Thứ Sáu, 13 tháng 1, 2012

Người Pako ăn Tết hai lần

Mùa đông mưa phùn và mây xám giăng mờ trên những con đường đèo dốc, vẫn không ngăn được bước chân hối hả của người Pako (huyện A Lưới, Thừa Thiên - Huế) lên rẫy lúa cuối mùa, để kịp tổ chức tết Aza (tết Cơm mới). Tết Aza xong, người Pako lại ăn Tết Nguyên đán.
Người Pako tổ chức ngày Tết Aza không trùng nhau, do mỗi làng tự quyết định, nhưng theo luật tục người Pako chỉ được chọn một ngày trong tháng 10 âm lịch, nếu ngày đã chọn vì lý do nào đó chưa thể tổ chức, thì bắt buộc phải tổ chức sau đó 18 ngày. Đến ngày tết, dù làm việc ở đâu, người làng sẽ sắp xếp công việc, trở về với gia đình. Tết tổ chức theo từng làng, dòng họ và gia đình. Phẩm vật dâng cúng tùy thuộc truyền thống gia đình và dòng họ, những dòng họ mang họ “con cá” thì lấy cá làm lễ vật chủ yếu, dòng họ mang họ “nông cụ” thì biểu tượng nông cụ là một lễ vật phải có trên mâm …
Ăn tết Aza xong, người Pako háo hức đợi tết Nguyên đán cùng với đồng bào Kinh
Con cháu trở về quây quần sum họp trong gia đình trước khi tổ chức cúng Aza. Mọi người thành kính, trang nghiêm, thể hiện tấm lòng biết ơn    của thế hệ sau đối với những người đi trước. Đêm trước ngày tết, những người phụ trách phần nấu nướng thức trắng đêm chuẩn bị những lễ vật trên mâm cỗ cúng Giàng như cơm trắng, xôi, bánh aquat, gà, heo, vịt, dê… Những cụ già cẩn thận dùng dao rựa để làm một linh vật hết sức thiêng liêng, không thể thiếu trong nghi thức tế lễ là hoa “tânghọt” - một thứ hoa giả làm bằng tre và những sợi dzèng (thổ cẩm).
Chuẩn bị cỗ cúng xong xuôi, vị chức sắc (tương tự ông “mõ” của người Kinh) thừa lệnh vị trưởng làng đánh lên những hồi kẻng báo hiệu thời khắc tết Aza đã đến (ngày xưa, người ta đánh những hồi mõ tre hoặc trống da dê). Sau tiếng kẻng lảnh lót ngân vang, các gia đình trong làng đồng loạt thắp hương, đốt đèn sáng trưng và bắt đầu lễ cúng các vị thần linh là Giàng Tro (Thần Nông) của người Pako, Giàng Pơnanh (thần Chăn nuôi), Giàng Panuôn (thần Buôn bán), Giàng Sưtarinh (Thần Đất). Mỗi dòng họ còn có Giàng riêng, đều được tế lễ trong ngày tết này.
Bên ngoài, nơi hành lễ Aza được quây kín bằng những tấm dzèng lớn, mỗi gia đình treo các tấm dzèng khác nhau, xung quanh có, bên trên có, tùy theo kinh tế. Lễ vật cũng tuỳ theo hoàn cảnh, có thể ít, nhiều, nhưng phải có bánh aquat, thứ bánh tương tự như bánh chưng, bánh tét trong ngày tết của người Kinh. Bánh aquat cũng gói bằng nếp nhưng không có nhân. Trên bàn lễ trang trọng, các món ăn cắm rất nhiều cành hoa “tânghọt”. Gia chủ bắt đầu khấn những lời tri ân Giàng, cầu mong năm cũ đã hết, sang năm mới gia đình được hạnh phúc, khấn thật lớn bằng tiếng Pako và liên tục như thế ba lần. Khấn xong tất cả các Giàng, gia chủ ra ngoài ngõ khấn cúng những con ma ngoài đường, ngoài rừng với những phần cơm, phần bánh, con gà, miếng thịt… Những gì cúng ma đều được đổ đi. Chủ nhà còn lo linh hồn người thân chưa về ăn Tết, họ đứng trong sân  xướng tên những người thân đã mất thật lớn, nhiều lần. Lễ cúng trong nhà đã xong, mỗi gia đình đem một số lễ vật giá trị nhất đến nhà sinh hoạt cộng đồng để cúng Giàng chung của làng.
K.D (st)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét