Thứ Ba, 31 tháng 1, 2012

Theo các dòng sông ra biển

SGTT Xuân 2012 - Sông Gành Hào ra biển Đông. Gom nước Tràm Trẹm, Cái Tàu, sông Ông Đốc đổ vào biển Tây. Dòng cửa Lớn thông ra hai biển. Đến Cà Mau, Bạc Liêu, theo các dòng sông thân thương ra biển thăm những nơi cùng trời cuối đất của Tổ quốc.

Phà ở sông Đầm Cùng.


Một dòng chảy ra Biển Đông, một dòng đổ vào Biển Tây
Đứng trên cầu Gành Hào – Cà Mau, tôi háo hức muốn đến nơi dòng sông ra biển. Anh bạn bác sĩ Tô Minh Nghị chiều ý tôi. Xe hơi theo quốc lộ đến Giá Rai rồi Hộ Phòng. Tên các thị trấn nghe dễ thương gợi nhớ kỷ niệm hơn ba mươi năm. Rồi rẽ vào con đường nhỏ gập ghềnh, hai bên đất ruộng khô cằn. Đúng là miệt biển, vuông tôm tiếp nối nhau.
Mùi cá khô, mùi gió biển quyện lấy nhau. Gió vù vù, biển xa choáng ngợp. Tới biển rồi, Biển Đông đây. Tưởng nơi này cheo leo, hoá ra thị trấn đàng hoàng. Vui quá. Thị trấn biển phồn thịnh của tỉnh Bạc Liêu. Chợ Gành Hào nhộn nhịp sầm uất. Theo một hẻm chợ ngoằn ngoèo, bước xuống bến đò, phăng theo cây cầu gie ra, tôi đứng ngó mông lung. Cửa sông nở rộng, tàu ghe tấp nập, chiếc ra biển, chiếc trở vào. Bờ bên kia là xã Tân Thuận, huyện Đầm Dơi, Cà Mau. Bãi đất bùn đen, cát không trắng, biển không xanh. Cửa sông Gành Hào bình dị đến tầm thường, mà sao đáng yêu. Dân ở đây chắc là con cháu nhiều đời của di dân từ ngũ Quảng đến lập nghiệp ở miệt cùng trời cuối đất này. Chuyện đẹp làm sao.

Chợ Gành Hào.
Cửa sông Gành Hào.
Đêm Gành Hào nghe điệu Dạ cổ hoài lang của nhạc sĩ Vũ Đức Sao Biển thôi thúc tôi thăm nơi này. Chưa qua đêm Gành Hào nhưng được viếng đền tưởng niệm nhạc sĩ Cao Văn Lầu ở thị xã Bạc Liêu. Ôi bác Sáu Lầu đã đưa hơi vọng cổ len sâu vào lòng người Nam bộ.

Hôm trước thấy báo đăng có vụ sạt lở ở Gành Hào cách cửa biển vài trăm mét, thiệt hại nhiều nhà cửa, nhiều trại tôm. Một thoáng lo cho Gành Hào, nhưng biết chắc bên cửa sông, thị trấn luôn đầy sức sống. Nhớ cửa sông, nhớ thị trấn, nhớ Bạc Liêu, nhớ bác Sáu Lầu.

Cửa sông Ông Đốc.


Tương truyền chúa Nguyễn Ánh bị quân Tây Sơn đuổi đánh, đô đốc Nguyễn Văn Vàng mặc áo nguỵ trang chúa để nghi binh rồi hy sinh. Năm 1802 ông được lập miếu thờ, dân gian gọi riết thành tên sông Ông Đốc.
Cầu Khánh An rộng, cao, đẹp. Đứng trên cầu thấy dòng sông Trẹm êm đềm. Hồi nhỏ đọc Bên dòng sông Trẹm của Dương Hà, lòng tôi hằng tơ tưởng. Sông dài 36 cây số có nguồn là sông Cái Lớn chảy từ Kiên Giang xuống. Phía bên này cầu là sông Ông Đốc, bắt đầu gom nước sông Trẹm và sông Cái Tàu ra biển đổ vào vịnh Thái Lan, Biển Tây. Có con đường nhỏ tráng nhựa vừa đủ hai xe né nhau cặp theo dòng sông. Đường hẹp mà tốt, xe chạy thật ngon, thỉnh thoảng dừng ở những cây cầu nhỏ bắc qua rạch Giếng, rạch Cui, Cái Tàu. Dễ thương quá. Nước đầy, sông rộng mênh mông, hai bờ cách nhau cả cây số. Dòng chảy mạnh, thuyền bè tấp nập. Tiếng máy đuôi tôm inh ỏi. Dòng sông có sức sống lạ kỳ. Ngó cây cối xanh tươi trên bờ, rồi dõi theo dòng sông trong mộng của tôi. Đâu ngờ sông dài đến 50 cây số. Rồi xe cũng ngừng lại. Xe ôm chở đến nhánh sông nhỏ. Chiếc phà con đầy ắp xe đạp, xe gắn máy. Mắt hoa lên vì cảnh vật, nhà cửa san sát trên bờ, đò ghe đầy sông. Thật là vui.
Lên bờ lại đeo xe ôm, quanh qua quanh lại, có chỗ nước ngập lên khỏi mắt cá chân, hai bên đầy hàng quán, đông đúc người. Sầm uất quá, ồn ào quá, lộn xộn quá, ngộ quá, vui quá. Đâu ngờ, thị trấn Sông Đốc, nơi cuối đất, cuối sông lại phồn thịnh như vầy. Qua khỏi chợ đến vùng đất trống, có đài tưởng niệm cuộc tập kết lịch sử 1954. Thật cảm khái nay đất nước đã liền một dải. Phải qua cây cầu hẹp và cao mới tới cửa sông. Thấy thật rõ cửa sông đổ ra biển. Nước biển ngập mé, đất bờ sông một màu đen sậm. Biển ở đây sao mà mộc mạc dân dã vậy. Cửa sông nhộn nhịp, tàu ghe vào ra. Giày đầy sình đất, tôi đi tới đi lui, lòng phơi phới. Sông Ông Đốc đổ vào Biển Tây. Dòng Gành Hào ra Biển Đông, hai dòng đều ra biển.
Cửa Lớn một dòng thông hai biển

Đước trên sông.


Quốc lộ 1A từ Cà Mau đi Năm Căn bây giờ khang trang quá. Xe chạy phom phom, nhà cửa còn thưa thớt, tầm mắt thật thoáng, ruộng nước mênh mông. Thật mộc mạc Nam bộ những cây cầu Kinh Năm, Kinh Xáng, Lòng Tong, Cựa Gà... Chỉ còn sông Đầm Cùng phải qua phà. Chắc lần sau thì cầu đã xong.
Chợ Năm Căn mới rộn rịp mà trật tự. Có thấy vẻ gì là mút cùng của tổ quốc đâu. Chôm chôm, vú sữa, chắc từ Cái Mơn, Lái Thiêu. Có cả trái vải từ Hải Dương, Bắc Giang vào tới xứ Cà Mau này. Tìm đâu ra dáng dấp Hương rừng Cà Mau của Sơn Nam.
Ra bến đò Năm Căn, chúng tôi tám người lên chiếc hobo (hors-bord), khoác áo bảo hộ. Chàng tài công trẻ măng, dáng nghệ sĩ đảo hobo thật nhanh vượt sông. Sóng gió, tốc độ làm chúng tôi hoảng vía. Thân tàu đập sóng tạo thành âm thanh kỳ thú. Khi thì cập dọc bờ phía Ngọc Hiển, khi đảo ngang sông, lạng tránh nhiều vó đáy giữa sông rồi cập bờ bên kia. Sông Cửa Lớn là ranh giới tự nhiên giữa Năm Căn và Ngọc Hiển. Tài công muốn trổ nghề. Thích quá mà cũng sợ quá. Hồi lâu mới định thần lại ngắm cảnh. Thấy nhà cửa, ruộng vườn và sinh hoạt trên huyện Ngọc Hiển.

Đước mới mọc trên bãi bồi.
Bờ phía Năm Căn thì hết con rạch này tới rạch khác, liên miên những cây cầu nhỏ bắc ngang, chỉ có xe đạp, honda chạy, không có đường cho xe hơi. Sông rộng quá, bờ này ngó bờ kia mút mắt. Chú tài công cho biết khúc sông rộng một cây số, chỗ rộng nhất đến một cây số rưỡi. Lướt vù vù khoảng gần một giờ thì sông rộng tẽ ra nhiều nhánh nhỏ hơn. Tới một vùng sông cạn nhiều cây mắm thấp thấp mọc trên bãi bùn. Tài công cho chúng tôi thấy tận mắt bãi bồi phù sa. Nghe nói nay mới thấy. Kỳ tích đây. Cứ thế mà phù sa lấn biển, cây mắm mọc trước, rồi cây đước theo sau.


Hàng cọc chống sạt lở ở Đất Mũi.


Đò uốn lượn các khúc sông hẹp, hai bên bờ rợp bóng đước lẫn mắm, rồi tới những nơi đước lấn mắm lần. Bãi bồi đã thành đất thì đước chiếm lĩnh xanh rì, mắm còn lẻ tẻ. Sự ứng hợp sinh thái mắm và đước thật thú vị. Rồi cũng tới Đất Mũi. Bước lên bờ lòng lâng lâng khó tả. Thấy trên bản đồ đất nước, cái mũi nhọn cong cong, bây giờ lại được chụp hình đúng tại mốc toạ độ quốc gia. Cảm khái làm sao đứng ngay dưới tượng đài con thuyền đánh dấu vị trí mũi Cà Mau. Xa xa có bóng dáng Hòn Khoai. Sao lại có hàng cọc như rào cản. Hỏi ra mới biết vài năm trước nền đất còn ở rào ngoài, nay đã lở vào trong. Biển gặm một bên Đất Mũi, nay thấy rõ ràng. Quy luật thiên nhiên thôi mà, nào phải cuộc tang thương.
Sông Cửa Lớn dài 58 cây số ở Cà Mau nối Biển Đông và Biển Tây. Ở địa phận quận Năm Căn, sông mang cùng tên, cuối cùng qua xóm Ông Trang rồi ra vịnh Thái Lan bằng vàm sông Cửa Lớn. Lần sau đến Cà Mau phải ngược dòng Cửa Lớn theo cửa Bồ Đề ra Biển Đông. Ước mơ có ngày nào đứng trên cây cầu nối Năm Căn và Ngọc Hiển, ngắm dòng Cửa Lớn, tâm tưởng xuôi từ Biển Đông về Biển Tây...
bài và ảnh: gS.BS NgUYỄN cHẤN HÙNg

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét