Thứ Tư, 4 tháng 1, 2012

Hành cung ‘tiêu sầu’ của vua Tự Đức

Khiêm Lăng, từng được coi là hành cung thứ hai - hành cung “tiêu sầu” của vua Tự Đức, tọa lạc trong một thung lũng hẹp thuộc làng Dương Xuân Thượng, tổng Cư Chánh (nay là thôn Thượng Ba, xã Thủy Xuân, thành phố Huế).

“Kẻ yếu” xây lăng phòng lúc “ra đi bất chợt”
Khiêm Lăng hay còn gọi là Lăng Tự Đức được xây dựng trong bối cảnh đất nước vô cùng khó khăn và bản thân nhà vua cũng có nhiều nỗi niềm riêng: bên ngoài giặc ngoại xâm lăm le chiếm đóng, bên trong huynh đệ lục đục giành nhau ngôi báu, bản thân nhà vua lại đau ốm, bệnh hoạn nên không có con.
Theo Khiêm Cung Ký, để giải tỏa bớt những u uất trong lòng và phần nào “lánh” đi những khắc nghiệt của cuộc đời ông sớm cho xây dựng một khu lăng tẩm “tiêu sầu” phòng lúc “ra đi bất chợt”, bởi “người khỏe còn lo chuyện bất thường huống chi kẻ yếu!”.
Toàn cảnh lăng Tự Đức như một công viên rộng lớn.Ảnh: Trung tâm bảo tồn di tích cố đô Huế.

Còn theo Trung tâm bảo tồn di sản Huế, lăng được khởi công xây dựng lăng vào năm 1864  với 5 vạn binh lính tham gia và dự định hoàn tất trong vòng 6 năm. Tuy nhiên, các quan vì muốn lập công nên đã cưỡng bức lính một cách cực lực xây lăng khiến sau hai năm xây dựng làm nổi lên loạn chày vôi. Đó là cuộc khởi nghĩa mà binh lính dùng chày đập vôi làm khí giới để tiến vào kinh đô Huế. Quân nổi loạn tiến vào theo ba lối Chương Đức, Hiển Nhơn, Hòa Bình nhưng cuộc nổi loạn thất bại vì những người cầm đầu đều bị bắt và giết chết. Sau sự kiện này, Tự Đức cách chức hai vị quan trông coi việc xây dựng.
Vua Tự Đức, húy Nguyễn Phúc Hồng Nhậm, còn có tên Nguyễn Phúc Thì là vị Hoàng đế thứ tư của nhà Nguyễn, trị vì từ năm 1847 đến 1883. Ông là vị vua có thời gian trị vì lâu dài nhất của nhà Nguyễn.
Khi mới khởi công xây dựng, vua Tự Đức lấy tên Vạn Niên Cơ đặt cho công trình. Tuy nhiên sau khởi nghĩa chày vôi, vua sợ mình đã động đến oai trời nên quyết định đổi tên là Khiêm Cung, sau khi vua mất gọi là Khiêm Lăng.
Công trình đẹp nhất của kiến trúc thời Nguyễn
Bố cục khu lăng gồm 2 phần chính, bố trí trên 2 trục dọc song song với nhau, cùng lấy núi Giáng Khiêm ở phía trước làm tiền án, núi Dương Xuân làm hậu chẩm, hồ Lưu Khiêm làm yếu tố minh đường.
Toàn cảnh lăng Tự Đức như một công viên rộng lớn. Ở đó quanh năm có suối chảy, thông reo, muôn chim ca hát. Yếu tố được tôn trọng triệt để trong lăng Tự Đức là sự hài hòa của đường nét. Không có những con đường thẳng tắp, đầy góc cạnh như các kiến trúc khác, thay vào đó là con đường lát gạch Bát Tràng bắt đầu từ cửa Vụ Khiêm đi qua trước Khiêm Cung Môn, rồi uốn lượn quanh co ở phía trước lăng mộ và đột ngột khuất vào những hàng cây sứ đại thụ ở gần lăng Hoàng hậu Lệ Thiên Anh. Sự sáng tạo của con người hài hòa với cảnh quan tự nhiên tạo nên một khung cảnh thơ mộng, diễm lệ. Trong cái quyến rũ của mây nước, hương hoa đó, người ta như quên đi rằng đó là lăng tẩm của một người quá cố mà ngỡ là thiên đường của cỏ cây, của thi ca và mộng tưởng...
Đây là công trình được coi là đẹp nhất của kiến trúc thời Nguyễn. Ảnh: Trung tâm bảo tồn di tích cố đô Huế.

Gần 50 công trình trong lăng ở cả hai khu vực tẩm điện và lăng mộ đều có chữ Khiêm trong tên gọi. Qua khỏi cửa Vụ Khiêm và miếu thờ Sơn Thần, thì là con đường chính dẫn vào khu vực điện thờ, nơi trước đây là chỗ nghỉ ngơi, giải trí của vua. Thoạt tiên là Chí Khiêm Đường ở phía trái, nơi thờ các bà vợ vua. Tiếp đến là 3 dãy tam cấp bằng đá Thanh dẫn vào Khiêm Cung Môn - một công trình hai tầng dạng vọng lâu như một thế đối đầu tiên với hồ Lưu Khiêm ở đằng trước. Hồ Lưu Khiêm nguyên là một con suối nhỏ chảy trong khu vực lăng, được đào rộng thành hồ. Đó là yếu tố “minh đường” để “tụ thủy”, “tích phúc”, đồng thời là nơi để thả hoa sen tạo cảnh. Giữa hồ có đảo Tịnh Khiêm với những mảnh đất trồng hoa và những hang nhỏ để nuôi thú hiếm. Trên hồ Lưu Khiêm có Xung Khiêm Tạ và Dũ Khiêm Tạ, nơi nhà vua đến ngắm hoa, làm thơ, đọc sách... Ba cây cầu Tuần Khiêm, Tiễn Khiêm và Do Khiêm bắt qua hồ dẫn người ta đến đồi thông bạt ngàn và đảo xanh ngát hương cỏ hoa, như đưa họ sang thế giới thần tiên, mộng ảo ngay giữa chốn đời thường.
Bên trong Khiêm Cung Môn là khu vực dành cho vua nghỉ ngơi mỗi khi đến đây. Chính giữa là điện Hòa Khiêm để vua làm việc, nay là nơi thờ cúng bài vị của vua và hoàng hậu. Hai bên tả, hữu là Pháp Khiêm Vu và Lễ Khiêm Vu dành cho các quan văn võ theo hầu. Sau điện Hòa Khiêm là điện Lương Khiêm, xưa là chỗ nghỉ ngơi của vua, về sau được dùng để thờ vong linh bà Từ Dũ, mẹ vua Tự Đức. Bên phải điện Lương Khiêm là Ôn Khiêm Đường - nơi cất đồ ngự dụng. Đặc biệt, phía trái điện Lương Khiêm có nhà hát Minh Khiêm để nhà vua xem hát, được coi là một trong những nhà hát cổ nhất của Việt Nam hiện còn. Có một hành lang từ điện Ôn Khiêm dẫn ra Trì Khiêm Viện và Y Khiêm Viện là chỗ ở của các cung phi theo hầu nhà vua, ngay cả khi vua còn sống cũng như khi vua đã chết. Cạnh đó là Tùng Khiêm Viện, Dung Khiêm Viện và vườn nuôi nai của vua.
Lăng Tự Đức là một trong những công trình đẹp nhất của kiến trúc thời Nguyễn. Ông vua thi sĩ Tự Đức (1848-1883) đã chọn cho mình một nơi yên nghỉ xứng đáng với ngôi vị của mình, phù hợp với sở thích và nguyện vọng của con người có học vấn uyên thâm và lãng tử bậc nhất trong hàng vua chúa nhà Nguyễn.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét