Thứ Ba, 31 tháng 1, 2012

Trầu cánh phượng – trầu cô Tấm


Trầu, cau giờ chỉ còn trong những lễ cưới, lễ hỏi và những lễ hội. Trầu cánh phượng còn được gọi là trầu cô Tấm, gắn liền với những liền chị quan họ duyên dáng trong hội Lim.

Hình tượng trầu têm cánh phượng của cô Tấm trong truyện cổ tích Tấm Cám có từ rất xưa. Có ý kiến cho rằng: truyện Tấm Cám có nguồn gốc từ vùng đất Kinh Bắc. Vì thế, cô Tấm có dáng dấp của chị Hai quan họ: hiếu thảo, duyên dáng, tình tứ và khéo léo.

Đẹp từ miếng cau bổ sáu.
Miếng trầu của cô Tấm, miếng trầu têm cánh phượng đã trở thành một hình tượng đẹp, có sức quyến rũ độc đáo. Miếng trầu têm cánh phượng còn mang nét đẹp biểu trưng, đầy tự hào của người Kinh Bắc.
Người ta ăn trầu là để thưởng thức vị cay thơm của lá trầu không, vị chát của vỏ, vị ngọt bùi của cau, vị nồng nàn của vôi. Tất cả hòa quyện với nhau trong một màu đỏ sẫm. Nhiều người ăn trầu đã thành thói quen, rồi thành nghiện. Miếng trầu tách riêng thì cay, đắng, éo le, nhưng khi đã hòa chung thì mọi thứ lại thắm tươi, đẹp đẽ.


Xếp những miếng trầu vào đĩa để mời khách.
Trầu têm cánh phượng có nhiều quy tắc “nhiêu khê”: có “cau róc trổ hoa, cau già dao sắc”; từ lá trầu, quả cau, cho đến cách bổ, cách têm trầu cũng rất… mệt! Có trầu quế, trầu hồi; cũng có trầu cay, trầu hôi; có cau tươi, cau khô, cau già, cau non, cau quả to, cau quả nhỏ; cau tiễn chũm long đào…
Trầu têm cánh phượng thường dùng để đãi khách quý, được têm bằng cau chũm tiễn long đào. Cách têm này đòi hỏi phải chọn lá trầu quế vừa tầm để cắt tỉa cánh phượng, chọn vỏ đỏ dày để cắt trang trí phần đuôi. Muốn cho miếng trầu thêm đẹp, người ta thường cài thêm vào cùng miếng vỏ một cánh hoa hồng, tạo thành đuôi phượng, làm miếng trầu thêm lộng lẫy với sắc màu sặc sỡ, tươi tắn.
Trầu cánh phượng thường được bày trên đĩa đặt ở bàn tiệc để trang trí. Mỗi đĩa trầu có thể bày từ 5 đến 10 miếng, đầu châu vào giữa, đuôi có cánh hồng ở phía ngoài, trông rất sang trọng, lịch thiệp và đẹp.
Trong giao tiếp ứng xử, “miếng trầu là đầu câu chuyện”. Miếng trầu thường đi đôi với lời chào và một thái độ của người mời khách. Người lịch sự không “ăn trầu cách mặt”, nghĩa là đã tiếp, thì tiếp cho phải lẽ: tiện đây ăn một miếng trầu. Hỏi rằng quê quán ở đâu chăng là?
Việc mời trầu cũng thể hiện sắc thái tình cảm tinh vi, tế nhị. Quý nhau mời trầu, ghét nhau theo phép lịch sự, cũng mời trầu: “yêu nhau cau sáu bổ ba - ghét nhau cau sáu bổ ra làm mười”.
Ở xứ Kinh Bắc, trầu cánh phượng được coi là trầu cô Tấm. Nhìn các liền chị têm trầu mà cứ ngỡ là cô Tấm vừa chui ra từ vỏ thị, đang sống giữa cuộc đời, thiết tha tình tứ, giăng mắc cùng lời ca Quan họ: dao vàng bổ miếng cau hoa - Bày lên đĩa sứ, mang ra thết chàng...

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét