Thứ Sáu, 27 tháng 1, 2012

Đặc sắc nhà cổ ở Đồng Tháp

Toàn tỉnh có hàng chục căn nhà cổ, tập trung nhiều ở thị xã SaĐéc, huyện Hồng Ngự và Châu Thành. Mỗi căn nhà cổ đều có nét đặc sắc khác nhau và mang những dấu ấn kinh tế, văn hóa, lịch sử, đặc biệt có căn nhà cổ được công nhận di tích lịch sử văn hóa cấp Quốc gia.

Nhà cổ ở Đồng Tháp
Nhà cổ Huỳnh Thủy Lê - số 255A, đường Nguyễn Huệ, khóm 1, phường 2, thị xã SaĐéc được xây dựng trên diện tích 258,75m2, cách bờ sông SaĐéc khoảng 50m. Trước nhà có sân rộng trưng bày cây kiểng, con lộ ngày xưa cặp bờ sông SaĐéc nay là đường Nguyễn Huệ với bờ kè chắn sóng dọc theo sông. Nhà được xây dựng theo kiến trúc Đông Tây kết hợp, mặt tiền nhà được xây dựng theo kiến trúc phương Tây như: cửa vòm, trụ cột hình vuông, các trụ cột cửa vòm hình tròn. Hai bên cửa chính là 2 cửa vòm hình vòng cung lớn, chỉ một lối đi ra vào rộng 1,77m ngay cửa vòm chính giữa sau khi bước lên bậc thềm tam cấp bằng đá.
Cửa vòm vòng cung theo kiểu La Mã, có hoa văn gạch bông làm phù điêu kiểu kiến trúc thời phục hưng vào thế kỷ thứ XVII. Mặt trên của cửa mặt tiền có ghép các mảnh sành, sứ, gạch bông và các khuôn bông để trang trí làm đẹp cho mặt tiền, mái nhà lợp ngói âm dương, trên nóc giữa nhà có hình tượng 2 con rồng, hai đầu nóc nhà có hình 2 đầu đao vuốt lên cao giống như hình con thuyền vượt qua ngọn sóng.
Kế lối ra vào là khoảng hàng ba, đi vào nhà có 3 cửa lớn, 2 khung cửa phụ bên trái và bên phải bằng gỗ, mỗi khung có 2 cánh cửa lá sách kiểu Pháp, cánh cửa bằng gỗ mật, khi đóng cửa thì gió vẫn thổi vào được làm cho nhà được mát mẽ, thông thoáng. Cửa chính ở giữa có khung bao là nguyên khối đá xanh lớn. Trên các cánh cửa có các chữ Hán như: Cẩm Tình, Thuận Ý... Ngay gian chính giữa nhà là bàn thờ Quan Công gồm có khánh thờ và bàn thờ, hai bên có 2 câu đối bằng chữ Hán. Đây là điểm khác biệt đối với các ngôi nhà thuần Việt của người Việt 3 gian hay 3 gian 2 chái bát dần, gian giữa là gian thờ cúng gia tiên, ông bà cha mẹ. Chính vì thế, nhà cổ Huỳnh Thủy Lê được xem là sự giao thoa về kiến trúc Á Âu của người dân SaĐéc vào đầu thế kỷ XX. Nhà cổ Huỳnh Thủy Lê trước đây nhằm đáp ứng nhu cầu sinh hoạt về nơi ở cho gia đình nhưng cũng là một trong những kiến trúc tiêu biểu, độc đáo về kiến trúc nghệ thuật dân dụng dạng nhà ở của tỉnh Đồng Tháp. Từ đó, nhà cổ Huỳnh Thủy Lê được công nhận là di tích lịch sử văn hóa cấp Quốc gia.
Đến với nhà cổ của ông Hồ Văn Đông tại địa chỉ số 196A, đường Trần Văn Voi, khóm 1, phường 4, thị xã SaĐéc được xây dựng trên diện tích trên 2.000m2. Ngôi nhà có kết cấu kỹ thuật là nhà biệt thự. Điểm đặc biệt của ngôi nhà là không giống như kết cấu kiến trúc khung chịu lực của ngôi nhà truyền thống, cốt lõi của ngôi nhà là một bộ khung chịu lực được tạo nên bởi các bộ phận liên kết với nhau trong một không gian 3 chiều theo chiều đứng trong ngôi nhà phân bố đều vào các cột và dồn xuống các viên đá táng kê chân cột. Theo chiều ngang các cột được nối với nhau bằng kẻ mộng ở đầu các cột tạo nên dây kèo, theo chiều dọc các dây kèo được nối với nhau bằng đòn tay, từ đòn tay chân (đòn tay ở dưới) đến đòn dông (đòn nóc) để tạo thành bộ khung, có dây xuyên luồn qua 4 cột cái trước và 4 cột cái sau, 4 cây trính luồng từng đôi cột cái trước sau tạo thành một bộ khung gọi là chuồng cối. Đây là bộ khung lòng trính xuyên lòn chịu lực toàn bộ ngôi nhà, không cần đến móng, vách, tường (tường vách chỉ che mưa, nắng, gió).
Ngược lại đối với biệt thự thì phần chịu lực chính là móng, tường, các cột theo tường, toàn bộ sức nặng của ngôi nhà sẽ đặt xuống các cột. Đây là sức nặng rất lớn với khối nguyên vật liệu cát, đá, xi măng, gỗ, bê tông cốt thép nên phần thi công móng nền được các nhà kỷ sư thiết kế rất cẩn thận. Biệt thự này có 2 tầng, tầng trệt cao 4,3m, tầng lầu cao 3,9m. Tầng trệt và tầng lầu đều có các phòng gồm: phòng thờ tổ tiên, phòng khách, phòng ngủ, phòng ăn... Đặc biệt, biệt thự này rất hấp dẫn bởi các dàn cửa sổ, cửa ra vào, cửa mái được làm rất cầu kỳ và được che riêng bằng một mái ngói lợp không cho nắng chiếu xiên hay mưa tạt vào.
Toàn tỉnh có 79 căn nhà cổ, trong đó có gần 30 căn có niên đại trên 100 tuổi, đã lập hồ sơ khoa học được 27 căn nhà cổ. Thực tế cho thấy, ngành chức năng tỉnh đã có nhiều nỗ lực trong việc bảo tồn nhà cổ trên địa bàn tỉnh. Tuy nhiên, vẫn còn nhiều căn nhà cổ chưa được gìn giữ, bảo vệ nên đã xuống cấp hoặc thay đổi hiện trạng làm mất đi nét đặc sắc của những ngôi nhà cổ. Do đó, vấn đề đặt ra là Nhà nước cần có nhiều cơ chế chính sách hỗ trợ trong việc trùng tu, giữ gìn nhà cổ, đồng thời tuyên truyền giáo dục ý thức về giá trị của nhà cổ cũng là di sản văn hóa cần được giữ gìn, bảo vệ nét đặc sắc của ông cha ta để lại cho hậu bói.
Dũng Chinh

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét