Thứ Năm, 19 tháng 1, 2012

Chùa Phú Quân, Hải Dương

Chùa Phú Quân được xếp hạng là di tích quốc gia từ năm 2002. Chùa thờ Sư tổ Non Đông, người có công phát triển phật giáo Trúc Lâm yêu nước.


Chùa Phú Quân được xây dựng tại thôn Phú Quân xã Cẩm Định, huyện Cẩm Giàng (Hải Dương), di tích có tên chữ là “Trà Lai tự” (tức chùa Trà Lai). Theo minh văn chữ Hán “trà” nghĩa là “chè” (cây chè); "lai” có bộ “thảo” đầu liên quan tới một loại cây cỏ. Như vậy tên chùa Trà Lai gắn với một loại dược thảo quý mang lại sức khoẻ tốt cho mọi người.

Như nhiều ngôi chùa làng xã khác tại đồng bằng và trung du Bắc Bộ, chùa Phú Quân là nơi thờ Phật theo thiền phái Đại Thừa có nguồn gốc từ ấn Độ du nhập vào miền bắc Việt Nam từ đầu công nguyên. Theo các tài liệu nghiên cứu Phật giáo: Đại Thừa có nghĩa là “cỗ xe lớn” chở được nhiều người. Đại Thừa chủ chương không câu lệ, cố chấp vào giáo lý, rộng rãi trong việc thực hành giáo luật... thờ nhiều phật, thờ cả Bồ tát (Bođhittva).

Tuy nhiên không chỉ thờ Phật mà chùa Phú Quân còn thờ Sư tổ Non Đông - một trong những Cao tăng thiền phái Trúc Lâm nổi tiếng thời Trần (1225 - 1400). Căn cứ vào lịch sử di tích và thư tịch cổ liên quan, hành trang Sư tổ Non Đông có thể tóm tắt như sau:

Sư Tổ Non Đông họ Vương, hiệu Quản Viên, tự Tuệ Nhẫn, quê gốc tại xã Dưỡng Mông, huyện Kim Thành (Hải Dương). Thuở nhỏ bố mất sớm, mẹ ở vậy nuôi con, năm lên 10 tuổi Tuệ Nhẫn đã sớm chuyên cần học tập, năm 19 tuổi chán cảnh trần tục, ông đã yết kiến với Kiên Tuệ đại sư chùa Bái An để đi tu. Sau khi đã thụ giới cùng hai sư Nghĩa Trụ và Chân Giám trở thành một đệ tử tích cực của thiền phái Trúc Lâm.

Tục truyền, một lần vua Trần Minh Tông (1314 - 1328) bị đau mắt nặng đã cho gọi các thái y trong triều đến chữa mà vẫn không khỏi, đêm đến vua nằm mộng thấy một thầy thuốc tự xưng là ông Mộng... Khi tỉnh dậy, vua không cần thuốc thang mà bệnh tự khỏi. Vua bèn lấy tên người trong mộng để đi hỏi khắp các châu, huyện, khi đến chùa Quang Khánh (chùa Muống, Kim Thành, Hải Dương) gặp sư Non Đông và phong là Quốc sư.

Sinh thời sư Non Đông đi khắp nơi giảng đạo và xây chùa, chùa Phú Quân là nơi sư đã từng trụ trì, ở đâu sư cũng được nhân dân đặc biệt kính trọng. Ngày 26 tháng giêng, năm Khai Thái thứ 2 (1325) sư viên tịch, sau này các đệ tử đã cho tạc tượng thờ tại các chùa mà sư đã trù trị. Tại chùa Phú Quân hiện còn lưu giữ được tượng sư tổ Non Đông.

Chùa Phú Quân được xây dựng từ bao giờ thì hiện chưa có tài liệu nào xác định (?) Song theo sự tích thì vào cuối thời Trần (thế kỷ XIV) chùa là nơi hành đạo của các cao tăng vậy quy mô hẳn là không nhỏ, thu hút đông đảo nhân dân tham gia.

Căn cứ vào các tư liệu Hán Nôm hiện còn tại các di tích cho biết: Năm Vĩnh Khánh thứ 2 (1730) có một tín vãi là Phạm Thị Thi, hiệu Diệu Ân, người xã Phú Quân, huyện Cẩm Giàng, phủ Thượng Hồng đem lòng hảo tâm cúng ruộng cho chùa để trồng cấy lúa thu hoa lợi phục vụ việc hương đăng. Sau khi bà qua đời được nhân dân suy tôn là hậu Phật, hàng năm đến ngày giỗ được hưởng lễ tại chùa.

Tiếp đến, năm Cảnh Hưng thứ 34 (1773), các thiện tín thượng hạ toàn xã, quan viên hương lão xã Phú Quân, huyện Cẩm Giàng cùng nhau đóng góp công đức trùng tu chùa. Dấu tích kiến trúc cổ gồm: câu đầu, hai vì hồi ốp tường và một số ngói mũi hài thời Hậu Lê (thế kỷ XVII - XVIII). Theo văn bia gắn tại tháp (KT: 60cm x 40cm) ghi nhận thời kỳ này Thanh Lãng thiền sư đã có công tu tạo mở rộng chùa thành nơi thắng cảnh, khắc kinh phật, đúc chuông tạo đồ tế khí lớn, nhỏ... có thể nói đây là thời kỳ phát triển rực rỡ nhất của chùa Phú Quân.

Cũng theo văn bia tháp (KT: 40cm x 23cm) ghi nhận vào đầu thế kỷ XIX, chùa Phú Quân do nhà sư Giác Sa Môn tự Tịch Điển trụ trì. Nhà sư sinh vào giờ Mùi ngày 5 tháng 6 năm Kỷ Mùi (1799), đã viên tịch tại chùa vào ngày 7 tháng 3 năm (?).

Kiến trúc hiện còn của chùa thuộc thời Nguyễn (thế kỷ XIX - XX). Đó là nhờ kết quả tu bổ di tích vào các năm Duy Tân Bính Thìn (1916), Bảo Đại Kỷ Mão (1929) và Bảo Đại Mậu Dần (1938). Trên thân cột cái còn ghi rõ những người giàu lòng hảo tâm công đức tu bổ chùa, việc làm nghĩa cử cao đẹp đó được nhân dân Phú Quân các thế hệ hết sức trân trọng.

Hàng năm vào ngày 26 tháng Giêng âm lịch, các phật tử tăng ni cùng toàn thể nhân dân thôn Phú Quân long trọng tổ chức giỗ tổ Sư tổ Non Đông, người có công phát triển phật giáo Trúc Lâm yêu nước tại chùa Phú Quân.

Trong thời kỳ kháng chiến chống Pháp (1946 - 1954), Phú Quân là một trong những địa bàn tạm chiến, di tích là một cơ sở kháng chiến, phía sau bệ tượng A Di Đà có hầm bí mật bảo vệ cán bộ tỉnh Hải Dương, huyện Cẩm Giàng trên đường đi công tác(3). Căn hầm bí mật gần đây đã bị lấp. Việc sinh hoạt tôn giáo tín ngưỡng của nhân dân địa phương vẫn diễn ra bình thường do sư ông Chiêm trụ trì và tổ chức.

Đến thời kỳ chống chiến tranh phá hoại của giặc Mỹ (1965 - 1971) chùa Phú Quân là nơi sơ tán của trạm máy kéo nông nghiệp huyện Cẩm Giàng. Từ  năm 1972 - 1973 kho vật tư nông nghiệp huyện tiếp tục sơ tán về đóng tại chùa. Từ năm 1975, di tích mới chính thức được sử dụng vào sinh hoạt tín ngưỡng của nhân dân địa phương.

Chùa Phú Quân  được xây dựng theo hướng tây nam, hướng phổ biến của các chùa người Việt. Kiến trúc theo kiểu chữ “đinh” (J) gần 5 gian tiền đường và 4 gian thượng điện, chất liệu gỗ lim. Nhà tiền đường kết cấu kiểu “kẻ chuyền, chồng chóp” riêng hai vì ốp tường hồi kết cấu kiểu “kèo cầu, trụ báng”. Tại câu đầu bên phải còn lưu giữ được một mảng chạm khắc gỗ thời Hậu Lê (thế kỷ XVII - XVIII), nét chạm phóng khoáng tinh xảo. Nhà thượng điện cũng có kết cấu khung vì kiểu “kẻ chuyền, chồng chóp”. Cuối cùng là vì ốp tường hậu xử lý “kèo cầu” đơn giản, mặt ngoài tường đắp nổi phù điêu “hổ phù”, một loại biểu tượng văn hóa phồn  thực của cư dân nông nghiệp trồng lúa nước.

Bài trí thờ tự tại chùa Phú Quân theo nguyên tắc cân đối truyền thống tạo nên sự trang trọng và thiêng liêng. Từ ngoài vào trong, nhà tiền đường có 3 pho tượng Đức Ông (cấp Cô Độc), Đức Thánh Hiền và Liễu Hạnh công chúa, chất liệu gỗ, niên đại thế kỷ XIX. Nhà thượng điện có 04 hàng tượng thờ (từ trái qua phải) gồm:

- Hàng thứ nhất gồm 3 pho: Bắc Đẩu (gỗ), toà Cửu Long (đồng) và Nam Tào (gỗ), niên đại thế kỷ XIX.
- Hàng thứ hai gồm 3 pho: Thị giả, Ngọc Hoàng, Thị giả; chất liệu gỗ, niên đại thế kỷ XIX.
- Hàng thứ 3 gồm 03 pho: Quan Thế âm, A Di Đà, Quan Thế âm; chất liệu gỗ, niên đại thế kỷ XIX.
- Hàng thứ tư gồm 5 pho: Quan Âm toạ sơn (gỗ, thế kỷ XIX) Tam Thế ba pho: Quá khứ, hiện tại, Vị Lai (gỗ, thế kỷ XVIII), Địa tạng Mục Liên (gỗ, thế kỷ XIX).
  
Ngoài ra còn có 3 pho Sư tổ: Non Đông (gỗ, thế kỷ XVIII), Thục Điển và Tổ Nghệ (gỗ, thế kỷ XIX) đặt tại nhà Tổ.

Nhìn chung hệ thống tượng thờ tại di tích khá đẹp và đồng bộ. Đáng chú ý có pho tượng A Di Đà cao 1,45m được tạo dáng cân đối, đẹp mắt, tượng ngồi theo tư thế “hàng ma toạ”, chân phải vắt lên đùi trái, lòng bàn chân ngửa nhằm tránh tác động của cảnh xấu, đầu tượng có diềm hoa cúc gồm 5 bông mãn khai.

Trong số các di vật, cổ vật hiện còn của di tích, đặc biệt quý hiếm là quả chuông đồng “Trà Lai tự chung” (chuông chùa Trà Lai) được đúc khoảng đầu thế kỷ XIX (do chữ mờ không rõ năm đúc) có bài minh chữ Hán của Thích tử Tuệ hoàn Bồ tát gồm hơn 500 chữ. Nội dung chính được dịch như sau:

“Thường nghe Phật vốn rộng lớn hiền lành, sắc sắc không không. Người hay tôn sùng thờ kính tâm là Phật, Phật tức tâm. Nhớ xưa làng Phú Quân, chùa Trà Lai ngàn đầu nước hướng, trăm dặm núi chầu, mùi hương phảng phất, tiếng chuông âm vang, xin làm chốn danh lam lui đến đời sau vậy. Thời Trùng Quang đúc nên phúc quả, vì giặc phương Bắc đốt hỏng chuông đồng. Từ đó đến nay, khói hương thờ phụng không thấy tiếng chuông. Qua 40 năm mới được các hương lão, mọi người cùng phật tử thập phương, được nhà sư Tuệ Thực Bồ Đề đứng lên phát tâm công đức, khuyến cáo khắp nơi dự định năm Mậu Tý (1828) khởi công, năm Nhâm Thìn (1832) hoàn thành, lại được Tăng thống Thục Điển lưu đúc lại theo nguyên bản. Tháng Tý (11) năm Nhâm Dần (1842) hoàn thành. Năm tiếng thử vang lên làm tỉnh mộng mọi nơi, như sấm dậy khiến lòng hướng đạo bấy lâu im ắng nơi chùa chiền ngày nay lại trỗi dậy. Vậy nên thể toàn ví tựa mặt trời âm vang át cả tiếng sấm. Đương nhiên sự bền vững không bao giờ mai một cho nên ghi tạc để lại lâu dài, phải chăng là tấm lòng hiền khắc và tả để lại lưu truyền mãi mãi.”

Đây là nguồn sử liệu hết sức quý báu cho phép xác định niên đại khởi dựng thời Trần (1226 - 1400) và di tích đã bị giặc Bắc (tức giặc Minh) tàn phá...cần được nghiên cứu và bảo tồn chặt chẽ.

Xuất phát từ nội dung giá trị lịch sử và khoa học nêu trên, ngày 30 tháng 12 năm 2002, Bộ Văn hóa Thông tin đã ra quyết định số 39/QĐ-BVHTT xếp hạng chùa Phú Quân là di tích quốc gia. Đây là niềm tự hào và cũng là trách nhiệm lớn lao của cán bộ và nhân dân xã Cẩm Định, huyện Cẩm Giàng trong sự nghiệp bảo tồn di sản văn hoá dân tộc.

Nguồn : dulichvn.org

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét