Thứ Ba, 28 tháng 2, 2012

Du lịch xuyên rừng Bidoup

Cuối cùng thì tôi đã thỏa ước mơ được đi rừng khi tham gia chuyến đi 4 ngày 3 đêm ở vườn quốc gia (VQG) Bidoup và Phước Bình.
Lộ trình dài 46 km bắt đầu từ trạm kiểm lâm K'long K'lanh và kết thúc ở VQG Phước Bình với độ cao thay đổi từng ngày…
Trạm Kiểm lâm K'long K'lanh đóng ở độ cao 1.439 m. Nhưng từ đó lên tới đỉnh Bidoup với độ cao 2.287m, chúng tôi không thể tìm được chỗ cắm trại nên phải tụt lại vị trí cao 1.930 m. Tính ra, mỗi ngày chúng tôi đã "leo trèo" gần 850 m và vượt khoảng 11 km đường rừng nguyên sinh.
Thực ra nếu chỉ là chuyện "chinh phục đỉnh cao" thì có lẽ tôi đã sớm bỏ cuộc, khi đối diện với cái rét thấu xương của rừng rậm hay những lúc cảm giác như đôi chân không còn là của mình nữa, chỉ có những cơn đau đến rã rời. Nhưng ẩn trong cái mênh mông hoang sơ ấy là cả một "kho" chuyện kỳ bí qua lời kể của những người dân địa phương, khiến chúng tôi như được tiếp thêm sức mạnh.
Thắng cảnh “Hầm Xe Lửa”
Cây thần, đá thiêng…
Đầu tiên là sức hấp dẫn về một cây pơ mu thuộc hàng cổ… cổ thụ, với "tuổi đời" được cho là đến 1.305 năm và đã hiện diện trong sách đỏ từ 15 năm qua. Nhưng trong lúc ai nấy đều háo hức thì anh chàng dẫn đường người Churu có cái tên ngồ ngộ là Bình Tô Hà Lung lại dọa: "Đường đi khó khăn, nhiều lối rẽ nên dễ lạc, mà nếu thần rừng không cho gặp cây quý sẽ không thể gặp được".
Đi lòng vòng gần hai tiếng đồng hồ trong rừng nhưng không tìm ra cây thần, tưởng đâu không có "duyên" được "diện kiến" thì bỗng nhiên có tiếng Bình Tô Hà Lung reo to ở phía trước: "Cây thần đây rồi!".
Đó là một cây cổ thụ mà phải đến chục người ôm mới hết, tôi chưa từng nhìn thấy bao giờ. Bình Tô Hà Lung nói đường kính "cây thần" ít nhất là 5m, chiều cao hơn chục mét. Chưa kịp nghĩ đến chuyện có cách gì … đo được "cây thần" lúc này hay không, tôi lại bị cuốn vào cái mùi thơm thoang thoảng của nhựa. Và rồi một cảm giác thật khó tả khi thấy mình quá bé nhỏ dưới bóng dáng hùng vĩ của thiên nhiên hoang sơ.
Ngày thứ tư của cuộc hành trình, đoàn chúng tôi băng qua khu rừng rậm cỏ tranh tại VQG Phước Bình
Tạm biệt "cây thần", chúng tôi lại bị cuốn vào câu chuyện "đá thiêng" của người Churu. Đó là hòn đá lớn nằm vắt ngang con đường mòn xuyên rừng Phước Bình.
Đồng bào Churu tin rằng, chỉ cần ai đi qua hòn đá và "cho đá ăn" lá cây thì cầu xin bất cứ điều gì cũng sẽ trở thành hiện thực. Nếu không cầu xin thì cũng phải tỏ ý thành kính, ngược lại sẽ bị quở phạt. Tôi để ý "đá thiêng" cao hơi quá đầu người lớn một chút, ở giữa có một khe nhỏ giống như cái miệng đủ để khách lữ hành "cho đá ăn".
Đến đây, người "đồng nghiệp" của Bình Tô Hà Lung là Bình Tô Hà Giang lại kể một chuyện hư hư thực thực về "đá thiêng". Chuyện kể rằng, lâu lắm rồi có cặp vợ chồng đi ngang qua, chẳng những không cho "đá thiêng" ăn mà còn tỏ ra thất kính nên đi giữa đường bị trượt chân té xuống núi. Người chồng qua đời, còn người vợ phải để lại đôi chân.
Đến VQG Phước Bình, thắng cảnh "Hầm Xe Lửa" là nơi không thể không ghé qua. Đó là con thác chảy dưới vách đá tạo ra cảnh quan vô cùng hùng vĩ. Nghe nói lớp đá ở khu vực này có tuổi đến hàng trăm triệu năm. Bình Tô Hà Giang bảo: "Tôi không biết chính xác cái tên này tồn tại từ lúc nào. Chỉ nhớ rằng, ngày xưa ông bà có dịp đi xe lửa rồi về đây thấy dòng thác này có hình thù giống như hầm xe lửa, nên gọi tên như vậy".
Theo Thanh niên

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét