Thứ Sáu, 27 tháng 4, 2012

Đình - chùa làng Giang Khẩu: Lưu giữ di sản quý


Cụm đình- chùa làng Giang Khẩu, xã Đại Thắng (Tiên Lãng) nằm ở vị trí đắc địa, quay mặt ra sông Thái Bình. Đây  không chỉ là nơi sinh hoạt tín ngưỡng của nhân dân địa phương, mà còn thu hút các nhà nghiên cứu đến tìm hiểu một số di sản quý.
              
Hệ thống văn bia cổ còn lại ở cụm đình chùa
                                          
Theo một số tư liệu dân làng ghi chép lại, cụm đình - chùa này có từ năm 1648. Trước đây, cụm đình - chùa lợp bằng mái rơm, rạ, tọa lạc trên vùng đất vuông vắn rộng khoảng một mẫu. Đình làng thờ 4 vị thành hoàng làng là Linh Lang đại vương, Nam Hải đại vương, Đống Tỉnh đại vương, và Tứ Nương Đại Vương, là những người có công giúp vua đánh giặc, giúp dân làng có cuộc sống yên ổn, no ấm.

Hiện trong cụm đình, chùa này còn lưu giữ được các di vật cổ như long đình, ngai vàng, hòm sắc phong, hoa văn họa tiết ở gian vọng cung từ thời hậu Lê. Ở  phía Đông của đình làng có giếng ngọc, đường kính khoảng 8m. Dân làng gọi là giếng ngọc, bởi quanh năm giếng có nước trong, mát, không chỉ làm đẹp cảnh quan của di tích, mà còn là nguồn nước sinh hoạt phục vụ cuộc sống của dân làng. Phía trước chùa làng có 2 tháp cổ, phía dưới có phần mộ của 2 vị sư trụ trì ở chùa là Giác Linh hòa thượng và Sư thúc hòa thượng. Giác Linh hòa thượng theo đoàn quân Nam tiến, chiến đấu chống thực dân Pháp,  bảo vệ nền độc lập của Tổ quốc và đã anh dũng hy sinh. Sau này, hòa thượng được Nhà nước truy tặng danh hiệu liệt sĩ. Nằm ở vị trí phía Đông của cụm đình, chùa này là tổ đường, nơi có bài vị thờ các vị hậu thần và vị sư đã mất tại chùa làng.

Giếng ngọc

Di sản quý giá nhất còn lưu giữ ở cụm đình, chùa Giang Khẩu là hệ thống các văn bia cổ. Theo khảo sát của một số nhà nghiên cứu Hán Nôm, đây là văn bia lâu đời nhất trên địa bàn huyện Tiên Lãng. Theo lời giới thiệu của Ban hội tự chùa, hiện ở cụm đình, chùa Giang Khẩu còn lưu giữ được 6 văn bia cổ, trong đó có 2 văn bia xuất hiện khá sớm. Bia thứ nhất được dựng vào ngày 28 tháng Giêng năm 1648. Văn bia thứ 2 dựng ngày 19 tháng 2 năm 1650. Trên các bia có  những văn bản ghi lại  nhiều sự kiện lịch sử. Chẳng hạn việc vợ chồng ông Tôn Thọ Nam cúng cho làng 5 mẫu ruộng và 80 quan tiền để chi phí cho việc đắp đê. Vợ chồng ông được tôn làm hậu thần, được hưởng cúng tế cùng 4 vị thành hoàng làng. Có văn bia lại ghi rõ công đức của những người có công xây dựng đình, chùa với nội dung: “Tín chủ là Nhân Dũng cùng vợ là Nguyễn Thị Lịch, xin cúng tam bảo, giao cho bản chùa đất canh tác để cúng Dàng, thờ Phật, sau là khắc chữ trên bia đá của chùa để công đức được sáng mãi”.

Trong giai đoạn phong kiến và kháng chiến chống thực dân Pháp, cụm đình - chùa làng cũng là nơi ghi lại những chứng tích lịch sử. Theo cụ Bùi Văn Bân, người cao tuổi nhất trong làng, thời phong kiến, đình làng là nơi địa chủ bắt trói những người dân chưa đóng hoặc chậm đóng sưu thuế. Thời Pháp thuộc, giặc Pháp bắt bớ dân làng ra đình để tra khảo, tìm tung tích cán bộ Việt Minh. Sau năm 1946 hưởng ứng lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến, đình làng được tiêu thổ kháng chiến. Hòa bình trở lại, trên nền đất cũ của cụm đình, chùa xưa, dân làng cùng góp công, góp của để kiến thiết lại cụm đình chùa như hiện nay.

Một góc cụm đình, chùa

“Quý giá nhất ở cụm đình chùa làng là những di vật còn được lưu giữ cho muôn đời sau. Vì vậy, những người cao tuổi trong làng biết nhiều về lịch sử của cụm đình, chùa Giang Khẩu thường giảng giải cho lớp trẻ hôm nay hiểu rõ ý nghĩa, lịch sử của các di vật quý”, bà Hoàng Thị Thơ, trong Ban hộ tự của cụm đình, chùa cho biết. Theo lời bà Thơ, đình, chùa làng còn phát huy giá trị lịch sử truyền thống, trở thành nơi sinh hoạt văn hóa, tín ngưỡng ý nghĩa đối với nhân dân địa phương. Vào ngày mồng 10 tháng Giêng, dân làng mở hội tại cụm đình, chùa làng. Trong ngày lễ hội, có các hoạt động tế, lễ, dâng hương của các dòng họ. Đặc biệt, các hoạt động văn hóa, thể, thao, trò chơi dân gian tổ chức thu hút đông đảo bà con đến dự và cổ vũ. Nhiều con cháu của làng sống ở xa quê cũng về dự lễ hội, tham gia các trò chơi dân gian. Nhân dịp lễ hội, tại khuôn viên của đình làng, lãnh đạo địa phương còn tổ chức lễ chúc thọ các cụ cao tuổi trong làng; biểu dương, khen thưởng học sinh giỏi cấp thành phố và huyện nhằm khuyến khích phong trào học tập tốt của con cháu trong làng. Năm 2010, tại đình làng, lãnh đạo địa phương biểu dương 36 học sinh giỏi cấp thành phố và huyện, học sinh thi đỗ vào các trường đại học, cao đẳng.

Trải qua thời gian, cụm đình chùa Giang Khẩu xuống cấp. Mái chùa thường bị dột khi mưa. Vì vậy, dân làng đang đồng sức, đồng lòng sửa chữa, nâng cấp, bảo tồn giá trị của cụm đình, chùa làng. Hiện, phần công trình phụ, gian tổ đường của cụm đình, chùa làng đang được tu bổ, tôn tạo. khang trang hơn, đáp ứng yêu cầu sinh hoạt văn hóa, tín ngưỡng tại địa phương, bảo tồn các di vật quý đã được lưu giữ từ hàng trăm năm nay.

An Hương

Thăm đền Mõ, ngắm cây gạo hơn 700 năm


Đền Mõ thuộc xã Ngũ Phúc (huyện Kiến Thụy), thờ Quỳnh Trân công chúa, người có công khai hoá mảnh đất này. Ngự trên mảnh đất thanh bình của một làng quê thuần nông, đền Mõ vẫn giữ được những nét đẹp kiến trúc cũng như giá trị của lịch sử. Nơi đây có cây gạo hơn 700 năm tuổi được Hội Bảo vệ thiên nhiên và môi trường (VACNE) công nhận là cây di sản ViệtNam.

Cây gạo đại thụ hơn 700 năm tại đền Mõ
Ảnh: Duy Lân

Theo lời kể dân gian, năm Quí Mùi (1283), công chúa Quỳnh Trân xin vua Trần Thánh Tông cho xuất gia quy y nơi cửa Phật và được chấp thuận. Công chúa chọn đất làng Nghi Dương (thuộc huyện Nghi Dương, phủ Kinh Môn, trấn Hải Dương) làm nơi lập am. Bà rời xa hoàng tộc, để đến nơi thôn dã, dạy bảo dân lành khai khẩn ruộng nương, gieo hạt, ươm mầm, trồng dâu nuôi tằm lấy tơ dệt vải. Bà chiêu mộ dân đến khai hoang lập ấp, rồi cùng với dân xây dựng ngôi chùa Mõ. Huyền thoại truyền tụng đến ngày nay, rằng, đêm đến công chúa gõ mõ, tụng kinh niệm Phật, ban ngày tiếng mõ cũng là hiệu lệnh tập hợp nhân dân. Công chúa đặt hiệu lệnh bằng tiếng mõ để mọi người nghe đó mà nghỉ ngơi, ăn uống, đi làm... rồi tụ tập trai tráng mở hội vật, cầu trời mưa thuận gió hòa, có nước cho nhà nông cấy trồng, mùa màng tươi tốt. Vì thế mọi người gọi công chúa là “Bà chúa Mõ”. Trong những tháng ngày tu hành ở chùa Mõ, công chúa Quỳnh Trân đã trồng cây gạo với ước nguyện thóc gạo dồi dào, nhân dân no đủ  và cho đến nay cây gạo vẫn tươi tốt.

Tháng 11 năm Mậu Thân, công chúa viên tịch. Vua Trần Anh Tông ra sắc chỉ tặng phong Trần Triều A Nương Thiên Thụy Quỳnh Trân công chúa, ban cấp 300 quan tiền đồng cho 5 xã rước sắc phong về xã Nghi Dương lập đền thờ. Đền Mõ có từ đó và được lưu giữ đến ngày nay. Đền Mõ nằm trong khuôn viên có diện tích 12.724m2, bên cạnh đền là ngôi chùa cổ, (gọi là chùa Mõ) và cây gạo cổ thụ trên 700 năm, cành lá xum xuê tỏa bóng. Con đường nhỏ chạy dài xuyên qua Tam quan, hai bên là hai toà giải vũ 5 gian, 2 chái. Kiến trúc của đền gồm 3 toà nhà, bố cục theo kiểu “Tiền nhất hậu đinh”, gồm 5 gian tiền đường (cung đệ tam), 5 gian đại bái (cung đệ nhị) và 2 gian hậu cung hình chuôi vồ. Các toà nhà kề sát nhau, mang dáng vẻ thâm nghiêm và trang trọng. Toà tiền đường xây theo kiểu "tường hồi bổ trụ giật tam cấp", tạo cho ngôi đền mang dáng vẻ vững chắc. Ba gian trung tâm toà tiền đường lắp hệ thống cửa gỗ lim kiểu "cửa tùng cung khách" chắc chắn và đẹp. Tượng Quỳnh Trân công chúa được đặt trong khám ở gian hậu cung, nơi trang nghiêm của ngôi đền.

Hằng năm, lễ hội đền chùa Mõ được tổ chức vào mồng 6 tháng Giêng (lễ Kỳ Phúc) và thường kéo dài ba ngày, với nhiều hoạt động như : lễ rước Thành Hoàng làng, hội vật Cầu Đảo, các trò chơi đánh cờ, chọi gà, tổ tôm điếm. Đền Mõ là một công trình kiến trúc nghệ thuật cổ, một di tích lịch sử văn hóa.

Năm 1991, đền Mõ, xã Ngũ Phúc (huyện Kiến Thụy) được Bộ Văn hóa - Thông tin công nhận xếp hạng Di tích Lịch sử Văn hóa cấp Quốc gia. Đặc biệt, cây gạo ở đền Mõ là Cây Di sản Việt Nam thứ 65, được tổ chức lễ vinh danh trong tổng số hơn 70 cây được VACNE công nhận là Cây Di sản Việt. Cây có hai thân với chiều cao khoảng 30m, đường kính hơn 2m, diện tích che phủ của tán cây khoảng 1.200m2. Thân phụ có đường kính 0,49m mọc ra từ gốc thân chính. Trải qua hơn 7 thế kỷ, cây gạo này vẫn xanh tốt, trổ hoa đỏ rực vào tháng 3.

Văn Lượng

Cụm di tích đền, chùa Hoàng Pha lưu giữ nhiều giá trị truyền thống


Nằm cách trụ sở UBND xã Hoàng Động (huyện Thủy Nguyên) chừng 1 km, cụm đền, chùa Hoàng Pha được xếp hạng là điểm di tích lịch sử cấp quốc gia từ năm 1992. Đền thờ 4 vị thánh hiền, trong đó 3 người có công trong trận chiến Bạch Đằng giang. Chùa làng ngoài thờ Phật còn thờ 4 vị thánh đó, cũng như gắn liền với những chiến công cách mạng mà nhiều người dân địa phương còn khắc ghi.
          
Một góc chùa Hoàng Pha
                                                  
Độc đáo kiến trúc đền Hoàng Pha

4 vị thánh hiền được thờ tại đền là 3 anh em họ Lý (Lý Khả, Lý Minh, Lý Bảo) có công trong trận chiến sông Bạch Đằng lừng lẫy và Nguyễn Quốc Hồng, một vị quan dưới triều Lý.

Theo thần tích ngọc phả còn lại ở đền, khi Ngô Quyền nghe tin giặc đến, cho sứ đi cầu người hiền tài giúp dân. Ba anh em họ Lý hăng hái chiêu binh, luyệt tập võ nghệ, xin tham gia đánh giặc. Họ được vua ban cho chức thượng tướng. Trong trận chiến sông Bạch Đằng, ba vị tướng họ Lý mang quân mai phục ở cửa sông, chờ nước thủy triều lên mang thuyền nhỏ ra khiêu chiến. Quân Nam Hán cậy binh lực nhiều ào ạt tấn công, quân ta giả vờ thua, rút chạy để nhử thuyền giặc vào bãi cọc nhọn do Ngô Quyền cắm sẵn. Đợi đến khi triều xuống, 3 vị tướng họ Lý quay thuyền phối hợp với đại quân mai phục trên bờ. Quân Nam Hán hoảng sợ, tháo chạy trong khi nước triều rút mạnh đã đâm phải cọc nhọn đắm quá nửa. Mộng xâm lăng của quân Nam Hán chôn vùi ở cửa sông Bạch Đằng. Khi nước nhà sạch bóng quân thù, ba anh em họ Lý chẳng màng danh lợi, đi chu du khắp nơi, có đến trang Hoàng Bì (nay là xã Hoàng Động) giúp dân mua ruộng làm đất công. Khi nghe tin gia thần của Ngô Vương Quyền là Dương Tam Kha cướp ngôi tự lập vua, 3 anh em họ Lý dựng cờ khởi nghĩa chống lại và anh dũng hy sinh. Để tưởng nhớ công lao 3 vị tướng tài, dân làng lập đền thờ họ.

Vị thánh thứ 4 được thờ tại đền là Nguyễn Quốc Hồng, con của một người dân làng. Đến tuổi trưởng thành, Quốc Hồng theo vua Lý dẹp giặc, lập công lớn, sau này được triều đình tin cậy giao chức trách quan trọng như chỉ huy quân đội, cố vấn cho nhà vua…

Nét độc đáo ở đền Hoàng Pha là những giá trị kiến trúc nghệ thuật còn được bảo tồn đến ngày nay. Các kiến trúc chính của đền như cột, câu đầu, xà, bẩy, hoành đều đặc sắc không kém gì đình Hàng Kênh, Đình Bảng (Bắc Ninh, đình Ngọc Than (Hà Nội). Đền bố cục theo lối chữ đinh gồm 5 gian tiền đường, 3 gian hậu cung. Tiền đường là kiến trúc cổ sừng sững từ bao đời nay. Các bộ vì giữa có kết cấu kiểu “chồng rường giá chiêng”. Câu đầu là thân gỗ lớn bào soi hình vỏ măng, nối hai đầu cột cái trong một bộ vì bằng mộng én khớp với đấu vuông đỉnh cột. Cột đền là những thân gỗ nguyên cây lực lưỡng, đen bóng, đường kính 30 – 40cm. Các cột đều được kê chân tảng bằng đá. Chân tảng làm từ những phiến đá liền khối, phía trên tròn như ôm lấy chân cột.

Trang trí kiến trúc của đền chủ yếu là trạm nổi, bong hình, đôi lúc sử dụng lối khắc chìm. Vì kèo thứ nhất chạm nổi hình phượng xòe cánh múa lớn, hai bên có đôi long mã chầu. Vì kèo thứ 2 chạm nổi hoa là hóa long. Vì kéo thứ 3 mặt ngoài chạm nổi hoa lá hóa long, trong chạm đồ án tứ linh gồm rồng, phượng, long mã, rùa xen lẫn hoa lá sen, mây cụm. Vì kèo thứ 4 mặt trong trạm nổi đề tài tứ linh, trung tâm là một đầu rồng nổi khối lớn, trên là phượng múa, chung quanh có long mã, rùa vàng, dải mây lững lờ. Vì kèo thứ 5 mặt trong chạm bong hình độc long trên nền hoa gấm khắc chìm. Vì kèo thứ 6 chính giữa chạm nổi hổ phù ngậm chữ thọ lớn, hai bên có đôi long mã khổng lồ đứng chầu. Nghệ thuật trang trí ở đền Hoàng Pha kế thừa nghệ thuật truyền thống, đường nét mượt mà, điêu luyện với phong cách dân gian độc đáo

Chùa làng, nơi ghi dấu chiến công cách mạng

Chùa Hoàng Pha là nơi Hội tăng già cứu quốc huyện Thủy Nguyên ra đời, cơ sở an toàn của nhà sư Hoàng Ngọc Lương, nguyên Chủ tịch Ủy ban kháng chiến đầu tiên của huyện. Trong giai đoạn kháng chiến chống thực dân Pháp (1946- 1954), chùa là trụ sở của đội tự vệ tăng già cứu quốc huyện Thủy Nguyên. Nhà sư Lương Ngọc Trụ, nguyên chủ tịch Hội tăng già cứu quốc tỉnh Hải Kiến, trưởng thành từ chùa Hoàng Pha, sớm giác ngộ cách mạng, tham gia kháng chiến, sau này anh dũng hy sinh trong trận phá càn ở huyện Tiên Lãng. Được nhà sư Lương Ngọc Trụ dìu dắt, giác ngộ, cụ Nguyễn Kim Thành là người kế tiếp việc trụ trì chùa cũng có nhiều hoạt động ủng hộ kháng chiến. Năm 1950, cụ Thành được kết nạp vào Đảng Lao động Việt Nam, được Nhà nước tặng thưởng Huân chương Kháng chiến hạng nhất. Người bảo vệ, quét  dọn, trông chùa là bà Vũ Thị Láng cũng tham gia hoạt động cách mạng.

Cũng trong những năm tháng kháng chiến chống thực dân Pháp, chùa Hoàng Pha là cơ sở của đội vũ trang huyện, cơ sở hoạt động cách mạng của Đảng bộ và Mặt trận Việt Minh huyện Thủy Nguyên. Chùa đồng thời là địa điểm hội họp của Ủy ban kháng chiến xã Hoàng Động. 

Chung tay gìn giữ phát huy giá trị di tích

Ông Đoàn Văn Nga, Trưởng Ban quản lý di tích cụm đền, chùa Hoàng Pha cho biết: “Tự hào về truyền thống của cụm đền, chùa làng, từ xưa đến nay, dân làng chung sức bảo vệ cảnh quan, kiến trúc, gìn giữ những di vật quý hiếm còn lại”. Theo đó, hiện cụm đền, chùa còn lưu giữ 5 bia đá cổ, 4 pho tượng 3 anh em họ Lý và Nguyễn Quốc Hồng, thống đá, bát bửu, long đình, nhang án, bát hương đồng, cửa võng, chuông cổ, các sắc phong vua ban...

Dân làng cùng những người hảo tâm còn tích cực tu sửa, chỉnh trang, xây mới một số công trình cảnh quan trong cụm di tích. Từ năm 2008, ni sư Thích Đàm Tiến trụ trì chùa Hoàng Pha cùng các phật tử, nhân dân địa phương chung sức xây dựng ngôi bảo điện mới trên diện tích đất chùa, đến nay cơ bản hoàn thiện với tổng số vốn đầu tư hơn 3 tỷ đồng. Ni sư Thích Đàm Tiến cho biết: “Ít thấy nhân dân nơi nào tâm huyết với việc tôn tạo đền, xây chùa như ở Hoàng Động. Có  giai đoạn, khu di tích như một công trường với sự đóng góp công sức xây dựng của nhân dân địa phương. Một số người còn tự nung gạch, vôi để đóng góp  tôn tạo, xây dựng cụm di tích”…

Hương An

Thăm đình Nhu Thượng, khám phá nét kiến trúc thế kỷ 19


Đến huyện An Dương nhiều người tìm đến đình Nhu Thượng (xã Quốc Tuấn) để khám phá và chiêm ngưỡng nét đẹp kiến trúc thế kỷ 19 hiện vẫn được lưu giữ. Đình Nhu Thượng cấu trúc kiểu chữ Đinh, gồm 5 gian tiền đường, 3 gian hậu cung bề thế được xây dựng theo thức chồng diêm, nóc các, 2 tầng, 8 mái cao vượt hẳn lên so với 5 gian tiền đường, dựng năm Tự Đức 14 (1861).20 năm sau, mùa xuân năm Tự Đức 34 (1882), dân làng dựng tiếp 5 gian tiền đường, nối với tòa hậu cung bằng cách tận dụng nguồn vật liệu gỗ, đá của ngôi đình cũ ven sông.

Cảnh quan đình Nhu Thượng.   Ảnh: Minh Châm
Cảnh quan đình Nhu Thượng
Ảnh: Minh Châm

Theo các cụ cao tuổi trong làng, đình Nhu Thượng thờ vua Bạch Đầu Đế Mai Kỳ Sơn và nữ tướng Mai Thị Cầu - hai người con của vua Mai Hắc Đế (Mai Thúc Loan)  - người đứng đầu chống quân đô hộ nhà Đường thế kỷ 8.  Hai chị em nữ tướng Mai Thị Cầu đã giúp đỡ dân làng ruộng đất, vàng bạc, đồng thời chiêu mộ dân thôn xây dựng đồn trại, tham gia nghĩa binh, chống giặc ngoại xâm. Năm 722, sau khi vua Mai Hắc Đế mất, Mai Kỳ Sơn lên nối ngôi, đem quân đánh chiếm lại vùng đồng bằng phủ Tổng Thành (Thanh Hóa ngày nay) cho đến Quảng Ninh, Nam Hà. Tháng Chạp năm 727, sau 2 tháng giao chiến, quân giặc phá được căn cứ phòng thủ của hai chị em nữ tướng Mai Thị Cầu và vua Bạch Đầu Đế. Không chịu khuất phục quân giặc, hai chị em nữ tướng  gieo mình xuống sông tuẫn tiết. Ngày nay, trên bờ một con trạch thoát triều cũ, chảy ra sông Lạch Tray thuộc địa phận xã Quốc Tuấn vẫn còn 2 ngôi miếu nhỏ - nơi hai chị em nữ tướng gieo mình (người dân trong làng gọi  là miếu Một và miếu Đôi). Đình Nhu Thượng được Nhà nước xếp hạng di tích lịch sử văn hóa năm 1991. Hằng năm, để tưởng nhớ công lao của hai chị em họ Mai, dân làng mở hội từ mồng 6 đến mồng 8 tháng Giêng. 
                        
Diệp Anh

Du lịch sinh thái sông Nghèn – điểm đến hấp dẫn


Nằm cách thành phố Hà Tĩnh 20km về phía Bắc, khu du lịch sinh thái Bình Mỹ - Sông Nghèn là điểm hẹn thú vị cho những người yêu thích thiên nhiên. Đến đây, du khách có thể thả hồn theo phong cảnh thiên nhiên thơ mộng, thưởng ngoạn nhiều dịch vụ vui chơi giải trí với một phong cách phục vụ chuyên nghiệp nhưng giá cả lại hết sức bình dân…
Khu du lịch sinh thái Bình Mỹ - Sông Nghèn nằm dọc bờ sông Nghèn (Can Lộc - Hà Tĩnh), với những hàng cây cổ thụ theo hai bờ biền rạch xanh mát, một không gian miền quê yên tĩnh, thoáng mát, còn nguyên vẻ đẹp sinh thái hoang sơ. Công ty Du lịch - dịch vụ Bình Mỹ - Sài Gòn là chủ đầu tư.
Diện tích mặt bằng được quy hoạch 14ha, tổng mức đầu tư trên 30 tỷ đồng. Tháng 9-2009, giai đoạn 1 của dự án với mức đầu tư 10 tỷ đồng đã đưa vào sử dụng mặt bằng 8ha.
Hệ thống dịch vụ cà phê sinh thái dọc sông Nghèn, nhà hàng nổi nằm cạnh bờ sông quanh năm thoáng mát, sạch sẽ, phục vụ nhiều món ăn đặc sản của cả ba miền Bắc – Trung – Nam, với hương vị đặc trưng Việt Nam không pha lẫn. Nhiều món ăn dân dã được chế biến bởi dầu bếp lành nghề, đội ngũ phục vụ nhanh nhẹn, lịch sự sẽ mang đến cho quý khách những bữa ăn ấm cúng. Nhiều món ăn mang đậm sắc màu và hương vị sinh thái: như; đậu hủ sinh thái, chả dò sinh thái, tép um sông Nghèn, cá lóc sông Nghèn kho tộ.., rượu nếp hương Can Lộc…
Hệ thống nhà nghỉ 20 phòng theo mô hình Resort dọc sông Nghèn; 12 phòng Karaoke VIP; khu công nghệ tiệc cưới phục vụ 1000 khách; khu vui chơi dưới nước, du thuyền trên sông… và một số hạng mục khác đang được gấp rút hoàn thiện phục vụ du khách trong năm 2009 này.
Khu vui chơi thiếu nhi 0,5ha đã đưa vào hoạt động gồm 6 trò chơi: xe lửa điện, đu quay lệch, phi thuyền, ngựa bay, bạch tuột và đu quay đứng tạo cảm giác mạnh…
Giám đốc kinh doanh Bình Mỹ - Sông Nghèn Trần Công Nguyên, cho biết: Giai đoạn 2 của dự án sẽ được đầu tư trong năm 2010 gồm: Khu ẩm thực câu cá giải trí theo mô hình trang trại vườn gồm 20 ki-ốt dọc sông Nghèn và khu động vật hoang dã phục vụ khách tham quan.., với số vốn gần 10 tỷ đồng. Tiếp giai đoạn 3 sẽ mở rộng khu du lịch này sang phía Đông cầu Nghèn…
Kỳ vọng của Bình Mỹ - Sông Nghèn muốn mang đến Hà Tĩnh một nét đặc trưng phong cách phục vụ chuyên nghiệp Sài Gòn nhưng với mức giá bình dân phù hợp mức sống của người dân Hà Tĩnh.
VĂN HỌC

Truyền thuyết về thác Liêng Nung


Thác Liêng Nung nằm ở địa bàn bon N’riêng, xã Đắk Nia (Gia Nghĩa), là một thác nước đẹp, ẩn mình dưới một thung lũng. Từ bao đời nay, đồng bào Mạ vẫn thường tự hào về thác Liêng Nung, bởi vì dòng thác này chưa bao giờ cạn và có  truyền thuyết gắn với lịch sử lập đất, lập bon của các bon làng cổ ở đây.

Thác Liêng Nung. Ảnh: Ngọc Tâm


Theo già làng K’Măng, hiện ở bon N’riêng, xã Đắk Nia thì hiện giờ cũng chỉ có một vài người già trong bon còn nhớ được truyền thuyết duy nhất về thác Liêng Nung. Truyền thuyết kể rằng, thác Liêng Nung là dòng thác duy nhất của dòng suối Đắk Ninh, bắt nguồn từ những khu rừng thiêng nên nước trong vắt, uống vào thì khỏe mạnh, chống lại được bệnh tật. Theo tiếng địa phương thì Liêng là thác, còn Nung là nơi nghỉ ngơi. Bởi vì, nhờ uống nước, tắm táp, nghỉ ngơi ở đây, nên người và súc vật mạnh khỏe, phát triển đông đúc. Tuy nhiên, vào một năm xa xưa, trời nắng hạn khiến cho không chỉ cây trồng mà cây rừng cũng bị chết rũ, thú rừng và vật nuôi bị chết khát nhiều vô kể. Chỉ riêng người và súc vật ở vùng Liêng Nung này là còn sống sót nhờ dòng thác Liêng Nung thần kỳ. Người dân quanh vùng như Đắk Đu, Đắk Măng… cũng kéo tới uống nước Liêng Nung. Thế nhưng, chỉ được một thời gian ngắn, những kẻ hung tợn từ nơi xa tới đã nổi lòng tham chiếm lấy dòng thác này. Chúng đã gây hấn, phá ống lồ ô hứng nước đang dựng dưới thác và dùng hung khí đánh đuổi mọi người. Để bảo vệ dòng nước quý, K’Ẹ- một thanh niên cường tráng, khỏe mạnh đã tập hợp trai tráng, người dân trong bon chiến đấu, đánh đuổi kẻ xâm lược suốt một ngày ròng. Cuộc hỗn chiến đã cướp đi hàng trăm sinh mạng của đôi bên và chỉ còn một mình chàng K’Ẹ sống sót. Còn lại một mình, không người thân thích, K’Ẹ buồn rầu nhìn cảnh bon làng xác xơ, xác chết ngổn ngang, nên đã lên đường đi tìm người giúp mình. Bỗng một hôm, chàng gặp một cô gái đang nằm thoi thóp bên một gốc cây khô vì khát nước, nên đưa về dòng Liêng Nung lấy nước cho uống. Kỳ lạ thay, sau khi uống nước của dòng thác, người con gái có tên là H’Dệt không chỉ khỏe ra mà còn “lột xác” trở nên vô cùng xinh đẹp. Thế là từ đó K’Ẹ và H’Dệt đã nên duyên vợ chồng. Sau khi lấy nhau, vợ chồng K’Ẹ chăm chỉ làm ăn, nên rẫy nhiều vô kể, lúa chất đầy kho. Nàng H’Dệt thì khéo tay biết làm tất cả mọi việc, từ ủ rượu cần cho đến dệt thổ cẩm, đan lát… Ít lâu sau, hai vợ chồng đã sinh được hai người con trai khỏe mạnh, đặt tên là K’Pên và K’Peo. Sau khi hai con đã biết quấn cái khố thì một hôm nàng H’Dệt xuống thác tắm và từ đấy không quay về nữa. K’Ẹ và các con đi tìm thì chỉ nghe một giọng nói thần bí từ thác vọng lại rằng: “H’Dệt là tiên được Giàng cử xuống để giúp người Mạ ở đây duy trì nòi giống, hết thời hạn nàng phải quay về trời”.  Bố con K’Ẹ buồn lắm nên ngày ngày đều xuống thác những mong gặp được nàng H’Dệt, nhưng hình bóng chẳng thấy đâu, chỉ dòng thác thì hiền hòa hơn và dòng chảy ngày càng giống như mái tóc của nàng H’Dệt. Biết không thể gặp lại được H’Dệt, bố con K’Ẹ từ đó dốc sức làm ăn. Hai người con cũng lấy vợ, sinh con lập nên ba bon N’riêng, Bu Sốp và Ting Wel Đơm tồn tại và phát triển cho đến bây giờ.

Ngày nay, bà con ở các bon N’riêng, Bu Sốp và Ting Wel Đơm ở xã Đắk Nia vẫn luôn tự hào về nguồn gốc của mình và luôn sống khăng khít, đoàn kết như anh em một nhà, vui buồn đều có nhau. Vào mỗi dịp tổ chức lễ hội Tách Năng Yô, bà con còn có lệ lấy nước ở dòng thác Liêng Nung để ủ rượu cần và nấu nước. Trâu bò trước khi làm lễ hiến sinh cho thần linh cũng được đưa xuống tắm ở thác. Riêng đối với thác Liêng Nung, luật tục của các bon đều qui định rõ, không ai được tự tiện chặt cây tại khu rừng thiêng quanh thác, nếu vi phạm sẽ bị phạt nặng. Để bảo vệ thác, bà con ở ba bon còn chia đều đất để canh tác, cùng nhau chia ngọt, sẻ bùi.

Những năm gần đây, do thượng nguồn suối Đắk Ninh đã được ngăn đập để chứa nước phục vụ sản xuất nông nghiệp nên thác Liêng Nung ngày càng ít nước, “mái tóc” của nàng H’Dệt ngày càng “mỏng” đi và đang đứng trước nguy cơ hết nước vào mùa khô. Chính vì vậy, hơn ai hết, bà con các bon làng nơi đây đang rất mong chờ những dự án du lịch mà tỉnh đã và đang qui hoạch, kêu gọi đầu tư sớm được triển khai để bảo vệ dòng thác Liêng Nung trường tồn mãi với thời gian.

Hoàng Thanh

Thac Lieng Nung

Hình 
ảnh Thac Lieng Nung


Thác Diệu Thanh hay còn gọi là thác Liêng Nung nằm cách thị trấn Nhân Cơ, huyện Đắk R’Lấp, tỉnh Đắk Nông chừng 5km. Đây là một thác nước đẹp và thơ mộng, cảnh quan thiên nhiên chung quanh thật hoang dã.

Thượng nguồn của thác Liêng Nung là hồ Đắk Nia bắt nguồn từ một nhánh sông nhỏ Đắk Tit từ sông Đồng Nai đổ đến. Hồ Đắk Nia rộng chừng 12ha, có trữ lượng ổn định, cung cấp nguồn nước tưới, phục vụ sản xuất nông nghiệp cho cư dân trong vùng và cũng là nơi tạo thành thác Liêng Nung. Từ thị xã Gia Nghĩa theo quốc lộ 28 khoảng 8km sẽ đến khu du lịch sinh thái-văn hóa thác Liêng Nung-một trong những thắng cảnh thiên nhiên kỳ thú và hấp dẫn của Đắk Nông hiện nay.
Ngoài thác lớn nhất từ độ cao 30m đổ xuống vực sâu, thác Liêng Nung còn có nhiều dòng thác nhỏ đổ xuống suối, quanh năm tung bọt trắng xóa.
Men theo con đường mòn uốn lượn dẫn lên đỉnh thác, du khách được chiêm ngưỡng cảnh núi rừng trùng điệp, tiếng chim hót véo von và tiếng gầm vang của dòng thác đang tuôn trào xuống vực sâu. Nếu đứng từ chân thác nhìn lên đỉnh, du khách như lạc vào hư ảo, bồng lai.
Dưới chân thác là một khoảng không gian mênh mông nước, đó đây nổi lên nhiều mô đá nhấp nhô tạo nên hàng trăm dòng chảy ra nhiều hướng. Ở đây, du khách có thể nghỉ ngơi, thư giãn ngay dưới những bóng cây cổ thụ sum sê cành lá. Nơi chân thác còn có buôn làng người M’Nông, người Mạ vẫn lưu giữ nhiều nét văn hóa truyền thống. Vào những ngày lễ hội, chân thác còn là nơi trình diễn cồng chiêng và múa hát. Đây cũng là dịp để du khách được mời tham gia lễ hội cùng với dân làng. Sau đó được già làng kể cho nghe câu chuyện cổ của người M’Nông về gốc tích tên thác Liêng Nung.
Theo website saigon

Khu bảo tồn thiên nhiên Nâm Nung


Khu bảo tồn thiên nhiên Nâm Nung cách thị xã Gia Nghĩa khoảng 45 km, thuộc địa giới hành chính của 5 xã là Nam Nung, Nâm N’đia, Đức Xuyên (huyện Krông Nô), xã Quảng Sơn (huyện Đắk Glong) và xã Nâm N’Jang (huyện Đắk Song). Với diện tích 12.307 ha, Khu bảo tồn thiên nhiên Nâm Nung là một quần thể giàu tiềm năng kinh tế du lịch với rừng tự nhiên, danh lam thắng cảnh và di tích lịch sử.

Thác 7 tầng ở Nâm Nung. Ảnh: Tư liệu

Phần lớn diện tích của Khu vẫn là rừng nguyên sinh với nhiều chủng loại cây lớn, trong đó chủ yếu là sao đen, bằng lăng, dầu… Hiện tại nơi đây có những cây sao đen lớn, đường kính gốc hàng mét, cao hàng chục mét.  Đỉnh cao nhất ở đây và cũng là của cả vùng Nam Tây Nguyên là Nâm Nung (núi sừng trâu) với độ cao 1.500 m. Vì thế, Nâm Nung được xem là “nóc nhà” của Đắk Nông với mái nhà bắc nghiêng về dòng sông Sêrêpốk và mái nhà nam nghiêng về thượng nguồn sông Đồng Nai.  Từ đỉnh Nâm Nung, có những suối nước đổ xuống, qua bặc đá tạo thành thác với nhiều bậc nên có thác Ba tầng, lại có thác Bảy tầng tùy theo số lượng bậc thang trên dòng nước.

Nằm trong Khu bảo tồn thiên nhiên Nâm Nung còn có Di tích lịch sử cấp Quốc gia là Căn cứ kháng chiến B4 – Liên khu IV, là địa điểm Tỉnh ủy Quảng Đức (cũ) đứng chân trong  2 cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ; là hành lang chiến lược đưa sức người, sức của từ hậu phương ra tiền tuyến; là “bản lề” nối Tây Nguyên với miền Đông Nam bộ, miền Bắc với miền Nam; là nơi đưa, đón các đồng chí lãnh đạo Trung ương đến chỉ đạo cuộc tấn công và nổi dậy Mùa xuân năm 1975…  Đây cũng là nơi ghi dấu nhiều chiến công hiển hách, ghi lại những trang sử hào hùng của đồng bào các dân tộc vùng Nam Tây Nguyên dưới sự lãnh đạo của Anh hùng dân tộc N’Trang Lơng, của N’Trang Gưh… trong các cuộc kháng chiến chống lại sự xâm lược của thực dân Pháp những năm đầu thế kỷ XX.

Các VĐV tham gia cuộc thi “Chinh phục Nâm Nung”. Ảnh: Thương Hà

Nhiều năm nay, Khu bảo tồn thiên nhiên Nâm Nung đã là điểm du lịch sinh thái - văn hóa - lịch sử thu hút du khách, nhất là từ Thành phố Hồ Chí Minh. Vào tháng Ba hàng năm, nơi đây là địa chỉ để tuổi trẻ các địa phương tổ chức “Về nguồn” với các hoạt động phong phú, ý nghĩa như thi leo núi, triển khai chương trình bảo vệ môi trường, hưởng ứng “Giờ Trái đất”, làm công tác xã hội từ thiện đối với đồng bào địa phương…

Thương Hà