Thứ Năm, 26 tháng 1, 2012

Say em thì đến Bắc Hà

Mỗi vùng đất trên quê hương yêu dấu của chúng ta đều có một đặc sản. Huyện Bắc Hà - tỉnh Lào Cai, ngoài thiên nhiên đẹp, núi rừng nở trắng hoa mận vào mùa xuân còn có một thứ rượu ngon tuyệt vời - đó là rượu ngô truyền thống nấu bằng men cây hồng my.
Người miền núi Lào Cai ở đâu cũng biết nấu rượu, nhưng chỉ có rượu Bản Phố là ngon nhất.
Vẻ đẹp thiếu nữ vùng cao
Chưa uống đã say
Nhiều lần đến Bắc Hà và mỗi lần trong tôi đều có một cảm giác mới lạ. Ngày xuân, tôi lại dạo bước trong khu chợ và tìm thấy một đôi mắt. Một đôi mắt trong trẻo, đẹp và hơi ảm đạm (dường như cái đẹp nào cũng gắn với chút buồn).
Em ngồi một góc cạnh mấy người phụ nữ bên những can rượu đầy. Em nổi bật bởi khuôn mặt trắng hồng, đầu chít tấm khăn hồng, miệng luôn nở nụ cười tươi như bông hoa rừng trên núi, lộ ra hai chiếc răng bọc đồng vàng óng ánh.
- Mời anh mua rượu. Rượu Bản Phố ngon tuyệt vời đó anh. Đến Bắc Hà sao không uống rượu Bản Phố?
Tôi bị ấn tượng bởi cách mời của em kèm theo những lời giới thiệu chân thành. Em xoáy nút can rượu, rót rượu và đưa vào tay tôi:
- Mời anh uống thử, thơm lắm đó.
Tôi đưa lên miệng, khi rượu vào chạm môi, cảm giác hơi ấm nóng của rượu đã lan tỏa khắp người, lòng cảm thấy những giọt rượu mình vừa uống ấm nồng như những người làm ra nó. Tôi vừa nói: "Cảm ơn" thì cô gái lại định rót mời tiếp. Tôi xua tay, nhưng cô vẫn nhiệt tình. Đành lân la ngồi xuống hỏi chuyện. Được biết, em tên là Ma Seo Lài, cô gái ở xứ mận Bản Phố, một xã cách chợ trung tâm Bắc Hà vài cây số.
Qua nói chuyện với Lài, tôi hiểu thêm về việc gìn giữ nghề nấu rượu và thương hiệu rượu của người Bắc Hà, đặc biệt là người Bản Phố. Rượu Bản Phố được làm không cầu kỳ phức tạp ở cách thức, nhưng có bí quyết riêng mà nếu có đem công thức đến nơi khác làm cũng không ra được cái hương vị đặc biệt như ở nơi này. Rượu Bản Phố phải lấy nước từ suối Hang Dể, phải thấm cái sương núi khí trời ở Bản Phố vào hạt ngô, phải ngấm cái nắng cái gió của núi rừng Hoàng Liên vào hoa, vào hạt hồng my.
Bản Phố bao đời nay tận tụy, một nắng hai sương. Có một điều, phụ nữ ở đây đều uống rượu rất giỏi, nhưng không phải lúc nào cũng uống. Họ chỉ uống nhiều khi có khách quý hoặc những dịp đặc biệt. Lài cũng là cô gái như vậy, cô yêu nghề nấu rượu ngô của cha ông mình, yêu những cánh rừng mận mỗi mùa xuân lại thắp hoa trắng tinh để đôi lứa đi hội xuân. Lài là một trong những thiếu nữ vùng cao duyên dáng nhất mà tôi từng gặp, cô lại thích tâm sự, muốn quan tâm tại sao tôi đến Bắc Hà. Tôi đã đùa: “Đến để tìm người yêu”.
Gần trưa, nơi nhộn nhịp nhất của chợ là khu cửa hàng ăn, mà nhiều nhất là thắng cố. Đối với đàn ông vùng cao thì chợ cũng là nơi để một tuần họ có thể gặp gỡ cùng uống rượu bên chảo thắng cố. Thắng cố không lúc nào vơi trong chảo cũng như rượu không lúc nào cạn trong bình. Rượu đặc sản của người Mông Bản Phố được nhiều người biết đến bởi độ nặng và vị gắt rất đặc trưng, kết hợp với thắng cố thì ngon không gì bằng. Tôi mời Lài và vài người bạn của cô cùng ngồi và chúng tôi đã rót rượu cho nhau. Qua chén rượu, mọi ngại ngần đều được xóa bỏ. Chúng tôi đã uống, đã chúc và vui vẻ cười bên nhau. Cô bạn Ma Seo Din cũng uống rượu thật giỏi mà không đỏ mặt. Cũng như Lài, cô nói mình đã nhìn thấy bố mẹ nấu rượu từ bé và cô đã biết nấu thành thạo khi mới 13 tuổi.
Trong không khí vui vẻ, rượu thơm nồng và bát thắng cố nghi ngút khói, Lài cho tôi biết, người quê hương cô có bí quyết riêng để tạo nên một hương vị rượu thơm nồng, du khách uống thử một lần sẽ nhớ mãi. Người Bắc Hà ngày nay đã biết tận dụng những khoảng đất trống dưới tán cây mận tam hoa để trồng cây hồng my, men rượu làm bằng hạt hồng my (hạt hồng my như hạt kê, hoa khô màu hồng nhạt có mùi thơm rất lạ) khiến rượu ngô Bản Phố say lâu, ngất ngây mà lại sảng khoái.
Tiếng chạm cốc lại leng keng, leng keng. Tiếng cười vang vang. Đâu đó lại vang lên tiếng nhạc Mông, rồi tiếng nhạc của người dân tộc thiểu số được cài trong điện thoại cũng vang lên góp vui. Nhìn sâu vào mắt Lài, tôi biết, cô đang cố giấu những nỗi niềm, để uống với một vị khách dưới xuôi lên vô tình thấy hợp.
Khoảng 2h chiều, chợ đã vắng. Nhiều người đàn ông uống say ngật ngưỡng, được đưa về bằng xe máy hay ngất ngư ngồi trên lưng ngựa để vợ dắt về nhà. Cũng có người quá chén, phải bám đuôi ngựa, theo ngựa về. Hình ảnh đó làm tôi thấy thích thú và hơn nữa, thấy thật sự thú vị.
Men say lòng người
Gia đình Lài ở thôn Bản Phố 2, không có nhà sàn mà ở trong căn nhà lợp lá, tường đắp bằng đất nện dày cỡ 50cm, gọi là nhà trình tường. Giường ngủ được kê quanh bếp lửa, góc còn lại vừa là nơi chứa nước, dự trữ lương thực, chứa phân bón, dụng cụ lao động... Sau một ngày làm việc vất vả, bếp lửa là nơi cả nhà quây quần với những sinh hoạt chung. Cách mà bố mẹ Lài dạy con, cách ăn nói của Lài làm tôi thực sự thấy ấn tượng, ấm cúng. Bố của Lài bảo, sự hiếu khách là điều dễ nhận thấy nhất của người dân Bắc Hà. Và đêm đó, ở khu bếp lửa ấm cúng, ông Ma Seo Chí - bố của Lài - lại rót rượu mời tôi. Sau chầu rượu say mèm, chủ nhà thết đãi tôi bằng một số bài múa khèn và siên tiền của người Mông.
Tác giả và thiếu nữ Mông
Người Mông nơi đây cho rằng, uống rượu Bản Phố vào buổi tối, cùng với bằng hữu, rượu như có sợi dây vô hình ràng buộc tình yêu thương khăng khít, trong lòng mọi người trào dâng lời hay, ý đẹp, nói lên được những điều mới mẻ, ý nghĩa thấm sâu và hào hứng mà những lúc khác không có rượu chưa nói được. Còn vào buổi sáng sẽ có thêm sức mạnh, tựa như có một vị thần dũng mãnh hỗ trợ làm việc đồng áng suốt ngày không cảm thấy mệt mỏi.
Tôi đã ở cạnh Lài trong mấy ngày xuân. Chúng tôi đi chơi xuân cùng nhau, Lài giúp tôi tìm hiểu thêm cuộc sống và con người trên cao nguyên. Xuân về, đất trời Bắc Hà như khoác chiếc áo hoa nhiều màu, mỗi sắc màu là nét riêng của một dân tộc còn lưu giữ được khá nguyên vẹn cho đến hôm nay. Mỗi du khách đến Bắc Hà những ngày này sẽ được đắm chìm trong những lễ hội văn hoá đặc sắc của đồng bào các dân tộc nơi đây.
Nếu như mùa xuân với người Tày là những đêm xoè rạo rực bên ánh lửa hồng thì với người Mông là hội Gầu Tào, là tiếng khèn Mông dập dìu bên sườn núi réo rắt gọi mùa xuân, gọi bạn tình, là những bát rượu vừa nấu vẫn còn thơm mùi men say của núi rừng.
                                                             Nguồn: Nguyễn Văn Học
Người đưa tin

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét