Thứ Ba, 28 tháng 2, 2012

Bi hài chuyện 'tỉa đểu': Tức... vẫn 'thèm nghe'

Nói làm sao cho đối phương phát cáu, phát tức nhưng vẫn phải phì cười và tâm phục khẩu phục ... là nghệ thuật độc đáo chỉ có ở thôn Can Vũ (xã Việt Hùng, huyện Quế Võ, tỉnh Bắc Ninh).



Những câu chuyện nói tức độc đáo được người dân trong làng lưu truyền từ thế hệ này qua thế hệ khác như một đặc sản tinh thần "chết người". Vì lẽ thế, dân gian mới lưu truyền câu ca dao: Ai về Can Vũ mà coi. Nói tức chết người mà vẫn thèm nghe.
"Nói tức chết người"
Một trưa nắng hè gay gắt, đang cày ruộng thì ông Thầm bị con bò đá vào mông. Ông Lợi cày ruộng bên cạnh liền sáng tác mấy câu thơ: Bò thâm đá đít ông Thầm. Ông Thầm đau quá kêu ầm bà Loa (vợ ông Thầm). Bà Loa trông thấy xót xa. Miệng thì lẩm nhẩm, tay xoa đít chồng". Từ mấy câu lục bát đó, ông Lợi vận luôn vào điệu nhịp chèo cho phù hợp với bước chân cày bừa.
Ông Lợi hát to cho nhiều người nghe thấy, các ông bà "máu chèo" cũng hát theo. Cả cánh đồng được trận cười sảng khoái và quên cả mệt nhọc. Bà Loa lúc đầu cũng cười vui, nhưng khi thấy nhiều người hát lại nghĩ họ đang nhạo báng mình. Bà nhảy tót lên bờ la chửi: "Cha mẹ đứa nào cười bà... Đứa nào chẳng xoa đít vợ, đít chồng chứ riêng gì bà". Cả cánh đồng lại cười rầm rộ hơn, bà Loa mặt cũng vừa tức vừa phụng phịu cười.
Cụ Quyền dẫn thầy địa lý người Tàu đi tìm đất đặt mộ, vừa ra đến cổng làng đã trông thấy mấy cậu thanh niên đang lấy bùn dưới ao. Trời rét tê tái nhưng ông thầy Tàu chỉ mặc một manh áo mỏng. Anh Hoạch đang lấy bùn ngó lên: "Chào thầy Tàu! Thầy đặt cho nhà ông cháu ngôi mộ phát tích như nhà thầy, thầy nhá!".
Thầy Tàu đáp lại: "Anh biết ngôi mộ nhà tôi thế nào mà nói vậy?". Một anh khác đang lấy bùn cũng ngẩng lên nói chen vào: "Ngôi mộ nhà thầy chịu được rét, nên thầy chỉ mặc một cái áo mỏng thế cũng ra đồng được". Ông thầy Tàu ngó nhìn chiếc áo rồi cúi mặt đi rất nhanh. Để lại tiếng cười sảng khoái của những cậu thanh niên đang lấy bùn.
Vào khoảng năm 1941, khi Pháp - Nhật còn áp bức dân ta. Một hôm có cậu lính Cơ từ huyện tìm đến nhà ông lính Tùng. Chắc anh Lính cũng nghèo, chỉ có một bộ quần áo lính lành lặn. Đường từ huyện vào làng không xa nhưng anh ta phải cởi bộ quần áo lính ra cuốn vào ba toong vác vai, thân thể chỉ còn bộ lót rách tươm.
Vào đến cổng làng anh mới bỏ xuống mặc, ra khỏi cổng lại cởi rồi cuốn vào ba toong vác vai. Ông Chum thấy vậy liền hỏi: Thầy Cai vào Cụ lí được uống rượu với mướp phải không? Thầy Cai trả lời: Tôi được Cụ lí tiếp chu đáo, uống rượu với bánh đa, trứng tráng. Ông Chum tiếp lời: "Thầy nói dối tôi rồi!". Anh lính cãi lại thì ông Chum cười nói: "Thế thì thầy Cai quên rồi, nếu không uống rượu với mướp thì cớ làm sao thầy phải cuốn bộ quần áo vào ba toong vác vai?". Lúc này anh lính mới hiểu ông Chum đang ám chỉ mình hà tiện nên xấu hổ cúi mặt đi vội.
Đó chỉ là ba trong số hàng ngàn mẩu chuyện nói tức của người dân làng Can Vũ. Nói tức như trở thành một phản xạ, bật ra trong ứng xử sinh hoạt đời thường, thể hiện sự hài hước và hóm hỉnh tài tình của người dân. Từ nhà ra đến chợ, từ người già tới trẻ con đều coi nói tức là cách giao tiếp, đối đáp nhau hàng ngày.
Đặc sản khó đỡ...
Theo chia sẻ của cụ Nguyễn Văn Định, 77 tuổi, là một trong những bậc cao nhân nói tức ở làng Can Vũ: “Nói tức chết người ý muốn nói đến cái đặc trưng của nói tức. Nghĩa là phải làm cho người nghe bực mình, phát tức, phát cáu lên. Nói tức làm sao cho đối phương không thể nói lại được mình và phải chịu thua trước mình”.
Cụ Nguyễn Văn Định bên tập tư liệu sưu tầm về văn hóa làng xóm Can Vũ

Ở các địa phương khác, người ta chỉ nói tức, nói móc nhau khi ghét nhau hoặc không ưa nhau. Nhưng ở Can Vũ, nói tức lại là món ăn tinh thần đặc trưng, là cách giao duyên để người dân thêm gắn bó, gần gũi với nhau. Người dân nói tức khi thăm hỏi, trò chuyện, trao đổi hoặc mua bán. Họ có thể nói tức một cách ngẫu hứng và nếu không chú ý, nhiều người sẽ rơi vào “bẫy” nói tức bất cứ lúc nào.
Theo chia sẻ của cụ Định, nói tức có nghệ thuật là phải giữ được phong thái điềm đạm, nhẹ nhàng ở cả giọng điệu và thái độ. Trong câu nói đùa, nói trêu đó phải thể hiện được thái độ thật thà tự nhiên mà vẫn khiến người khác phải khó chịu, bực mình.
Một ông được mời đi ăn cỗ, mới bước chân vào cổng đã quát lớn: “Cái thằng chết tiệt kia, tao đi mày vẫn ở nhà, mà tại sao bây giờ mày đã tới đây trước tao?”. Mọi người nhớn nhác, ngó trước ngó sau xem “thằng nào” hỗn láo với ông. Nhưng sự thật là ông mắng “thằng” su hào. Bởi làng Can Vũ khi đó rất nghèo, trồng toàn su hào ăn quanh năm. Ông tưởng đi ăn cỗ được ăn món ngon nhưng vào cổng thấy chủ nhà gọt su hào nên nói giễu chơi.
Không chỉ độc đáo, thú vị bởi lối nói hài hước, hóm hỉnh mà nói tức còn ẩn chứa trong đó những triết lý nhân sinh về đời người. Năm 1960, ông Bùi Cẩn Công dẫn đoàn củng cố xây dựng hợp tác xã về làng Can Vũ. Tới cổng làng, ông Công thấy cụ Nghiễn lụi hụi bên bờ ao liền hỏi “Dẫy ao này thả cá chưa?”. Cụ Nghiễn trả lời: “Dạ thưa, đã thả 800 con cá chày mắt đỏ”.
Đoàn công tác tưởng ông Nghiễn nói thật nên gật gù trong khi dân làng được mẻ cười bõ tức. Nguyên do là ao làng Can Vũ thả cá thua lỗ, cán bộ xã lại báo cáo lên cấp trên là toàn có lãi. Nhân có đoàn cán bộ về, cụ Nghiễn muốn gửi thông điệp và bày tỏ nỗi khổ cực của người dân Can Vũ: “800 người dân Can Vũ đang khóc đỏ cả mắt vì nuôi cá bị lỗ”.

Theo các bậc cao tuổi ở làng Can Vũ, làng nói tức có nguồn gốc từ thời Thánh Gióng phá giặc Ân. Tương truyền làng Can Vũ trước đây do một vị tướng theo Thánh Gióng đi đánh trận lập nên. Khi Thánh Gióng đi đánh giặc ngoại xâm, vị tướng cùng dân trong làng đi theo phò tá. Họ đã sử dụng “tuyệt chiêu” nói tức, nói móc khiến quân địch bực tức, nhốn nháo quên cả đánh trận, kết quả bị quân Thánh Gióng đánh chạy tan tác.


Lê Xuyền


Chuyện lạ làng "nói tức" ở Bắc Ninh


Kinh Vân


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét