Thứ Tư, 4 tháng 1, 2012

Khám phá Đắk Nông

Ai đã từng một lần lên vùng đất Tây Nguyên, đến với tỉnh Đắk Nông, chắc sẽ không bao giờ quên được vẻ đẹp hoang sơ, hùng vĩ của đại ngàn, của những ngọn thác, hồ nước tự nhiên… và đặc biệt là cả một kho tàng văn hóa đồ sộ và đặc sắc của đồng bào các dân tộc ở nơi đây.

Từ Tp. Hồ Chí Minh, theo quốc lộ 14 đi về hướng Tây Bắc khoảng 230 km, du khách sẽ đến thị xã Gia Nghĩa, thủ phủ của tỉnh Đắk Nông. Bốn phía thị xã được ôm ấp bởi núi đồi xanh mướt, không khí trong lành, quanh năm mát dịu. Từ Gia Nghĩa ra vùng ven không xa, du khách sẽ được chìm đắm trong vẻ đẹp thơ mộng của thác Cô Tiên, thác Liêng Nung và khám phá nghề dệt thổ cẩm của đồng bào các dân tộc thiểu số.

Vẻ đẹp hoang sơ của thác Đrây Sáp.

Thị xã Gia Nghĩa trong sương sớm.

Làng chài trên hồ Tà Đùng.

“Du lịch là một trong ba khâu đột phá thúc đẩy tỉnh Đắk Nông phát triển mạnh mẽ trong tương lai. Để ngành du lịch phát triển nhanh, bền vững kết hợp với phát triển kinh tế, đảm bảo an sinh xã hội và bảo vệ môi trường, chúng tôi tập trung xây dựng hạ tầng, phát triển giao thông, đào tạo nguồn nhân lực, đầu tư đúng mức để có sản phẩm du lịch đa dạng”.
(Ông Lê Diễn, Chủ tịch UBND tỉnh Đắk Nông)
Tạo hóa đã ưu ái ban tặng cho Đắk Nông nhiều dòng thác tuyệt đẹp. Đắk Nông có tới 16 thác nước hùng vĩ, kiêu hãnh, quanh năm tung bọt reo vang giữa đại ngàn như tháp Đrây Sáp, Gia Long, Trinh Nữ, Cô Tiên, Liêng Nung, Len Gun, Diệu Thanh, Hương Giang, Lưu Ly... Ngoài vẻ đẹp, mỗi ngọn thác còn ẩn chứa cả những câu chuyện mang tính huyền thoại mà mỗi ai đến đây cũng đều muốn khám phá.
Đường lên thác Đrây Sáp quanh co, len lỏi giữa những tán rừng nguyên sinh hàng ngàn năm tuổi, dưới chân là những tảng đá rêu phong mát lạnh. Dòng thác tuôn trào quanh năm, lung linh ẩn hiện như một bức thành nước trong không gian mờ ảo và tiếng thác réo ầm ào. Theo tiếng Ê Đê, “Đrây Sáp” có nghĩa là “Thác Khói”. Đây là một thắng cảnh đẹp được hình thành nên bởi hai dòng sông Krông Nô và Krông A Na mà người Ê Đê và người M'Nông gọi là sông Chồng và sông Vợ.
Không xa thác Đrây Sáp là thác Gia Long với không gian cô tịch đến mức chỉ nghe được tiếng nước đổ rì rầm và tiếng chim chóc vọng lên qua từng kẽ lá. Ngọn thác này có tên là Gia Long bởi xưa kia vua Gia Long thời Nguyễn (TK 19) từng đến đây nghỉ ngơi, chiêm ngưỡng.
Cùng với hệ thống thác nước, Đắk Nông còn có nhiều hồ nước tự nhiên hoang sơ nằm giữa núi rừng kết hợp với các khu bảo tồn thiên nhiên như Nam Nung, Tà Đùng tạo thành những tuyến du lịch sinh thái liên hoàn đầy hấp dẫn. Ví như hồ nước Ea Snô có diện tích hơn 80ha, là một thắng cảnh thiên nhiên kì thú gắn liền với những truyền thuyết dân gian và tập tục của cư dân trong vùng. Đến đây, du khách có thể đi thuyền thưởng lãm hình ảnh những ngọn đồi xanh nhấp nhô bốn phía, hoặc xuôi xuống thác Đrây Sáp, hay ngược dòng lên buôn Choah thăm quê hương của tù trưởng Nơ Trang Gưh, buôn Bu Nơr quê hương của tù trưởng Nơ Trang Lơng. Hai vị tù trưởng đã lãnh đạo đồng bào M’Nông vùng lên khởi nghĩa, chống giặc Pháp, bảo vệ núi rừng Tây Nguyên.

Con đường thơ mộng dưới tán thông reo.

Đường mòn vào thác Đrây Sáp.

Hòa mình với núi rừng thiên nhiên.

Du khách khám phá hồ Tà Đùng.

Ngoài tiềm năng về tài nguyên thiên nhiên, Đắk Nông còn được mệnh danh là quê hương của sử thi, của cồng chiêng, của những câu chuyện truyền thuyết. Đắk Nông còn là tỉnh nằm trong vùng Không gian Văn hóa Cồng chiêng Tây Nguyên đã được UNESCO công nhận là Kiệt tác Truyền khẩu và Phi vật thể của Nhân loại. Người M'Nông ở Đắk Nông hiện vẫn còn lưu giữ được gần 20 bài nhạc cồng chiêng cổ.
Đến Đắk Nông vào mùa lễ hội, du khách sẽ có dịp cùng dân làng quây quần bên ché rượu cần, đắm mình trong tiếng cồng chiêng đầy mộng mị bên ánh lửa bập bùng, nghe già làng hát sử thi và thưởng thức những món ngon đặc sản của núi rừng.
Theo Trung tâm Xúc tiến đầu tư Thương mại và Du lịch tỉnh Đắk Nông, hiện tỉnh đang triển khai 15 dự án du lịch sinh thái – văn hóa kết hợp với nghỉ dưỡng dọc bờ sông Serepok và tại nhiều khu thác, hồ.
Tài nguyên thiên nhiên và văn hóa của vùng đất Đắk Nông như những viên ngọc thô đang được đầu tư “mài giũa” và khai thác. Vì vậy, hi vọng trong tương lai không xa, “viên ngọc” Đắk Nông sẽ ngời sáng, để mảnh đất trên Tây Nguyên đầy nắng và gió này ngày một đẹp hơn, giàu có hơn./.
Bài: Quý Oanh - Ảnh: Lê Minh

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét