Thứ Hai, 27 tháng 2, 2012

Dấu ấn cồng chiêng Bh'noong

“Lật ngửa cồng ra / Đổ cho đầy rượu / Lật ngửa chiêng ra / Sắp thịt cho đầy / Mời Yàng về…” - điệu dân ca Bh'noong thoáng nghe bên đồi vùng thác Đăk Gà (Phước Sơn) đã gợi mở về một ký ức cồng chiêng - linh hồn của không gian văn hóa Bh'noong ở vùng núi Quảng Nam…
Trong quá trình tách rời tộc người (Ethnic) để hình thành nhóm dân tộc địa phương (Ethnic group), người Bhnoong đã tạo nên những sắc thái đặc trưng riêng, thể hiện rõ qua kết cấu không gian văn hóa làng (Plei), nhà ở, trang phục, ẩm thực, phong tục, tập quán, lễ hội, đặt biệt là văn hóa cồng chiêng.
Cư trú trên dãy Trường Sơn, Bh'noong (“người dân tộc”, theo tiếng địa phương) là dân tộc có nền văn hóa với bản sắc riêng biệt, thể hiện tính cách độc đáo. Bh'noong là một nhóm địa phương của dân tộc Gié -Triêng thuộc ngữ hệ Môn - Khơ me sinh sống trên địa bàn huyện Phước Sơn với dân số gần 13 nghìn người. Có nguồn gốc từ Lào, đến khoảng thế kỷ XV- XVII họ mới phân tán thành các nhóm độc lập, di dân vượt biên giới Lào - Việt rồi trải rộng xuống tây nam Quảng Nam.
 
Giai đoạn đó, một bộ phận lớn người Bh'noong có nguồn gốc từ Đăk Lei (Kon Tum) ở xung quanh khu vực Hoa Cương - Ngok Linh di chuyển xuống phía đông đến cư ngụ Đăk My. Tiếp sau đó, một bộ phận khác từ Trà My di cư sang. Qua thời gian, cộng đồng người Bh'noong lan tỏa ra toàn huyện Phước Sơn, trong đó sinh sống tập trung ở Phước Mỹ, Phước Hiệp, Phước Năng, Phước Xuân…
 
Cồng chiêng của người Bh'noong gồm 3 loại hình khác nhau: bộ cồng chiêng 12 chiếc (chinh honh, goong), bộ chiêng bằng 6 chiếc (chinh hlong), bộ chiêng bằng 4 chiếc (chinh tuk, chinh guk). Cả 3 loại cồng chiêng đều được sử dụng trong các nghi lễ và khi đánh đều ở trong tư thế đứng, di chuyển theo vòng tròn ngược chiều kim đồng hồ; riêng bộ cồng chiêng 12 chiếc thì có thể đánh ngồi trong trường hợp không có các nhạc cụ phụ họa hoặc múa đi kèm như cách đánh của dân tộc Bana, Ê Đê ở Gia Lai.
 
Cồng chiêng luôn gắn liền với các ngày lễ hội dân tộc miền đất Tây Nguyên.
 
Tùy theo tính chất của tín ngưỡng nông nghiệp như lễ chọn rẫy, lễ phát dọn rẫy, lễ cúng máng nước, lễ ăn cơm mới (Cha Po), lễ ăn lúa Trăm (Hốt Reng)… mà người Bh'noong sử dụng một trong các bộ cồng chiêng. Cồng chiêng Bh'noong cũng gắn liền với các lễ hội dân gian như lễ Tết (Cha Plei), Tết mồng 5 (Cha Choang)…, kết hợp nhuần nhuyễn giữa điệu múa Đing Tuk của nam và múa Xoang của nữ. Ngoài âm thanh các nhạc cụ, thanh niên tham gia nhảy hội có những tiếng hú hoang dã của núi rừng.
 
Khi múa, người đàn ông đóng khố và khoác tấm choàng (Xalay) từ vai xuống lưng bắt chéo chữ X qua bụng, luôn hướng về bên phải, đối mặt với tâm điểm theo vòng tròn ngược chiều kim đồng hồ - ngược chiều với thời gian, ngược về với cội nguồn. Phụ nữ Bh'noong múa Xoang thì uyển chuyển như con nước đại ngàn chảy qua ghềnh thác, đôi chân đứng thẳng, dáng khoai thai; tay lúc đưa lên đưa xuống phản ánh thao tác trong lao động, sau đó vươn lên như chống cả bầu trời mang ý nghĩa đấu tranh sinh tồn trước thiên nhiên khắc nghiệt, thể hiện sự tự tin, tôn thờ các đấng thần linh.
 
 
Đối với đồng bào Bh'noong, cồng chiêng là hàng hóa có giá trị vì từ xa xưa, họ đúc cồng chiêng bằng tiền đồng. Một bộ chiêng cần lượng tiền đồng rất lớn để làm nguyên liệu nung chảy. Về sau, khi có sự lưu thông trao đổi giữa miền xuôi và miền ngược, đồng bào trong vùng mua cồng chiêng của các thương lái người Việt hoặc có khi xuống vùng giáp ranh đồng bằng để mua, đổi sản vật. Họ thường đi nhiều người để thử chiêng và để bảo vệ loại hàng quý hiếm.
 
Sau khi chỉnh chiêng (chỉnh sửa âm thanh), tạo “thân xác chiêng ”, đồng bào làm lễ “nhập hồn chiêng” vì đây là nơi trú ngụ của thần linh, họ làm lễ hiến sinh, lấy máu bôi vào cồng chiêng, mời thần linh về nhập vào nơi ở, lễ hiến sinh càng lớn thì cồng chiêng càng có sức mạnh và linh thiêng. Người Bh'noong tin rằng trong mỗi chiếc cồng chiêng có thần linh trú ngụ. Cồng chiêng càng lâu năm thì sức mạnh và thần quyền càng lớn, giá trị càng cao, có lúc phải đổi 30 - 40 con trâu để lấy một chiếc…
 
Tiếng cồng chiêng Bh'noong không chỉ hàm nghĩa là âm thanh của nghệ sĩ mà còn ẩn chứa trong nó âm hưởng của của hồn thiêng sông núi, đánh thức sức sống cộng đồng, thôi thúc con người tin yêu vào cộng đồng, vào hội sống đang tiến về phía trước, chỉ lối cho con người đến niềm hưng phấn, tin vào mình và đón nhận hạnh phúc.
 
Theo già làng Hồ Văn Xiêm (xã Phước Mỹ, Phước Sơn), cồng chiêng có đường tròn biểu tượng cho thần mặt trời (Knantroc) - vị thần có quyền lực cao nhất, luôn che chở, bảo vệ cho người dân trong cuộc sống hằng ngày.

Theo Báo Quảng Nam

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét