Thứ Ba, 31 tháng 1, 2012

Đền thờ ba danh nhân trong một nhà ở Đồng Nai

Hiếm có vị tướng nào mà trong gia đình có 3 người đều được dân chúng dựng đền thờ xem là phúc thần (Tam công) như Nguyễn Tri Phương cùng em trai và con đẻ. Ngoài đền thờ họ Nguyễn Tri ở quê cũ Phong Điền (Thừa Thiên - Huế), tại đất Đồng Nai cũng có một ngôi đền mà trong đó Đức Ông Nguyễn Tri Phương được xem là thành hoàng của địa phương.
Thành hoàng là danh tướng
Qua cầu Gành thuộc phường Bửu Hoà, Biên Hoà, nhìn về hữu ngạn sông Đồng Nai sẽ thấy khu đền thờ anh hùng dân tộc Nguyễn Tri Phương. Đền thờ quay mặt ra sông, bờ bên kia là Cù lao Phố sầm uất. Khuôn viên đền rộng khoảng 3.000m2, mặt trước đắp nổi 3 chữ Hán: Mỹ Khánh đình (vùng đất này xưa kia thuộc làng Mỹ Khánh, dinh Trấn Biên).
Tượng Đức Ông tạc bằng gỗ mít trong chánh điện (trái). Các mảnh giáp trụ còn lại của danh tướng Nguyễn Duy (phải).
Không ai nhớ rõ ngôi đình này được lập từ bao giờ, chỉ biết trước đó là ngôi miếu thờ Thành hoàng bổn cảnh, đến năm 1803 thì được trùng tu thành đình và đến năm 1873 thì đình Mỹ Khánh cũng chính là đền thờ Tam công.
Diện tích của đền là 500m2, với kiến trúc theo lối chữ Công (I) gồm tiền đình, chánh điện và khách xá, mái lợp ngói vảy cá. Đỉnh chánh điện đắp lưỡng long tranh châu và đôi phụng hoàng bằng gốm men xanh nổi tiếng của Trấn Biên xưa. Họ tộc Nguyễn Tri tại TPHCM đã dựng bia khắc ghi công trạng của Nguyễn Tri Phương ở trước sân đình. Các bao lam bằng gỗ quý chạm trổ hoa điểu, tứ linh rất công phu.
Trong chánh điện treo nhiều bức hoành phi, liễn đối sơn son thếp vàng hàng trăm năm tuổi cùng đồ bát bửu, giá binh khí, áo mão... Nếu tính từ ngoài sân vào điện thì có đến 3 bức tượng Nguyễn Tri Phương. Trên hương án thờ chánh thần là tượng Đức Ông Nguyễn (cũng là bức tượng chính của đền) được khắc bằng gỗ mít đặt trên ngai chạm hình đầu rồng, sơn son thếp vàng tinh xảo.
Tam vị tôn thần
Bên tả và hữu chánh điện thờ hai vị Tán lý quân vụ Nguyễn Duy và Phò mã Đô uý Nguyễn Lâm. Nguyễn Duy (1809 - 1861) tự là Nhữ Hiền, em trai Nguyễn Tri Phương, thi đỗ Tam giáp đồng tiến sĩ vào năm 1842.
Năm 1860, ông được phong chức Gia Định quân thứ Tán lý quân vụ, trông coi việc quân sự ở Gia Định cùng Nguyên soái Nguyễn Tri Phương. Ngày 24/2/1861 quân Pháp tấn công Đại đồn Chí Hoà. Nguyễn Duy bị tử trận, Nguyễn Tri Phương và Phạm Thế Hiển bị thương nặng, phải rút quân về Biên Hoà đắp đồn luỹ, lập trận tuyến phòng thủ.
Trên sông Đồng Nai, Nguyễn Tri Phương cho đắp cản bằng đá ong để ngăn chặn tàu thuyền địch. Một trong những bức tường cản còn lưu lại tới ngày nay là "cản" ở khúc sông trước đền thờ Nguyễn Tri Phương bây giờ.
Trước khi điều Nguyễn Tri Phương ra giữ thành Hà Nội, vua Tự Đức đã lệnh cho đích thân trông coi việc cải táng, đưa linh cữu Nguyễn Duy về Thừa Thiên an táng. Sau khi cải táng, người dân Biên Hoà đã đắp lại ngôi mộ ở chỗ cũ để thờ vọng. Ngày nay trên bàn thờ Nguyễn Duy có thờ mấy mảnh giáp trụ, chóp mũ chiến đã nám khói súng của ông.
Phò mã Nguyễn Lâm (1844 - 1873) là con trai thứ hai của Nguyễn Tri Phương, được vua Tự Đức gả em gái là công chúa Đồng Xuân (con vua Thiệu Trị) và phong cho chức Phò mã Đô úy. Ngày 20.11.1873, Pháp tấn công thành Hà Nội. Nguyễn Lâm được cha giao chỉ huy giữ cửa đông nam bị trúng đạn tử trận, Nguyễn Tri Phương bị thương nặng, kiên quyết không cho quân Pháp cứu chữa rồi tuyệt thực đến chết 1 tháng sau đó.
Đích thân vua Tự Đức tự soạn bài văn tế cho ba vị công thần Nguyễn Tri Phương, Nguyễn Duy, Nguyễn Lâm và cho lập đền thờ Trung hiếu từ tại quê nhà. Tại Đồng Nai, người dân cũng tạc tượng thờ "Tam vị tôn thần" và đình Mỹ Khánh trở thành đền thờ Tam công từ đó đến nay.
Đền thờ Nguyễn Tri Phương đã được xếp loại Di tích lịch sử cấp quốc gia vào năm 1992. Hàng năm tổ chức lễ Kỳ yên long trọng vào hai ngày 16, 17 tháng 10 Âm lịch với những nghi thức tiến thần, diễn hành lễ bộ, tống phong... rất độc đáo và đẹp mắt.
K.D (st)


Kỳ bí ngôi đình cổ 4 xe bọc thép kéo không sập

Ở làng Thạch Tân, xã Tam Thăng (Tam Kỳ, Quảng Nam) có ngôi đình cổ và một cây rõi thân to 5 người ôm không xuể nổi tiếng... thiêng(?!). Vì rằng, ngôi đình đã từng bị lính Mỹ buộc xích sắt vào 2 chân cột gian giữa, dùng 4 xe bọc thép M113 kéo mà không sập. Còn cây rõi cứ đứng hiên ngang chọc trời giữa một vùng quê điêu tàn, đổ nát trong suốt những năm chiến tranh bom đạn ngút ngàn. Chúng tôi trở lại Thạch Tân để tìm hiểu, giải mã những câu chuyện kỳ bí này...
Ngôi đình cổ “linh thiêng”
Làng Thạch Tân, cùng với làng Vĩnh Bình của xã Tam Thăng, đã lập nên một kỳ tích trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước. Đó là, chỉ chưa đầy 2 năm, từ tháng 5/1965 đến năm 1967, thực hiện chủ trương của Tỉnh ủy Quảng Nam, Đảng bộ Tam Kỳ, quân và dân các ngôi làng này đã đào được 32km địa đạo chạy quanh co trong lòng đất qua các thôn, xóm làm nơi ẩn nấp cho bộ đội và du kích đánh giặc. Trong khi, thủ phủ của tỉnh Quảng Tín (nay là tỉnh Quảng Nam) của chế độ Sài Gòn đặt tại Tam Kỳ, cách Tam Thăng vài ba cây số theo đường chim bay.
Hình thành và tồn tại ngay "sát nách" giặc, sau khi chiến tranh kết thúc, địa đạo Kỳ Anh (Kỳ Anh là tên xã Tam Thăng ngày trước - NV) dưới lòng cát trắng được công nhận Di tích lịch sử văn hóa cấp Quốc gia và được xếp vào "top" trong số ba địa đạo lớn nhất nước, cùng với địa đạo Củ Chi ở TP HCM, địa đạo Vĩnh Mốc ở Quảng Trị - những địa đạo đã góp phần làm nên một miền Nam “Thành đồng Tổ quốc”!...
Ngôi đình cổ làng Thạch Tân
Có một điều ít ai được biết về ngôi đình cổ của làng Thạch Tân, dưới nền đình là kho chứa lương thực và một trạm y tế tiền phương của cách mạng; cũng là một cứ điểm quan trọng trong chuỗi địa đạo liên hoàn Kỳ Anh. Trong ngôi nhà tình nghĩa được Bộ Công an xây tặng, ông Lê Khắc Phiến, nguyên Trưởng An ninh Thạch Tân trong những năm chiến tranh ác liệt, hồi tưởng lại chuyện cũ, kể cho tôi nghe chi tiết việc đào hầm dưới ngôi đình cổ. Theo lời ông Phiến, sinh thời ông nội và cha ruột ông cho hay, đình làng Thạch Tân xây dựng đã hơn 300 năm trước, thờ phụng bậc tiền nhân có công khai hoang, vỡ đất, lập ấp, lập làng.
Do là đình cổ nổi tiếng linh thiêng nên khi đào địa đạo Kỳ Anh, quân và dân làng Thạch Tân quyết định đào một căn hầm sâu trong lòng đất, dưới nền đình để tránh sự nhòm ngó của giặc khi chúng càn vào làng. Ngoài một kho chứa lương thực, căn hầm còn dành một gian nhỏ làm trạm y tế để sơ cứu thương binh trước khi đưa về căn cứ ở núi Trà My. Hầm có ngách ăn thông với địa đạo để dễ bề cho bộ đội và du kích vận chuyển lương thực, thương binh về đây; đồng thời cũng phòng ngừa khi giặc phát hiện có thể nhanh chóng sơ tán người và tài sản...
Bất chợt, ông lão tuổi đã ngoài "cổ lai hy" nhìn tôi bằng ánh mắt đượm buồn và nói rằng, hồi đó, nhân dân vùng Đông của Tam Kỳ, Núi Thành, Thăng Bình, Duy Xuyên... đóng góp gạo nuôi quân mỗi năm hàng chục tấn, du kích địa phương mang về tập kết trong kho dưới đình Thạch Tân để giao lại cho cán bộ đường dây liên lạc chuyển lên căn cứ địa cách mạng ở Trà My. Anh em bộ đội, chủ yếu là người miền Bắc, công đồn bị thương cũng chuyển về hầm sơ cứu mới tiếp tục đưa đi. Tuy nhiên, những lúc giặc vây kín thì phải nằm lại chờ. Vì thế, những trường hợp bị thương nặng hy sinh tại trạm y tế rất nhiều. Đã có hàng trăm bộ đội hy sinh trong căn hầm dưới nền đình Thạch Tân...
Ông Phiến xác nhận, chuyện ngôi đình bị giặc Mỹ buộc dây xích sắt vào hai chân cột ở gian giữa rồi cho 4 xe bọc thép M113 đồng loạt nổ máy kéo, với mục đích đánh sập ngôi đình, nhưng đình vẫn đứng trơ trơ là có thật. Ngay cả ông cũng không thể hiểu vì sao lại có chuyện lạ lùng như vậy. Đoạn ông Phiến kể ngọn ngành...
Đó là thời điểm sau Tết Mậu Thân - 1968. Trong số chiến sĩ của Huyện đội Bắc Tam Kỳ bất ngờ có một gã tên Cẩm ra hàng giặc. Oái ăm là tên Cẩm từng ở với gia đình cơ sở cách mạng ở Thạch Tân là ông Nguyễn Tân nên biết trong vườn nhà ông Tân có một miệng hầm thông vào địa đạo. Sáng hôm đó, lính Mỹ càn quét làng Thạch Tân. Trên trời có máy bay yểm trợ, dưới đất thì chia thành 4 cánh quân, với hàng chục tên, mỗi cánh có 6 xe bọc thép M113 dẫn đầu, hùng hổ tiến vào làng.
Để đối phó, Đảng bộ địa phương hạ lệnh, trừ những người có nhiệm vụ đấu tranh hợp pháp, còn lại đều xuống địa đạo ẩn núp cùng du kích và bộ đội huyện tìm cách đánh trả bọn giặc. Tên Cẩm dẫn lính Mỹ và một số lính Sài Gòn đi theo làm phiên dịch, xông thẳng tới nhà ông Tân. Lúc này, ông Tân đã ngoài 68 tuổi, điềm nhiên ngồi chẻ tre đan rổ trước hiên nhà. Bọn giặc lập tức bắt trói ông Tân và cô con gái tuổi còn niên thiếu của ông, lôi họ ra miệng hầm ăn xuống địa đạo dùng cực hình đánh đập bắt gọi Việt cộng dưới hầm lên đầu hàng.
Tra khảo từ sáng tới chiều khiến ông Tân chết đi sống lại nhiều lần thấy không khai thác được gì hơn, chúng lấy dây dù trói giật cánh khuỷu ông, buộc bò xuống địa đạo bảo du kích, bộ đội ra hàng. Trên miệng hầm, chúng giữ vòng dây dù và thả dần xuống; đồng thời cũng lăm lăm súng đe dọa, nếu ông Tân không nghe lời sẽ bắn tan xác cô con gái. Trong khi đó, dưới địa đạo ông Phiến cùng ông Nguyễn Đinh ngồi ngoài gần miệng hầm nên nghe rõ mồn một việc giặc đánh đập cha con ông Tân bên trên. Hai người bàn tính cách giải cứu để không phải hy sinh tính mạng cha con ông Tân...
Đã nhiều năm trôi qua, kể lại chuyện cũ, song tôi vẫn nhận thấy ông Phiến dường như không giấu được những cảm xúc hồi hộp trên gương mặt đầy nếp nhăn thời gian của mình. "Thú thật chẳng hiểu sao, trong giây phút sinh tử ấy của cha con ông Tân, mình lại ló ra được cái khôn. Tui và anh Đinh nhanh chóng hội ý phương án, bảo ông Tân quay lại lên, vờ mếu máo khóc nói với giặc là ở dưới hầm tối quá, mắt ông mờ không nhìn thấy được gì nên cần có con gái bò trước dẫn đường để kêu gọi Việt cộng ra đầu hàng...".
Ông Phiến kể tiếp rằng, khi cha con ông Tân xuống địa đạo, ông giữ chặt dây trói ông Tân mà lần tới như thể ông Tân đang bò để giặc khỏi nghi ngờ, còn ông Đinh nhanh chóng dùng dao cắt chỗ trói, đưa ông Tân và cô con gái sang ngách hầm khác, dùng bao đất lấp lại. Khi miệng ngách thông chỉ còn vừa lọt người qua, ông Phiến liền cột dây dù vào rễ cây, rồi tuồn qua lỗ ngách lấy bao đất lấp kín lại kiên cố hơn. Sau đó, mọi người di chuyển trong địa đạo đi chỗ khác. Ở bên trên, giật dây một hồi không thấy cha con ông Tân quay lên, bọn giặc tập trung súng phun lửa bắn xuống, ném theo hàng chục quả lựu đạn. Thậm chí, chúng còn đổ xuống mấy thùng chất độc hòng giết chết người dưới địa đạo. Nhưng, ngách thông đã lấp kín nên giặc không thể làm hại được ai...
Ông Lê Khắc Phiến bên miệng hầm vào kho lương thực và trạm y tế tiền phương dưới nền đình Thạch Tân
Tức tối vì để sổng cha con ông Tân, cũng chẳng bắt được Việt cộng, giặc Mỹ lấy hai sợi dây xích quấn vào hai cột gian giữa đình làng Thạch Tân rồi cho 4 xe bọc thép đồng loạt nổ máy hòng kéo sập đình. Song, hì hục kéo hơn hai tiếng đồng hồ, ngôi đình vẫn cứ trơ trơ. Lúc này trời đã chạng vạng tối, bọn giặc lo sợ du kích phản công, phần thì nghĩ ngôi đình linh thiêng nên vội vã rút quân...
Và chuyện cây rõi "biết né" bom, đạn...
Ông Phiến đưa tôi đến đình làng Thạch Tân để tận mắt xem vết dây xích sắt lính Mỹ buộc vào hai cột đình cho 4 xe bọc thép M113 kéo ngày đó. Vết xích hằn sâu trên thân cột nên khi trùng tu ngôi đình dân làng đã lấy xi-măng trám lại. Điều đáng nói, đình làng Thạch Tân bây giờ không chỉ là nơi thờ cúng các bậc tiền nhân khai ấp, lập làng, mà người dân địa phương còn thống nhất đưa vào đình tấm bia đá khắc tên tuổi 25 bà mẹ Việt Nam anh hùng và 189 liệt sĩ của làng đã hy sinh trong hai cuộc kháng chiến đánh Pháp và chống Mỹ cứu nước để hương khói, ghi ơn.
Bên cạnh, người dân còn lập bàn thờ những cán bộ cách mạng từng hoạt động trên đất Thạch Tân, bây giờ không còn nữa, như: ông Ngô Xuân Nhỉ (bí danh Công Tâm), nguyên Thường vụ Khu ủy Khu V; ông Bùi Tùng (bí danh Cao Xuân Pháo), nguyên Bí thư Tỉnh ủy tỉnh Quảng Nam - Đà Nẵng; ông Vũ Trọng Hoàng (bí danh Bốn Hương), nguyên Phó ban tổ chức Khu ủy Khu V... Thành kính thắp hương ở các bàn thờ trong đình, ông Phiến nói rằng, thế hệ con cháu người làng Thạch Tân, nhất là các em học sinh, hằng năm vào dịp lễ, tết thường được cha, mẹ dẫn đến dâng hương tưởng nhớ công lao các bậc tiền nhân, các Anh hùng, liệt sĩ. Noi gương người đi trước, rất nhiều con em trong làng học hành thi đỗ vào các trường đại học ra làm cán bộ tỉnh, huyện...
Tôi nhìn quanh ngôi đình cổ và nhận thấy, chưa kể số cột ngoài hiên, bên trong đình kiểu nhà rường 3 gian, 2 chái này có tới 24 cột bằng gỗ mít khá lớn, chia thành 6 hàng, mỗi hàng 4 cột. Bên trên cột là những vì kèo và mái đình kết cấu với nhau thành một khối vững chắc. Thì ra mấu chốt của vấn đề là ở đây. Với 24 cột và sườn nhà liên kết chắc chắn, cộng với 3 bức tường, hai bên tả, hữu và phía hậu, xây dựng rất dày và kiên cố, thì rõ ràng dù lính Mỹ dùng tới sức kéo của 4 chiếc xe bọc thép cũng khó thể kéo ngã. Điều ấy cũng chứng minh được, vì sao ngôi đình tồn tại hàng trăm năm qua...
Giải mã được sự kỳ bí của ngôi đình cổ, tôi lại theo chân ông Phiến ra bìa làng để xem cây rõi. Theo lời kể của ông Phiến, ngành lâm nghiệp tỉnh Quảng Nam đã cử đoàn cán bộ về khoan cây nghiên cứu và xác định, cây hơn 300 năm tuổi. Nói đến cây rõi đứng hiên ngang, chọc trời trong chiến tranh, khi bom đạn giặc trút xuống đất này như vãi trấu, nhiều người dân ở làng Thạch Tân bảo nhỏ, nó rất linh thiêng. Một số người còn tỏ ra huyền bí rằng, thỉnh thoảng vào những đêm khuya tối trời, họ nhìn thấy từ trên ngọn cây có những tàn lửa rớt xuống... Song ngược lại, ông Phiến lắc đầu nói: "Họ nói vậy thôi chứ cả đời tui bám đất này đánh giặc, đêm khuya thường tới chỗ cây rõi mà có thấy ma quỷ gì đâu"...
Đứng trước cây rõi thân gỗ vặn, gốc xù xì to đến 5 người ôm không xuể, ông Phiến xác nhận rằng, trong chiến tranh, cây rõi có đôi lúc cũng bị gãy cành khi pháo, bom xớt qua. Nhưng rồi nó lại lên chồi non tươi tốt, sum suê. Một điều kỳ lạ, dù trong tầm đạn nhưng chưa bao giờ cây rõi trúng pháo, hoặc bom. Do đó, du kích Thạch Tân lấy cây rõi làm đài quan sát, cảnh giới giặc càn. Leo lên ngọn cây rõi là có thể quan sát được cả một vùng rộng lớn quanh làng Thạch Tân. Chỉ cần giặc Mỹ kéo quân băng qua QL1A xuống là du kích báo động cho mọi người trong làng nhanh chóng vào địa đạo trong lòng đất trú ẩn.
Có lần một anh du kích leo lên ngọn rõi cảnh giới thì giặc đã tới rìa làng. Anh này chỉ kịp báo động cho những người bên dưới lẩn vào địa đạo, còn mình thì nằm im trốn trên tán lá. Bọn giặc cho xe tăng vào làng ủi phá nhà cửa, bắn đạn tứ tung, song anh du kích vẫn không bị chúng phát hiện...
Những cụ già của làng Thạch Tân còn kể cho tôi nghe câu chuyện rằng, vào năm 1958, một quan chức chế độ Sài Gòn nghe lời thầy bói tổ chức sửa chữa ngôi miếu hoang ở Tam Kỳ để thần thánh độ trì thăng quan, tiến chức. Gã nọ bèn cho người về Thạch Tân ngỏ lời hỏi mua cây rõi cưa lấy gỗ sửa miếu. Nhưng, các bậc bô lão làng Thạch Tân nhất quyết không chịu. Vì theo truyền miệng từ nhiều đời trước, đây là cây do các bậc tiền nhân trồng từ lúc vỡ đất, khai ấp, lập làng. Quan chức nọ đem tiền bạc mua không xong, bèn mang súng đạn ra dọa, song người làng Thạch Tân một lời như đinh đóng cột nên cũng phải chịu thua. Nhờ vậy mà cây rõi trở thành đài quan sát của du kích địa phương, đóng góp công sức không nhỏ trong việc đối phó với những trận càn của giặc suốt một thời chiến tranh oanh liệt...
Theo ANTG

Quán Giá và tướng Lý Phục Man

Xã Yên Sở (huyện Hoài Đức) có tên nôm là Giá Lụa hoặc Giá. Làng Giá trồng rất nhiều cây dừa nên còn họi là “làng Dừa” và tương truyền đây là một sở đồn điền ngày xưa có người Chiêm Thành (Chăm pa) sinh sống. Quán Giá là đền thờ chung của hai xã Yên Sở và Đắc Sở. Quán ở đây có nghĩa là nơi thờ thành hoàng làng, không phải nơi thờ tự của Đạo giáo.
Quán Giá thờ Lý Phục Man, một danh tướng của Lý Bí, sống ở thế kỷ thứ VI, quê ông ở làng Cổ Sở (huyện Hoài Đức), không rõ họ tên thật. Tương truyền ông giỏi võ nghệ, theo Lý Bí khởi nghĩa chống quân Lương (Trung Hoa) xâm chiếm nước ta, lập nhiều chiến công. Nhà Tiền Lý (544- 555) thành lập, ông được cử trông coi vùng đất phía Nam, đánh tan cuộc xâm lấn của Chăm pa. Sau đó, ông kết hôn với công chúa Lý Nương, vua ban cho ông họ Lý và chức thiếu úy, gọi là tướng quân Lý Phục Man. Ông trở về quản lĩnh vùng đất Đỗ Động, Đường Lâm. Nhà Lương lại đưa quân sang xâm lược nước Vạn Xuân. Ông chỉ huy quân sĩ đánh giặc và hi sinh ở chiến trường. Thương nhớ và biết ơn ông, nhân dân ở nhiều nơi như Yên Sở (Hoài Đức), Xuân Đỉnh (Từ Liêm)… dựng đền, đình thờ Lý Phục Man.
Năm 1947, giặc Pháp đã đốt phá gần hết Quán Giá, chỉ còn lại hai tam quan, ba bức tường và hậu cung. Sau này, trên nền cũ, nhân dân địa phương đã dựng lại cả ba nhà đại đình, trung đình và thượng điện, tuy có nhỏ hơn trước song vẫn bảo đảm sự thờ cúng trang nghiêm. Tòa thượng điện vẫn còn bức tường hồi xây từ thời Nguyễn có các ô hình trang trí và cột trụ phía trước có đắp nghê trên đỉnh cột như một sự kiểm soát người vào quán lễ thánh. Bên cạnh khu đền chính, phía hồi phải có nhà bia và nhà ở của tuần canh (thời xưa), phía hồi trái có dãy nhà để ngựa và nhà bếp phục vụ cho sinh hoạt lễ hội. Lại thêm vườn hoa, cây cảnh, hòn non bộ ở đằng sau, tạo thành một cảnh quan cổ kính, trang nhã.
Riêng về hai tam quan, cái ngoài cách cái trong 20 mét, được các nhà nghiên cứu coi là trường hợp duy nhất trong cấu trúc đình đền ở nước ta. Trên tam quan thứ hai có gắn 49 mảnh đất nung được trang trí. Ở hai bức tường liền với hai cột trụ lớn có những viên gạch rất đặc biệt. Tường phía đông có 23 viên, tường phía tây có 26 viên. Đó là những viên gạch nung, vuông, có đường chỉ viền xung quanh, giữa là những hình nổi, không hình nào giống hình nào, tạo thành một bức tranh sống động. Các nhà nghiên cứu văn hóa dân gian thì coi đó là những cảnh sinh hoạt: người đang dong trâu cày ruộng, cô gái tắm ở ao sen, người cưỡi voi, người cưỡi ngựa, người gánh củi, hai người đánh cờ, người bơi thuyền đánh cá, mấy chú bé chăn trâu đùa nghịch… Các nhà nghiên cứu Phật giáo thì lại coi đó là những tích trong Phật thoại: cảnh hươu và mặt trời (hay hoa) là minh họa cảnh Phật Thích ca thuyết pháp lần đầu ở Lộc Uyển, cảnh ao sen có người tắm là miêu tả cảnh Phật tắm trước khi lên ngồi dưới gốc cây bồ đề, cảnh voi và hai người ngã vật là cảnh voi điên ở Rajagrha…
Trong Quán Giá may mắn còn tượng Lý Phục Man (không bị giặc Pháp phá hủy) ở giữa và tượng hai bà Phương Dung và Ả Nương ở hai bên, cùng bốn pho tượng đứng là các thị nữ, hộ sĩ. Ba pho tượng chính được tạo tác rất cẩn thận, ứng với ba ngai thờ, được chạm khắc tỉ mỉ, tỉa tót kỹ lưỡng. Cũng trang trọng như ngai thờ là hai hương án và một cỗ kiệu. Lại có một con ngựa to bằng đồng, bên ngoài phủ lớp sơn.
Nếu những di vật trên chỉ có thể biết niên đại tương đối khoảng thế kỷ XIX thì năm tấm bia đá lại cho biết niên đại tuyệt đối sớm hơn, thuộc các năm 1620, 1671, 1681, 1728 và 1803. Chính các bài văn bia này đã nói rõ thế đất địa linh sinh ra nhân kiệt, ca ngợi sự nghiệp của Lý Phục Man. Theo văn bia, thời Lý đã dựng Quán Giá, tạc tượng, thời Trần mở rộng đền (quán) và gia phong mỹ hiệu, thời Lê Trung hưng nhiều lần ban sắc, xây tam quan, nghi môn, thềm đá. Đến thời Nguyễn làm máng đồng, các hoành phi, câu đối…
Hàng năm, nhân dân vùng Giá (gồm 3 xã Yên Sở, Đắc Sở và Tiên Yên của huyện Hoài Đức) mở hội từ ngày 10 đến 16 tháng ba âm lịch. Hội Giá đã đi vào ca dao “Bơi Đăm, rước Giá, hội Thầy…” là hội to được nhiều khách thập phương tới tham dự. Hai đám rước của Yên Sở và Đắc Sở đến đình, quán của nhau rồi quay về. Lễ hội tái hiện chiến trận của anh hùng Lý Phục Man. Mượn yếu tố tâm linh văn hóa, lễ hội nhắc nhở các thế hệ sau ghi nhớ công ơn của người tướng tài đánh giặc, bảo vệ đất nước.
K.D (st)

Linh thiêng với Hồ Sự Chà

Cũng như Tết Nguyên Đán, sự thiêng liêng của Tết Hồ Sự Chà cũng được người Hà Nhì xem là "lễ trọng". Mâm cúng sáng ngày thứ nhất trên ban thờ tổ tiên ngoài bát nước chè, bánh dày, bánh trôi, rượu, gừng, muối ớt còn phải có thêm thịt lợn, các loại hoa quả, sản vật trồng trong vườn nhà. 
Người Hà Nhì vẫn giữ được phong tục truyền thống, vào sáng mùng một Tết, con cháu nội ngoại tập trung đầy đủ để chúc Tết ông bà và cúi lạy bàn thờ tổ tiên. Khi các "thủ tục" đã xong, cả gia đình quây tròn bên mâm cỗ để ông bà chia lộc, con trai mau lớn thành trụ cột, con gái nhanh trưởng thành để thêu thùa may vá... Và không kể già trẻ lớn bé, tất cả cùng uống chung bát rượu nồng mừng ngày "lễ trọng".
Người Hà Nhì rất vui khi có một bé không kể trai hay gái dưới 12 tuổi đến xông nhà. Họ coi đó là điềm may trong năm mới và hạnh phúc sẽ đến tràn đầy, lúa gạo sẽ đầy chum và nước từ trời đổ xuống thỏa thuê báo hiệu sự no đủ của mùa màng.
Trong những ngày Tết, từ khắp các nóc nhà, khói bếp sẽ bay không ngừng, rượu tràn qua chiếu. Khi ra đường vào các bản làng chúc Tết nhau, mỗi người đem theo một chum rượu nhà tự nấu để cùng nhau thưởng thức lộc trời.
Uống nhiều dù có say, người Hà Nhì cũng rất kiêng kỵ những xô xát, mắng mỏ nhau vì đó là điềm dữ. Họ đều ý thức được rằng, ngày Tết phải vui vẻ, cười nói, chúc nhau những điều hay ý đẹp và cùng nhau uống rượu thỏa lòng để lộc về nhà, xua ma rừng ra khỏi mọi thân cây trong vườn.
Không chỉ dừng lại ở Tết Hồ Sự Chà hay hai cái lễ thiêng là "Gạ Ma Thú" và "Jé Khù Chà", người Hà Nhì còn có một cái tết nữa là giáp Tết Nguyên đán kéo dài trong năm ngày. Đây cũng là một trong những lễ hội "độc nhất vô nhị" ở huyện Mường Tè quanh năm sương khói.
Trưởng bản Thu Lũm, ông Chu Nhù Tư cho biết: "Trong cái Tết thứ hai của người Hà Nhì thì vui lắm, kéo dài đến 5 ngày trước khi vào mùa gieo giống cho bản làng. Đó là khi người dân bản có đủ sức khoẻ để đánh đuổi con ma rừng ra khỏi cửa nhà. Ngày Tết này cũng là lúc cả bản ăn mừng vì những chiến thắng vô hình".
Tết thứ hai bắt đầu vào ngày rồng và ở lần Tết này, các thủ tục được rút ngắn, họ chỉ phải mổ lợn, gà và làm bánh trôi để cúng trời. Nhưng các hoạt động vui chơi múa hát thì kéo dài hơn tất cả các lễ hội trong năm.
Sau khi giết lợn, chủ gia đình sẽ kiểm tra lá gan. Người Hà Nhì cho rằng, lá gan sẽ cho biết vận hạn trong tương lai, nếu lá gan có màu đỏ sẫm tức là năm mới sẽ nhiều may mắn, nếu có màu trắng hoặc đen tức là nhiều rủi ro, bất hạnh.
Theo Dân Việt
 

Những địa điểm ăn vặt trứ danh đất Sài thành

Chuối chiên, cơm cháy chà bông, há cảo, bánh đùi gà… là những món ăn vặt quen thuộc của người Sài thành song những điểm bán các món này ngon thì không phải ai cũng biết.

Chuối chiên


Chuối chiên là món ăn vặt có mặt hầu như ở khắp các tỉnh của nước ta. Tại Sài Gòn, vào buổi sáng hay từ 14h chiều trở đi, không khó để tìm thấy món ăn vặt này tại các chợ, cổng trường, ngã tư…. Công thức chung của món ăn là chuối tẩm bột và cho vào chảo dầu chiên giòn. Đơn giản như vậy nhưng chiếc xe nhỏ bán chuối chiên, khoai lang chiên trong con hẻm đường Xô Viết Nghệ Tĩnh chỉ bán từ 14h – 17h hàng ngày nhưng tiêu thụ khoảng 20 nải chuối và hơn 20kg khoai lang và từ lúc dọn hàng đến lúc hết hàng, khách xếp thành hàng dài.
Bí quyết của cô bán hàng nằm ở nguyên liệu quan trọng thứ 2: bột. Không ai biết loại bột đó là gì, nêm nếm ra sao mà không những thơm, lại còn khá vừa miệng và ngon đến nỗi ngay cả những người ghét đồ chiên khi nhâm nhi chuối hay khoai lang chiên tại quán đều không kiềm được việc muốn nếm thêm miếng nữa, và ăn hết ngày này qua ngày khác vẫn thòm thèm.
Địa chỉ: Hẻm 535 đường Xô Viết Nghệ Tĩnh Q. Bình Thạnh, TP.HCM.
Cơm cháy chà bông


Sự dung hoà giữa cái giòn tan của miếng cơm cháy trắng tinh, mặn mà của chà bông, thơm thơm của những con ruốc đỏ au, thơm béo của hành phi, chua cay đậm đà của nước sốt khiến món cơm cháy chà bông trên đường Nam Kỳ Khởi Nghĩa đi sâu vào lòng của những thực khách Sài Gòn cũng như những bạn trẻ yêu thích món ăn này.
Có một điểm bất tiện là bày bán ngay trên vỉa hè của một con đường khá lớn và khá nổi danh nhưng rất nhiều bạn trẻ không để tâm. Một mách nhỏ cho bạn là hàng này nằm trên góc ngã tư Lê Thánh Tôn – Nam Kỳ Khởi Nghĩa hướng về đường Lê Lợi. Điểm thứ hai là nhìn từ bên ngoài, với hộp cơm, túi bóng, hàng này giống hàng cơm vỉa hè hay bán xôi nên bạn thường bỏ qua. Vì thế, bạn cứ yên tâm dừng xe và hỏi mua.
Giá một hộp như thế là 30.000 đồng với thời hạn sử dụng là 2 ngày – còn nguyên độ giòn, nếu bảo quản trong tủ lạnh, có thể để đến 1 tuần nhưng cơm cháy không còn giòn như ban đầu. Hàng này cũng nhận cung ứng cơm cháy để mang ra nước ngoài hay các tỉnh khác. Mỗi lần như thế phải đặt trên 10 miếng, mỗi miếng giá 40.000 đồng.
Há cảo


Là món ăn truyền thống của người hoa vì thế rất nhiều thực khách chịu khó “di cư” sang quận 5, 6 song nếu làm biếng, ngay tại trung tâm quận 1, cụ thể là ngay ngã tư Calmette -Nguyễn Công Trứ bạn cũng có thể thưởng thức món ăn độc đáo này.
"Gia tài" chỉ là một gồm hai cái nồi nhỏ, bộ bàn ghế đặt ké trước cổng mì Chú Sè, món há cảo tại đây nổi danh với vỏ bánh mỏng tanh, dai mềm và lớp nhân tươi ngon, đậm vị.
Tại đây có hai loại há cảo là có nhân hay nhân trần để bạn thưởng thức tại chỗ hay mua về. Song thông thường là mua về vì rất khó để săn được chỗ ngồi. Giá một đĩa như trên có giá 20.000 đồng (không hề rẻ).
Địa chỉ: Góc ngã tư Calmette, Nguyễn Trung Trực, Q.1, TP.HCM
Bánh đùi gà


Bày bán khá nhiều loại bánh quen thuộc như bánh bò, bánh tiêu, quẩy, bánh xếp… nhưng hàng này lại ghi dấu với món bánh đùi gà nóng hổi, giòn tan, thơm lừng khiến ai ăn một lần cũng muốn thỉnh thoảng tạt lại, mua về nhâm nhi.
Điểm cộng là một cái bánh đùi gà ở đây khá to, song nó cũng là điểm trừ bởi rất ít người có thể nhấm nháp gọn một cái. Giá mỗi loại bánh là 5.000 đồng.
Địa chỉ Ngã tư Cal$mette – Nguyễn Công Trứ, Q., TP.HCM (đối diện hàng há cảo).
Bánh tráng trộn

Ảnh: Sonanta Thi

Món ăn vặt này không chỉ gắn với tuổi teen mà với giới nữ văn phòng, nó cũng có sức hút khó cưỡng. Ngày trước món ăn này thường gắn với khu bánh tráng trộn trước cổng trường, nhưng gần đây, nổi lên chiếc tủ kính nhỏ của anh chàng miền tây với giá khá cao (15.000 bịch).
Nhìn về cảm quan, các nguyên liệu của món ăn này không quá khác biệt, thậm chí là quen thuộc với những người mê bánh tráng trộn. song bí quyết lại nằm ở chỗ những nguyên liệu ấy không phải là hàng được đặt đại trà mà đặt riêng (phổi bò) hay các gia vị khác như ớt, muối tiêu cũng được người bán hàng gia giảm thêm chút ít theo công thức riêng.
An huỳnh
Theo Infonet

Những món ăn vặt độc đáo của ẩm thực Việt

Dù giá được xếp vào hàng rẻ bèo nhưng bánh tráng nướng, chuối luộc, bò bía... có sức hút không nhỏ đối với du khách nước ngoài hay những người lần đầu đến thành phố lớn.

