Thứ Hai, 26 tháng 3, 2012

Nhật Lệ đôi bờ huyền thoại



 

Tạo hóa đã ban tặng cho Quảng Bình nhiều thắng cảnh như Động Phong Nha, suối Bang, Chùa Non - Thần Đinh, Bàu Trò… và thật thiếu sót nếu không khám phá vẻ đẹp huyền thoại của dòng Nhật Lệ chan hòa giữa thế giới non nước hữu tình.

Huyền thoại về dòng Nhật Lệ

Trong dân gian lưu truyền nhiều giai thoại về con sông này. Chuyện kể rằng: Vào đời vua Trần Anh Tông để giữ tình hòa hiếu của hai nước, tránh nạn binh đao và mở mang bờ cõi, nhà vua đã gả Huyền Trân Công chúa cho Chế Mân. Và nàng Huyền Trân trên con đường tiễn biệt xa xứ cuối cùng để từ giã nước Đại Việt về làm dâu xứ Chiêm Thành đã dừng lại ở đây, giọt nước mắt của nàng hòa vào dòng sông mà có tên là Nhật Lệ. Để nay Nhật Lệ đẹp như nỗi buồn trên khóe mắt của người kiều nữ, dòng sông như muốn chảy vào lòng người.

< Con sông Nhật Lệ trong xanh chảy ra cửa biển phía xa. Nơi đó cũng chính là bãi tắm Nhật Lệ mà chiều chiều người dân đến bơi và thưởng thức đồ biển.

Giữa muôn trùng sóng nước, sông lặng lẽ kể lại khúc tráng ca của những năm tháng Trịnh-Nguyễn phân tranh, vang danh người anh hùng Đào Duy Từ với chiến lũy Trường Dục nằm trên dòng Kiến Giang và Nhật Lệ án ngự ven triền sông từ dưới chân núi Thần Đinh đến cửa Nhật Lệ. Dòng sông lưu dấu hai chuyến mang quân ra Bắc của Quang Trung-Nguyễn Huệ phò Lê diệt Trịnh và cuộc hành quân thần tốc đánh bại 29 vạn quân Thanh.

Trong mỗi tiếng sóng dập dờn, lại ngân lên câu hò của Mẹ Suốt làm thổn thức lòng người. Rồi giữa tiếng hò khoan kéo lưới âm thầm hát vang khúc hát ngợi ca về uy danh vang vọng khắp năm châu người con xứ lúa Quảng Bình - Đại tướng Võ Nguyên Giáp là niềm tự hào của người dân miền "gió Lào cát trắng".

Vỗ về những con đò nhỏ, dòng Lệ Giang nghiêng mình lao xao trên những dải núi xanh bất tận, những cánh đồng mêng mông bát ngát và những cồn cát vi vu phi lao, phong cảnh hữu tình của đồng quê xen lẫn dãy Trường Sơn trải dài vô tận.


< Cầu Nhật Lệ.

Sớm tinh mơ, thuyền tấp nập cá về trên cửa biển, mang theo vị mặn nồng nàn da diết hôn vào mạn thuyền. Buổi trưa chang chang trời đổ nắng, ngọn Nồm Nam miên man mang những cánh hoa vàng lững lờ nhẹ rơi trên mặt gương lấp lánh. Mặt nước bồng bềnh làm đẹp thêm đôi gò má bên cồn Long Đại, uốn mình bồi đắp cho bãi bồi Đồng Tư – Cổ Hiền, chợt gieo nặng thêm hương phù sa ở cồn Trần Xá.

Nhật Lệ hôm nay

Nhật Lệ vẫn giữ được nét xưa vốn có, vẫn một màu xanh thắm của thời gian, vẫn một tình yêu thắm thiết với quê hương. Và hôm nay, Nhật Lệ khoác cho mình màu áo tươi mới của cuộc sống. Nhật Lệ vẫn hiền hoà lưu giữ nét truyền thống của các làng nghề thủ công. Một trong những nghề còn được lưu truyền ven bờ Lệ Giang là nấu rượu với hai làng nghề nổi tiếng Võ Xá và Tuy Lộc. Cho dù có đi nơi đâu, trong lòng mỗi người con Quảng Bình vẫn mang tình hiếu khách, vẫn ấm áp ngọt ngào vị bùi trong lát khoai deo hay vị mặn nồng trong hương nước mắm Hải Ninh.

Nhật Lệ hiền hòa mà hiện đại, Nhật Lệ của thơ, nhạc và âm thầm giữ chặt lòng người viễn du. Bên bờ Nhật Lệ du khách có thể thưởng thức hương vị ngọt ngào, độc đáo của mực tươi, cháo Hàu ở những hàng quán nhỏ nằm liên tiếp nhau không một giải phân cách. Dọc sông Nhật Lệ, đoạn qua thị trấn Quán Hàu đến dọc bờ Nhật Lệ và ngay trong các nhà hàng khách sạn có rất nhiều món ẩm thực hàu được đôi bàn tay điêu luyện của các đầu bếp chế biến. Nhưng có lẽ món cháo Hàu vẫn là món ăn đặc trưng, ngon và nổi tiếng nhờ hương vị đậm đà mà chỉ có ở đây mới có được.


< Bình minh trên dòng sông Nhật Lệ.

Vào mùa lễ hội, nhất là ngày Tết Nguyên Đán và Tết Độc lập 2-9, người dân bên sông Nhật Lệ tổ chức các trò chơi dân gian, bắn pháo hoa, kết đèn hoa đăng… trong đó tiêu biểu Hội bơi trải thu hút nhiều người tham gia và đón chào những người con xa xứ trở về hoan hỷ trong làn điệu "hò khoan Năm mái".

Nhật Lệ đang dần chuyển mình với những dự án đầu tư để khai thác kết hợp với khu du lịch sinh thái Sun Spa Resort khu du lịch Mỹ Cảnh-Bảo Ninh, biển Quang Phú và cầu Nhật Lệ, thủ đô của dòng Lệ Giang "đã nối nhịp cầu vui" đôi bờ Đồng Hới – Bảo Ninh để những cành hoa hồng tỏa hương mỗi khi đêm về dưới sắc nước long lanh của ánh đèn lung linh, huyền ảo trên mặt sóng. Dòng Nhật Lệ âm thầm nuôi dưỡng lòng người và hồn người để tạo nên khí phách hùng thiêng của mảnh đất giàu truyền thống Văn - Võ - Cổ - Kim (Văn La, Võ Xá, Cổ Hiền, Kim Nại) trong "Bát danh xứ Quảng".

Nằm sát bên thành phố, dòng Nhật Lệ vẫn xanh một màu huyền thoại, vẫn chát mặn bao đời, vẫn đắm đuối soi bóng quê hương trên từng chặng đường phát triển. Không biết từ lúc nào, và ai đó đã đặt tên cho dòng sông với tên gọi thơ mộng và đắm đuối đến thế.

Lệ Giang bốn mùa vẫn chảy theo dòng huyền thoại, dẫu năm tháng trôi qua trong cuộc hành trình cuộc đời của mỗi con người… Dòng sông huyền thoại vơi đầy biết bao nỗi nhớ niềm thương, trăn trở. Nhật Lệ ngưng đọng thành những bản tình ca ngọt ngào, đắm say về một dòng sông đã đi vào thi ca - đi vào huyền thoại.

- Sông Nhật Lệ nằm ở phía Nam Quảng Bình chảy qua hai huyện Quảng Ninh và Lệ Thuỷ rồi đổ ra biển ở TP. Đồng Hới.
- Được tạo bởi hai chi lưu Long Đại (Đại Giang) và Kiến Giang.
- Có chiều dài 96 km hợp lưu ở ngã ba Trung Quán.

Du lịch, GO! - Theo LangViet, ảnh internet

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét