Thứ Tư, 11 tháng 1, 2012

Về Sơn La chơi Đàu Pao

Sương mù giăng mắc, bao phủ trên những bản vùng cao, đem theo những bông hoa đào đỏ thắm, hoa mận trắng muốt báo xuân về Tây Bắc. Những ngày này, bản Tà Phình, Phiêng Cành lại vui nhộn bởi những trận Đàu Pao của phụ nữ Mông.

Đàu Pao có nguồn gốc từ trò Lải Pao (ném pao) truyền thống của người Mông. Theo lời kể của ông Vàng A Thào, Chủ tịch Ủy ban MTTQ xã Tân Lập (Sơn La) thì không ai còn nhớ trò chơi này được sáng tạo ra khi nào, mọi người chỉ truyền nhau rằng thấy nam giới đánh bóng chuyền vui quá, chị em rất thích nhưng lại không biết chơi nên nghĩ ra cách kết hợp Lải Pao và bóng chuyền để tạo ra một trò mới với cách chơi đơn giản, thú vị.

Trò chơi chỉ dành riêng cho chị em phụ nữ;  thu hút đông đảo sự tham gia

Đàu Pao được tổ chức trên một khoảnh đất rộng, san phẳng và dọn dẹp sạch sẽ. Sân thi đấu được kẻ sẵn có chiều dài từ 12m x 8m (hoặc 10m x 6m), cũng có lưới giống như sân bóng chuyền nhưng lưới của Đàu Pao gồm hai phần, một được căng bằng lưới bóng chuyền hoặc dây thừng, mặt lưới cách đất 3,5 m, một được căng bằng dây thừng cách mặt trên lưới thứ nhất 0,5m.
Người chơi chia làm 2 đội, mỗi đội từ 6-9 người (chỉ nữ giới mới được chơi). Một trận Đàu Pao thường kéo dài 3-5 hiệp. Khởi đầu cuộc chơi, một người sẽ đứng ở góc phải cuối sân phát pao sang phần sân của đội kia, người chơi của đội đối diện sẽ phải bắt được quả pao đã ném sang và ném trả lại. 2 đội sẽ ném qua lại như vậy qua khoảng trống giữa 2 phần lưới cho đến khi quả pao rơi xuống đất,  rơi ra khỏi sân, pao ném lên trên hoặc xuống dưới 2 phần lưới. Mỗi lần để pao rơi, hoặc ném ra ngoài, chạm lưới như vậy bị  tính thua 1 điểm. Hiệp đấu kết thúc khi một bên thua 15 điểm. Cũng có một cách chơi khác, 2 bên thống nhất thời gian thi đấu, hiệp đấu kết thúc khi hết khoảng thời gian đã quy ước, bên nào bị tính nhiều điểm hơn là thua.
Đàu Pao không quá phức tạp, song lại đòi hỏi sức khỏe, sự chính xác, khéo léo, dẻo dai của người phụ nữ. Tôi có cảm giác, mỗi lần chị em bắt quả pao về tay mình là mỗi lần họ nhận về niềm vui, may mắn cho năm mới, mỗi lần ném pao đi là một lần vứt trả lại bầu trời lồng lộng trên kia những nhọc nhằn, vất vả suốt cả năm đã qua. Chị em tham gia trò chơi rất nhiệt tình và phấn khởi, kết thúc trận đấu tất nhiên có người thắng, người thua nhưng trên khuôn mặt mọi người đều lộ rõ ánh mắt tươi vui, nụ cười rạng rỡ. Họ ôm chầm lấy nhau mà nhảy múa, mà chúc mừng. Một năm không có nhiều ngày vui như thế cho những người phụ nữ vốn lam lũ với nương ngô, nương sắn, với công việc bếp núc, thêu thùa. Những ngày này, họ có cơ hội cười, nói, hò hét, bình đẳng như nam giới. Đàu Pao không còn là một trò chơi  giải trí đơn thuần mà còn là cơ hội để giao lưu, thể hiện tinh thần cộng đồng của người Mông. Chị Hạng Thị Gống (bản Tà Phình) vừa đi giao lưu ở bản Giáo (xã Mường Lựm, Yên Châu, Sơn La) về cho biết: "Lúc đầu chơi cũng mệt, nhưng khi quen rồi thì thoải mái và rất ham. Năm nay, chị em đi giao lưu đông lắm, kể cả những người không biết chơi cũng đi cùng để cổ vũ, ai cũng hào hứng..."

Ném đi buồn, vất vả, nhận lại niềm vui, hạnh phúc
Trọng tài và khán giả cũng rất chăm chú theo dõi
Niềm vui chiến thắng
Niềm vui của những thợ săn ảnh

Đàu Pao đã trở thành trò chơi phổ biến của phụ nữ Mông. Nó cùng với nhiều trò chơi khác đem lại nét đẹp văn hóa đặc trưng của người Mông góp phần xua tan đi cái giá lạnh của núi rừng Tây Bắc, đưa người ta lại gần nhau hơn mỗi khi Tết đến, xuân về. 


Độc giả Ngô Thành Đạo
Theo Infonet

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét