơi thở dập dồn, tôi ngẩn người. Chùa chỉ là một hốc núi nhỏ hẹp, một mái ngói đủ che. Ba bề vách núi, rễ cây, thân cây và rêu xanh phủ tràn mái ngói. Phía trước chùa được che chắn bởi vách gỗ sơn đỏ phai màu, ọp ẹp.

Chùa nằm ngay trên vực núi, lối vào cửa nhỏ có rào chắn rệu rạo để ngăn cách với vực sâu. Không gian chùa chỉ khoảng hơn một thước rộng và sáu thước dài. Trần núi chạm đầu, vừa đủ chỗ cho bàn thờ có hàng chữ Việt “Thường Trú Tam Bảo”.

Bên phải thờ tượng Tam tổ, theo lời sư cô, đây là những tượng xưa nhất còn lại. Tôi đếm được năm tượng nhỏ chưa đầy nửa thước. Ngoài ba Tổ, không biết các tượng kia là ai. Một tượng mặc phẩm phục triều đình. Ở đây tượng bằng đá, tróc sơn, trắng vàng loang lổ nhưng nét mặt lại rất tự nhiên gần gũi. Bát hương, chân đèn để lộn xộn trên bệ thờ thấp, tất cả đều bằng đá, bụi và tàn hương phủ bám đầy.

Cạnh bàn thờ Tổ là một vũng nước trong veo từ vách núi rỉ ra. Theo lời sư cô, đây chính là động thất mà vua thiền định. Sư cô chỉ lên trần núi thấp chạm đầu có một lỗ tròn nhỏ bằng đồng xu, nói rằng hàng ngày từ đây gạo từ trời rơi ra đủ cho ngài dùng một ngày. Âu cũng chỉ là truyền thuyết dân gian. Vua dù có đi tu thì chắc cũng không phải lo âu về ẩm thực. Ðây cũng là nơi trên suốt lộ trình Yên Tử tôi gặp ni sư, được chuyện trò và trao đổi. Những nơi khác đều là các nhân viên trai trẻ mặc thường phục, ngồi nhâm nhi trà nước, thuốc lá phì phèo, nhìn du khách và người thăm viếng như kẻ qua đường.

Có phải chính tại đây trong hốc núi lạnh, bảy trăm năm trước Ðiều Ngự Giác Hoàng từ bỏ cung vàng điện ngọc, thiền định khổ hạnh tu hành. Trong thoáng chốc, một niềm xúc động thiêng liêng tràn ngập.

Chùa Bảo Sái

Ni sư tiễn tôi trên bực thang cấp. Chỉ hơn nửa cây số trên dốc đứng đến Bảo Sái mà khách hành hương nhiều người bỏ cuộc quay về, trong đó suýt có tôi khi đã lên núi giữa trưa hè nóng rát. Nếu khởi hành từ sáng sớm và có nhiều bạn đồng hành mà lại đồng điệu, vào những ngày xuân, thu khí trời mát mẻ thì đường đi sẽ tới... nhẹ nhàng hơn.

Bảo Sái là ngôi chùa xưa nhất của Yên Tử cũng là nơi tôi khá thất vọng trong chuyến hành hương này. Vị trí chùa rất đẹp, dựa lưng vào vách đá. Chùa là một sự kết hợp vô duyên tân cổ. Ðiện thờ tối tăm. Câu đối, cửa chùa chạm trổ công phu lâu ngày không sơn quét bạc phếch. Ghế bàn lộn xộn. Dọc mái chùa một dãy đèn lồng đỏ choét như ở các tửu lầu bên Tàu treo lẫn với cờ Phật giáo.

Bên hông chùa là một động núi lớn nhìn xuống cây rừng và thung lũng phía xa. Cảnh trí tuyệt vời, ngồi ở đây dăm ba phút thì mệt nhọc và ưu phiền cũng sẽ tan nhanh. Nhưng thật đáng tiếc và rất chướng mắt khi trong khung cảnh thiên nhiên núi rừng đó người ta đã cho đặt một tượng Phật nằm có rào chắn bao quanh. Trên vách núi rêu phong treo hai chim phượng và bức hoành phi lạc điệu. Tất cả bằng đá xám như loại đá chùa Non Nước – Quảng Nam.

Gần đó, tại địa điểm đẹp nhất trên mỏm núi một tượng Phật Bà Quan Âm cũng bằng đá xám, trên vai khoác chiếc áo choàng có kim tuyến màu mè như thường thấy trong tuồng cải lương hay phim chưởng. Màu sắc và hình tượng của những “sáng kiến” này làm hỏng cả một vùng di sản. Tất cả phản ảnh trình độ và ý thức rất hạn chế của người có trách nhiệm bảo tồn hay muốn tân tạo.

Cổng trời – An Kỳ Sinh tượng đá

Theo sơ đồ chỉ dẫn, nếu từ Bảo Sái rẽ về tây trên đường ngang khoảng 184 thước sẽ đến chùa Vân Tiêu. Tôi không đến đó mà tiếp tục đi thẳng trên đường dốc, trèo qua những tảng đá cao – những chướng ngại cho người không đủ sức và lớn tuổi.

Gần tới đỉnh, gió càng lúc càng mạnh. Ðây là Cổng Trời. Trước mặt tôi bỗng hiện ra một tảng đá thiên tạo rất cao, đứng sừng sững in hình trên sườn núi. Ðá có hình như một đạo sĩ đang nhìn xuống quần sinh, vũ trụ. Ðó là tượng An Kỳ Sinh (còn gọi là Yên Kỳ Sinh) một nhân vật lịch sử và huyền thoại của Trung Hoa trên linh sơn đất Việt.

Trời còn sớm, đường tuy gian nan nhưng không còn xa, tôi tạm dừng chân bên tượng và nghĩ về nhân vật kỳ thú này.

Theo tương truyền Yên Kỳ Sinh đến tu tiên trên ngọn Tử Tiêu. Tên núi ghép với tên ông nên có tên gọi là Yên Tử. Chắc chắn ông không phải là một nhà sư như nhiều sách nhắc tới mà là một đạo sĩ luyện thuốc trường sinh. Gần tượng có động Dược am và Thung am (am thuốc và am luyện thuốc). Ông đến đây lúc nào? Ngoài tượng đá rêu phong trước mặt và hai am, dấu tích huyền thoại tưởng tượng của dân gian, có di tích hay sử sách nào ghi chép về ông?

Tương truyền Yên Kỳ Sinh đắc đạo ở đây. Vậy thì ông đã thành Chân Nhân hay Tiên Ông bất tử, còn dạo quanh đâu đó trên núi chăng? Có điều, Trung Quốc nổi tiếng với vô số núi thiêng như Hoằng Sơn, Thiên Thai, Nga Mi, Vũ Ðang, Ngũ Nhạc... sao ông không ở đó mà đến Yên Tử. Quả thật Yên Tử của đất Việt phải là chốn linh sơn. Bởi thế đối với chúng ta, An Kỳ Sinh là một nhân vật huyền thoại, thần thánh dân gian, nhưng với Trung Quốc thì đó lại là một nhân vật có thật.

Sử chép đời Tần Thủy Hoàng (201–206 BC) đạo sĩ An Kỳ Sinh đã tu tiên luyện thuốc trường sinh tại Phổ Ðà Sơn (thuộc tỉnh Triết Giang, nơi đây bây giờ là trung tâm du lịch và hành hương nổi tiếng. Hàng triệu người đến để chiêm bái tượng Quan Âm linh ứng cao 33 thước lồng lộng vượt trên rừng tử trúc đỏ rực. Ở đây còn có tảng đá để lại dấu chân của Phật Bà “Quan Âm khiêu”). Ông đã được Tần Thủy Hoàng triệu về cung và chuyện trò ba ngày, ba đêm.

Đường lên chùa Đồng
Nguồn: thuvienhoasen.org

Từ chối quan phẩm và không ở lại triều đình, ông ra đi và hẹn Tần Thủy Hoàng ngàn năm sau tìm gặp trên một đảo xa. Tần Thủy Hoàng thu giang sơn về một cõi, đặt mình ngang hàng với Tam Hoàng Ngũ Ðế, những thánh vương Trung Hoa thời lập nước, xưng là Hoàng Ðế, hiệu là Thủy Hoàng, tức là Hoàng Ðế đầu tiên. Ông muốn cho con cháu sẽ thay nhau kế nghiệp đến muôn đời, lấy danh hiệu Nhị Thế, Tam Thế... cho đến Vạn thế. Riêng ông thì muốn trở thành Chân Nhân, tiên bất tử, nên ra sức cho người lặn lội tìm thuốc trường sinh, hay cây “chi” là thứ thuốc lạ. Nhà vua cho Từ Sinh và Lư Sinh đi tìm An Kỳ Sinh.

Biển rộng sóng lớn không gặp được đạo sĩ, họ trốn đi luôn không về. Thủy Hoàng trút giận trên đầu Đạo sĩ và Nho sĩ, chôn sống 460 người ở Hàm Dương. (Nếu lúc đó biết An Kỳ Sinh đang ở Yên Tử thì Tần Thủy Hoàng đã tìm được và có thuốc sống cho tới bây giờ. Nếu vậy thì Mao Trạch Ðông đâu có!

Không cải được số trời, Tần Thủy Hoàng chết bệnh, chết yểu trên đường kinh lý. Xác phải lén che dấu đem về Hàm Dương. Hai con lên thay tàn ác như cha. Cuối cùng nhà Tần chỉ tồn tại 14 năm. Vua, đại thần đều hại nhau chết thảm thiết. Gieo ác gặp ác, luật nhân – quả rành rành.

Ðường đi đã tới: Chùa Ðồng.

Tượng An Kỳ Sinh trơ gan cùng tuế nguyệt ở lại sau lưng.

Lại leo lại trèo, có khi gần như bò trên đá núi. Qua bảy trăm thước, khách hành hương khoan khoái dừng chân trên đỉnh Yên Tử, hít thở không khí trong lành, phóng mắt nhìn trời đất bao la. Tỉnh Quảng Ninh rộng lớn nhìn thấy xa xa. Gặp ngày nắng trong, vịnh Hạ long thấp thoáng cuối chân trời.

Khách vào Thiên Trúc Tự.

ượng đá Anh Kỳ Sinh
Nguồn: thuvienhoasen.org

Chùa nằm trên đỉnh cao nhất của Yên Tử – 1068 thước trên mực nước biển. Ðể đến đây người đi đã vất vả, kỳ thú vượt đường núi dài ba cây số rưỡi, ba lần chiều cao của núi. Chùa Thiên Trúc chỉ là một chùa rất nhỏ được đúc bằng đồng nên gọi là chùa Ðồng.

Chùa dựng dưới triều Lê (1428–1527). Bão tố đã tàn phá chùa vào năm 1740. Năm 1930 chùa được xây lại bằng xi măng trên nền chùa cũ. Năm 1993, một chùa bằng đồng mới nhỏ lại được dựng cạnh chùa xi măng. Khách hành hương lên đây lễ bái hai chùa trên cùng một đỉnh núi.

Khách lên từ xa đã thấy lấp lánh, chói lòa mái chùa mới như đóa sen trong nắng. Ðây là ngôi chùa mới tái tạo thay thế hai ngôi chùa hiện có do sự đóng góp của Phật tử trong và ngoài nước. Thầy Thích Thành Quyết là người chịu trách nhiệm công trình xây dựng. Công ty Xây dựng Mỹ thuật Hà Nội được ký hợp đồng thi công.

Cô Phạm Thị Mai Hoa, Giám đốc công ty cho biết khó khăn nhất của công trình là vận chuyển các khối vật liệu nặng hàng tấn lên đỉnh trên đường núi gần bốn cây số để lắp ráp.

Chùa chiếm diện tích 20 thước vuông với sức nặng của 70 tấn đồng. Kiến trúc của chùa, kể cả bề cao và chiều dài cũng như thiết trí trong ngoài đều theo đúng mô thức thời Trần. Ngày 19/02/2007 vừa qua, trên ba mươi ngàn Phật tử từ khắp miền đất nước và hải ngoại tụ hội từ đêm trước, không màng gió lạnh căm của núi rừng để cầu nguyện và chờ hôm sau dự lễ khánh thành Hộ thần nhập tượng và Khai quang yên vị.

“Hễ lên tới chùa Ðồng, tôi luôn cảm thấy an bình, giải hết mọi khổ đau và phiền muộn”, một Phật tử hành hương đã nói thay cho những ai có dịp về Yên Tử, đứng tĩnh lặng trước chùa Ðồng tưởng nhớ, tri ân Trúc Lâm Ðầu đà ngộ đạo ở đây hơn bảy thế kỷ trước. Người đã chỉ cho chúng sinh con đường giải thoát phiền đau khổ lụy, chỉ cho chúng sinh một nẻo về: Nẻo về Tâm.

Thắc mắc vẫn còn...

Rời Yên tử, tôi ngủ đêm tại Hạ Long với những thắc mắc còn vướng bận và theo tôi về tận miền Trung tây Hoa Kỳ.

Ngọa Vân Am ở đâu?

Khâm Ðịnh Việt Sử Thông Giám Cương Mục (Chính Biên – Quyển thứ 10) có ghi rõ:

“Thượng Hoàng (Trần Nhân Tông) sau khi xuất gia, lên ở trong am Ngọa Vân trên ngọn Tử Tiêu núi Yên Tử, tự hiệu là Trúc Lâm đại sĩ. Lúc Thiên Thụy Công chúa (chị ruột của Thượng Hoàng) bị bệnh nặng, Thượng Hoàng xuống núi để thăm, khi trở về núi, đem công việc sau khi mất dặn lại người thị giả (Vị tăng ở gần để sai phái) là Pháp Loa (sau kế vị là Tổ thứ hai), dặn xong thì mất. Pháp Loa dùng phép hỏa hóa...”.


Ở đây không nói rõ nhưng chỗ khác có ghi ngài cũng chết tại Ngọa Vân Am, nơi ngài tu, vào tháng 11 mùa đông năm Mậu Thân 1308, hưởng thọ 51 tuổi. Lạ lùng nhất, ngài viên tịch cùng ngày giờ như đã hẹn với chị. Ngọa Vân Am như thế tất phải là nơi linh thiêng nhất, nơi phải đến của bất cứ ai muốn về Yên Sơn cúng lạy Sơ Tổ. Thế nhưng, trên bản đồ du lịch và trên nhiều sách vở lục tìm, Ngọa Vân Am... tuyệt tích.

Lòng thảnh thơi

Không ngờ chỉ sau một thời gian ngắn kể từ ngày rời Yên Tử, hôm thứ hai 09/07/2007 qua Vietimes tôi mừng vui nhận được tài liệu hình ảnh rất quí giá loan báo về việc khám phá kho báu bị bỏ quên của danh sơn Yên Tử, trong đó có hình ảnh của Ngọa Vân Am và có bia ghi rõ tháp Phật Hoàng, nơi Phật Hoàng Trần Nhân Tông viên tịch.

Một tấm hình quí giá khác khẳng định mộ tháp này là nơi lưu giữ một phần xá lợi của Ðiều Ngự Giác Hoàng. Việc này giải tỏa cho tôi những thắc mắc tồn đọng. Đúng như sách sử đã ghi, sau khi hỏa hóa nhục thân Thượng Hoàng đã thu được 1000 xá lợi (xương không cháy còn lại) . Một phần đưa về Yên Tử, chính là ở đây. Một phần thờ ở Ðức Lăng. Những thông tin sau đây đều trích từ nguồn tin đã dẫn.

Từ nguồn tin của lâm tặc, thợ săn người địa phương, một nhóm cán bộ có khả năng leo rừng như... khỉ của Bảo tàng Bắc Giang đã khám phá ra hệ thống chùa, am, tháp, mộ, tượng, bia đá và cây cổ thụ được trồng trong di tích vô cùng quý giá trên dãy Yên Tử hùng vĩ và bí ẩn. Nằm giữa mây mù và rừng nguyên sinh hoang rậm, cả hệ thống thiền viện, am, chùa cổ hiện ra với tòa ngang dãy dọc, với ngôi tháp đá xanh bảy tầng nguyên vẹn, với di tích am Ngọa Vân.

Cả rừng mộ tháp bị nhồi bộc phá, bị khoét hang, khoét hầm hòng tìm bới cổ vật; cả hệ thống các cây vải, quýt, bưởi, nhãn, đại, thông được trồng từ bảy trăm năm trước bị đánh gốc xẻ thịt.

Những phát hiện trên đây đã gây sửng sốt trong giới khoa học (và xúc động cho tăng ni, Phật tử). Sau hàng thế kỷ bị lãng quên, giữa rừng già, con đường của các bậc chân tu đắc đạo đã được chính thức ghi nhận. Ðể có được khám phá kỳ diệu thiêng liêng – vẻ đẹp quyến rũ độc nhất vô nhị và cả nỗi đau bị tàn phá của hệ thống di sản này, nhóm phóng viên đã vất vả 4 ngày đi bộ ròng rã và 3 đêm ngủ giữa rừng.

Những người khám phá đã chọn đúng con đường chinh phục: sườn tây Yên tử đi từ tỉnh Bắc Giang, khác hẳn con đường bao nhiêu chục năm nay thường đi từ Quảng Ninh. Như vậy, trong tương lai nếu Bắc giang khai thác du lịch thì danh sơn Yên Tử có thể thuộc về cả hai tỉnh Bắc Giang hay Quảng Ninh, tùy thuộc đường lên núi theo sườn núi phía tây hay phía đông bắc.

Hẹn một ngày về

Tôi đang bị rừng nguyên sinh và các bãi đá kỳ dị, những di tích tăng tổ lâu ngày lãng quên của sườn tây quyến rũ. Hẹn với lòng, lần này sẽ đốt nén hương trầm nơi ngài mất: Ngọa Vân Am. Một nén trên mộ bia Phật Hoàng, nơi xá lợi của ngài, phần xương cốt của ngài, hơn bảy thế kỷ trôi qua nằm gắn bó trong lòng đất Việt.

Những nhà khảo cổ, Phật học và bảo tồn di sản dân tộc trong ngoài nước: Yên Tử đang chờ!
Tham khảo:
–Khâm Ðịnh Việt Sử Thông Giám Cương Mục, Viện Sử Học dịch. Hà nội 1998
–Ðại Việt Sử Lược. Khuyết danh, Nguyễn Gia Tường dịch. TpHCM 1993
–Việt Sử Tiêu Án. Ngô Thời Sĩ, Văn Hóa Á Châu dịch. Saigon 1960
–Sử Trung Quốc. Nguyễn Hiến Lê, TpHCM 2006
–Sử Ký Tư Mã Thiên, Nguyễn Hiến Lê và Giản Chi dịch, Saigon 1968
–Những Ngôi Chùa Danh Tiếng – Nguyễn Quảng Tuân, Viện Nghiên Cứu Phật Học Việt Nam, 1990
–Mùi Trầm Hương – Nguyễn Tường Bách, TpHCM 2002
–Tạp Chí Hoa Sen số 59, California 2007
–Trang Mạng: Thiền Tông Việt Nam, Thư Viện Hoa Sen, ACSN.online Footprintsvietnam.com

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét