Thứ Ba, 17 tháng 1, 2012

Lên Cao Bằng ăn rau dạ hiến


Dạ hiến hay còn gọi là rau bồ khai, thường mọc hoang ở vùng núi đá Cao Bằng. Đây là loại cây thân dây rất giòn, bẻ dễ gãy. Thân được chia làm nhiều nhánh to bằng đầu đũa bám theo các cây thân gỗ gần đấy để vươn lên cao nhận ánh nắng mặt trời. Dù là thứ rau dại, mọc hoang nhưng không phải chỗ nào cũng có.
Chỉ cần rửa sạch rau, ngắt như rau muống là đem xào. Mỡ càng già càng tốt và chỉ cần đảo qua vài lượt cho rau vừa chín tới (xào tái là ngon nhất). Nhai vài miếng ta đã thấy ngay cái vị hấp dẫn của món ăn, nó vừa có vị béo ngậy vừa thơm. Khi ăn, ta cảm thấy như bao nhiêu tinh túy của rau rừng mùa xuân đều tập trung ở thứ rau này. Nếu như ai đã ăn quen, lâu ngày xa quê, rồi bỗng trở về và được ăn rau dạ hiến thì sẽ có cảm giác như mình vừa được thưởng thức "sơn hào hải vị".
Nhiều cụ lang cho rằng dạ hiến không chỉ đơn thuần là một thứ rau rừng có vị ngon hấp dẫn một cách kỳ lạ mà còn là một vị thuốc bổ thận, mạnh gân cốt. Đặc biệt, rễ cây dạ hiến đỏ còn là một trong nhiều vị thuốc chữa chứng vô sinh.
Từ nhiều năm nay, dạ hiến trở thành một thứ rau đặc sản ở Cao Bằng. Vào dịp xuân hè, ở vùng thị xã cũng như ở các thị trấn, thị tứ, hầu như không có bữa tiệc, bữa cỗ nào là không có đĩa rau dạ hiến xào lẫn thịt bò tươi hoặc lòng lợn, lòng gà... Trong vài ba năm lại đây, nhiều vị khách quen từ miền xuôi lên Cao Bằng vào dịp từ tháng 2 đến tháng 6, tháng 7 âm lịch đều không quên tìm ăn món phở xào rau dạ hiến.
Việt Báo

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét