Thứ Sáu, 30 tháng 3, 2012

Tháng 3 Âm Lịch - Tháng của những lễ hội truyền thống

Ngoài tháng giêng với nhiều Lễ hội xuất hành đầu năm lấy may thì các Lễ hội tháng 3 ÂL được tổ chức với quy mô không kém phần long trọng và đây cũng thời khắc chuyển mùa kết thúc 3 tháng đầu năm bằng Tiết thanh minh ấm cúng:
“Tháng Giêng là tháng ăn chơi
Tháng Hai cờ bạc, tháng Ba rượu chè”
1.  Lễ hội Yên Thế (ngày 16 tháng 3 ÂL)
Địa điểm: Phồn Xương, Bắc Giang 
Lễ hội được tổ chức tại Phồn Xương, đại bản doanh của nghĩa quân Yên Thế do Đề Thám trực tiếp chỉ huy trong những năm cuối thế kỷ XIX, đầu thế kỷ XX. Từ các làng quê xung quanh, người người lũ lượt kéo nhau trẩy hội, quần áo chỉnh tề, tham gia hội hoá trang, diễu hành và tái hiện cuộc khởi nghĩa Yên Thế, múa kỳ lân. Sau lễ là hội, các trò vui chơi, giải trí được tổ chức.
  2.     Lễ hội đền Suối Mỡ (30 – 3 và 1- 4 ÂL)
Địa điểm: Xã Nghĩa Phương, Lục Nam, Bắc Giang                  
Lễ hội diễn ra ở cả Đền Thượng, đền Trung và đền Hạ. Đền Hạ là nơi tập trung đông nhất. Đây là lễ hội cầu mùa màng bội thu, bởi đền Suối Mỡ là nơi thờ Công chúa con vua Hùng thứ 16 (Hùng Định Vương), người có công giúp dân làm ruộng, xây dựng cuộc sống, là vị nữ thần nông nghiệp của cư dân nông nghiệp cổ xưa. Trong ngày hội đền diễn ra lễ tế theo tục lệ rất trang nghiêm. Sau lễ là phần hội, dân làng mở các trò vui chơi như đấu vật, bắn cung, hát chầu văn…
3.     Hội Đền Đô (Ngày 16 tháng 3 ÂL)
Địa điểm: Đền Đô, Bắc Ninh (nơi thờ 8 vị vua Lý).
Mở đầu hội có lễ trình Thánh, có thi đấu cờ người, đấu vật và các trò vui khác. Đặc biệt có rước kiệu long trọng vào ngày chính hội 16 tháng 3 rất đông người tham dự. Hàng năm lễ hội được tổ chức từ ngày 15 tháng 3 âm lịch và kéo dài trong 4 ngày. Hội mở đúng vào ngày vua Lý Thái Tổ lên ngôi Hoàng đế (còn gọi là lễ đăng quang)
4.     Hội đình Đình Bảng (Từ 12 – 16 tháng 3 ÂL)
             Địa điểm: Đình Bảng, Bắc Ninh
Hàng năm lễ hội Đình Bảng được tổ chức để tưởng nhớ 3 thiên thần là Cao Sơn Đại Vương (thần núi), Thuỷ Bá Đại Vương (Thần Nước), Bạch Lệ Đại Vương (thần Đất) và 6 vị nhân thần là 6 vị tổ của 6 dòng họ có công dựng lại làng sau cuộc tàn phá của quân Minh vào thế kỷ XV. Sau lễ là phần hội, tổ chức các trò chơi đấu vật, chọi gà…
5.     Hội Đình Phú Lễ (18- 19 tháng 3 ÂL)
       Địa điểm: Bến Tre
Đây là lễ hội được tổ chức ở đình làng để tưởng nhớ Thành hoàng làng, người có công khai hoang lập ấp. Hội đình Phú Lễ mỗi năm được tổ chức 2 lần: Lễ kỳ yên, ngày 18 đến 19 tháng 3 Âm lịch, cầu cho mưa thuận gió hoà, và lễ cầu bông vào ngày 9 và 10 tháng 11 ÂL, cầu cho mùa màng tươi tốt. Lễ hội có rước sắc thần, tế lễ Thành hoàng. Sau lễ có tổ chức hội. Trong đêm hội thường có hát bội, đàn ca tài tử.        
6.     Lễ cúng Cá Ông (15 tháng 3 ÂL)
Địa điểm: Các làng ven biển Bình định, Đà Nẵng
Thờ cá Ông ở các làng ven biển không chỉ là sự tôn kính thần linh mà còn là cầu mong sự hưng thịnh của làng cá. Lễ hội cá Ông thường được tổ chức vào trung tuần tháng 3 âm lịch. Ngày đầu các nhà đều bày hương án để tế lễ. Lễ cầu an được tổ chức vào đêm đầu tiên tại làng.Sáng hôm sau dân làng làm lễ rước trên biển, có dàn nhạc dân tộc trình diễn, hát bội. Trong hai ngày hội, tất cả tàu thuyền đều tập trung về bến để tham gia.
7.     Hội Thanh Minh (khoảng tháng 3 ÂL)
Địa điểm: Xã Phúc Sen, huyện Quảng Uyên, Cao Bằng.          
Hội gắn liền với truyền thuyết dân tộc Nùng về đôi trai gái yêu nhau nhưng không lấy được nhau. Cả hai đều nhảy xuống giếng tự vẫn. Cảm thương mối tình thuỷ chung ấy, dân bản lập miếu thờ và cứ mỗi dịp tết Thanh Minh, dân bản mở hội với ý nghĩa cầu mùa cho bản, cầu phúc cho lứa đôi.
8.     Hội đua voi (khoảng tháng 3 ÂL)
Địa điểm: Buôn Đôn, Đắk Lắk
Lễ hội diễn ra vào mùa xuân, ở các vùng dân tộc M’nông, Lào… Hội thường tổ chức ở Buôn Đôn hoặc ở những cánh rừng thưa ven sông Sêrêpôk. Bãi đua voi là một dải đất tương đối bằng phẳng, thường là ngọn đồi bằng ít cây, đủ để 10 con voi giăng hàng ngang chạy cùng một lúc, chiều dài khoảng 1 đến 2km. Sau một hồi tù và rúc lên, từng tốp voi đứng vào vị trí xuất phát. Khi có lệnh xuất phát,  các chú voi thi nhau phóng về phía trước, cùng với tiếng chiêng trống hò reo cổ vũ âm vang cả núi rừng. Cuộc đua kết thúc, những chú voi được giải giơ cao vòi vẫy chào mọi người rồi ngoan ngoãn bước đi.
Ngày hội đua voi Tây Nguyên thể hiện tinh thần thượng võ của người M’nông, một dân tộc giàu đức tính dũng cảm.
9.     Lễ hội Gò Tháp (16 tháng 3 ÂL)
Địa điểm: Gò Tháp, Đồng Tháp Gò Tháp là một quần thể gồm 5 di tích tiêu biểu, trong đó có đền thờ cụ Đốc binh Kiều , bà Chúa Xứ là nổi danh hơn cả. Lễ Viếng Bà Chúa Xứ cử hành vào ngày 16. 3 hàng năm. Nội dung lễ hội hầu như năm nào cũng giống nhau, gồm lễ cầu an, thảnh sanh, tế Thần Nông, cúng Ông (Đốc binh Kiều) hoặc cúng Bà Chúa Xứ. Các buổi lễ được tiến hành long trọng theo nghi lễ cổ truyền. Sau lễ có hội vui múa lân, hát bội, đấu võ, lửa trận. Lễ hội Gò Tháp là lễ hội cầu cho quốc thái dân an, mùa màng tươi tốt, bội thu.                                                                          
10.   Hội Chùa Đọi Sơn (Ngày  21 tháng 3 ÂL)
Địa điểm: Hà Nam                         
Chùa thờ Phật và thờ vua Lê Thái Tông, bà Nguyên Phi Ỷ Lan và vua Lê Đại Hành. Hàng năm lễ hội diễn ra vào ngày 21 tháng 3 âm lịch. Sau phần tế lễ là đến phần hội có đấu vật, hát chèo.
11.Lễ hội chùa Thầy (Ngày 5 -7 tháng 3 ÂL)
Địa điểm: Chùa Thầy, Hà Tây
Chùa thờ Phật Thích Ca, thờ thiền sư Từ Đạo Hạnh với ba kiếp sống của Thiền sư. Trong những ngày lễ hội có nhiều trò chơi, đặc biệt có màn múa rối nước. Trẩy hội chùa Thầy, ngoài việc lễ Phật, khách hàng hương còn được leo núi, thưởng ngoạn cảnh trí thiên nhiên của Hà Tây. Đặc biệt du khách sẽ được chiêm ngưỡng ba pho tượng chuyển tiếp ba kiếp của Thiền sư Từ Đạo Hạnh.
 12.Hội chùa Tây Phương (Ngày 6 tháng 3 ÂL)                           
Địa điểm: Chùa Tây Phương, Hà Tây
Lễ hội diễn ra hàng năm. Khách thập phương đến dự lễ hội vừa cầu kinh niệm Phật, cầu phúc, cầu yên vừa được tham quan cảnh chùa, một công trình kiến trúc nổi tiếng thời Hậu Lê và đặc biệt chiêm ngưỡng nghệ thuật điêu khắc gỗ các tượng Phật, nhất là 18 tượng La Hán.
13.Hội cầu mưa (Tháng 3 hoặc 4 ÂL) – lễ hội của người Thái ở Hoà Bình                                                                      
Đại điểm: Hòa Bình
Hàng năm vào tháng 3 hoặc 4 âm lịch, thời tiết ít mưa, hanh khô, để chuẩn bị cho vụ gieo trồng, người Thái Hoà Bình tổ chức lễ hội cầu mưa. Đầu tiên một đoàn thanh niên nam nữ kéo vào nhà của một bà già nhất trong bản và bắt đầu làm lễ hát cầu mưa. Buổi tối đám thanh niên này rước đuốc đi quanh bản, hát bên bờ suối, té nước cho nhau, cho tới khi mọi người đều ướt cũng là lúc tan hội.
14.    Lễ hội Hùng Vương (Ngày 10 tháng 3 ÂL)
Địa điểm: Núi Nghĩa Lĩnh, Xã Hy Cương, thành phố Việt Trì, tỉnh Phú Thọ.
Ngày giỗ của toàn dân tộc. Cùng lúc với lễ hội dâng hương tại đền Hùng ở Phú Thọ còn có lễ dâng bái tại đền Hùng ở TP Hồ Chí Minh, đền Hùng ở Nha Trang và nhiều địa phương khác.                                                                           
Việc tế lễ được tổ chức rất trọng thể vào ngày chính hội (10/3), bắt đầu bằng lễ dâng hương có đại diện của Nhà nước, tại đền Thượng là nơi xưa kia vua Hùng tế trời đất. Ðồ tế lễ ngoài mâm ngũ quả còn có bánh chưng, bánh dày để nhắc lại sự tích Lang Liêu, cũng là nhắc nhở công đức các vua Hùng đã dạy dân trồng lúa.
Phần rước, có nhiều cuộc rước thần, rước voi, rước kiệu... của các làng Tiên Cương, Hy Cương, Phượng Giao, Cổ Tích... Sau tế lễ còn có múa hát xoan (ở đền Thượng), hát ca trù (ở đền Hạ) và nhiều trò chơi khác. 
Hội đền Hùng không chỉ thu hút khách thập phương đến dự lễ bởi những nét sinh hoạt văn hoá đặc sắc mà còn ở tính thiêng liêng của một cuộc hành hương trở về cội nguồn dân tộc của các thế hệ người Việt Nam. Ðến hội, mỗi người đều biểu hiện một tình thương yêu, lòng ngưỡng mộ về quê cha đất tổ. Ðây là một tín ngưỡng đã ăn sâu vào tâm thức mỗi con người ViệtNam, cho dù họ ở bất cứ nơi đâu.                   
15.  Hội Chử Đồng Tử (Từ 10 -12 tháng 3 ÂL)
Địa điểm: đền Chử Đồng Tử, Hưng Yên                                 
Hàng năm lễ hội diễn ra trong 3 ngày. Lễ có đám rước rồng. Sau lễ có tổ chức hội với nhiều trò chơi: vật, võ, múa sư tử, hát chèo, bơi thuyền…
16.Lễ hội Tháp Bà (Từ 20 – 23 tháng 3 ÂL)
Địa điểm: Khu tháp Pô Nagar, Tp Nha Trang, Khánh Hoà         
Đây là lễ hội lớn nhất trong năm của Khánh Hoà để tưởng niệm Nữ Thần Mẹ xứ sở (tiếng Chăm là Po Inưnơgar). Theo truyền thuyết, Mẹ Xứ sở là người có công tạo lập xứ sở, duy trì nòi giống, người tìm ra cây lúa, dạy dân cày cấy trồng trọt. Thường nghi lễ có hai phần: Vào ngày 20. 3 là lễ thay y, tháo bỏ xiêm y, mũ miện cũ, tắm tượng Nữ thần bằng nước lá thơm và thay xiêm y, mũ miện mới. Lễ cầu cúng diễn ra ngày 23.3. Đây là phần lễ được tổ chức hết sức trang nghiêm, ca ngợi công đức Mẹ Xứ sở và cầu cho dân an, sống ấm no.
Sau phần lễ có tổ chức hội múa dâng bông, hát bộ, diễn ra các tích tuồng.
17.Lễ cúng đất (cuối tháng 2 đầu tháng 3 ÂL)
Địa điểm: Bản người Bana ở Kom Tum                                 
Đây là lễ hội của người Bana ở Kom Tum và Gia Lai được tiến hành vào cuối tháng 2 đầu tháng 3 âm lịch, lúc buôn làng chuẩn bị cho vụ sản xuất mới hoặc khi dọn đến vùng đất mới.
Đặc biệt trước khi dựng buôn làng mới, người Ba Na làm lễ cúng bái dài hai ngày. Họ khấn bái cho thần linh phù hộ cho dân làng làm ăn thuận lợi.
18.Hội đền Tả Phủ (Ngày 15 tháng 3 ÂL)
Địa điểm: Tả Phủ, Lạng Sơn          
Hội đền Tả Phủ có quy mô lớn, đặc sắc nhất trong các lễ hội dân gian ở Lạng Sơn, được tổ chức hàng năm tại đền Tả Phủ, nơi thờ Thân Công Tài, người có công mở mang phố thị Lạng Sơn, để tưởng nhớ công ơn ông. Sau phần lễ có tổ chức hội với nhiều trò chơi như múa rồng, sư tử, đặc biệt là tục cướp đầu pháo.
19.Lễ hội Phủ Giầy (Từ 1 -10 tháng 3 ÂL)
Địa điểm: Xã Kim Thái, Vụ Bản, NamĐịnh                             
Lễ hội được tổ chức hàng năm. Chính hội là 3.3 ÂL. Trong dân gian Bà Chúa Liễu Hạnh được suy tôn là Thánh Mẫu, nằm trong Tứ bất tử của Thánh Thần Việt  Nam.
Nét tiêu biểu nhất của lễ hội là nghi lễ rước Thánh Mẫu và hội kéo chữ. Trong hội có nhiều trò vui như hát chèo, hát trống quân, hát xẩm, hát văn, múa hầu bóng…và thi đấu vật, đấu võ, kéo co, chọi gà, đánh cờ người.
Hội Phủ giầy còn là ngày hội chợ. Vào ngày này, người nông dân quanh vùng đem các loại nông sản thực phẩm và các hàng hoá thủ công mĩ nghệ đến đây buôn bán, trao đổi.
20.Lễ hội Trường Yên (Từ 10 -13 tháng 3 ÂL)
Địa điểm: Ninh Bình                       
Lễ hội diễn ra hàng năm trên cố đô Hoa Lư của nước Đại Cồ Việt xưa. Lễ hội kéo dài trong 3 ngày, ngày 10.3 là chính hội. Phần lễ tế được tiến hành rất nghiêm trang ở đền vua Đinh, vua Lê. Phần hội có nhiều trò chơi như cờ lau tập trận, kéo chữ…        
21.Hội Đình Xốm (Từ 9 – 11 tháng 3 ÂL)
Địa điểm: Xã Hùng Lô, huyện Phong Châu, Phú Thọ                
Hội lễ Đình Xốm, tên chữ là đền Hùng Lô, được tổ chức đúng dịp giỗ tổ Hùng Vương. Ngoài các nghi lễ truyền thống, lễ hội có rước kiệu từ đình về Đền Hùng vào 10.3 rất long trọng.
Sang mồng 9 làng làm lễ tại đình. Sau lễ bắt đầu rước kiệu: đi đầu là đoàn hát chèo, đội múa lân, 300 nam áo quần trắng, thắt lưng màu hoa lý, nón chóp, chân quấn xà cạp, rước chấp kinh, bát bửu…đi trước và sau kiệu để làm nhiệm vụ bảo vệ. Dẹp đường cho kiệu là 12 ông coi cờ cưỡi ngựa, mỗi ông có 5 người phục dịch. Tối mồng 9, đoàn rước đến chân đền Hùng, làm lễ hạ kiệu, nghỉ ngơi, xem hát. Sáng mồng 10, rước kiệu lên đền Thượng làm lễ các vua Hùng. Chiều rước kiệu về làng.
22.Lễ hội cầu ngư
Địa điểm: Tỉnh Phú Yên                 
Thường được tổ chức ở những làng chài ven biển vào tháng 3 âm lịch hàng năm khi ngư dân bước vào vụ đánh bắt cá chính của năm. Phần lễ chủ yếu cúng tế các vị tiên hiền địa phương và thần ông Nam Hải Đại Vương (ông cá voi), cầu cho biển lặng sóng êm, cá đầy thuyền. Lễ cầu ngư với nhiều nghi thức: lễ dâng cúng vật phẩm, lễ đọc văn tế, tiết mục múa thiêng, hò Bả Trạo…Phần hội là tiệc chiêu đãi, có tổ chức các trò vui dân gian.                                                    
23.Lễ hội đền Đức Ông (Ngày 24 tháng 3 ÂL)
Địa điểm: Chùa Long Tiên, dưới chân núi Bài thơ, TP Hạ Long, Quảng Ninh                                                              
Đền Đức Ông là đền thờ Hưng Đạo Vương Trần Quốc Tuấn và một số tướng sĩ nhà Trần. Lễ hội được tổ chức hàng năm nhằm tưởng nhớ công ơn các vị. Mở đầu lễ là rước bài vị Đức Ông từ đền đến chùa Long Tiên, sau khi làm xong lễ tế lại rước về đền. Trong ngày hội có tổ chức vui chơi: đấu cờ tướng, đấu vật, hát chầu văn, diễn chèo.
24.Hội Thượng Phước (Ngày 13 -15 tháng 3 ÂL)
Địa điểm: Thôn Thượng Phước, xã Thượng Triệu, Triệu Phong, Quảng Trị                                                                 
Hội được tổ chức hàng năm để ghi nhớ công lao của Quận Công Hoàng Dũng, người có công khai sơn phá thạch dựng lên làng Thượng Phước. Ngày 13 – 14 bắt đầu lễ hội cả làng Thượng Phước đi săn, lấy đầu muông thú để làm lễ vật dâng cúng. Sáng ngày 15 làng bắt đầu tổ chức tế lễ. Cuộc cúng tế lễ kéo dài đến hết ngày 15.                                    
25. Lễ hội Nghinh Ông (Ngày 21 tháng 3 ÂL)
      Địa điểm: Kinh Ba, LongPhú, tỉnh Sóc Trăng
      Là ngày lễ mang đậm tính truyền thống của những ngư dân miền biển Sóc Trăng. Để tỏ lòng kính trọng và cầu mong mưa thuận gió hoà,      sóng yên biển lặng, hàng năm lễ hội Nghinh Ông được tổ chức vào ngày 21.3 Âl tại vùng biển Kinh Ba,Long Phú.
      Vào ngày hội, tất cả thuyền bè đều được trang hoàng lộng lẫy cùng những thức cúng như heo quay, hoa quả, nhang đèn…tập trung ra cửa biển làm lễ rước Ông vào. Trước và trong ngày hội, tại lăng Ông còn tổ chức hát bộ, các trò chơi dân gian, thi đấu thể thao có nhiều người tham gia.
26.  Hội đền Hét (Ngày 6 -9 tháng 3 ÂL)
Địa điểm: Thôn Bích Du, xã Thái Thượng, Thái Thuỵ, Thái Bình
Đền Hét thờ Phạm Ngũ Lão, một danh tướng lừng lẫy thời Trần. Khi ông qua đời dân lập đền thờ ông. Hàng năm từ 6 đến 9 tháng 3 Âl dân làng mở hội.
 Ngày mồng 8 tổ chức môn vật cầu. Tuyên truyền đó là ngày tướng quân chiến thắng quân Nguyên – Mông ở cửa biển Đại Toàn. Môn vật cầu có quả cầu làm bằng gốc cây chuối hột, nặng khoảng 10kg. Sân chơi kẻ một vạch ngang. Chính giữa vạch đào một lỗ đặt quả cầu. Hai bên vạch đặt hai chiếc sọt. Sọt làm bằng cây luồng to, gốc chôn xuống đất, phần ngọn trên cao 1,8m, chẻ làm 18 nan, rồi đan theo hình hoa, bồi giấy ngũ sắc. Sọt bên trái màu đỏ, bên phải màu xanh, có ghi “tả”, “hữu”. Đấu thủ là các trai làng khoẻ, đại diện cho các giáp, chia làm hai phe tả hữu. Mỗi bên chín người: một tướng và tám quân. Quân cởi trần, đóng khố, mỗi bên đeo đai màu đỏ và màu xanh ứng với màu sọt tả, hữu. Tướng chít khăn cùng màu với quân.
Vào đấu, quân tả hữu xếp hàng hai, hai tướng đứng đầu vào làm lễ thánh. Người được Thánh nhập vào hét lên một tiếng vang trời (vì tiếng hét mở đầu cho lễ hội nên gọi là lễ hội đền Hét). Quả cầu chôn sâu 2m trong hố, lấp đất không để lại dấu vết. Rồi cho quân 2 phe đi tìm và dùng chân gẩy đất cho đến khi lộ quả cầu. Quân và tướng hai bên dùng tay cướp quả cầu, chuyền cho nhau ném vào sọt đối phương là thắng cuộc. Bên nào thắng thì được nhận phần thưởng. Nếu sau 2 giờ vẫn bất phân thắng bại thì hoà.
27.  Hội đền Tiên La (Ngày 16 -18 tháng 3 ÂL)
Địa điểm: Xã Đoan Hùng, Hưng Hà, Thái Bình                         
Đền thờ Bát Nàn Vũ Thị Thục, một nữ tướng tài ba của Hai Bà Trưng, hi sinh tại Tiên La ngày 18 tháng 3 năm Quý Mão (43). Hội đền Tiên La tổ chức vào ngày hoá của Bát Nàn Tướng Quân từ 16 đến 18 tháng  âm lịch hàng năm.
 Mở đầu hội là rước kiệu thánh từ đền Rẫy về đến Tiên La. Khi kiệu về đến đền, người ta tổ chức nhiều trò chơi: chọi gà, đấu vật, múa rồng, múa sư tử,  đặc biệt là thi bơi trải và diễn trận là hai hoạt động có nhiều hứng thú. Bơi trải là cuộc đua của tám trải do các trai làng thực hiện từ sông trước của đền đến Cầu Buộm. Trong khi đó trên bờ, các cô gái chưa chồng, đầu chít khăn mỏ quạ, tay cầm cung nỏ, gươm giáo, đóng làm quân của Bát Nàn. Cô gái đóng vai nữ tướng tay cầm cờ, mang gươm, áo dài buộc túm phía bụng, còn các trai làng đóng giả làm giặc. Hai bên dàn quân thành thế trận, đánh nhau.
28.Lễ hội đền Sòng (Ngày 15 tháng 3 ÂL)
Địa điểm: Bỉm Sơn, Thanh Hoá      
Lễ hội để tưởng nhớ bà chúa Liễu Hạnh, người được nhân dân tôn là Thánh Mẫu. Lễ hội đền Sòng thu hút nhiều khách thậpphương tham gia. Với tấm lòng thành kính, mọi người về đây cầu xin Mẫu ban cho nhiều may mắn.
29.Lễ hội Mai An Tiêm (12 -14 tháng 3 ÂL)
Địa điểm: Nga Sơn, Thanh Hoá      
Truyền thuyết về Mai An Tiêm với quả dưa hấu đỏ thời Hùng Vương đã đi vào sử sách, sống mãi với non sông đất nước và người dân Nga Sơn, Thanh Hoá. Họ rất tự hào về sự tích quả dưa hấu đỏ năm xưa, tự hào về chàng Mai An Tiêm và coi đó là biểu tượng đầu tiên của tinh thần vượt khó, cần cù lao động của người dân Nga Sơn. Đền thờ Mai An Tiêm nhỏ nhắn đơn sơ nằm ngay cửa hang. Tương truyền đây là nơi ở của gia đình Mai An Tiêm xưa kia.
Hàng năm nhân dân tổ chức lễ hội để tưởng nhớ Mai An Tiêm vào ngày 12 – 14 tháng 3 ÂL. Ngoài phần nghi lễ còn có phần hội  vui chơi thu hút nhièu người tham gia.                      
30.Lễ hội đền Bà Triệu (20 -23 tháng 3 ÂL)
Địa điểm: Triệu Lộc, Hậu Lộc, Thanh Hoá                               
Lễ hội được tổ chức hàng năm, nhân dân các nơi về dự hội, nhắc lại câu nói đầy khí phách của bà: “Tôi muốn cưỡi cơn gió mạnh, đạp luồng sóng dữ, chém cá kình ở biển khơi, đánh đuổi quân Ngô, cởi ách nô lệ, chứ tôi không chịu khom lưng làm tì thiếp người”                   
31.Hội Vàm Láng (Ngày 10 tháng 3 ÂL)
Địa điểm: Xã Kiểng phước, huyện Gò Công Đông, Tiền Giang   Đây là lễ hội nghinh ông của hầu hết ngư dân ở các làng ven biển. Vào đêm hội, lễ nghi được tổ chức tại chùa thờ cá Ông, dân làng dâng lễ vật, các nhà sư tụng kinh, hoá vàng mã. Lễ Nghinh Ông được cử hành vào lúc 1h sáng, thuyền Nghinh Ông được trang hoàng lộng lẫy, trên đặt bàn thờ có mâm xôi cỗ mặn, từ rạch Vàm Láng tiến ra sông Xoài Rạp. Lễ rước có tấu nhạc, ca xướng. Khi quay về, các thuyền thắp đèn kết hoa rực rỡ, sau đó là lễ cúng vong Ông. Kết thúc là lễ an vị Ông, đưa Ông về thờ ở chùa. Trong ngày hội, dân làng tổ chức ăn uống, vui chơi, biểu diễn cải lương.           
32.   Hội chùa Đọi (21/3 âm lịch)
Địa điểm: Chùa Đọi, xã Đọi Sơn, huyện Duy Tiên, tỉnh HàNam.
Hội diễn ra nhằm suy tôn Phật và Lý Nhân Tông.
Lễ Phật, rước kiệu từ chân núi lên chùa làm lễ dâng hương tưởng niệm Lý Nhân Tông; đội tế nam quan và tế nữ quan tạ ơn trời Phật. Nấu cơm thi, thi dệt vải, bơi thuyền, hát chèo, múa tứ linh, đấu vật, đánh cờ người.
Tổng hợp

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét