Thứ Năm, 19 tháng 1, 2012

Cá khoai Cái Đôi Vàm

"Nói thiệt, không có thứ cá biển nào ngon hơn cá khoai đâu. Mà không có xứ nào cá khoai ngon hơn ở miệt Cái Đôi này. Ở đây có làng hẳn hòi cho thứ cá ngon nhứt hạng trời cho”, ông Tư Minh (Lưu Văn Minh), chủ vựa cá khoai tại khóm 4, thị trấn Cái Đôi Vàm, hồ hởi.

Ông Tư Minh vừa bưng nồi cháo cá khoai vừa rổn rảng “quảng cáo”. Nồi cháo trắng tươi pha thêm màu đỏ của tôm biển bằm nhỏ trộn với ít con mực còn trong màu nước cho tăng phần vị biển cùng màu xanh ngăn ngắt và hương thơm “bắt mắt, bắt mũi” của hành, ngò, cần tàu đậm màu đồng ruộng được thả vào.
Không có bất kỳ loại thịt cá nào giống như thịt cá khoai, bởi vì khi cho thịt vào miệng thì tựa như thịt cá tự tan ra mà ta không cần nhai để cảm nhận hương vị ngọt đặc biệt của nó.
Vào hội cá khoai
Trong cái gió nồng nàn biển cả, trong vị cay nồng của chén rượu ngày cặp bến, trong dư vị thanh tao còn sót lại của chén cháo ban nãy, ông Tư hàn huyên chuyện cá khoai thuở còn “nhà nghèo”, rằng ở nước Việt Nam này, miệt Cái Đôi có làng cá khoai này là duy nhứt.

“Đó cũng là cửa biển duy nhứt tiếp giáp giữa biển Đông và biển Tây. Tụi tui không phải dân chánh gốc miệt này. Từ Tiền Giang kéo qua, từ Bến Tre kéo lại, thấy nhiều tôm cá neo ghe, cắm đất lập làng cá đó chớ! Hồi đó cá khoai rẻ như cá phân, nhỏ nhỏ chừng hai ngón tay tui giờ người ta hốt nấu cho heo. Hồi nào giờ, tui luôn tin là cái thứ cá thịt thơm ngon lạ lùng này có lúc sẽ lên ngôi”.
“Nhà hàng giờ người ta mần cá khoai thành đủ thứ món. Cá khoai có ngôi thứ rồi, tụi tui đỡ cực. Nhưng nói gì thì nói chớ mấy món đó hổng qua được mấy bà ở đây làm đâu à nghen”, ông Tư Minh bộc bạch.
Cá khoai sinh sống chủ yếu ở biển, đôi khi bắt gặp chúng ở vùng nước lợ nơi cửa sông giao với biển. Loài này thường bơi từng đàn ở những vùng nước nông.
Từ giữa năm đến cuối năm, đặc biệt những hôm có nhiều sương mù, ngư dân đánh bắt được nhiều cá nhất. Ngay mùa chừng tháng 11, 12 âm lịch kéo dài đến tháng 2 âm lịch năm sau, xứ Cái Đôi mở hội cá khoai.
Buổi tối, đốt đống lửa lớn, chủ cả sai lính nấu đủ món cá khoai đem ra bãi phơi, tập trung lại vừa đờn ca tài tử, vừa ăn cháo, ăn khô, uống rượu. Ngày hội cá khoai tập trung gần cả tháng, những ngày còn lại của năm thì ngày nào ở Cái Đôi Vàm cũng có vài ghe chở cá khoai vào bờ, lác đác những sào phơi khô khoai.
Phải chi cá xứ mình mang tên xứ mình…
Theo hướng dẫn của ông Tư, tôi tới bãi phơi khô khoai. Giàn cá được đóng thẳng thướng, cây trụ làm bằng thân đước cao lớn được đóng từng tầng đinh để giữ thanh tre được vắt cá khoai từng cặp từng cặp trải dài hút mắt. Lớp này nối lớp kia, hàng này nối hàng kia… cứ thế bãi cá khoai như cơn sóng trào tung dồn đuổi nhau cuộn lên đẹp mướt mắt.
 Phơi cá khô khoai ở Cái Đôi Vàm. Ảnh: THANH QUANG
Tôi hỏi chuyện vợ của ông Tư Minh: “Làm khô khoai giống làm mấy khô cá khác không thím?”. “Dễ ợt à cô ơi. Cá từ ghe mang về mổ bụng lấy ruột, rửa sạch, móc hàm răng của hai con cá vào nhau rồi vắt cá ngang những cây sào để phơi nắng.

Khi phơi, cá phải được trở thường xuyên để lúc thành khô vẫn có màu tươi ngon, thịt chắc. Còn nướng khô khoai thì không được nướng chín con khô. Để con cá lên bếp than được ủ không thấy ngọn lửa mới đúng gu, nướng khô vừa có mùi thơm là đem ra ăn liền. Dùng nước chấm khô cá khoai là nước mắm me hoặc nước mắm xoài bằm sợi thì mới đúng sách”, thím Tư cười xởi lởi.
“Bữa nay tui không nói chuyện đời nghen! Tui nói về khúc buồn cá khoai”, chấm khô cá khoai vào nước mắm me “chua, cay, ngọt, mặn” đưa vào miệng, ông Tư Minh vội nói. "Tui nhứt quyết lấy cả đời ngư phủ để cam đoan là không khô khoai nào ngon hơn khô khoai xứ Cái Đôi. Nhưng mấy gói khô hàng mẫu toàn là khô khoai Sông Đốc, khô khoai Trà Vinh, khô khoai Bến Tre...".

“Tui vui nổi không khi khô xứ mình mang tên xứ khác. Vựa khô khoai lớn nhỏ nào ở đây cũng y như tui. Khô khoai xứ vàm Cái Đôi đi muôn nơi nhưng cái tên là mượn xứ khác. Tui với mấy chủ vựa cá khoai lớn nhất ở đây liên kết lại đòi thương hiệu mà chưa nhằm nhò gì…”. Ông Tư thở dài uống cạn ly rượu.
Bà con làng cá khoai Cái Đôi Vàm liệu có nên trông chờ “hữu xạ tự nhiên hương” hay cần có sự liên kết với nhau để có kế hoạch dài hơi không chỉ duy trì làng nghề mà còn giúp ngư dân sống được với nghề?
Một thứ hương nồng nàn khác tỏa ra từ thân cá khoai trên tay mỗi người: Hương biển mặn!
Theo Nguyễn Thị Việt Hà (Cà Mau Online)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét