Thứ Ba, 28 tháng 2, 2012

Lễ hội Rằm thiêng bản Nguồn

"Xa rừng, xa suối quanh năm/ Đừng quên lời hẹn hội rằm tháng Ba". Ngay từ thuở thiếu thời, thanh niên bản Nguồn ở Yên Hóa (Minh Hóa, Quảng Bình) đã được người già trong bản dặn dò như vậy.
Bà con nơi đây gọi hội này là "Lễ hội Rằm thiêng". Già Đinh Nhôi ở bản Dốc Cáng (Yên Hóa) kể:
"Tổ tiên người Nguồn chọn tháng Ba vì đó là tháng làm ăn, phát nương làm rẫy. Chọn đúng ngày Rằm vì theo quan niệm, ngày đó trăng tròn nhất, trời trong sáng nhất, biểu tượng của sự toàn vẹn, may mắn.
Lễ hội Rằm thiêng vui hơn ngày tết bởi chỉ ngày ấy cả bản mới cùng nhau đến thắp hương bên thác Pụt cầu khấn để Người ban cho cuộc sống no đủ, hạnh phúc, rồi khắp nơi đâu đâu cũng tổ chức ăn uống, nghỉ ngơi để sẵn sàng bắt đầu cho một mùa lên nương gieo trồng, dựng chuồng chăn nuôi mới...".
Làm lễ Rằm thiêng bên thác Pụt.
Với đồng bào Nguồn, Pụt được coi là đấng tối cao. Thác Pụt được coi như thánh địa, nếu không phải ngày lễ không ai được tự ý đến. Pụt của người Nguồn là một khối các hòn đá vôi to nhỏ, nằm lộ thiên dưới tán những bóng cây nguyên sinh giữa lòng thác.
Trong tâm thức của bà con, Pụt là vị thần tổ đã sinh ra mình, là người tài giỏi, đức độ, có phép biến hóa khôn lường. Ai hiếm muộn, vào ngày hội Rằm thiêng hàng năm đến thác cầu nguyện thể nào cũng được.
Sớm tinh sương của ngày lễ hội, sau phần dâng lễ cúng tại các gia đình, đúng vào giờ lành đã chọn, thầy cúng dẫn đầu đoàn dân bản đội lễ ra nơi thác Pụt.
Lễ của bản xếp trước, lễ các dòng họ xếp sau, rồi đến lễ của các nhà cùng chung một hướng về phía khối đá được tôn là biểu tượng của Pụt ở giữa thác. Thầy cúng làm lễ tế, mọi người đứng sau lẩm nhẩm khấn theo, cầu tự, cầu tài, cầu lộc, chỉ được khấn điều tốt đẹp, không được nghĩ đến điều xấu, cầu hại người khác.
Người già kể, ngày xưa Lễ hội Rằm thiêng của đồng bào nơi đây gồm phần lễ bắt buộc để cầu cho mưa thuận gió hòa, xóm làng bình yên, nhà nhà hạnh phúc. Phần hội vừa ăn rằm tháng Ba với những thức ăn truyền thống của người dân Minh Hóa như ốc suối luộc, bồi ngô chấm mật ong rừng, khoai môn... vừa đi chơi đêm trăng Rằm.
Chơi đêm trăng thiêng nam thanh nữ tú mặc những bộ áo quần đẹp nhất với những chiếc ô thổ cẩm đủ sắc màu, dưới ánh trăng thanh, hiu hiu gió quạt, họ trao nhau nụ cười, lúng liếng ánh nhìn, chênh chao câu hát đúm. Biết bao cặp ở cách xa nhau hàng ngày đường núi, đêm hội trăng thiêng đã bén duyên nên vợ nên chồng...
Ánh trăng thiêng của đêm Rằm tháng Ba bây giờ vẫn thanh trong như dát bạc lên những cánh rừng. Những người con của bản Nguồn dù có ở xa vẫn xao xuyến nhớ đến ngày hội...
Theo Dân Việt

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét