Thứ Tư, 29 tháng 2, 2012

Nét Việt

Những đoạn sông Tích chảy qua vùng dân cư bán sơn địa hay vùng đồi gò đá ong, lặng lẽ bao đời nay đã tạo nên nét riêng của miền quê Việt rất đỗi nên thơ, hữu tình.
Sông Tích (còn gọi Tích Giang) là phụ lưu của sông Đáy, thuộc hệ thống sông Hồng. Tích Giang dòng nhỏ và dài, bắt nguồn từ dãy núi Ba Vì với hai hồ điều tiết nước đầu nguồn là hồ Suối Hai và hồ Đồng Mô, quanh co uốn lượn dọc phía tây nam khu vực Hà Nội mở rộng, qua thị xã Sơn Tây và nhiều huyện ngoại thành, cuối cùng đổ nước về sông Đáy tại huyện Mỹ Đức.
Hai bên bờ sông Tích phía thượng nguồn có nhiều địa điểm du lịch văn hóa lịch sử như: Khu du lịch nghỉ dưỡng hồ Suối Hai, Làng cổ Đường Lâm, Đền Và, Trại tù Sơn Tây, Thành cổ Sơn Tây, Khu du lịch Đồng Mô - Ngải Sơn…
Những đoạn sông Tích chảy qua vùng dân cư bán sơn địa hay vùng đồi gò đá ong, lặng lẽ bao đời nay đã tạo nên nét riêng của miền quê Việt rất đỗi nên thơ, hữu tình.
Xin giới thiệu chùm ảnh về những nét quê chưa bị tàn phai bên dòng sông Tích, đoạn qua huyện Thạch Thất (ngoại thành Hà Nội)
 
Tích Giang và bãi bồi xanh dưới nắng chiều
Cầu mới Phú Thứ, nối huyện lỵ Thạch Thất và các xã vùng
 bán sơn địa
Dáng ai như dáng mẹ…
“Cùng một bến sông, con trâu đằm xóm dưới…”
Những cây cầu kiểu “truyền thống” vẫn nối hai bờ vui…
Bến sông làng Kim Quan bao đời vẫn thế
Và con đê vẫn mòn lối cỏ về…
Bên trong đê là cánh đồng quê gối vụ
Những xóm làng kẽo kẹt lũy tre đưa
Mà hạnh phúc vẫn hồng tươi như màu ngói ra lò
Sớm tối mải đi về lam lũ
Nắng đã xiêu bóng chợ chiều
 
Theo Nguyễn Bình
Dân Việt

Nơi chưa bao giờ xảy ra ly hôn

Ở ngọn núi Đao Cay suốt năm mây mù bao phủ, người dân vẫn lưu truyền câu chuyện về "lời nguyền" của các cặp đôi yêu nhau.
Dù gốc gác câu chuyện ấy chưa được kiểm chứng, nhưng ở vùng quê đó có điều lạ là chưa xảy ra chuyện ly hôn bao giờ.
Bàn cờ tiên trên đỉnh núi
Trong buổi đi tìm hiểu những truyền thuyết đẹp về tình yêu và văn hóa sống để giữ gìn hạnh phúc gia đình của những con người sống dưới chân ngọn núi Mỏ Quạ huyền thoại, vô tình mà như hữu ý, cùng lúc tôi gặp cả ông Dương Văn Lãm và ông Nguyễn Quý Đôn, những người đã có nhiều năm nghiên cứu về văn hóa, con người huyện Bình Xuyên (Vĩnh Phúc).
 
Ông Đôn (phải) và ông Lãm có chung một niềm đam mê về những giá trị văn hóa truyền thống của địa phương.
 
Theo lời ông Lãm, người năm nay đã hơn 70 tuổi, từ thời xa xưa những cặp trai gái yêu nhau từ khắp nơi vẫn cố công rủ nhau leo núi Mỏ Quạ này để cùng đánh cờ trước sự chứng kiến của đất trời. Những cặp dắt tay nhau lên đến được đỉnh Đao Cay, ngồi vào bàn cờ thì dù ai thắng ai thua cũng đều được các vị tiên phù hộ tác thành cho tình duyên hạnh phúc, cùng nhau sống đến đầu bạc răng long. Ngày nay, bàn cờ và các quân cờ thô sơ bằng đá vẫn còn trên đỉnh Đao Cay mặc dù đã rất lâu rồi, ít người yêu nhau còn leo lên được đỉnh núi.
 
Lấp sau làn sương, mây mù bao phủ quanh năm, ngọn núi Mỏ Quạ được đồn là mang một lời nguyền cho các cặp yêu nhau.
Bàn cờ mà ông Lãm nói đến là Bàn cờ tiên trên đỉnh của núi Mỏ Quạ. Theo tìm hiểu của chúng tôi, đỉnh Đao Cay có một bãi đá rộng khoảng hơn chục mét vuông. Một tảng đá hoa cương bằng phẳng có thể trải được hai chiếc chiếu.
Có tục truyền rằng những người dân trong vùng lần theo lối mòn trong mây mù lên núi dạo chơi, tới gần đỉnh núi thì nghe có tiếng cười nói. Khi leo được lên đến đỉnh thì không có bóng ai, chỉ thấy một bàn cờ đang đánh dang dở. Hầu hết các câu chuyện đều nghiêng về giả thuyết rằng đây là bàn cờ của ông Tơ bà Nguyệt, những người có trong điển tích cổ đời xưa chỉ sự tác hợp, chứng diện của trời đất, thần thánh cho tình yêu đôi lứa. Ông Tơ bà Nguyệt ngồi chơi cờ vừa thể hiện tình cảm, vừa là cách để tìm hiểu nhau đồng thời cũng là mong ước nâng cao được vị trí của người phụ nữ.
Lời nguyền trọn kiếp trên đỉnh Đao Cay
Ngọn núi Độc Tôn (mà người dân nơi đây vẫn hay gọi bằng cái tên bình dị là Núi Mỏ Quạ, hay núi Hàm Lợn do nhìn từ phía Nam, ngọn núi có mỏm đá khổng lồ nhô ngang ra nhìn như chiếc mỏ quạ hay một chiếc hàm lợn quay về hướng Tây Nam) là một trong các ngọn núi cao thuộc dãy Tam Đảo.
 
Nhìn từ trên đập Thanh Lanh, cảnh sắc nơi đây lung linh, mờ ảo nhưng ẩn chứa một bí mật dài hàng thế kỷ
 
Núi Mỏ Quạ còn nhiều nơi chưa từng có dấu chân người, nhất là sườn núi phía Nam. Trên các vách đá dựng đứng có nhiều khe nứt thành hang sâu hun hút, nhiều hốc núi lở từ thời cổ để lại, lổng chổng những đá. Sườn núi phía Bắc có những cánh rừng rậm rạp chen nhau với nhiều giống chim muông. Từ lưng chừng núi có nhiều khe nước len lỏi trong vách đá để dồn tụ về Thác Mơ cao vài chục mét ngày đêm rót nước trắng xoá xuống suối NaNu rồi cùng với suối Lẽ, suối Cả quanh năm gom nước cho hồ Thanh Lanh và hồ Gia Khau.
 
Thung lũng dưới chân núi tình yêu
Chính vì cảnh đẹp như bức tranh thủy mặc ấy nên cách đây hàng trăm năm, ngọn núi này được truyền rằng là nơi chứng kiến biết bao cuộc hẹn hò thề ước của các cặp trai gái và tất cả sau này đều sống hạnh phúc với nhau suốt đời. Và người ta tin rằng đã có một lời nguyền trên đỉnh núi ràng buộc tất cả những người đến đó yêu thương nhau trọn đời. Thực hư lời nguyền đó vẫn chưa được ai kiểm chứng nhưng với những con người còn sống hoặc am hiểu về truyền thuyết thì họ đều khẳng định “lời nguyền” mà người dân lưu truyền là có thật.
Nơi chưa bao giờ xảy ra ly hôn
 
Những người dù không sống ở mảnh đất này nếu “hữu duyên” cũng sẽ được lời nguyền tác hợp. Chuyện tình yêu, vợ chồng phụ thuộc vào nhiều yếu tố song với những con người nơi đây, không biết tự bao giờ họ đã chấp nhận lời nguyền đó như một sự mặc nhiên của tạo hóa.
 
Hiếm khi lắm, người ta mới được trông thấy Đỉnh Đao Cay trên núi Mỏ Quạ do nơi đây quanh năm được mây mù bao phủ
Ông Dương Văn Đào, 82 tuổi hiện ở thôn Trung Mần, xã Trung Mỹ, một trong những cụ cao niên nhất sống dưới chân ngọn núi huyền thoại này, cho biết, đồng bào các dân tộc nơi đây từ xưa đến nay vẫn có truyền thống là đã yêu nhau thì phải cưới nhau, và phải sống với nhau đến suốt đời, không bao giờ bỏ nhau và càng không bao giờ bỏ vợ đi bước nữa.
Cách đây khoảng 15 - 20 năm cá biệt mới có một người bỏ vợ và lấy vợ hai, sau đó bị người đời chê cười. Chính vì vậy, giai đoạn có ý định tìm hiểu nhau đến lúc tổ chức đám cưới rất phức tạp. Người con gái trước khi về nhà chồng phải có sự chuẩn bị rất chu đáo, để tóc, quấn bện rồi buộc khăn mỏ quạ.
Khăn mỏ quạ cũng phải do chính tay người phụ nữ đó dệt, thường là lấy vải tràm; phải tự sắm được một đôi vòng tai to…về nhà chồng họ thường rất vất vả và chịu nhiều quy định khắt khe bên nhà chồng. Tuy vậy, người chồng cũng phải sống thủy chung, chỉ có một vợ.
Anh Lưu Văn Trung, ở thôn Ba Gò cho rằng, chuyện tình yêu là một điều gì đó rất thiêng liêng với thanh niên trong xã. Tự thân trong suy nghĩ của anh và nhiều người khác là luôn muốn giữ gìn những nét đẹp ngày xưa của dân tộc.
Sự thật về lời nguyền trên đỉnh Đao Cay đến nay thực hư chưa rõ. Những dấu tích về núi tình yêu trải qua hàng trăm năm đến nay đã bị thời gian bào mòn song có một thực tế rằng nhân dân 8 dân tộc anh em sống dưới chân ngọn núi Mỏ Quạ trước đây vẫn tìm nhiều cách để được chấp nhận lời nguyền trọn vẹn sống với nhau và hầu như họ không bao giờ ký vào tờ đơn ly hôn.
 

Ðánh thức vẻ đẹp thần thánh Brăh Yàng

Brăh Yàng (theo tiếng Kơ Ho) của người dân tộc bản địa có nghĩa là nơi ở của Trời (Yàng) và thần thánh rất linh thiêng.
Núi Brăh Yàng thuộc địa phận thôn Ka La (xã Bảo Thuận, Di Linh, Lâm Ðồng) hiện còn rất hoang sơ, một địa chỉ du lịch dã ngoại lý tưởng chưa được khai thác...
Núi Brăh Yàng gắn với một truyền thuyết đã từ bao đời ăn sâu trong tâm tưởng, tâm linh của người Kơ Ho, Mạ… thuộc địa bàn xã anh hùng Bảo Thuận. Ngọn núi có độ cao gần 1.800m so với mặt nước biển và cao nhất cao nguyên Di Linh (sau cao nguyên Lâm Viên của Đà Lạt).
Núi Brăh Yàng hiện còn nguyên thủy với những dãy núi cao thẳng đứng, bao quanh là rừng xanh. Đường lên đỉnh chỉ có một lối đi nhỏ (do nhân dân địa phương phát) chằng chịt gai nhọn. Từ chân núi lên đến đỉnh dài chừng 3 km nhưng rất khó đi, nhất là đoạn hơn 1 km gần tới đỉnh.
Chuyện kể rằng, Brăh Yàng trước đây là nơi cư trú của vị thần sức khỏe có tài quy phục dã thú và bệnh tật bảo vệ con người và vạn vật. Ai đến được đỉnh núi cao và hiểm trở này là chinh phục được niềm tin và có sức khỏe vô biên trong vùng…Núi Brăh Yàng trước nay thử thách sức khỏe, niềm tin và ý chí của con người, đặc biệt đối với nam nữ thanh niên.
Núi Brăh Yàng hiện ra trong nắng sớm.
Đứng nhìn ngọn núi Brăh Yàng cao ngất và khung cảnh thôn Ka La nên thơ hiện ra trong nắng sớm, bên dưới chân núi là dòng thác nước như thể chạy ra từ đá và rừng xanh, ta có cảm nhận nơi đây một vùng đất ẩn chứa nhiều tiềm năng.
Từ năm 2007, chính quyền huyện Di Linh đã cho xây một con đập lớn ngăn dòng suối tạo thành một hồ nước lớn - hồ Ka La (dưới chân núi Brăh Yàng) rộng 300ha để lấy nguồn nước tưới cho cây trồng và vùng lúa các xã Bảo Thuận, Gung Ré…
Trại truyền thống của Đoàn Thanh niên huyện Di Linh hằng năm được tổ chức tại chân núi Brăh Yàng.
Con đập được xây rất cao, dài chừng 500 m nối giữa hai dãy núi (một đầu đập gối lên chân núi Brăh Yàng, còn đầu kia gối lên một sườn núi đối diện); bề mặt con đập rất rộng (chừng 5 m) và được trải nhựa sạch bóng tạo thành con đường đi lại của nhân dân trong vùng và là nơi hò hẹn thơ mộng của đôi lứa trong những đêm đẹp trời. Đứng từ hạ nguồn nhìn lên, con đập nước như một chiếc cầu mây bắc ngang dải ngân hà. Mùa này, nước hồ Ka La xanh trong in bóng dãy núi Brăh Yàng lung linh rất đẹp.
Cuối con đập là dòng mương được xây kiên cố (cao hơn mặt đất chừng 1m) dẫn dòng nước xanh mát từ hồ Ka La chảy cuồn cuộn xuôi về với những cánh đồng lúa của bà con xã Bảo Thuận, Gung Ré và các vùng lân cận... Khung cảnh hồ Ka La, núi Brăh Yàng và một thung lũng xanh dưới chân núi hiện ra như một bức tranh sơn thủy hữu tình.
Cá tầm - loại cá nước lạnh có giá trị kinh tế cao bắt đầu được
nuôi thả trong hồ Ka La.
Người dân sống trong thôn Ka La cho biết, từ khi xây dựng hồ Ka La ngoài cung cấp nguồn tưới cho nông nghiệp đã tạo ra cho Ka La một bộ mặt mới, người ta bắt đầu chú ý đến vùng đất này. Hơn nữa, Quốc lộ 28 - nối huyện Di Linh với Bình Thuận (đi qua xã Bảo Thuận) nên có nhiều đoàn khách trong và ngoài nước đã tìm đến nơi đây, đặc biệt bơi thuyền trên hồ thưởng ngoạn cảnh núi non, trời nước Ka La...
Nói về tiềm năng du lịch dã ngoại, sinh thái của núi Brăh Yàng và khu du lịch Ka La, lãnh đạo UBND huyện Di Linh cho biết, chính quyền huyện đã và đang tập trung đầu tư khai thác lợi thế về địa hình để phát triển loại hình du lịch leo núi, dã ngoại, vừa kết hợp mở các dịch vụ du lịch vui chơi giải trí lành mạnh.
Để thực hiện mục tiêu này, chính quyền địa phương đang xây dựng dự án, đẩy mạnh công tác tuyên tuyền quảng bá, kêu gọi đầu tư và làm tốt công tác quy hoạch để núi Brăh Yàng thực sự trở thành điểm du lịch mới được nhiều người biết đến, góp phần phát triển kinh tế, xã hội địa phương…
Núi Brăh Yàng nằm trong cụm liên hoàn (núi cao, hồ đẹp và thung lũng xanh) hùng vĩ, rất nên thơ và giàu tiềm năng du lịch… Nếu làm tốt công tác quy hoạch, khai thác dựa vào lợi thế của tự nhiên, một ngày không xa khu du dịch mới Brăh Yàng trên cao nguyên Di Linh sẽ được đánh thức…   
Theo Thanh Dương Hồng
SKĐS
Núi Langbiang 
Vị trí: Núi Lang Bian nằm trên địa bàn huyện Lạc Dương, cách trung tâm thành phố Đà Lạt 12km về phía bắc.
Đặc điểm: Đây là địa điểm thích hợp cho các nhà dân tộc học, cho các du khách yêu văn hoá truyền thống đến nghiên cứu văn hoá của các dân tộc Nam Tây Nguyên.

Núi Lang Bian còn được gọi là Núi Mẹ, gồm 2 ngọn, có độ cao 2.167m. Chuyện xưa kể rằng có một đôi trai tài gái sắc yêu nhau tha thiết - chàng K'lang và nàng Hơ Bian. Do lời nguyền thù hằn của hai bộ tộc mà hai người đã phải chia lìa. Nàng sau khi chết đã hóa thân thành dãy núi mà người dân tộc Hơ Ho-lạch gọi là Núi Mẹ và sữa từ bộ ngực của nàng đã tuôn tràn thành những dòng suối, dòng thác tươi mát cho đời. Từ đó hai ngọn núi được đặt tên là Lang Bian.
Tỉnh Lâm Ðồng có địa hình không bằng phẳng với 3 cao nguyên: Lang Bian-Ðà Lạt, Ðran-Liên Khương, Blao-Di Linh và một bình nguyên Ðạ Huai-Cát Tiên. Cao nguyên Lang Bian vào đầu thế kỷ 19 vẫn còn là một vùng đất thưa dân, hiểm trở. Người bản địa tập trung trong một số làng, đông nhất là Dankia. Qua một thế kỷ, diện mạo của cao nguyên Lang Bian thay đổi nhiều, trừ một vài nơi như vùng đồi Cù chống hạn. Từ trung tâm thành phố Ðà Lạt, sau 15 phút đi bằng xe máy hoặc xe ôtô, du khách đã có thể đến chân núi Lang Bian huyền thoại nơi có những bản của đồng bào dân tộc Tây Nguyên như: dân tộc Lát, Chil (Cơ Ho)...Ngày nay người Lạch đến định cư ở đây nên buôn làng gắn bó với ngọn núi này. Từ tháng 11/1999, khu vực này đã được giao cho Công ty du lịch tỉnh Lâm Ðồng, với tên gọi là khu du lịch Lang Bian. Ðịa hình của Lang Bian rất thích hợp cho kiểu du lịch dã ngoại để tìm một chút hơi lạnh của miền sơn cước. Tại chân núi có nhiều khu đón khách. Ngoài những cơ sở nghỉ ngơi cao cấp, còn có khu cắm trại và nhiều dịch vụ cần thiết cho du khách. Họ dừng lại đây để nghỉ dưỡng tham quan thắng cảnh. Một số cắm trại qua đêm, quây quần  bên ánh lửa với ché rượu cần, nghe những khúc hát cùng những âm thanh của nhạc cụ cổ truyền người Lạch. Họ ăn uống, ca hát, nhảy múa suốt đêm. Ban ngày xem các cô gái Lạch ngồi dệt thổ cẩm, du khách có thể mua những đặc sản của họ như chiếc gùi, những vóc thổ cẩm nhiều màu sắc. 

Một số đoàn gồm những thanh niên trẻ, khỏe, thích những trò chơi mới lạ, leo núi, chinh phục đỉnh Lang Bian, dù lượn... Ðối với họ, chuyến đi còn là một thử thách của những người tham gia để vượt qua chính mình. Có ba cách lên tới đỉnh-nơi đặt logo Du lịch Ðà Lạt: đi xe Uoát, đi bộ hoặc leo bằng dây. Ngoài ra còn có một đường xuyên rừng khoảng 2km cũng lên tới đỉnh. Vài năm gần đây, trên đỉnh Lang Bian có loại hình dù lượn, xuống núi bằng dây. Cảm giác thú vị nhất của du khách là được ngự trị trên đỉnh đồi Rađa cao hơn 2.000m, thả hồn theo những đám mây đang bồng bềnh trôi. Ðứng ở đây có thể ngắm trọn vẹn thành phố Ðà Lạt mộng mơ, hiện ra như một bức tranh thủy mặc, phía tây là hồ Dankia-Suối Vàng trông như một tấm lụa đào khổng lồ nổi bật giữa màu xanh bạt ngàn của núi đồi.

Xà gạt bảo vệ buôn làng

Ngay từ thủa vỡ đất lập buôn, mở cửa là chạm rừng rú thú hoang, người Xơ Đăng đã biết chế tạo ra chiếc xà gạt (một loại dao có cán dài).
Xà gạt giúp người hạ gỗ dựng nhà, phát rẫy trồng lương, dẹp đường ra suối; sát cánh bên người dân Xơ Đăng chiến đấu với kẻ thù để bảo vệ buôn làng...
Huyền tích kể rằng, năm ấy ở rừng đầu buôn xuất hiện một con cọp ba móng hung dữ, tàn ác. Trai tráng hiệp lực cùng phường săn mai phục, tìm đủ mọi cách hết ngày này qua ngày khác vẫn không làm sao diệt được cọp dữ.
Người đàn ông Xơ Đăng và chiếc xà gạt.
Khi ấy thần linh thương tình đã hiện về dạy cho thanh niên trong buôn bài quyền dùng xà gạc chém cọp. Trong bài quyền ấy, lưỡi xà gạt không phải bổ từ trên xuống mà chém hất ngược từ dưới lên, kết hợp với những động tác xoay người liên tục để mãnh thú hoảng loạn.
Kỳ lạ thay, khi tất cả trai tráng trong buôn cùng tập bài quyền, chỉ nghe tiếng gió vù vù do hàng trăm chiếc xà gạt tạo nên, con cọp ba móng sợ quá bỏ trốn biệt tăm vào rừng thẳm trả lại bình yên cho buôn làng...
Chiếc xà gạt của đồng bào Xơ Đăng thường có lưỡi rộng từ 4 - 5 cm, dài 25 - 30 cm được gắn trên cán gỗ mun hoặc gỗ le. Xà gạt có 2 kiểu là mũi nhọn hoặc mũi bằng. Nếu xà gạt mũi nhọn tiện trong chiến đấu, đi săn hay chọc lỗ tra hạt thì xà gạt mũi bằng lại phù hợp để đi rừng, phát rẫy, chặt cây.
Để tạo ra lực thuận lợi khi sử dụng, các nghệ nhân rèn Xơ Đăng bao giờ cũng thiết kế phần lưỡi xà gạt nhỏ dần từ mũi đến cán, ở cuối lưỡi có một lỗ nhỏ để khi tra vào cán sẽ dùng chốt đồng hoặc chốt sắt giữ cho lưỡi xà gạt không bị tuột ra.
Tùy thuộc vào sở thích, tay nghề của từng nghệ nhân chế tác mà cán xà gạt có chạm trổ nhiều hay ít hoạ tiết hoa văn, có thể là hình cây cối, chim muông, thú rừng; có khi là biểu tượng về những sinh hoạt của con người.
Với đàn ông Xơ đăng, xà gạt như một người bạn tri kỷ, một vật dụng bất ly thân từ lúc trưởng thành cho đến khi về bên kia thế giới. Trong lễ đặt tên của một cậu bé Xơ đăng, bao giờ gia đình cũng phải chuẩn bị trước một cây xà gạt chưa có ai làm chủ nhân để làm vật thiêng cho cậu bé chạm tay vào.
Khi cậu bé đến tuổi trưởng thành, người bố sẽ dùng chính chiếc xà gạt ấy đặt lên vai con trai với ý nghĩa gửi gắm toàn bộ những ước mơ, khát vọng mà đời trước chưa hoàn thành để thế hệ sau tiếp bước. Chính vì thế mà đàn ông Xơ Đăng luôn xem chiếc xà gạt được trao truyền là vật trang sức quý báu, là biểu hiện lòng kiêu hãnh và bản lĩnh của mình.
“Đàn ông Xơ Đăng sợ nhất là bị người ta lấy mất chiếc xà gạt mình. Chiếc xà gạt là điểm tựa để buôn làng tồn tại vững bền qua thời gian đấy...” - Già Hồ Thia ở buôn Măng Tó (xã Trà Cang, Nam Trà My, Quảng Nam) chia sẻ.
TheoVĩnh Minh

“Chết lặng” giữa làng tiểu sành đắp vách

Dẫu biết, gốm ở Thổ Hà (Bắc Giang) giờ chỉ còn là hoài niệm, nhưng không hiểu sao vẫn đau đáu, giục lòng, đi tìm chút gì còn lại của xứ gốm từng một thời sánh ngang với Bát Tràng, Phù Lãng.
Thổ Hà thì vẫn nằm đấy thôi với 3 mặt giáp sông Cầu, trên bến dưới thuyền, nhà cửa san sát... quanh năm sống bằng gạo chợ nước sông, thu nhập từ nghề thủ công và buôn bán nhỏ. (Thổ Hà không làm ruộng từ bao đời).

Nghề thủ công khi xưa chính là nghề gốm sứ - cái nghề từng đưa Thổ Hà sánh ngang với Bát Tràng, Phù Lãng. Nay gốm Thổ Hà gần như đã khuất bóng, tìm khắp cả làng may ra được một hai hộ gia đình còn nặng lòng với đất, với con quay.

Về Thổ Hà bây giờ, dấu tích gốm chỉ vảng vất trên những vách tường với gạch nung, tiểu sành ốp nếp. Cả làng đã chuyển sang làm nghề bánh đa nem, thế nên ai xót gốm Thổ Hà sẽ không khỏi “chết lặng” trước hồn đất đang hóa kiếp xác xơ...
 
Đường xuống bến đò sang Thổ Hà không còn tấp nập như khi làng còn nhà nhà làm gốm. 
Bên kia sông Cầu là bến Chùa, Thổ Hà.
Từ bến Chùa là con đường dẫn thẳng vào làng. Cổng làng nằm giữa con đường ấy. Tôi chọn cách im lặng để cảm nhận như sự im lặng của nếp gạch chỉ đỏ thẫm trên từng vách cổng.
Nghề gốm Thổ Hà có từ thế kỉ 12 và là một trong ba trung tâm gốm sứ cổ xưa nhất của người Việt, bên cạnh Phù Lãng và Bát Tràng. Tương truyền rằng, vào cuối thời Lý (1009 - 1225) ba ông Đào Trí Tiến, Hứa Vĩnh Cảo và Lưu Phong Tú cùng làm quan trong triều và được cử đi sứ Bắc Tống (960 - 1127) học được nghề làm gốm ở Thiều Châu,Quảng Đông...
Về nước,ông Đào Trí Tiến truyền nghề làm hàng gốm sắc đỏ thẫm cho Thổ Hà, ông Hứa Vĩnh Cảo truyền nghề làm hàng gốm sắc trắng cho Bát Tràng,ông Lưu Phong Tú truyền nghề làm hàng gốm sắc vàng thẫm cho Phù Lãng.
Bát Tràng, Phù Lãng ngày càng hưng phát với nghề gốm, thì gốm Thổ Hà giờ như cái cổng Tam Quan vào chùa này,
bưng kín, hoang phế
Cuộc sống xô đi như ngói mái chùa xô đi vì thời gian...
Người Thổ Hà không giữa được nghề.
Để lại những dấu tích gốm chết lặng trên từng vách tường
như thế này...
Những thanh luồng chằng chịt dưới máiđình tưởng như một cây cầu nối truyền nghề qua từng thế hệ, nhưng hóa ra, thực tế lại là một hàng rào ngăn lại. Để từ đó, gách lên những phên... phơi bánh đa. 
Cả làng Thổ Hà giờ chuyển sang làm nghề bánh đa vừng và
bánh đa nem
Ngườiđàn ông này, đã quên mất bàn quay tạo dáng của gốm, giờ chỉ miệt mài với bàn quay của máy cắt bánh đa nem.
Đứa bé này, ngơ ngác ngước nhìn một vại sành gác giữa khe hồi nhà trong một con ngõ.
Sắc đỏ thẫm trên nền của bức ảnh chụp ông cụ này, bị mờ ảo do hiệu ứng của ống kính máy ảnh, nhưng nó cũng là sắc đỏ thẫm chỉ còn mở ảo trong đôi mắt ông cụ này. Bao nhiêu nếp nghĩ đã hằn lên. Có khi nào, ông đau cho một nếp nghề đã mất?
 
Theo Hà Thành

Ty mẻo -loài vật linh thiêng

Đối với người Nùng Dín con mèo được coi là biểu tượng của sự thuận hòa, may mắn.
"Không ai rõ/chẳng ai hay/từ đận nào/ta mời mày về làm bạn/Lũ chuột rạn/ lũ gián nâu/ gặp mày đâu/ đều khiếp vía/Yêu mày thế/Ty mẻo ơi!". Đó là lời ca thân thiết, giản dị mà đồng bào Nùng Dín dành cho ty mẻo (con mèo).
Không chỉ giúp chủ đuổi gián, bắt chuột bảo vệ lúa, ngô, khoai, sắn, con mèo còn được người Nùng Dín coi là biểu tượng của sự thuận hòa, may mắn, loại trừ tai ách.
Ty mẻo của người Nùng Dín.
Với người Nùng Dín, họ chỉ xin và cho ty mẻo về nuôi chứ không bao giờ bán mua... Người già trong các bản kể rằng: Thủa xưa, có một độ bản làng bị lũ lụt, mùa màng thất bát, năm sau bị đói kém và không còn thóc giống để trồng cấy. Thương gia chủ, ty mẻo đã bàn với ty man (con chó) đi lấy trộm thóc giống của nhà giàu bên kia núi. Ty man không giỏi trèo leo nên ở ngoài canh gác để ty mẻo vào tha thóc giống ra.
Trên đường về phải bơi qua con suối nước đang dâng cao, ty mẻo lại không biết bơi nên đành ở lại chờ nước rút. Ty man lợi dụng lúc bạn không để ý đã vác bao thóc bơi trước về bản để tâng công. Có hạt giống gieo mùa mới, mọi người vui lắm nên ghi công cho ty man và tổ chức ăn tết mừng lúa mới vào ngày Tuất (ngày con chó) mà quên mất ty mẻo.
Buồn vì mình bị cướp công, nhưng ty mẻo vẫn sống rất chung thủy với con người. Sau này khi biết chuyện, để sửa sai, bà con Nùng Dín đã thống nhất với nhau ưu tiên cho ty mẻo được ăn trước cả con người và ăn ngon hơn ty man.
"Ty mẻo con chét ràn" (con mèo quản bảy nhà), hầu như trong bất cứ gia đình Nùng Dín nào cũng nuôi ít nhất 1 con mèo. Đồng bào đặc biệt ưu ái mèo vàng với quan niệm đó là mèo kin (mẻo chim) - mèo giữ của, giữ lộc. Khác với các loại vật nuôi khác người Nùng Dín không bao giờ làm thịt ty mẻo. Nếu ty mẻo bị chết sẽ được đem đi chôn. Nếu là ty mẻo chưa già mà chết, người ta sẽ chôn ở gốc cây ăn quả để đến mùa quả sai trĩu cành. Ty mẻo già chết sẽ được chôn ở nơi không có người qua lại để chúng được yên nghỉ.
Người Nùng Dín khá cầu kỳ trong thủ tục mai táng ty mẻo đã gắn bó với gia đình mình lâu năm bằng một con gà luộc chín và một sải vải trắng để cúng. "Đó là cách để chúng tôi trả ơn con vật rất thân cận đã sống với gia đình mình trong nhiều năm. Khi linh hồn của ty mẻo được siêu thoát, nó sẽ phù hộ cho chúng tôi tiếp tục nuôi được một ty mẻo khôn ngoan để gia đình được thuận hòa, trong êm, ngoài ấm..." - Già Vì Văn Ung (bản Téng, xã Tùng Lâu, Mường Khương, Lào Cai) chia sẻ.
Theo Vĩnh Minh
Dân Việt

Lạ lùng thú vui lao ô tô xuống biển

Cách thành phố Vinh một chặng đường rất ngắn, có một vùng biển hết sức tinh khôi, vắng vẻ được ví như “Đà Lạt trên biển”.
Nằm cách quốc lộ 1A khoảng 4 km, khu du lịch Bãi Lữ (huyện Nghi Lộc, Nghệ An) được những ngọn núi bao quanh, sóng biển vỗ về. Biển xanh mướt ôm ấp bãi cát trải dài, bên những hàng thông xanh ngắt, lộng gió.
Đường ra Bãi Lữ tuyệt đẹp
Bãi Lữ từ trên cao nhìn xuống
Truyền rằng, có vị khách văn chương nọ đến thăm Bãi Lữ, khi qua Cổng Trời, ngắm toàn cảnh biển khơi, sông núi đã từ ngạc nhiên đến sững sờ trước cảnh đẹp hữu tình nơi đây liền thốt lên những vần thơ:

Anh trước em sau lên Cổng Trời/ Đón hoàng hôn xuống Bãi Lữ chơi/ Sương giăng lưng núi hồn Mộ Dạ/Phía ấy chân đồi sóng biển khơi...
 
Bãi Lữ là bãi biển có phong cảnh tuyệt đẹp, nước trong xanh và ở nơi yên tĩnh nhất nhì của xứ Nghệ. Bãi Lữ là tên gọi xuất phát từ núi Lữ (Lữ Sơn). Hòn núi đứng sừng sững nơi bãi biển, như chàng lữ khách thẩn thơ đi tìm điệu hát tình tứ lẫn trong sóng biển và đằm sắc hương quê của nàng thiếu nữ tình si.
 
Cảnh tượng mê đắm lòng người ở biển Bãi Lữ
Bạn có thể dậy sớm xem người dân câu cá...
... hoặc lấy hàu
 
Với những người ưa thích thú vui offroad, biển Bãi Lữ cũng là một nơi rất thích hợp cho các bạn thử chạy xe ở đây.
 
Mạo hiểm hơn và cũng thú vị không kém là thú offroad đêm trên biển. Lúc này, mọi giác quan của các bạn sẽ phải căng ra để điều chỉnh tay lái cho tốt giữa biển đêm lãng mạn.
 
 
Theo Vietnamnet