Bánh tráng nướng

 

Không ai biết xuất phát điểm của món bánh tráng nướng từ địa phương, thành phố nào, chỉ biết tại mỗi địa danh du lịch nó lại làm người khác say lòng với cái nóng giòn của lớp bánh tráng mỏng, cái thơm béo của trứng cút hay trứng gà, vị béo ngậy của hành phi trong những đợt gió se sẽ lạnh và trong cái nhộn nhịp của những con đường đông đúc.
Du khách có thể tìm thấy món bánh trạng nướng ở trước các cổng trường, các công viên với mức giá từ 5.000 – 10.000 đồng.
Trứng gà nướng
Nhiều người nghĩ với lớp vỏ bằng vôi, dễ cháy, các dòng trứng cút, gà, vịt rất khó để nướng cho chín trước khi cháy song tất cả chỉ là lầm tưởng. Tuy có lớp vỏ như thế nhưng chỉ cần dùng dao lam khoét một lỗ nhỏ trên phần đầu to của trứng, cho lên lửa nướng khoảng 5 phút là bạn đã có món trứng gà chín tới thơm lừng, béo ngậy. Nếu bạn thích trứng nướng còn lòng đào, có thể nhờ người bán "canh" thời gian.
Chuối sáp và chuối quạ


Nếu đã quen với những trái chuối tầm một, hai ngón tay, bạn sẽ ngạc nhiên khi thấy kích thước "khủng" – to gần bằng cổ tay người lớn của loại chuối này. Cũng như chuối sáp, chuối quạ có đặc trưng là không thể ăn sống mà phải luộc chín. Khi thưởng thức, chuối quạ cho cảm giác giòn sần sật, vị ngọt thanh. Đặc biệt, chuối quạ rất nhanh ngán, một người khó khăn lắm mới có thể "xử lý" gọn một quả.
Chuối nướng


Món chuối nướng có mặt tại hầu hết tỉnh miền Trung và miền Nam, song mỗi nơi có một biến thể khác nhau, chỗ thì đơn giản chỉ là lột vỏ rồi nướng trên lửa, có nơi bao ngoài trái chuối một lớp áo cơm nếp và cơm dừa, quấn thêm lớp lá chuối khiến món ăn thêm nồng đượm. Nhưng cầu kỳ nhất là món chuối nướng tại Sài Gòn với lớp áo cơm nếp dày, lại đưa đẩy thêm nước cốt dừa trắng tinh, béo ngậy, mè rang thơm giòn. Cái nóng hoà trong cái lạnh, vị ngọt hoà lẫn vị béo khiến món ăn càng lạ.
Bánh củ mì


Nếu những chiếc xe chuối nướng thu hút mọi người với những quả chuối cháy xém thì những chiếc xe bán bánh củ mì lại thu hút du khách với mùi thơm quyến rũ của một món bánh ngọt nướng. Sau đó, là cái thơm, vị béo, cái ngọt đậm của món bánh dân dã. 
Bò bía


Hầu như với những người nơi khác, củ sắn chỉ có công dụng như một món trái cây giải nhiệt, một nguyên liệu kho cho món thịt nhiều đạm nên khi đến Sài Gòn đều gần như ngạc nhiên với một cách chế biến khác của loại củ này – làm món cuốn. Sau cái ngạc nhiên ban đầu là cảm nhận về một món ăn kết hợp hài hoà giữa vị nồng của rau thơm, vị ngọt của xà lách, cái thơm nhẹ của tôm, cái béo của lạp xưởng, cái đậm đà của nước chấm.
Kẹo bông gòn


Từ một muỗng đường có màu bé tý, sau khi cho vào máy quay, trở thành một cây kẹo bông gòn to với cái mềm như bông, cái ngọt nhẹ và tan trên đầu lưỡi. Ngoài ra, mọi người còn thích loại kẹo này vì màu sắc lung linh của nó.
Gỏi đu đủ khô bò


Vị thanh của đu đủ sống kết đôi với nước dùng đậm đà, miếng phổi bò dai mềm, đậu phộng giòn tan, rau thơm cay nhẹ, gỏi khô bò là món dễ ăn, ít ngán được nhiều người lựa chọn cho một bữa xế nhẹ.
Bánh tráng trộn


Có mặt tại hầu khắp các con đường, ngõ hẻm, bánh tráng trộn quấn quýt bước chân du khách với một món ăn tổng hoà các gia vị như chua của tấc, của xoà, thơm nhẹ của rau răm, đậu phộng, dai mềm của bánh tráng, bò khô.
Bột chiên giòn


Những miếng trứng chiên vàng óng nổi bật trên những khối bột vuông vức, giòn tan kết đôi cùng nước tương (xí dầu) pha lạt mang đến cái ngon, vị thơm khó cưỡng của món chiên. 
Huỳnh Hằng
Ảnh: Sưu tầm
Theo Infonet.vn

Lạ mắt 6 loại bánh Tết cổ truyền miền Trung

Người miền Trung rất thích ăn bánh trong dịp Tết vì thế họ chế biến rất nhiều loại bánh mỗi độ Tết đến xuân về...

Dưới đây là 6 loại bánh truyền thống không thể thiếu trên đĩa bánh tết miền Trung.
1. Bánh lá răng bừa xứ Thanh
Trên mâm cỗ ngày Tết cổ truyền, tuy có rất nhiều thức ăn ngon nhưng luôn có thêm đĩa bánh lá răng bừa (chiếc bánh nhỏ, thon như răng của chiếc bừa) bốc khói nghi ngút, thơm lừng mùi hành mỡ, lá chuối thật hấp dẫn.
Nhân bánh lá răng bừa gồm hành khô, thịt ba chỉ băm nhỏ, mộc nhĩ trộn với hạt tiêu, muối vừa đủ. Nếu làm bánh lá răng bừa để lễ chay hoặc đi lễ chùa thì nhân bánh được làm bằng lạc hoặc đậu.
Sau khi gói xong, những chiếc bánh lá răng bừa bằng ngón tay trỏ hoặc như những chiếc răng bừa xinh xắn được xếp ngay ngắn vào nồi, sau đó đổ nước đun sôi rồi luộc chín.
2. Bánh Tổ
Bánh tổ được nhiều người miền Trung nói rằng có từ vua thời Lê Thánh Tôn. Khi đó, những người từ miền Bắc di cư vào vùng đất mới Quảng Nam nhớ về quê cha đất tổ, nên vào dịp tết họ làm một loại bánh bằng chất liệu sẵn có tại địa phương dâng cùng tổ tiên, tạ ơn trời đất.
Bánh tổ, có nơi gọi là bánh ổ, được làm từ đường đen và nếp hương. Đường đen là loại đường bát, cứng, sản xuất từ các lò đường thủ công trong làng, còn nếp chọn loại dẻo, thơm ngon.
3. Bánh in
Bánh in giống bánh khảo ở miền Bắc. Được làm từ gạo nếp xay mịn, sau đó mang đi phơi sương cho có độ ẩm thích hợp. Tiếp đó, đường bát cũng được nạo thành bột mịn, trộn đều vào bột bánh. Nhẹ tay úp khuôn bánh lên nong, nia có lót giấy hoặc lá chuối cho sạch, để lấy bánh ra.
Để bánh được cứng hơn, có thể phơi một nắng, hoặc dùng than củi nướng qua một lần, bánh sẽ cứng hơn và có mùi thơm hòa quyện của đường và nếp. Nay, phổ biến là bánh in có trộn thêm bột đậu xanh. Cũng có loại bánh in chỉ làm hoàn toàn bằng bột đậu xanh đã được rang chín xay mịn, trộn với đường đã thắng keo lại.
4. Bánh gừng
Bánh gừng nhưng không phải làm từ gừng mà người làm bánh chỉ nặn giống hình củ gừng. Bánh được đem chiên dầu cho phồng lên và có màu vàng như màu gừng.
Người ta cắm những củ gừng ấy vào tăm tre nhỏ rồi đem đặt thành hình tháp chung quanh một cái lõi làm bằng thân cây chuối. Tất cả đặt trên chiếc mâm gỗ trông như một khối tháp, toàn khối như vậy gọi là "quả bánh gừng".
5. Bánh su sê Huế
Được làm bằng bột sắn có nhân đậu xanh với dừa hay tôm chấy (tôm chấy là tôm tươi được rang xát cho nhỏ tơi ra), gói lá dừa đem hấp cách thủy.
Nếu như chiếc bánh ở ngoài Bắc có hình hơi tròn dẹt và được gói trong giấy bóng kính trang kim màu vàng hoặc đỏ, ăn hơi nhão và có vị của phẩm màu; thì ngược lại, bánh phu thê Huế lại được đóng khuôn trong những chiếc hộp lá dừa xinh xắn, thanh nhã, đáng yêu và ăn có vị giòn mát, thơm ngọt hấp dẫn.
6. Bánh măng
Bánh măng làm bằng măng tươi thái chỉ đem rim kỹ với đường, nấu lẫn với bột nếp. Sau đó cắt miếng, phủ lớp bột hoàng tinh bên ngoài rồi bọc bằng giấy bóng.
Theo GDVN

Những món ăn 'cấm kị' ngày Tết

Ngoài một số món ăn "kém may mắn" vào ngày Tết theo quan niệm cha ông như thịt chó, cá mè, thịt vịt, xôi trắng... bạn cũng cần lựa chọn, phối hợp các món để tránh bị 'anh Tào' ghé thăm.

Không chỉ kiêng cho lửa, nước do quan niệm cho đi may mắn; tránh nói giông hoặc nói xui như: "Chết rồi!", "Tiêu rồi!", kiêng làm vỡ bát đĩa, cãi vã; quét nhà... ngày Tết, người xưa còn đặc biệt coi trọng đến việc ăn gì, ăn như thế nào trong "3 ngày Tết, 7 ngày Xuân". Ở mỗi vùng miền những quan niệm có phần khác nhau. Tuy nhiên, những kiêng cử này tựu trung đều ước vọng một cuộc sống sung túc, may mắn cho cả năm.

Trứng vịt lộn, thịt chó, thịt vịt, cá mè, tôm... là những món "kiêng cữ" trong ngày Tết và cả tháng đầu năm.

Người dân miền Trung có tục kiêng ăn trứng vịt lộn, thịt vịt, thịt chó, cá mè... trong ngày Tết và cả tháng đầu năm vì họ quan niệm ăn những thứ này vào dịp đầu năm hay đầu tháng sẽ rất đen, kém may mắn. Người dân miền Nam lại ít ăn tôm ngày Tết vì sợ đi …giật lùi như tôm, công việc sang năm sẽ lùi chứ không thể tiến tới.
Mâm ngũ quả với ý nghĩa cầu sung túc, đủ đầy cho năm mới được cả ba miền ưa chuộng và hiện diện trong hầu hết các gian thờ của gia đình Việt. Tuy nhiên mỗi vùng lại có cách trình bày mâm ngũ quả khác nhau. Hầu như tất cả các loại quả đều có thể bày trên mâm ngũ quả của người miền Bắc, kể cả quả ớt, miễn cốt sao đầy đặn và đẹp mắt.

Dưa hấu đỏ là món không thể thiếu trong mỗi gia đình Việt ngày Tết. Tuy nhiên, hiếm thấy nhà nào bổ dưa vào mùng 1, phần lớn dưa hấu được "khui" từ mùng 2 tết trở đi. Vì người xưa quan niệm nếu dưa không đỏ, gia đình sẽ không gặp "hên" trong năm.

Miền Trung và miền Nam lại coi trọng nguyên tắc liên tưởng theo ngữ nghĩa của tên gọi, nên cũng tránh những loại quả có tên "xui xẻo", ví dụ: miền Trung không chọn quả đu đủ vì tên gọi này phát âm giọng miền Trung nghe gần như “thù đủ”. Người miền Nam lại tránh: cam (cam chịu), lê (lê lết), sapôchê (chê bai), chuối (chúi nhũi)... mà chọn những loại có tên gọi hay như mãng cầu, dừa, đu đủ, xoài (có ý nghĩa là cầu vừa đủ xài!) và quả sung (sung túc). Người miền Nam cũng chỉ bày quýt mà không bày cam lên mâm trái cây vì quan niệm quýt làm cam chịu.

 Mâm ngũ quả của người Bắc bao giờ cũng có nải chuối. Nhưng người Nam lại cho rằng từ chuối có âm đọc chệch nghe giống từ "chúi", thể hiện sự đi xuống, không ngẩng lên được.

Ngoài một số món ăn "kém may mắn" theo quan niệm của cha ông xưa, bạn cũng cần lưu ý những phối hợp thực ăn hài hòa và có kế hoạch ăn uống hợp lí để tận hưởng một kì nghỉ Tết lành mạnh và trọn vẹn. Cần tránh những cặp thực phẩm "kỵ nhau". Trong quá trình hấp thu và chuyển hóa, giữa các thành phần của thức ăn luôn có những tương tác phức tạp, vượt quá khả năng tự điều chỉnh, và khiến cơ thể sẽ bị trúng độc.

 Sữa đậu nành có men protidaza kiềm chế các protein trong trứng gà, cản trở tiêu hóa, gây khó tiêu, đầy bụng.

Khi uống nhân sâm, nên kiêng ăn tất cả các loại củ cải (đỏ, trắng, xanh...) và hải sản. Theo y học cổ truyền, củ cải và đồ biển đại hạ khí, còn nhân sâm đại bổ khí, hai thứ triệt tiêu lẫn nhau, gây hại cho người sử dụng). Không nên xào nấu gan động vật, các loại động vật có vỏ sống trong nước như tôm, sò, ốc... với các thứ rau quả có nhiều vitamin C.
Thịt chó và thịt dê rất giàu protein. Nếu vừa ăn thịt chó hoặc thịt dê mà lại uống nước chè ngay thì chất acid tanic có trong nước chè sẽ kết hợp thành protein trong thịt chó hoặc thịt dê tạo thành chất tannalbin làm se niêm mạc ruột, giảm nhu động ruột dễ dẫn đến táo bón, nguy cơ gây ra ung thư. Muối tiêu và khoai môn nếu ăn cùng dễ làm ruột đau thắt); chuối hột thì kỵ mật mía, đường, bởi ăn cùng lúc bị chướng bụng.
Dưa hấu và thịt dê; các loại quả có tính axit tanic như ổi, hồng, nho nếu ăn cùng hải sản sẽ khó tiêu hóa, gây đau bụng, buồn nôn.
Mật o­ng kỵ đậu hũ cũng không nên ăn cùng nhau. Trong tào phớ thường có thạch cao và trong mật ong thì có đường. Hai thành phần này gặp nhau sẽ tạo hiện tượng vón cục, đông cứng trong dạ dày, làm người ăn khó thở, hụt hơi rồi hôn mê. Nếu nạn nhân có tiền sử bệnh tim mạch thì khả năng tử vong càng cao.
Nên tin hay không?
Thời tiết thay đổi, tiệc tùng, bia rượu, tâm lý ăn uống dễ dãi trong dịp Tết khiến đồng hồ sinh học của bạn bị đảo lộn và khiến bạn dễ mắc bệnh hơn. Vì vậy, cũng cần tự kiềm chế để tránh điều không hay xảy ra trong ngày vui. Tránh ăn những món lạ; không ăn những món còn sống, tái; dùng đồ uống của các nhà sản xuất có uy tín, chú ý hạn sử dụng và nguồn gốc xuất xứ của thực phẩm. Bảo quản tốt thực phẩm trong tủ lạnh, sau khi đã bọc nylông. Nếu bị ngộ độc, hãy tìm cách nôn hết số thực phẩm đã lỡ ăn và bổ sung Oresol để bù lại lượng nước đã mất, nếu tình trạng trở nên nghiêm trọng thì phải đến bệnh viện.
Ông bà xưa vẫn nói "Có thờ có thiêng - Có kiêng có lành", Tết bắt đầu cho năm mới nên những điều kiêng kỵ đều cần phải tránh phạm phải trong những ngày Tết để cả năm được thuận buồm xuôi gió. Ăn uống điều độ có thể giúp bạn giúp bạn giữ gìn sức khỏe để ngày Tết thêm vui, khỏe. Ở một khía cạnh nào đó kiêng những món ăn "kém may" cũng là biểu hiện của văn hóa truyền thống.
Huyền Châu
Theo Infornet

Sủi cảo gà quay hấp dẫn trên đường Nguyễn Trãi

Là món ăn sum họp vào những ngày Tết của người Hoa, song sủi cảo còn là món ăn được nhiều teen yêu thích. Món ăn này được kết hợp với đùi gà nên càng quyến rũ.



Nếu gọi hẻm đường Nguyễn Trãi (Q.5) là hẻm sủi cảo gà quay thì không một tín đồ mê món ăn này của Sài Thành phản đối. Này nhé, cứ rẽ vào thì từ đầu con hẻm kéo dài vào trong khoảng gần 100m, tạt vào chiếc tủ kính nào, ngồi vào bàn nào, bạn cũng có cơ hội thưởng thức những miếng sủi cảo to gần bằng bàn tay với lớp vỏ mềm mịn, phần nhân khủng gồm tôm tươi, thịt heo quyết nhuyễn kết hợp với cải thảo, cải bó xôi, gia vị ngọt mềm, nhấn nhá cùng nước luộc được nêm nếm vừa ăn với vài cọng hành hoa, cái se lạnh trong những ngày gần đây của Sài Gòn ấm dần.
Thành phần tiếp theo quan trọng không kém của món ăn là những ngọn cải xanh mướt dọn kèm. Là loại rau dễ kết hợp với các món ăn khác, nhưng yêu cầu kỹ thuật cao trong việc chế biến để rau đạt chuẩn vừa chín tới, xanh mướt chứ không nhũn, rũ. Với các quán khác, đó là bí quyết cạnh tranh giữa các hàng, nhưng với các quán tại đây, chất lượng của món rau như nhau khiến bạn phải dựa vào tiêu chuẩn thứ 3 để chọn lựa – đùi gà quay.
Không biết ai hay hàng nào nghĩ đến việc kết hợp cái giòn tan của lớp da quay cháy cạnh, cái đậm đà, tươi ngon của phần thịt thấm đều gia vị với cái mềm ngọt của sủi cảo bởi trong ẩm thự Trung Hoa không có sự kết đôi như thế. Song nếu cho lựa chọn một gia vị khác đi kèm, teen hay những người chuộng món ăn này đều sẽ phản đối. Bởi nhìn thì có vẻ đối lập nhưng cái khô, giòn, đậm của đùi gà quay như bổ sung vào cái mềm, ngọt, thanh của sủi cảo, cái ngọt thanh của nước khiến nó hợp vị, hợp tông cách kỳ lạ.

Tô sủi cảo hấp dẫn, thanh đạm.
Mỗi miếng sủi cảo có chiều dài hơn nắm tay người lớn.
Cải bó xôi xanh ngọt.
Nhân bánh hấp dẫn, tươi ngon.

Nếu vẫn chưa thoả mãn với sủi cảo gà quay hay người bạn đi cùng không “hảo” món ăn này, các hàng tại đây cũng sẵn sàng phục vụ bạn những món như há cảo với phần nhân không kém cạnh: nhân sủi cảo hay gỏi cuốn đi cùng loại tương được pha chế đặc biệt thoảng mùi ngũ vị hay các món nước ép, sinh tố với giá cực kỳ bình dân.
Các hàng tại đây bắt đầu bán từ 17h các ngày trong tuần với giá dao động từ 30.000 – 35.000 đồng/tô. Tuy chất lượng và giá cả ngang nhau nhưng theo đánh giá của nhiều người, hàng đầu tiên của con hẻm trội hơn các hàng còn lại.
Địa chỉ: Sủi cảo gà quay, hẻm 409 Nguyễn Trãi, Q.5, TP.HCM.
Huỳnh Hằng
Theo Infonet

5 món bánh không thể thiếu trong ngày Tết của người Quảng

Bánh thuẫn như một đoá hoa vàng e ấp, bánh nổ trắng tinh, bánh mè giòn thơm... khiến đĩa bánh ngày tết của người dân xứ Quảng càng rôm rả trong hương thơm và những câu chuyện.

Bánh thuẫn


Nguyên liệu chủ yếu là lòng đỏ trứng gà, bột, đường, bánh thuẫn ghi dấu trong lòng người Quảng Ngãi với những chiếc bánh như bông hoa vừa hé nở cùng màu vàng ươm của bột, cái béo của trứng, ngọt của đường. Có hai cách thưởng thức loại bánh này. Một là ngay khi đổ xong cho vào thẩu đậy lại dùng dần, nhưng thời gian bảo quản sẽ rất ngắn, bù lại bánh sẽ giữ đúng vị ngon ban đầu. Cách thứ hai là sấy khô bằng than, rồi cho vào lọ, cách bảo quản này lâu ngày hơn, bánh cũng giòn hơn.
Bánh nổ


Một miếng bánh nổ ngon phải hội tụ được cái thơm của gạo, vị ngọt thanh của đường thắng, cái đậm đà cùng hương thơm của gừng. Muốn thế khâu bung gạo phải thật chắc tay để bánh giòn nhưng không cứng và giữa các hạt gạo không có bất kỳ khoảng trống nào.
Bánh kẹp


Cùng nguyên liệu như bánh thuẫn nhưng tỷ lệ bột trong bánh kẹp cao hơn. Khác biệt thứ hai là loại bánh này chỉ ngon nhất khi thưởng thức phải trọn vẹn vị thơm, vị béo và cái giòn tan. Điều đó chỉ có được khi sấy qua lò than.
Bánh bó


Bánh bó là hỗn hợp giữa bột và các loại mứt, rồi ép thành một khối. Khác với hương thơm, cái giòn tan hay độ béo của các loại bánh trên, một cái bánh bó ngon là được lăn chặt tay, cùng cái dai mềm của bột, ngọt của các loại mứt.
Bánh in


So với các loại bánh khác, nguyên liệu của món bánh này là đơn giản nhất song lại nó lại là món bánh khó thành hình nhất. Bởi người chế biến phải khéo léo phơi sương bột đến mức độ nào đó thì sau khi trộn đường, cho vào khuôn mới thành bánh. Bánh in cũng ngon nhất sau khi được sấy nóng, song nếu có cơ hội, thì nhâm nhi những chiếc bánh mềm cũng thi vị không kém.
Bánh mè


Trong 5 loại bánh này, bánh mè đòi hỏi nhiều thời gian và công phu nhất. Bởi mỗi công đoạn từ ngâm nếp, lắng bột, cán bánh, phơi khô, chiên giòn, áo đường, áo mè đều phải làm thật tỉ mỉ thì mới cho ra một mẻ bánh ngon. Bù lại những gian khó trên, bánh mè luôn là món chạy nhất trên đĩa bánh bởi hương thơm, cái giòn tanh tách và vị ngọt nhẹ.

An Huỳnh
Theo Infonet.vn