Thứ Ba, 27 tháng 3, 2012

Ký ức về ngôi chùa đẹp nhất vùng Đông Bắc

 

“Ngọn núi đôi nổi tiếng miền Đông là thắng cảnh bậc nhất trong thiên hạ. Am mây, hang rồng sừng sững xanh, mây dồn, gấm tụ, đá núi liền tận Quỳnh Lâm bảo đài...”

Sáng hôm sau tất cả chúng tôi đều bất ngờ và thích thú trước biển mây giăng giăng theo những sườn núi. Người dân địa phương cho biết ở bãi đá này ngày xưa từng tồn tại một di tích lớn. Thế nhưng, giờ đây, trên khoảng đồi mênh mông chỉ còn những tảng đá vô tri. 

Biển mây giăng giăng theo những sườn núi.

Say lòng kẻ hành hương.

Ngôi nhà nhỏ bình yên dưới thung núi. 
Men theo đường mòn, lộn ngược triền suối rồi lại dốc sức leo núi gần hai tiếng, tôi mới đặt chân tới Hồ Thiên. Thứ tôi nhìn thấy trên mỏm núi tuyệt đẹp không phải là một ngôi chùa cổ tráng lệ như trong sử sách mô tả, mà là vài gian nhà nhỏ vách gỗ, lợp tôn.
Công trình kiên cố nhất ở đây có lẽ là ngôi nhà khách vừa mới được khánh thành, xây bằng gạch, trát vữa, quét sơn sáng bóng, lợp ngói đỏ au.
Đi trong sương lạnh.

Giữa miên man rừng trúc.

Chùa Hồ Thiên hiện ra với những mái ngói đỏ au.
Trong gian thờ được dựng tạm bằng gỗ trên nền cấp thứ hai, Đạt Ma Trí Thông thâm trầm trong bộ áo vàng gõ nhẹ chiếc chuông đồng cho khách hành hương thắp nén hương lên bàn thờ Phật. Bén duyên với Hồ Thiên đã chục năm nay, thầy Trí Thông kể: “Khi tôi lên, nơi này còn hoang vu lắm, toàn bộ di tích am tháp đều ngậm chìm trong cỏ dại!... 

Dấu tích vàng son giờ chỉ còn là những tảng đá kê chân cột nằm chỏng chơ.

Ngôi chùa mới được dựng lên bằng những mảnh gỗ ghép.
Dấu tích xưa nay còn lại là ba lớp nền bó vỉa bằng đá cuội. Ba lớp ứng với ba tầng bậc cao dần lên. Ở mặt bằng của thứ nhất vẫn còn những bệ đá kê chân cột rất lớn, mặt tròn nền vuông có hình cánh sen được chạm cách điệu cho phép hình dung về một công trình đồ sộ khi xưa. 

Vườn tháp giờ chỉ còn những bệ đá khổng lồ.

May mắn vẫn còn một tháp gạch khá nguyên vẹn.

Tháp đá xanh mới được dựng lại sau khi người ta đánh đổ để tìm cổ vật!
Đặc biệt quanh chùa còn có một hệ thống các mộ tháp. Lẫn trong cỏ dại là hai chân tháp (đã bị đánh sập phần ngọn) có kích thước rất lớn, mỗi chiều gần hai mét. Một tháp gạch hình vuông còn khá nguyên vẹn mặc cho những viên gạch đỏ thời Lê đã rêu xám theo thời gian. Đẹp nhất là tòa tháp bằng đá xanh bẩy tầng đã bị đánh sập một lần. Tháp được ghép mộng cá chắc chắn với các phiến đá xanh được mài nhẵn và gia công kỹ càng, với kích thước rất lớn. 

Theo Đại Ma Trí Thông thì, người đời vẫn tưởng Hồ Thiên có nghĩa là hồ nước trên trời, nhưng thực ra, chữ “hồ” ở đây không phải ao hồ, mà là “quần tụ”. Hồ Thiên chính là nơi quần tụ của chư Thiên. Hồ Thiên nằm ở gần đỉnh núi cao, tựa lưng vào núi Phật Sơn, ở thượng nguồn hai dòng suối nổi tiếng là Suối Vàng, Suối Bạc.

Khu Nhà bia hoang vu giữa mây núi.

Tượng Phật Hoàng bị gẫy cổ nay đã được gắn lại bằng xi măng.

Nói rồi, sư thầy dẫn tôi sang khu nhà bia. May thay, trăm năm bia đá chưa mòn và những dòng ca ngợi danh thắng Hồ Thiên vẫn còn hiện rõ sau bao nắng mưa. Ngôi nhà cũ, tường gạch dầy đến hàng mét, trong có hai am nhỏ, một am có pho tượng Phật Hoàng bị gẫy cổ nay đã đuợc hàn gắn lại. 

Bây giờ con đường lên Ngọa Vân Am, lên Chùa Hồ Thiên đã dễ đi hơn nhiều so với mười năm trước khi thầy Thích Thanh Tiến, Thầy Trí Thông vén cây bụi lên với chốn tổ. Suốt tháng giêng, hai vẫn có những đoàn người hành hương từ Đông Triều lên hay những bạn trẻ đi “phượt” ghé thăm. Thế nhưng tôi vẫn cứ nặng lòng bởi những “sự mới” xuất hiện nơi cửa Thiền. 
Những thay đổi làm nơi này bớt hoang vắng, nhưng cũng đang mất dần sự tĩnh tại trước đó. Tiếng nhạc xập xình phát ra từ máy nghe nhạc chen giữa rừng trúc. Dưới bóng Phật Hoàng Tháp, người phụ nữ vừa nhang khói thắp hương vừa gọi điện ghi số đề. Trong gian bếp chật hẹp, đoàn học sinh vừa “tranh nhau” thùng mỳ tôm. Dẫu vẫn biết núi của trời, am của vị tổ thiền phái Trúc Lâm và nhà chùa mở lòng đón tất cả...

Những am, tháp, chùa miền Tây Yên Tử quả thực là một báu vật rất cần được bảo vệ, trùng tu kịp thời. Nhưng tôi cứ sợ rồi mai này Ngọa Vân, Hồ Thiên sẽ giống như Yên Tử hiện tại, với ồn ã kinh doanh, khách hành hương chen chúc.... Tự nhiên, trong lòng cảm thấy tiêng tiếc một cái gì đó, giống như cảm giác sự yên tĩnh của Ngọa Vân đang bị lấy mất dần đi.

Cả đoàn chụp ảnh lưu niệm trước khi xuống núi.

Tượng đá ở Bãi Đá Chồng như người đang ngóng trông...

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét