Thứ Năm, 29 tháng 12, 2011

Yên Tử – sử cũ, người xưa (phần 3)

Ninh Hạ


Huyền Quang (1254–1334) – thi sĩ thiền sư, mặc áo Bụt ở với ma


Ai là Tổ thứ ba kế thừa Pháp Loa?

Thiền sư Huyền Quang cận kề, hỏi pháp bên giường bệnh của Pháp Loa trước giờ lâm chung. Nhưng Pháp Loa có truyền y bát truyền thừa rõ ràng để trở thành Tổ thứ ba của Trúc Lâm Yên Tử, như đã được viết trong Việt Nam Phật Giáo Sử Lược của Thích Mật Thể, lại là một câu hỏi. Một vài điểm cần được giải thích

–Vua Trần Anh Tông rất kính trọng và có mối liên hệ rất tốt với Pháp Loa tuy rằng sư còn trẻ. Với Huyền Quang lại không được như vậy. Bằng chứng là đã cho cung nữ tín cẩn dụ dỗ Huyền Quang để thử thách về đạo hạnh lúc sư đã ở tu trong núi và đã 60 tuổi (sẽ nói rõ sau).

–Vua Anh Tông là người chủ trì việc trao y bát cho Pháp Loa từ tay vua cha, Sơ tổ Ðiều Ngự Giác Hoàng, để trở thành tổ thứ hai. Anh Tông chắc chắn sẽ rất lưu tâm về việc chọn tổ thứ ba. Nhưng khi sắp chết, Anh Tông không chịu gặp Pháp Loa. Lý do gì? Bất đồng về việc chọn người kế truyền chăng?

–Vua Trần Minh Tông, kế vị vua cha Trần Anh Tông, giữ mối liên hệ với Pháp Loa còn tốt hơn. Bằng chứng đã đến thăm, cho thái y chạy chữa khi Pháp Loa bệnh nặng sắp mất. Sau khi chết lại cấp vàng xây mộ tháp. Lần gặp sau cùng này, với trách nhiệm đối với đất nước, với đạo pháp và nhất là với sơ tổ Trần Nhân Tông, vua không thể không hỏi Pháp Loa về người truyền thừa ngôi tổ. Nếu tổ thứ ba Pháp Loa chọn là Huyền Quang, thì sao không công khai truyền y bát. Lại nữa, nếu đã rõ ràng như vậy thì lúc sắp chết vua Trần Minh Tông đã không gọi sư Kim Sơn là Trúc Lâm Thiền Tổ Thứ Ba (Trúc Lâm Tam Ðại Thiền Tổ)

Sở dĩ có sự rối rắm thắc mắc, suy diễn này chỉ vì bản Tổ Gia Thực Lục, sách ghi rõ tiểu sử của ba vị tổ của Trúc Lâm đã bị lấy mất.

Thử đọc lại đoạn sử ly kỳ liên quan đến quyển sách này. Nhà Minh lúc sang đánh chiếm Việt Nam vào năm 1407–1428, vơ vét sách vở và tất cả đồ quý đem về Kim Lăng, trong số đó có bản Tổ Gia Thực Lục. Vị thượng thư nhà Minh là Hoàng Phúc, khoảng 1426–1435, là người nhận sách và giữ sách.

Trong suốt thời gian giữ sách trong nhà, ông thường mơ thấy sư Huyền Quang hiện ra đòi ông đem trả sách về cho Việt Nam. Chưa có cách nào trả lui, ông cho làm chùa ở làng mình lấy tên là Chùa An Nam, Thiền sư Huyền Quang, để phụng thờ. Chùa rất linh ứng khi con cháu cầu đảo.

Ðến khoảng năm 1522 – 1558, tức là hơn một trăm năm sau, Tô Xuyên Hầu Lê Quang Bí, triều Lê, đi sứ sang Tàu. Ðến năm 1569, mười chín năm sau, mới trở về nước. Cháu bốn đời của Hoàng Phúc là Hoàng Thừa Tổ lại nằm mơ thấy sư nhắc chuyện trả sách đúng theo lời tổ phụ lưu truyền. Hoàng Thừa Tổ tìm đến tiễn sứ và trả sách Tổ Gia Thực Lục để sứ đem về.

Trong sách này trang cuối ghi rõ Huyền Quang được phong là “Trúc Lâm thiền sư đệ tam đại, đặc phong tự pháp Huyền Quang tôn giả”.

Căn cứ trên Tổ Gia Thực Lục, vào thế kỷ 18 Ngô Thời Nhiệm đã viết nên tác phẩm “Tam Tổ Thực Lục”. Từ đó chính thức thừa nhận ba tổ của Trúc Lâm Thiền phái là Ðiều Ngự Trần Nhân Tông, Pháp Loa và Huyền Quang. Bản thân Ngô Thời Nhiệm, một trí thức hàng đầu, một sử gia lừng lẫy của Việt Nam theo giúp vua Quang Trung, cuối đời cũng vào Trúc Lâm tu học, lấy pháp danh là Hải Lượng. Tự xưng là “Trúc Lâm đệ tứ tôn”.

Theo bước Nhân Tông.

Sư tên là Lý Ðạo Tải, cha thuộc dòng dõi quan liêu. Khác với Hiện Quang và Pháp Loa dung mạo tuấn tú, Huyền Quang hình dung kỳ dị (nói gọn là xấu trai) nhưng rất đỗi thông minh. Mới 21 tuổi đã thi đậu trạng nguyên, được bổ làm quan ở Hàn Lâm Viện và đi sứ Trung Hoa. Có nơi thì nói là tiếp sứ.

Ông nổi tiếng về tài văn thơ khi ứng xử nên được nể phục. Không những những người giàu sang, thượng quan triều đình đòi gả con, mà An Sinh Vương (Thân sinh của Hưng Ðạo Vương Trần Quốc Tuấn) cũng đòi gả cháu là công chúa Liễu Nữ. Ông từ chối nhất định sống độc thân.

Một hôm theo vua Trần Anh Tông đến chùa Vĩnh Nghiêm nghe Thiền sư Pháp Loa thuyết pháp, ông giác ngộ. Từ quan xuất gia theo hầu Ðiều Ngự và Pháp Loa với pháp hiệu Huyền Quang do chính thượng hoàng đặt cho. Kể từ đó cho đến khi Ðiều Ngự mất, ba thấy trò cùng nhau đi khắp nơi để truyền pháp cho đại chúng.

Lúc gặp Pháp Loa, ông bước qua tuổi năm mươi, tuổi để biết trời cho được gì – ngũ thập tri thiên mệnh. Với Pháp Loa, so về tuổi tác ông vào hàng cha chú. Về học vấn, văn thơ thế tục thì cũng vượt xa. Sau cùng về từng trải và kinh nghiệm đời thì khỏi cần nói đến. Thế mà chỉ nghe Pháp Loa giảng kinh, ông bỗng tỉnh thức bước theo con đường tìm giác ngộ. Pháp Loa quả thật là một thiền sư xuất chúng.

Sư mất tại Côn sơn ngày 23 tháng Giêng năm Giáp Tuất. Thọ 80 tuổi.

Mặc áo Bụt ở với ma.

Sử thần Ngô Thời Sĩ nhận xét về Huyền Quang: “Cuộc đời của sư đạm bạc giản dị đơn sơ”. Khi trú trì ờ chùa Hoa Yên (1) kế tục Pháp Loa, hàng nghìn tăng ni theo học. Ngoài việc in kinh, lập chùa, sư nổi tiếng nhân đức vì việc làm bố thí. Từ thượng quan đến cùng đinh dân dã đều ngưỡng mộ đạo hạnh của sư, không ai nghi ngờ. Chỉ trừ một người: Trần Anh Tông.

Chùa Hoa Yên (núi Yên Tử)
Nguồn: i152.photobucket.com
Nếu những việc khác trong sự nghiệp trị nước, vua được cho là sáng nên được liệt vào hàng minh quân. Nhưng có nhiều việc làm, đặc biệt cho cung phi vào núi dụ dỗ để thử Huyền Quang lúc sư đã 60 tuổi thì rõ ràng ông có hành động ấu trĩ nông nổi của một u quân. Một dạng thức bệnh tâm lý.

Về nhà Trần, các nhà sử học cho rằng một trong những điều rất hay là chế độ vua cha nhường ngôi cho con, lui về làm thượng hoàng. Như vậy vua trẻ có thời gian thực tập công việc trị nước dưới sự cố vấn, giám sát và giáo dục nghiêm khắc của vua cha. Nếu không có việc này thì có lẽ nhà Trần đã nhiều phen mất ngôi. Một trong những ví dụ là trường hợp Trần Anh Tông.

Lúc đã lên ngôi, là vua lãnh đạo nước, Trần Anh Tông vẫn còn nhiều thói hư và việc làm bất xứng.

Việc thứ nhất, đêm đêm cùng đám hầu cận, vua lẻn khỏi cung điện đi chơi la cà cho tới sáng. Có hôm bị côn đồ ném đá lủng đầu chảy máu. Nhờ đám lính hô lên “Nhà vua đấy!” nên côn đồ bỏ chạy. Thoát nạn, vua mang đầu máu về cung. Thượng hoàng thấy hỏi... lắc đầu chặc lưỡi.

Việc thứ hai, Thượng Hoàng ở phủ Thiên Trường về cung để “kiểm tra bất thần” không thấy vua con ra nghênh đón. Chờ đến bữa cơm dọn ra, vua cũng biệt tăm. Hỏi ra mới biết vua uống rượu quá say ngủ mê mệt, đánh thức cũng không tỉnh lại được. Thượng hoàng giận lắm quay về đã muốn phế bỏ, cho lệnh các quan hôm sau đến “trình diện”. Khi tỉnh rượu nghe nói, vua bủn rủn tay chân, không kịp đem theo quân hầu, vừa đi vừa chạy đến lạy cha xin tạ tội. Trên đường đi, bối rối suy nghĩ chưa biết phải ăn nói giải thích làm sao với thượng hoàng thì gặp học sinh thất nghiệp Ðoàn Nhử Hài đang đi lất phất. Vua nói qua chuyện mình, Nhử Hài phóng bút viết lời trần tình. Vua cho đi theo và đẩy đi trước đến quỳ gối đội đầu dâng sớ. Thượng hoàng không tiếp. Trời bỗng mưa to gió lớn, Nhử Hài đánh nước lỳ, tiếp tục quỳ.

Thượng Hoàng vốn là Phật sống, động lòng phải tiếp đọc. Ðọc tờ biểu xong hết giận, gọi vua vào quở trách và hỏi tác giả của bài văn. Vua thành thật khai báo. Thượng hoàng biết Nhử Hài là kẻ có tài, từ đó trọng dụng.

Vua thoát tội bị phế truất, phong ngay cho vị cứu tinh non choẹt mới 20 tuổi, miệng còn hôi sữa làm Ngự Sử Trung Tán và từ đó trở thành một cận thần thân tín và đảm nhận nhiều trọng trách, rạng rỡ lưu danh. Vua ăn năn và thề bỏ rượu.

Miệng còn hôi sữa là chữ do các quan trong triều nhạo báng Nhử Hài. Lấy theo câu “khẩu tồn nhũ xứ” mà vua Hán Cao Tổ chê Bá Trực, tướng của Ngụy là trẻ con.

Việc thứ ba, tổ tiên nhà Trần vốn là người Phúc Kiến Trung quốc sang Việt Nam chuyên nghề đánh cá, vì thế có cổ tục xâm mình. Tục này xưa thì rất phổ biến trong nhân gian sau này không còn, chỉ còn lưu truyền trong dòng dõi hoàng tộc nhà Trần. Tất cả vua kế nghiệp đều xâm hình rồng trên bắp đùi. Hôm Thượng Hoàng đến để chứng kiến việc này thì vua Trần Anh Tông né đi chỗ khác, Thượng Hoàng biết ý lờ luôn (hay Thượng hoàng đã muốn dẹp từ lâu mà chưa có cớ). Kể từ đó tục này được bãi bỏ.

Chính sử sau này ca tụng vua Trần Anh Tôn đã có một hành động cách mạng cải cách hủ tục, nhưng nên coi lại. Vua vốn ham đi chơi đêm bên ngoài nên giấu giếm tông tích cho dễ bề trác táng. Có lần đã bị ném đá bể đầu may chúng biết là vua nếu không thì đã vỡ sọ. Bằng lòng cho xâm hình rồng trên bắp đùi thì chốn ăn chơi khi trần truồng làm thế nào che dấu tông tích mình là vua. Vì thế Trần Anh Tông phải né cũng là điều dễ hiểu.

Việc thứ tư, Trần Anh Tông dự phần trong việc làm cho Phật giáo thời cuối Trần đi lệch con đường chính đạo để nhuốm nhiều yếu tố mê tín dị đoan. Anh Tông cho phép đạo sĩ Tồn Ðạo từ Trung Quốc đến lưu trú và hành nghề phù thuật. Phù thủy, phù chú, cầu đảo... bắt đầu từ đây.

Lại nữa, một tăng sĩ Lạt Ma Giáo người Hồ (Tây Tạng?) tên là Du Chi Bà Lam với nhiều phép thuật đã đến và phổ biến bùa chú huyền bí mê tín, áp dụng lệch lạc mật tông. Ông được vua Trần Anh Tông ưu đãi, ở lại Thăng Long và chết tại đây. Tại sao ông được nâng đỡ như vậy? Ðơn giản, Vua thấy con gái của ông thầy Tây Tạng này là Da La Thanh đẹp nên sung vào hậu cung!

Việc tệ nhất là sai cung nữ thị Bích vào chùa trong núi sâu Yên Tử dụ dỗ ngài Huyền Quang.

Trần Anh Tông là một vị vua giỏi nhưng từ thuở trẻ đã ham mê tửu và sau này đã bỏ, nhưng ham mê sắc dục thì đến chết chắc cũng không chừa. Anh Tông thấy một Huyền Quang lúc trẻ có tài có chức trọng, lại một mực khước từ xa lánh mọi quyến rũ của nữ giới, kể cả công chúa, vào chùa đi tu thì khó tin được, cho là chẳng qua là chưa gặp người gặp cảnh. Huyền Quang hay Anh Tông đều là chúng sinh như nhau. Phải đánh đổ thần tượng để cho mình không còn mặc cảm Bụt và ma.

Trần Anh Tông ban cho Huyền Quang vàng có dấu ấn, sai thị Bích vào chùa tu để quyến rũ sư cụ Huyền Quang lúc này đã 60 tuổi để lấy vàng này đem về. Thị Bích thấy ngài đạo hạnh trang nghiêm tôn kính không thi hành mưu kế được, về tay không thì đắc tội với vua đành khóc lóc kể lể gia cảnh lâm nguy. Cha là tri huyện thâu thuế bị cướp nếu không bù lại sẽ bị hành tội. Nghe lời bàn của tăng ni, sư đem cho vàng. Thị Bích đem về khoe với vua đã thành công mỹ nhân kế. Nhưng Anh Tông sau giây phút nông nổi đã hối hận. Khi mọi việc sáng tỏ, vua mở hội mời sư về làm lễ và tạ tội.

Thiền sư Hiện quang trước đây vì bị nghi oan phải vào núi tu. Huyền Quang đang tu trong núi, vua và thị Bích mưu đem oan tới, sư chạy đi đâu?

Sư chưa hề biện bạch, như lời thơ của sư viết:


“Tay cầm dùi mõ tay nâng sáo.
Thiên hạ cười ta cứ mặc tình.
Thủ bả suy thương hòa thái thác.
Ðồ gia nhân tiếu lão tăng mang”.


Nhưng mãi gần năm trăm sau, năm Tân Mùi (1751), dưới triều Lê, chánh tiến sĩ đốc trấn Ngô Thì Sĩ, nhà trí thức, người viết và phân tích sử sắc bén đã soạn lời giải thay cho sư mang tựa đề “Huyền Quang hành giải”. Xin trích một vài luận cứ ngắn.

“Việc làm ra mà mọi người giống nhau, nếu có người khác liền nghi. Còn lời nói ra mà mọi người không giống nhau, nếu có người chủ trì thì tin”.

“Nay tôi sống cách xa sư không biết mấy trăm năm. Nghĩ đến việc giải quyết những nghi ngờ do miệng ngoa truyền của thế tục há không thể đem gia phổ, thi ca của sư để làm công án ư?”

“Khí chất núi rừng khói ráng thể hiện trong ngôn từ. Con người đạm bạc giản dị đơn sơ, tưởng cũng có thể thấy được. Thì đâu có cái chuyện nói năng không gốc gác như thế tục ngoa truyền?”

“Sự việc của sư đã rõ ràng, thì chuyện mâm tỏi thành đồ chay trở nên vớ vẩn. Nhà vắng đem ra mà xét lại, thì có thể nói rằng: vua Trần nhiều lần sai thử sư mà sư không thể phạm...”


© DCVOnline


DCVOnline: (1) Chùa Hoa Yên thường gọi là chùa Cả, tọa lạc trên núi Yên Tử, ở độ cao 516m. Theo sách Từ điển di tích văn hóa Việt Nam (Hà Nội, 1993), chùa nguyên tên là Vân Yên, do Thiền sư Hiện Quang dựng vào cuối thời Lý. Kế tiếp là Thiền sư Đạo Viên, Thiền sư Đại Đăng, Thiền sư Tiêu Diêu, Thiền sư Huệ Tuệ, Trúc Lâm Đại sĩ tức Điều Ngự Giác Hoàng Trần Nhân Tông (1299) v.v... Điều Ngự Giác Hoàng cho mở chùa Vân Yên to rộng, tả hữu dựng viện Phù Đồ, lầu chuông trống, nhà dưỡng tăng, nhà khách, dưới sườn núi dựng nhà cửa suốt đến xứ Thanh Lương. Tăng đồ khắp nơi đến nghe giảng yếu chỉ Thiền Tông rất đông. Chùa Vân Yên trở thành trung tâm Phật giáo thời bấy giờ. Đến khoảng niên hiệu Hồng Đức (1470-1497), Vua Lê Thánh Tông lên thăm chùa, thấy cảnh hoa nở đầy sân, bèn cho đổi tên là Hoa Yên. Ngôi chùa hiện nay được xây dựng nhỏ. Trước chùa có Huệ Quang Kim tháp xây năm 1310 an táng xá-lợi Trần Nhân Tông và hơn 40 tháp lớn nhỏ khác, đều là tháp cổ đời Trần. (Nguồn: www.thuvienhoasen.org)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét