Thứ Ba, 10 tháng 1, 2012

Bí ẩn Tây Giang

Bỏ qua những bộn bề công việc, hãy "phượt" lên miền biên ải Tây Giang, huyện vùng cao giáp Lào của tỉnh Quảng Nam để cảm nhận vẻ đẹp hoang dã của núi rừng và cuộc sống thanh bình của người Cơ tu nơi đây.

Được tách thành hai huyện Đông Giang và Tây Giang từ huyện Hiên cũ từ năm 2003. Tây Giang cách TP Đà Nẵng chừng 116km, đường lên Tây Giang vòng vèo, quanh co xuyên giữa bạt ngàn rừng thẳm. Chốc chốc lại bắt gặp những bản làng Cơ tu nằm chênh vênh triền núi hay lọt thỏm giữa thung lũng xanh, cái màu xanh ước vọng của những đồng ruộng bậc thang đã xong mùa gieo cấy.
Hai bên đường lên thị trấn Tơ Viêng (Tây Giang), một bên là bờ taluy sừng sững, một bên là dòng A Vương ầm ào thác dội giữa thâm u, huyền bí của đại ngàn. Những cánh rừng nguyên sinh  xanh thẳm, những đỉnh núi chót vót mây trắng lượn lờ. Có lẽ, dân "phượt" sẽ cảm thấy thích thú khi được chinh phục những con dốc ngất ngưỡng trời xanh, những con đèo ngoằn ngoèo trên vực thẳm hay những cây cầu treo lát gỗ lắt lư mà đứng giữa cầu nhìn xuống thác ghềnh với cảm giác lâng lâng của người chinh phục.
Lên với Tây Giang để đắm mình trong nét hoang sơ của ngôi làng truyền thống bao đời của người Cơ tu. Nhưng nhà Gươl, nhà Moong, nhà Dài độc đáo với kiến trúc và chạm trổ đặc trưng chỉ có ở người Cơ tu nơi đây. Có dịp lưu trú sẽ để nghe giọng trầm khàn "ô..ô, a..a" từ điệu lí Cơ tu của những già làng. Để ngà ngà say bên ché rượu cần vây quanh đống lửa sân Gươl, ngắm nhìn những chàng trai, cô gái Cơ tu tạo thành vòng tròn nghiêng mình Tâng tung - za zá (điệu múa truyền thống Cơ tu)
Có thể nói, nơi đây có rất nhiều món ăn, thức uống độc nhất vô nhị mà không nơi nào có được. Uống: có rượu nếp than, rượu Tr'din, Tà-vạt... Ăn: có bánh sừng trâu, cà- đang (sùng đất), zará (món thịt cộng với rau rừng thọc nhuyển trong ống lồ ô)...
Lên với Đông Giang là trộn lẫn của rất nhiều cảm xúc : mệt mà vui, lạ mà ngon, rùng mình mà thú vị, lạnh lẽo mà ấm áp tình người...
Bánh sừng trâu của người Cơ tu
Những món nhậu có phần... rùng rợn
Những em nhỏ luôn tươi cười với du khách
Nét đẹp của buôn làng
Lễ hội truyền thống thu hút nhiều khách du lịch tới thăm
Hai thế hệ cùng niềm đam mê với nhạc cụ dân tộc
Những con đường phủ đầy sương
Đường đi học


Độc giả Đông Phước
Theo Infonet

Nét hoang sơ ở "Đà Lạt của Quảng Nam"

Vốn được mệnh danh là một “Đà Lạt của Quảng Nam”, Tây Giang vẫn như nàng công chúa còn say ngủ giữa đại ngàn Trường Sơn.

Nét hoang sơ ở "Đà Lạt của Quảng Nam"
Vượt chặng đường 120km từ Đà Nẵng với những đoạn núi quanh co khi là những con dốc chạm tới trời xanh có lúc lại xuyên giữa đại ngàn Trường Sơn hùng vĩ. Qua con dốc Kiền chênh vênh vắt ngang cổng trời, thứ cảm giác quen thuộc khi chạy xe trên những con đường núi ùa về khiến lữ khách không khỏi xốn xang. Chốc chốc lại bắt gặp những bản làng của người Katu nằm trên một trảng đồi rộng, quần tụ quanh mái nhà GươI truyền thống hay những nương rẫy đang phủ lên một màu xanh no ấm ở những thung lũng nơi dòng sông Kôn, sông A Vương chảy qua.

Tây Giang - Đông Giang vốn được tách ra từ huyện Hiên tới nay đã tròn 10 năm, hai nửa của huyện chỉ toàn người Katu sinh sống xưa kia giờ như hai mảng màu đối lập. Dọc đường, người ta bắt gặp những dấu tích của cuộc sống hiện đại ở xứ Đông Giang với những ngôi nhà khang trang xây theo lối kiến trúc của người Kinh, với những khu làng văn hóa ở Bhoong (xã Sông Kôn) và Đhroong (thị trấn P’rao) đầy nhộn nhịp.

Nét hoang sơ ở Đà Lạt của Quảng Nam
Những chàng trai cô gái Katu nhảy điệu Za-zá

Qua một P’Rao căng tràn sức sống hiện đại, đi nốt chặng đường 30km Tây Giang đã ở ngay trước mắt. Trung tâm xã, rộng tựa một bàn tay cũng với những tòa công sự, những villa mang hơi hướng hiện đại nhưng bao quanh cái thị trấn bé nhỏ mà nếu có phóng xe máy đi quanh chỉ mất chưa tới mươi phút ấy là những mái nhà GươI, nhà Đoong, nhà Moong, nhà Dài với những họa tiết chạm khắc mang những nét đặc trưng của người Katu nằm xen lẫn trong màu xanh của núi.

Nét hoang sơ ở "Đà Lạt của Quảng Nam"
Ở Tây Giang có khu bảo tồn Sao La, thứ động vật quý hiếm đã được đưa vào sách đỏ. Ngày nay, khu bảo tồn đã mở cửa cho khách tới tham quan. Khắp 10 xã thuộc huyện Tây Giang đều có những con suối, bờ khe ngày đêm tuôn chảy những dòng nước tinh khiết của núi rừng qua làng qua bản. Cách trung tâm xã chừng 10km là con suối 5 tầng đầy duyên dáng, diễm lệ tựa như một điểm nhấn giữa bạt ngàn màu xanh của rừng Trường Sơn đã đi vào khuôn hình của không biết bao nghệ sĩ ảnh khi tới mảnh đất nằm trên độ cao ngang bằng với những Bà Nà, Đà Lạt này.

Nét hoang sơ ở "Đà Lạt của Quảng Nam"
Thật thiếu sót nếu tới Tây Giang mà không tới các xã như A Tiêng, A Xan để một đêm được ngủ lại nhà Dài, được ngồi quanh bếp lửa nghe già làng hát điệu lý Katu với chất giọng trầm khàn như hát sử thi, được ngồi quanh sân nhà GươI ngắm nhìn những chàng trai, cô gái Katu xếp vòng tròn nghiêng mình Tâng tung - za zá (điệu múa truyền thống của người bản địa) khi đã ngà ngà say bên chén rượu Tà-vạt.

Nét hoang sơ ở "Đà Lạt của Quảng Nam"
Về Tây Giang là về với những ban sơ còn sót lại của đại ngàn Trường Sơn, về với phút lặng mình cho cuộc sống hối hả nhộn nhịp trôi đi để hòa vào thiên nhiên và cũng để trải nghiệm những sắc màu văn hóa dân tộc vẫn còn đậm đà bản sắc của tộc người Katu sinh sống ở Việt Nam.
Viet Bao.vn (Theo ANTĐ)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét