Thứ Năm, 19 tháng 1, 2012

Gà nấu canh chua lá giang

 
Người Việt ta thường có câu: "Con gà cục tác lá chanh" với hàm ý, thịt gà khi chế biến mà có lá chanh vào thì mới ngon và hợp khẩu vị. Tuy nhiên, có một món khác nấu từ gà ăn cũng ngon không kém đó là món Gà nấu canh chua lá giang.
Theo Đông y, lá giang có vị chua, tính mát; vào kinh can; có tác dụng thanh nhiệt, tiêu viêm, sát khuẩn, chỉ khát. Thân cây có tác dụng thanh nhiệt giải độc, lợi tiểu, tiêu thũng, chỉ khát, bài thạch. Cây lá giang là cây thuốc dân gian, dùng chữa ăn uống không tiêu, bụng đầy trướng, đau dạ dày, đau nhức xương khớp. Dùng ngoài chữa mụn nhọt, lở ngứa ngoài da. Dùng làm thực phẩm có vị chua khi chế biến các món ăn (cá, thịt). Thân lá giang làm thuốc chữa sỏi tiết niệu, viêm đường tiết niệu, viêm thận mạn tính.
Đây là loại rau lá rất dễ tìm vì chúng mọc hầu hết từ nam chí bắc, và mùa nào cũng có. Nhưng để nấu được món canh chua lá giang với thịt gà đúng điệu thì cần phải chọn loại lá giang vừa mới nhú nầm, lá chưa hết màu nâu tía, đọt dây hãy còn giòn, khi nấu sẽ cho ra vị chua thanh nhưng ngọt chứ không lãnh.
Gà để nấu canh chua lá giang cần chọn lại gà thả vườn, nếu được gà ri, gà tre hay gà rừng thì càng tuyệt. Đừng chọn loại gà to quá, mà chỉ nên tầm ở khoảng dưới 1,5kg là được. Gà làm sạch lông, lấy nội tạng rửa sạch. Ruột gà không bỏ mà dao tre rích dọc rửa sạch với nước muối pha tro bếp, sau đó rửa lại bằng rượu trắng để ráo.
Bắc xoong lên bếp, đổ nước ngập 1/2 xoong, đun cho đến khi nước sôi, cho thịt gà (có thể để nguyên con, hoặc chặt ra thành miếng vừa ăn tùy theo sở thích của mỗi người và toàn bộ nội tạng gà đã làm sạch vào luộc cho đến khi gà chín đều. Vớt cỗ lòng của gà ra để riêng một đĩa. Thịt gà để nguyên tiếp tục nấu. Lá giang hái về rửa sạch, rảy cho sạch nước, vò nát cho vào nồi luộc gà khi nước đang sôi. Chờ cho nước trong nồi gà sôi bùng lên vài ba lần thì bắt đầu nêm nếm gia vị cho vừa ăn. Nếu ăn cay được, ta cho thêm một vài quả ớt và rau húng trắng (ở miền Trung gọi là é trắng) vào rồi nhấc xuống.
Lòng gà xắt ra thành miếng vừa ăn, thêm một đĩa rau ghém ăn kèm, một bát nước mắm ngon thêm mấy quả ớt hiểm. Gắp một miếng lòng gà chấm vào mắm cay cho vào miệng, vị mới thật đậm đà nồng nàn làm sao. Cái cay của ớt hiểm nóng mà không rát, cay nhưng không sốc mà lại có vị thơm như át đi cả vị của miềng lòng gà, nó làm cho cổ họng ta khát bỏng. Liền đó, múc một chén nước canh để sẵn, nâng bát lên húp một vài ngụm cho thấm giọng thì quả thật cảm vị ngon không gì tả nỗi.
Giữa những ngày hè oi bức của đất miền Trung, húp một chén nước canh chua thịt gà nấu lá giang vào, mồ hôi sẽ từ đâu túa ra như tắm, người tự dưng cảm thấy mát lạnh hẳn đi. Vịt ngọt béo của thịt gà, quyện với vị ngọt chua thanh thanh và mùi thơm cay của ớt, hương thoang thoảng của húng trắng làm cho người ăn như tỉnh người ra, xóa tan đi vẻ uể oải vì nắng nóng của mùa hè.


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét