Thứ Hai, 30 tháng 1, 2012

Đình Phú Trạch được xếp hạng di tích lịch sử cấp tỉnh: Nối liền dòng mạch truyền thống

Sáng 8-1, chính quyền và nhân dân Thạnh Phú sẽ chính thức đón nhận quyết định của UBND tỉnh công nhận đình Phú Trạch (ấp 2, xã Thạnh Phú, huyện Vĩnh Cửu) là di tích lịch sử cấp tỉnh.
Đình Phú Trạch được xây dựng lúc nào? Đây là câu hỏi không dễ trả lời, bởi hiện nay vẫn chưa có tài liệu chính thức nào nói về thời điểm xây dựng đình. Theo sách “Nghiên cứu địa bạ triều Nguyễn” của nhà nghiên cứu Nguyễn Đình Đầu, năm 1832 trấn Biên Hòa đổi thành tỉnh Biên Hòa, gồm: 1 phủ, 4 huyện, 22 tổng, 285 làng, trong đó có làng Phú Trạch, trực thuộc tổng Phước Vinh Hạ, huyện Phước Chánh, phủ Phước Long.
* Kiến trúc truyền thống Nam bộ tiêu biểu
Kết hợp với lời kể của các bô lão trong làng, có thể phỏng đoán đình Phú Trạch được xây dựng vào khoảng giữa thế kỷ XIX, và nhân dân địa phương lấy tên làng đặt tên cho đình nhằm khẳng định cơ sở tín ngưỡng này thuộc về làng. Ông Lê Văn Bé, 64 tuổi, Trưởng ban quý tế đình cho biết, ông tiếp nhận trách nhiệm này từ cha, và trước đó là ông nội. Ba thế hệ gắn bó cũng đủ cho thấy ngôi đình đã đóng vai trò quan trọng trong đời sống sinh hoạt và tinh thần của người dân, có liên hệ chặt chẽ với lịch sử phát triển của làng.

Di tích lịch sử đình Phú Trạch.         Ảnh: T.Thúy
Di tích lịch sử đình Phú Trạch. Ảnh: T.Thúy

Tọa lạc trên gò đất cao, có khuôn viên rộng hơn 2.000m2, ban đầu đình Phú Trạch được xây dựng bằng các vật liệu đơn sơ như gỗ, tre, lá, xung quanh đình không có hàng rào bao, tạo sự thông thoáng, gần gũi với người dân và xóm làng. Đây cũng là đặc trưng của các ngôi đình làng Nam bộ. Mặt tiền đình quay về hướng Tây, nhìn ra sông Đồng Nai đón gió lành. Trong khuôn viên đình có các loại cây cổ thụ sao, dầu, xà cừ, bao quanh ngôi đình là những mảng cây xanh tự nhiên, tạo cho cảnh quan ngôi đình thêm phần thiêng liêng cổ kính. Sau này, người dân đã nhiều lần đóng góp để tôn tạo đình, sử dụng các cây gỗ quý như căm xe, dầu, bằng lăng và các vật liệu chắc chắn như gạch Tàu, ngói vảy cá, tạo nên diện mạo ngôi đình vừa cổ kính vừa hiện đại, bền vững.

Ông Lê Trí Dũng, Giám đốc Ban Quản lý di tích danh thắng Đồng Nai cho biết, sắp tới đơn vị sẽ kết hợp với địa phương từng bước khôi phục lại những nghi lễ truyền thống, trò chơi dân gian gắn liền với phong tục tập quán của làng và tạo thêm không khí lễ hội cho nhân dân địa phương tham dự, thu hút du khách tham quan đình và góp phần quảng bá di tích gắn với du lịch của tỉnh.

Đình Phú Trạch hiện nay vẫn còn giữ nguyên những nét tiêu biểu mang tính chuẩn mực về quy mô, kiểu thức của đình làng Nam bộ. Bộ khung vì kèo làm bằng gỗ quý, kết cấu lắp dựng theo kỹ thuật ghép mộng chốt truyền thống. Ở các đầu kèo được tạc hình đầu rồng cách điệu - biểu tượng cho quyền uy và sức mạnh của vị thần được thờ tại đình. Các tác phẩm nghệ thuật trang trí trong đình, đặc biệt là khu vực chánh điện được chạm khắc rất tinh xảo, trang trí hoa văn phong phú theo mô-típ truyền thống: tứ linh, tứ quý, bát bửu, mặt trời, long - hổ, mây - hạc, hoa, lá triền chi, Phúc - Lộc - Thọ. Đặc biệt, nhiều chi tiết trang trí được sử dụng chất liệu gốm đặc trưng của nghề thủ công mỹ nghệ Biên Hòa.
Hệ thống hoành phi liễn đối, ở chánh điện đình là những tác phẩm nghệ thuật rất giá trị cả về mặt hình thức lẫn nội dung. Ngoài việc thể hiện kỹ thuật chạm khắc tinh xảo, nghệ thuật viết chữ Hán điêu luyện của các bậc tiền nhân xưa để tôn thêm vẻ trang trọng, linh thiêng cho ngôi đình còn hàm chứa những giá trị đạo đức truyền thống, những ước vọng về một cuộc sống yên bình, thịnh vượng, ấm no, hạnh phúc của cư dân nơi đây. Đó không chỉ là những giá trị văn hóa vật thể mà có cả giá trị văn hóa phi vật thể, là những tài liệu quý giúp cho việc nghiên cứu về lịch sử, văn hóa, kiến trúc nghệ thuật đình Phú Trạch nói riêng và hệ thống đình làng Nam bộ nói chung.
* Lưu giữ văn hóa thời mở cõi
Cũng như những ngôi đình khác, đình Phú Trạch thờ Thành hoàng bổn cảnh. Thành hoàng thờ không phải là một nhân vật có thật (nhân thần) mà là một nhân vật siêu nhiên (linh thần). Ngoài ra, đình còn thờ thần Hổ - một “dấu vết” của thời khai hoang mở cõi. Tương truyền, khi xưa nơi đây vốn là rừng rậm, nhiều thú dữ, trong đó có “Ông Hổ” thường về phá hoại mùa màng, bắt vật nuôi, thậm chí ăn cả thịt người nên dân làng lập miếu thờ thần Hổ để mong được yên ổn làm ăn, sinh sống. Đình cũng thờ Ngũ hành nương nương để phù hộ cho làng được phát triển. Trong hai cuộc kháng chiến, đình lập thêm bàn thờ chiến sĩ để thờ phụng các liệt sĩ của địa phương, thể hiện đạo lý “uống nước nhớ nguồn”. Năm 2001, thể theo nguyện vọng của nhân dân xã Thạnh Phú, Ban Quý tế đình đã đưa di ảnh Bác Hồ vào thờ trong chánh điện như một vị thần của làng, thể hiện sự kính trọng, lòng biết ơn của nhân dân địa phương đối với Bác.

Sự tồn tại của đình Phú Trạch minh chứng cho sự hình thành, tồn tại và phát triển của cộng đồng cư dân Việt ở vùng đất Phú Trạch thuở khai hoang lập làng và phát triển thành xã Thạnh Phú ngày nay. Ngày nay, đình vẫn là một thiết chế tín ngưỡng dân gian thờ và là nơi sinh hoạt cộng đồng, tổ chức lễ hội truyền thống của xã Thạnh Phú - vùng đất có bề dày truyền thống cách mạng, đã được Nhà nước phong tặng danh hiệu cao quý “Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân” vào năm 1999. Trong các dịp lễ kỳ yên hiện nay, nghi lễ cúng tế Thành hoàng vẫn được duy trì, thu hút hàng ngàn người tham dự. Song song đó, nhân dân địa phương còn tổ chức dâng hương lên Bác Hồ vào ngày 2-9 hàng năm và trồng cây lưu niệm tại đình. Những hoạt động này đã góp phần không nhỏ vào việc bảo tồn và truyền dạy di sản văn hóa phi vật thể của địa phương, đồng thời gắn kết cộng đồng trong mối đoàn kết hòa hợp, tương trợ, giúp đỡ lẫn nhau, cùng nhau góp sức xây dựng nông thôn văn hóa mới.

Đặc biệt, đình vẫn còn lưu giữ sắc thần của vua Khải Định phong tặng cho thần Thành hoàng làng Phú Trạch vào năm 1917. Theo quan niệm dân gian, làng có sắc thần là làng có truyền thống lịch sử, văn hóa lâu đời, nơi tập trung giá trị văn hóa truyền thống của địa phương. Vì thế, sắc phong cho thần Thành Hoàng làng của các triều vua được xem là một loại văn bản chính thống của nhà nước phong kiến thể hiện quyền lực của triều đình đối với các làng, xã trên toàn lãnh thổ. Mặt khác, sắc thần vua ban là bảo vật quý báu, thiêng liêng, có ý nghĩa biểu trưng cho quốc gia, dân tộc nên người dân trong làng đều có ý thức trân trọng, bảo vệ, giữ gìn. Trước đây, hàng năm vào các dịp lễ kỳ yên, ngoài nghi thức tế lễ, những trò chơi dân gian, như: Thi đánh cờ người, đá gà, thổi xôi cúng, đá banh, kéo co… được tổ chức tại đình đã thu hút đông đảo người dân địa phương. Như vậy, ngoài công năng thờ phụng, đình còn là trung tâm sinh hoạt văn hóa cộng đồng của làng Phú Trạch xưa.
Hà Lam

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét