Thứ Tư, 4 tháng 1, 2012

Ngôi chùa có vườn tháp lớn nhất Việt Nam

Đó là chùa Bổ Đà (Việt Yên- Bắc Giang) - một trong những ngôi chùa độc đáo nhất miền đất Kinh Bắc.Đây là điểm tham quan,lễ bái của nhiều đoàn khách hành hương trong và ngoài nước.
Trung tâm Phật giáo lớn của dòng thiền Lâm Tế 

Tọa lạc ngay dưới chân núi  Phượng Hoàng, phần thuộc địa phận huyện Việt Yên, tỉnh Bắc Giang, chùa Bổ Đà là một trong những trung tâm Phật giáo lớn của dòng thiền Lâm Tế, một dòng thiền có ảnh hưởng rất rộng rãi. Hằng năm kết hạ an cư, các vị tăng ni, tín đồ ở nhiều vùng cũng về đây tham thiền học đạo rất đông. Chùa có kiến trúc độc đáo và khác biệt so với các ngôi chùa truyền thống ở miền Bắc Việt Nam, đó là lối kiến trúc “nội thông ngoại bế” tạo vẻ u tịch, thanh vắng, linh thiêng.

Đây cũng là nơi sơn thủy giao hòa, nhìn sông tựa núi, cảnh sắc, không gian nhuốm màu huyền thoại, người xưa có thơ ca ngợi: “Bốn bề phong cảnh lạ thay/Bồng lai kia cũng thế này mà thôi”. Hay: “Thứ nhất là chùa Đức La, thứ nhì chùa Bổ, thứ ba chùa Tràng”.
Kho tàng di sản Hán Nôm phong phú
Được khởi dựng vào thời Lê, hiện chùa Bổ Đà còn nhiều tài liệu, hiện vật, cổ vật quý có giá trị lớn về mặt văn hóa, lịch sử, kiến trúc và mỹ thuật.

Với hệ thống kiến trúc 18 tòa ngang dãy dọc và gần một trăm gian liên hoàn, bố cục kiến trúc hài hòa được xây dựng bằng các vật liệu: gạch nung, ngói, tiểu sành, tường bao được làm bằng đất rất độc đáo.

Cùng với đó, chùa Bổ Đà hiện còn lưu giữ một kho tàng di sản Hán Nôm phong phú về số lượng, đa dạng về loại hình, ngoài những tấm bia đá, chuông đồng còn có hàng trăm cuốn kinh sách, luật giới nhà Phật.

Đặc biệt trong chùa còn lưu giữ bộ ván kinh Phật cổ nhất Việt Nam được khắc trên gỗ thị, bộ kinh được hình thành xuất phát từ ý tưởng của các vị tổ sư, đồng thời cũng là những người xây dựng ra ngôi chùa muốn có một bộ kinh để truyền dạy đạo Phật, đó là những di vật Phật học đặc biệt quý giá để lại cho đời sau. Trong đó, có hơn 2.000 mộc bản của các bộ kinh như: Lăng nghiêm chính mạch, Yết ma hội bản, Nam hải ký quy...

Tuy nhiên, khác với mộc bản kinh Phật tại chùa Vĩnh Nghiêm (vừa vượt qua vòng sơ thẩm của UNSECO để trở thành di sản văn hóa của nhân loại), mộc bản chùa Bổ Đà được đánh giá là độc đáo và sở hữu nhiều bản có niên đại sớm hơn so với mộc bản chùa Vĩnh Nghiêm. Vì vậy, mộc bản chùa Bổ Đà hoàn toàn có đủ điều kiện để đệ trình lên Tổ chức Giáo dục, Khoa học, Văn hóa của Liên Hợp Quốc xem xét công nhận là di sản tư liệu của Thế giới.

 Những ngôi tháp độc đáo




 Vườn tháp là nét độc đáo của chùa Bổ Đà 



Cổng vào chùa Bổ Đà với nét rêu phong, cổ kính 

Ngoài ra, với một vườn tháp cổ, nơi tàng lưu xá lị, tro cốt nhục thân của các vị tăng ni, với gần 100 ngôi tháp, vườn tháp chùa Bổ Đà được đánh giá là đẹp và lớn nhất Việt Nam. Các ngôi tháp mộ xếp hàng hàng, lớp lớp và được xây dựng theo những quy định riêng và rất chặt chẽ của thiền môn.

Không chỉ có khu vườn tháp lớn nhất nước, chùa Bổ Đà còn có nhiều nét độc đáo khác như các bức tường, cổng và một số công trình khác được xây dựng hoàn toàn bằng đất nện theo lối chình tường, tạo vẻ rất trầm mặc, gần gũi với vùng thôn quê ở vùng đồng bằng Bắc Bộ.
Lễ hội chùa Bổ Đà diễn ra vào các ngày 17 - 18 tháng hai (âm lịch) hằng năm. Đến hẹn lại lên, vào dịp lễ hội ngoài việc đến lễ Phật cầu mong an lạc, còn là dịp để những liền anh, liền chị của các làng quan họ trong vùng gặp gỡ, giao duyên, khoe sắc khoe tài, mời nước mời trầu, trong những bộ trang phục truyền thống để cất lên những làn điệu dân ca quan họ mượt mà, đằm thắm thấm đượm hồn quê. 

 
Theo GiadinhNet


Kiến trúc chùa đất độc nhất vô nhị ở Việt Nam

Xưa, người ta biết nhiều đến nghệ thuật trình tường bằng đất bởi người vùng cao Tây Bắc. Nhưng nay, chúng ta có thể chiêm ngưỡng kiến trúc độc lạ ấy ngay trên mảnh đất phù sa ven sông Cầu thuộc huyện Việt Yên, Bắc Giang.

Người dân khắp vùng gọi nôm na đó là chùa đất vì vẫn còn nguyên những bức tường trình đất phủ rêu phong từ thời nhà Lý và 27 bộ kinh phật bằng gỗ thị nguyên vẹn của phái Lâm Tế du nhập vào nước ta từ thế kỷ XVII.
"Nam Hương Tích, Bắc Bổ Đà"
Câu phương ngôn ấy đã từ lâu được biết đến như lời ngợi ca cho hai danh lam cổ tự thuộc Phật phái Lâm Tế, một trong những dòng thiền có tầm ảnh hưởng lớn ở Việt Nam. Thấp thoáng sau mỗi mái đình, chùa vút cong thách thức với thời gian luôn luôn là một sự linh thiêng nào đó. Chùa Bổ Đà, tên chữ là Tứ Ân Tự, hay còn có tên gọi khác là chùa Quán Âm, chùa Bổ, chùa đất nằm ở phía Bắc của chân núi Phượng Hoàng, thuộc địa phận thôn Thượng Lát, xã Tiên Sơn. Chùa dựa lưng vào núi, bên kia sườn núi là con sông Cầu ngàn năm lơ thơ nước. Không gian đó khiến ngôi chùa trở nên linh thiêng hơn với truyền thuyết đã có từ thời thượng cổ.
Tương truyền, từng có đôi vợ chồng ăn ở hiền lành chất phát nhưng ngoài 50 tuổi vẫn không có một mụn con nối dõi. Hàng ngày, hai vợ chồng vẫn vác rìu lên rừng thông sau làng đốn củi và luôn tu tâm tích đức mong trời phật mười phương phù hộ cho một đứa con. Một hôm, người vợ mệt ở nhà, người chồng một mình lên rừng đốn củi nơi gốc thông già. Cứ mỗi một nhát bổ ông lại lầm rầm niệm "Quán Thế âm Phật". Sau câu niệm thứ một nghìn lẻ một thì bỗng thấy tiền bắn ra tung tóe, sáng trắng dưới lưỡi rìu. Ông vui mừng phấn khởi nghĩ Phật hiển linh cứu thế, cúi xuống đếm được 32 đồng bạc liền nhẩm cầu khấn xin cậu con trai. Sau ngày hôm đó, ông dựng một ngôi chùa lợp tranh ngay dưới gốc thông già, tô một pho tượng quan âm, hàng ngày khói hương thờ phụng khẩn cầu. Chẳng ngờ, chín tháng mười ngày sau vợ ông sinh hạ một cậu con trai khôi ngô tuấn tú. Kể từ đó ngôi chùa mang tên là chùa ông Bổ và người ta lưu truyền đến ngày nay rằng đến chùa phát tâm cầu được ước thấy.
Vườn tháp là một trong những kiến trúc độc đáo của chùa Bổ
Kiến trúc độc nhất vô nhị
Theo lời các cụ cao niên trong làng kể lại: "Xưa kia, chùa tọa lạc chốn rừng rú thâm u, ít bóng người qua lại. Bởi sợ thú dữ đến quấy phá nên các cụ đã xây bức tường bao quanh kiên cố. Cũng bởi điều kiện kinh tế còn khó khăn, các cụ đã dùng kỹ thuật trình tường để tiết kiệm chi phí. Nhưng việc trình tường trên thực tế lại rất kỳ công. Đất phải là loại đất keo dẻo, không bùn, không phù sa. Đất lấy về để trâu xéo cho mịn, quánh. Những con trâu to khỏe nhất trong làng được trưng dụng để xéo đất. Xéo khoảng ba lần đạt độ mịn nhất định thì đem trình tường. Ngày nay, trong chùa có nhiều chỗ đã được trùng tu sang sửa. Tuy nhiên, riêng bức tường bao quanh trình bằng đất thì vẫn còn nguyên vẹn, chắc chắn và rêu phong, mang lại nét đẹp cổ kính thâm trầm cho chốn thiền tâm nơi đây. Cũng bởi bức tường trình đất mà trong dân gian vẫn còn thói quen gọi chùa Bổ là chùa đất".
Giá trị về mặt vật chất trong ngôi chùa cổ còn giữ lại được nguyên vẹn là 27 bộ kinh phật bằng gỗ thị vẫn được in bằng giấy dó để đào tạo trong Thái Lâm tế. Gỗ thị là loại gỗ bền, chắc, có thể giữ được qua hàng nghìn năm mà không hề bị mục rũa. Cho đến nay, theo ước tính với sự tồn tại của ngôi chùa thì bộ kinh phật có tuổi thọ chừng 300 năm. Bộ kinh cổ là niềm tự hào của chùa Bổ với nét chữ khi in ra giấy vẫn còn nguyên dấu thanh, không hề bị phai mờ. Người người đến chùa Bổ Đà, ngoài việc tĩnh tâm hướng phật, vãn cảnh, còn rất thích thú với việc chiêm ngưỡng bộ kinh phật độc đáo này.
Trùng phùng tháp cổ
Người đến Bổ Đà sẽ vô cùng bị choáng ngợp khi ngang qua vườn tháp cổ nằm trên đường từ nội tự đi chùa cổ trên đỉnh Phượng Hoàng. Vườn tháp nơi đây là nơi tàng lưu xá lị, tro cốt ngục thân của các tăng ni dòng thiền Lâm Tế.  99 ngọn tháp với đủ các kích cỡ to nhỏ, được xây dựng vào các thời điểm khác nhau nằm nghiêng theo độ cao của sườn núi tạo một hình thể uy nghiêm bề thế. Từ khi vị sư tổ đầu tiên có tên tục là Phạm Kim Hưng viên tịch cho đến nay, có hơn 1.400 nhà sư tu hành đắc đạo của dòng Lâm Tế khắp nơi trên cả nước suốt hơn 300 năm qua. Phật tử đến đây vẫn coi vườn tháp như một kỷ lục lớn nhất trong các vườn tháp chùa ở Việt Nam. Tháp cao khoảng từ 3 - 5m, riêng mấy tháp của sư tổ thì có chiều cao và rộng khác biệt.
Trong mỗi một ngọn tháp có ít nhất là bốn thi hài. Ngọn nhiều nhất có thể có đến 26 thi hài. Điều đặc biệt mà người người đến với chùa Bổ được chiêm bái đó là trong vườn tháp có cả tháp mộ sư tăng, sư ni (đây là điều rất hiếm gặp ở các thiền phái khác - PV). Du khách, phật tử có thể phân biệt tháp mộ sư tăng và sư ni khi quan sát. Trên đỉnh tháp mộ sư tăng bao giờ cũng có gắn bình cam lộ đặt trên tòa sen, còn tháp mộ sư ni được gắn búp sen.
Trong kiến trúc xây tháp ở chùa Bổ Đà, điều tạo điểm nhấn khác biệt và gần như là bí quyết: Tháp được kiến tạo bằng đá và gạch, mạch được bít bằng vôi vữa trộn với mật mía và bột giấy bản. Điều đó giúp tháp xây bền và đẹp lạ thường. Hầu hết các tháp đều có tên và trong lòng tháp có đặt bia ghi bài vị và thời gian sinh hóa của các nhà sư. Đó là những tư liệu chân thực quý giá về lịch sử của thiền phái Lâm Tế từ khi du nhập vào Việt Nam cho đến bây giờ.
Cảm giác mát rượi tỏa ra từ hơi đất và cây lá dưới vườn chùa nơi đây cứ vương vấn bước chân người trở về. Người ta đến chùa Bổ Đà không chỉ bởi niềm tin vào tâm linh mà còn để tìm cảm giác thân quen xưa cũ chốn thiền tâm tĩnh mịch này. Ai đó vẫn nhắc nhở nhau rằng chùa là nơi cái ác không bao giờ ngự trị. Tôi lại càng tin điều đó khi tiếng chuông của sáo diều càng về chiều càng trầm u và vọng vang trên bầu trời!... 
Từng là một trung tâm Phật giáo lớn
Chùa Bổ Đà là một trong những trung tâm phật giáo của phái Trúc Lâm thời nhà Trần. Tương truyền chùa đã có từ thời nhà Lý và đến thời Lê Trung Hưng thì được trùng tu xây dựng lại. 27 bộ kinh phật khắc trên gỗ thị ở chùa được coi là cổ nhất Việt Nam. Bộ kinh được xếp trên 8 giá, mỗi giá có 4 tập sách kinh gồm 240 tấm ván gỗ hợp thành, tất cả có khoảng 2.000 tấm.
Dương Thu

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét