Thứ Tư, 29 tháng 2, 2012

Ngọt ngào mùa hoa vải

GiadinhNet - Bắc Giang có một sản phẩm du lịch rất độc đáo và hấp dẫn mà chưa được khai thác - Đó là du lịch sinh thái vườn đồi, trong đó phải kể đến loài hoa đặc trưng là hoa vải thiều, hoa chỉ nở trong một thời gian ngắn trong năm.
 
Những đồi vải bạt ngàn ở Bắc Giang. Ảnh: Nguyễn Hưởng
 
“Vương quốc vải”
 
Mùa hoa năm nay đang hứa hẹn sẽ cho một mùa vụ bội thu… để rồi từ tháng 6 đến tháng 7 người ta lại có thể mang những trái vải thiều chín mọng, đỏ tươi, ngọt lịm, món quà quê bình dị mà người xưa dùng để “tiến vua” này lại có mặt ở khắp nơi trong cả nước, từ miền đất kinh kỳ ngàn năm văn hiến Hà Thành cho đến vùng đất Sài Gòn phồn hoa, sầm uất đều có sự góp mặt của loại quả này.
Đến Bắc Giang mùa này (từ tháng 4 đến tháng 5) du khách thực sự cảm thấy choáng ngợp trước những cánh rừng mênh mông hoa vải thiều bung nở trắng rừng miền sơn cước.
 
Ở Bắc Giang, vải thiều tập trung nhiều tại các huyện như: Lục Nam, Sơn Động, Yên Thế, Lạng Giang... ở huyện Lục Ngạn vải thiều có nhiều và nổi tiếng hơn cả, đây được xem như một vương quốc vải thiều của Việt Nam.

Du khách đi dọc trên Quốc lộ 31 đoạn từ Lục Nam - Lục Ngạn mùa này sẽ được mãn nhãn trước những cánh rừng rộng lớn tràn ngập sắc hoa màu trắng, dưới ánh nắng đầu mùa, hoa vải thiều đang sum xuê, các chùm chen lấn chíu chít vào nhau, mùi hương dìu dịu thoang thoảng, phảng phất trong gió mới của tiết trời chớm hạ, bên bức tranh thiên nhiên tươi đẹp của đồng bào vùng cao khiến lòng lữ khách càng thêm say đắm.
 
Hoa vải thiều với màu trắng tinh khiết, những cánh hoa nhỏ li ti, sau mỗi buổi sớm mai, những giọt sương vẫn còn lắng đọng trên đầu nhụy, đó sẽ là thời điểm thích hợp nhất cho các bầy ong lấy mật mang về tổ.

Theo kinh nghiệm của những người dân, để có một mùa vải thiều được mùa ngoài việc phụ thuộc vào thời tiết và môi trường thì rất cần sự chăm bón và hiểu biết về loài cây này.
 
Từ sau khi thu hoạch tháng 6 - 8 năm trước người dân sẽ tiến hành cắt tỉa cành lá, loại bỏ những cành sâu, cành kém phát triển, tiến hành bón phân, tưới nước, làm sạch cỏ... Đến độ tháng 9, tháng 10 thì khoanh vỏ cây để kìm hãm sự phát triển của lộc lá, kích thích quá trình ra hoa sau này, tháng Giêng thì bón phân, tưới nước...
 
Theo ông Lý Lâm - Người trồng vải thiều ở xã Quý Sơn (Lục Ngạn), năm nay do thời tiết có nhiều bất thường của đợt giá rét kéo dài trong năm và ngoài Tết nên hoa vải thiều cũng nở muộn và chậm hơn so với thông thường, nhưng có điều mùa hoa vải thiều năm nay vẫn nở rất nhiều và đều hơn so với mọi năm.
 
Những thùng nuôi ong mật được đặt chi chít dưới các gốc vải.

Mùa con ong đi kiếm mật
 
Mùa này, mùa con ong đi kiếm mật. Bước vào khu rừng vải thiều rộng chừng 5 ha của gia đình ông Lý Lâm chúng tôi càng ngỡ ngàng trước những rặng cây vải thiều thẳng hàng, đều tăm tắp đang thời hoa nở rộ, những đàn ong đua nhau hút nhụy, lấy những gì tinh túy nhất để tạo nên những giọt mật ngọt cho đời.
 
Âm thanh rì rào, ồn ã của các bầy ong khiến khắp khu vườn trở nên huyên náo, vui nhộn và tấp nập khác ngày thường. Vì vậy, đến Bắc Giang mùa này du khách còn được tha hồ lựa chọn, tìm mua cho mình những chai mật ong vải thiều nguyên chất ngon nhất làm quà biếu tặng người thân.

Một không gian bao la toàn hoa vải thiều trải dài, rộng khắp núi rừng miền cao của Bắc Giang, tạo thành một bức tranh thiên nhiên tươi đẹp, hữu tình như hút hồn lữ khách. Cảnh vật, không gian như trải rộng ra để đón nhận lòng người.
 
Mùa hoa vải năm nay đang hứa hẹn sẽ cho một mùa vụ bội thu... để rồi từ tháng 6 đến tháng 7 người ta lại có thể mang những trái vải thiều chín mọng, đỏ tươi, ngọt lịm, món quà quê bình dị mà người xưa dùng để “tiến vua” này lại có mặt ở khắp nơi trong cả nước, từ miền đất kinh kỳ ngàn năm văn hiến Hà Thành cho đến vùng đất Sài Gòn phồn hoa, sầm uất đều có sự góp mặt của loại quả này.
 
Tại huyện Lục Ngạn hiện nay có khoảng 18.500 ha vải thiều. Khoảng mươi năm trở về trước quả vải thiều là một trong những mặt hàng có giá trị kinh tế cao từ 15 - 20 nghìn đồng/kg nên được nhân dân trồng rất mạnh và còn được xem là “cây xóa đói, giảm nghèo”. Nhiều gia đình giàu lên nhờ vải.
Sự có mặt của cây vài thiều Lục Ngạn đã góp phần quan trọng làm đổi thay bộ mặt của một huyện vùng cao của Bắc Giang. Tuy nhiên một vài năm trở lại đây, tình trạng được mùa rớt giá và ngược lại được giá mất mùa là một trong những bài toán khó giải quyết đối với người dân và chính quyền địa phương.
 
Nguyễn Văn Hưởng

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét