Thứ Tư, 29 tháng 2, 2012

Thực hư linh ứng "bệnh tật - vía người"

Người Thái cúng vía theo chu trình: sinh - bệnh - lão - tử để có thêm nghị lực, niềm tin vào cuộc sống.
Với quan niệm 30 vía đằng trước, 50 vía đằng sau gồm: vía tóc, vía lông mày, vía mắt, vía ngón chân ngón tay, vía thóp thở, vía bàn tay, vía xương sườn…; nếu đau ốm, hoặc một bộ phận nào đó trên thân thể bị đau là do con vía ấy bị lạc lối, nên người Thái phải cúng để gọi con vía về và cầu khẩn cho nó khỏe mạnh.
Ngay từ khi ra đời, lễ cúng vía đầu tiên là cúng “ra lửa” - “nhá phay”, tức là khi đứa trẻ chào đời: 7 ngày với bé trai, hoặc 9 ngày với bé gái, thầy mo cúng báo cáo với các đấng siêu nhiên và tổ tiên sự hiện diện của đứa bé trên cõi đời và cầu xin các đấng siêu nhiên bảo trợ cho bé, ban cho bé hay ăn, chóng lớn và mạnh khỏe, giỏi giang.

Khi đứa trẻ được 2 - 6 tháng tuổi, nếu hay ốm đau sài đẹn, người nhà tổ chức cúng vía. Tại lễ cúng này, thầy mo mời thêm vía của các bé khỏe mạnh bầu bạn cùng vía của bé; những người mẹ từng trải trao đổi kinh nghiệm nuôi con với người mẹ trẻ...
 
Bà mo buộc chỉ chúc phúc cho sản phụ mới sinh trong lễ
Thôi sưởi lửa.
Rồi khi đứa trẻ được 1 - 6 tuổi, ở những chu kỳ biến đổi quan trọng về tâm sinh lý, lễ cúng vía lại được tổ chức với mong muốn đứa trẻ khỏe mạnh, thông minh, tài giỏi.
Tiếp đó, khi dựng vợ gả chồng, thầy mo cúng vía cầu mong cho vợ chồng trọn đời chung thủy, biết yêu thương nhường nhịn nhau, con cháu mạnh khỏe, cuộc sống no đủ.
Người già lại được cúng vía để cầu mong sức khỏe và trường thọ. Ngay cả khi dù chỉ bị váng đầu, ù tai, hoa mắt… Thầy mo cúng vía làm cho người bệnh tin rằng, cuộc sống vẫn tốt đẹp, cơ thể vẫn khỏe mạnh, hoa cỏ vẫn muôn màu rực rỡ, chim chóc vẫn cất cao tiếng hót với mọi cung bậc diệu kỳ... vì thế có thêm động lực để vượt qua bệnh tật hiểm nghèo.
Ngoài cúng vía cho con người, người Thái còn tổ chức cúng vía cho cả loài vật rất gần gũi và thân thiết với con người sống trong nền văn minh lúa nước là con trâu trong lễ “síp sí”, sau một mùa vụ vất vả nhằm tri ân con trâu, mong cho vía trâu mạnh khỏe, bỏ qua những gì mà người đối xử không phải do sức ép của thời vụ.
Trong các lễ cúng vía, bên cạnh các nghi thức cầu khẩn các đấng siêu nhiên, thì thầy mo còn khuyên bảo con người phải biết sống cho phải đạo làm người. Ngay trong bữa cơm thân mật với gia chủ sau lễ cúng, những người tham dự lại hát đối đáp với nội dung phù hợp với mục đích buổi cúng vía.

Ví dụ, trong lễ thôi sưởi lửa - “nhá phay”cúng vía cho  đứa trẻ hết thời gian ở cữ, hai bên nội ngoại hát chúc cho: “Thằng cu, cái hĩm đều to cao lớn đều/ Người Thái trong bản bảo nhau/ Sau này bố mẹ, ông bà sẽ được nhờ cậy cháu/ Con cháu trưởng thành lớn khôn...” và truyền nhau những kinh nghiệm nuôi dạy trẻ.

Hay trong lễ cúng vía cho đôi vợ chồng trẻ ngày đầu hợp hôn, hai bên nội ngoại hát dặn con vía của hai vợ chồng trẻ phải: “Làm vợ phải tin chồng, đừng như nghe lời vịt mà mất trứng, đừng nghe lời gà mà mất vườn”.
 
Còn trong lễ cúng vía cho người già, mọi người lại hát tỏ lòng biết ơn với bậc sinh thành: “Có gốc mới có ngọn/ Có cây mới có cành” và chúc: “Mong cho ông bà sức khỏe, trường thọ, vía cứng cáp/ Cho con cháu được hưởng phúc lành".
 
Cho đến ngày nay, khi xã hội phát triển, các lễ cúng vía của người Thái vẫn tồn tại như một món ăn tinh thần, mang nét đẹp của thuần phong mỹ tục đáng trân trọng.
 
Theo Trần Vân Hạc
Đất Việt

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét