Thứ Tư, 16 tháng 5, 2012

Đắm đuối ở Sìn Hồ



Sìn Hồ càng đẹp hơn mỗi khi có phiên chợ họp vào hai ngày cuối tuần.
Được coi là Sapa thứ hai, Sìn Hồ chỉ cách thị xã Lai Châu vài chục kilomet dốc, đèo và những dãy núi cao ngất, sương giăng, mây phủ. Quãng đường ấy sẽ ngốn đứt một ngày trời của bất kỳ du khách nào lần đầu tới thăm miền sơn cước lạ lẫm mà không hề bí ẩn, gần gũi mà lại làm dấy lên niềm khát khao khám phá này… Đó là nơi cao nhất của vùng Tây Bắc trên bản đồ đất nước.
Cảnh sắc hùng vĩ
Dốc nối dốc, đèo nối đèo, những con đường như những dải lụa nối nhau ngoằn ngoèo lưng chừng núi… Một bên là vực thẳm, một bên là vách đá cao sừng sững - với sương mờ bồng bềnh tưởng như có thể giơ tay bắt lấy xoa nhẹ lên hai má… Đó là ấn tượng đầy màu sắc phiêu lưu khi tới Sìn Hồ - một huyện miền núi của tỉnh Lai Châu - cũng là cung đường mà dân phượt thường lựa chọn trong những chuyến chu du miền Tây Bắc.
Càng tiến vào gần trung tâm Sìn Hồ, những con đường dường như cũng bớt hiểm trở hơn - hay người khách lạ đã quen với nó thì chẳng rõ. Những suối nước róc rách, những ngôi nhà trình tường của người Mông - nhìn từ xa như những cây nấm khổng lồ nằm cạnh nhau lúp xúp thành một bản, hay những ngôi nhà gỗ mộc mạc của người Dao… Trong ánh chiều chạng vạng, quyện với sương trắng là những làn khói màu lam lả lướt, len lỏi qua mái lợp khiến lòng người chợt thấy nao nao nhớ bữa cơm nóng bên bếp lửa rực hồng… Đêm Sìn Hồ tím thẫm rất nhanh, trong cái lạnh gai gai vào mùa Xuân - Hạ và tê tái mùa Thu - Đông, với những giọt sương đọng ướt sũng trên mi mắt.
Đến Sìn Hồ mà không đến Pú Đao tức là đi mà chưa tới. Đó là một bản của người Mông nằm trong không gian thơ mộng của bạt ngàn hoa dại với điểm nhấn là những cây đại thụ cứ mỗi mùa Thu lại trải thảm lá đỏ rực chờ đón một mùa Đông giá rét - xen kẽ với đó là những thửa ruộng bậc thang uốn lượn chuẩn bị ngả sang sắc vàng của no ấm. Đó cũng là mùa rực rỡ nhất của miền Tây Bắc. Pú Đao từng được hãng du lịch Gecko Travel (Anh) bình chọn là điểm đến đẹp nhất Đông Nam Á.
Ngoài Pú Đao, đi sâu vào những bản Tả Phìn, Phăng Xô Lin, Tà Ghềnh, Hoàng Hồ… với đôi ba người bản địa đứng bán sản vật rừng vừa kiếm được bên vệ đường, với những bước chân rập rìu, xúng xính trong chiếc váy thổ cẩm của người phụ nữ Mông, Dao tảo tần, e lệ hay tiếng ụt ịt của những chú lợn con đen trũi dũi đất dọc bìa rừng… Xa nhất là bản Nậm Núc - để đi vào đến nơi phải mất 1 ngày đường, trở ra lại mất thêm 1 ngày đường nữa. Thế nhưng, người dân trong bản, từ già trẻ gái trai, ngày này qua năm khác vẫn đếm ngược đến ngày chợ phiên, để rồi cặm cụi dắt ngựa, gùi sản vật ra chợ trung tâm Sìn Hồ để bán, để được lịm người bên những bát rượu men lá nồng nàn hơi thở của đất, của nước, của khí trời vùng sơn cước kỳ ảo này.
Chợ ở nơi cuối trời Tây Bắc Sìn Hồ càng đẹp hơn mỗi khi có phiên chợ họp vào hai ngày cuối tuần. Mang tiếng là chợ sầm uất nhất vùng, có trung tâm bán buôn, bán lẻ với đủ thứ hàng tiêu dùng từ thực phẩm cho tới đồ điện tử, công nghệ cao…, cùng các sản phẩm, sản vật của người dân địa phương mang ra bày bán… nhưng quy mô chợ Sìn Hồ cũng chỉ nhỏ như cái chợ cóc ở Hà Nội. Nhưng, việc bán mua dường như chỉ là cái cớ để người dân đi chơi chợ. Người ta đến chợ để được cùng nhau rôm rả trong những hàng ăn đặc sản như thịt trâu, dê núi, lợn bản… và đông nhất là bên chảo thắng cố…
Chợ phiên Sìn Hồ là một phiên chợ đầy màu sắc, không chỉ của hàng hóa mà còn là sắc màu trang phục của các dân tộc bản địa nơi đây từ Mông đen đến Mông hoa, từ Dao trắng đến Dao đỏ… trong điệu kèn lá du dương mang những tín hiệu yêu đương đầy ắp của những chàng trai trẻ.
Đặc sản miền sơn cước
Ấn tượng về "Sapa thứ hai" Sìn Hồ không chỉ là núi cao, mây trắng, là "nhà nấm" trình tường, là điểm giao lưu văn hóa chợ phiên đặc sắc… mà còn là những đặc sản riêng có của một vùng đất giàu sản vật. Trong đó, phải kể đến dịch vụ tắm lá thuốc trong thùng gỗ của người Dao - một trải nghiệm đầy sảng khoái mà ai đã từng được thử một lần sẽ không thể nào quên.
Sau chuyến đi dài đầy mệt nhọc và sự hứng khởi trước con người và thiên nhiên Tây Bắc sẽ khiến những vị khách lạ dễ rơi vào cảm giác ê ẩm và mệt nhoài. Đó là lúc bài tắm thuốc được nấu từ mười mấy loại lá, thân cây rừng - nghe một lần chẳng thể nhớ hết tên.
Không đơn giản như cách pha nước tắm nửa nóng, nửa lạnh ở thành phố. Bài tắm thuốc của người dân tộc bản địa cầu kỳ ở chỗ, lá thuốc được đun sôi xình sịch trong nồi lớn rồi được chắt dần ra thùng gỗ pơmu trong nhà tắm. Người ta đổ lượng nước lá đủ để khi ngâm cả người vào thì nước dâng lên đầy thùng - rồi chờ cho thùng nước nguội đến nhiệt độ vừa phải rồi mới thoát y toàn bộ để bước vào thùng. Nếu pha bằng nước lạnh - nước lá sẽ nhanh nguội và không đạt được hiệu quả như mong muốn.
Điều kỳ lạ là các vị thuốc trong nồi nước tắm khiến cho thứ nước này nóng được rất lâu. Trong cái lạnh tê tái của đêm Tây Bắc - có lẽ chẳng gì "đế vương" bằng việc được ngâm mình trong chiếc bồn tắm gỗ, lim dim mắt tận hưởng cảm giác như kiến cắn liu riu khắp cơ thể và sau đó là sự êm dịu, ấm áp như đang len lỏi khắp các tế bào của cơ thể. Tắm bài thuốc này - dù khỏe đến mấy mà tắm lâu quá 15 phút cũng dễ bị say. Mùi lá thuốc ngai ngái đặc trưng của cây rừng theo làn hơi của nước nóng bốc lên trong căn phòng tắm chật hẹp khiến người tắm như được xông hơi. Nhiều người kỳ công đặt mua lá thuốc và thùng tắm pơmu để mang về tắm ở thành phố. Nhưng, có một thứ không thể mang đi được - đó chính là độ cao, là sương mù khói tỏa, là cả không gian đầy mộng ảo, huyền thoại của một miền sơn cước.
Sau khi ra khỏi thùng nước thuốc, người còn đang nóng ran và đỏ như chú tôm luộc - du khách sẽ được thưởng thức tài xoa bóp, bấm huyệt của một danh y nổi tiếng người Mông được mọi người thân mật gọi tên là lão Páo. Sau những cú bấm điêu luyện của ông - bao nhiêu mệt mỏi tan biến và lúc này, một giấc ngủ sâu êm ái và ấm áp sẽ là điều tuyệt vời nhất.
Không chỉ có bài tắm thuốc cổ truyền đang trở thành một dịch vụ hút khách, Sìn Hồ tập trung nhiều cảnh đẹp hấp dẫn như cổng trời, núi Tiên Ông, núi Ô Đá… gắn liền những truyền thuyết ly kỳ. Mỗi năm, huyện lỵ vùng cao Tây Bắc này thu hút tới vài chục ngàn lượt du khách - nhưng ngành du lịch địa phương vẫn chưa thực sự khởi sắc bởi chưa được đầu tư và có hướng phát triển bài bản, bền vững.
Có thể nói Sìn Hồ không thua kém Sa Pa, nếu được đầu tư đến nơi đến chốn sẽ là điểm du lịch vào hàng đầu của Việt Nam. Không dừng lại ở tiềm năng du lịch, cao nguyên Tả Phìn còn sở hữu đặc trưng đất và khí hậu thích hợp cho sự phát triển của rất nhiều các cây thuốc quý giàu tiềm năng, đặc biệt trong số đó là cây đỗ trọng - loài thuốc quý có khả năng sống mãnh liệt ở nơi đất cằn sỏi đá và khô lạnh thấu xương này.
Thiên Lam

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét