Thứ Tư, 30 tháng 5, 2012

Câu đêm giữa Sài Gòn


TP - Cuộc sống Sài Gòn sôi động về đêm. Câu cá cũng vậy, càng khuya các bờ sông mặt cầu càng đông người buông câu thả chì. Người câu chơi thảnh thơi hóng mát, người lom khom ngập ngụa buông câu trong miệng cống để kiếm cơm.
Câu cá ở kênh Bến Nghé Ảnh: T.N.A
Câu cá ở kênh Bến Nghé Ảnh: T.N.A .
Câu trường nhộn nhịp dưới ánh đèn
Sông Sài Gòn theo nước thủy triều lên xuống. Anh Khánh, một cao thủ nghề câu nói rằng trước năm 1975 anh “câu được cá 5-6kg là chuyện thường, lắm khi còn câu được cả tôm hùm”.
Ngày nay, nơi nào cũng giăng lưới đánh điện, cá không còn quần tụ như xưa. Nhưng vùng đồng bằng phì nhiêu, kênh rạch chằng chịt, ngoài cá tự nhiên còn cá các ao hồ thoát ra do triều cường nước lũ. Mỗi khi con nước lên, cá từ sông lớn ào ào bơi vào kênh rạch trung tâm thành phố, thú câu cá tự nhiên của người Sài Gòn bởi vậy ngày càng rầm rộ.
Bắt đầu từ chân cầu Sài Gòn, một bên bờ là quận hai với khu biệt thự Thảo Điền, bên bờ kia là nội thành. Nơi đây lắm bèo nhưng cũng nhiều nhà hàng ven sông nên cá lớn rất nhiều. Từ cầu Sài Gòn tới Thanh Đa nhiều cá trê, tai tượng, cá tra.
Chiều tối vào đêm, khi các nhà hàng tấp nập khách khứa thì các cần thủ vào cuộc. Anh Hoàng, người gắn bó với cầu Sài Gòn cho biết kinh nghiệm là phải tạo ra những thứ mồi mô phỏng thức ăn của thực khách, thậm chí có thể lượm đồ ăn thừa của nhà hàng để làm mồi câu.
Xuôi khúc nữa tới cầu Thủ Thiêm, cũng được các cao thủ chọn làm nơi thử sức. Đây là cây cầu hiện đại, đồ sộ, cảm giác đứng trên cầu ném mồi dế, gián vào không gian vô tận là một thú vui.
Về khuya, xe cộ ít đi, còn gì bằng ngồi chờ cá cắn mồi trên đỉnh cao thành phố. Xuôi về đến bến Bạch Đằng trung tâm quận 1 thì vô cùng đông đúc cần thủ. Người câu đổ ra mép sông Sài Gòn, tha hồ thả dây, hàng trăm chiếc cần túc trực. Người xem, người hóng mát, trò chuyện râm ran.
Anh Hùng, làm ở một công ty cho biết anh thích mô hình câu cá gia đình: “Đi đâu đem theo cả vợ con. Ti vi dạo này chẳng gì hấp dẫn”.
Anh em Câu lạc bộ câu cá Khánh Hội với mấy chục hội viên, vui vẻ nói: “Mỗi người một việc, một hoàn cảnh, nhưng đêm đến chúng tôi lại hẹn gặp nhau ở bến sông này. Bao nhiêu chuyện đời mệt mỏi cho qua hết, chung vui với chiếc cần câu”.
Sau lưng họ là những vũ trường, quán xá, xe cộ tấp nập, những cô gái chân dài mặc quần ngắn cũn cỡn phi qua cầu. Thành phố rực rỡ với tòa nhà cao nhất Việt Nam sáng đèn. Phục vụ cho câu trường, đã có rất nhiều quán bán hàng rong, bán bia và đồ nhậu chạy dọc bờ sông. Câu lạc bộ đang chia nhau mấy lon bia thì cá cắn câu, kéo lên một chú trê còn dính đầy bùn.
Bộ đồ câu của một người Sài Gòn
Bộ đồ câu của một người Sài Gòn.
Hai loại cần thủ
Anh Khánh nói: “Chung quy có thể chia giới câu đêm ra hai loại là câu chơi và kiếm gạo. Kẻ câu kiếm gạo thường đi những chiếc xe cà tàng và chọn chỗ câu vắng vẻ thậm chí dơ dáy”.
Những người câu chơi chủ yếu để thưởng gió, hưởng trăng, thích nơi đông người, sạch sẽ. Họ tìm cảm giác ở chỗ cá cắn câu và cách đấu trí, cách giật cá.
Anh Tài, một kỹ sư nói: “Câu cá không chuộng ở nhiều. Cá trê lớn cũng thường chỉ 1kg, là giống cá sống ở đáy, lầm lỳ, khỏe. Nên câu với cái cần nhỏ thôi, cảm giác cũng rất hồi hộp, căng thẳng. Kéo được cá lên bờ sông không phải dễ. Khoảng cách từ bờ sông xuống đến đáy có khi xa 30-50 mét”.
Với người câu chơi như anh Tài, cá không cắn câu cũng chẳng lấy làm buồn. Lúc nào dưới chân họ cũng có cà phê, nước ngọt bày ra cả mớ.
Câu trường có lời hát như sau:
Câu không có cá không có nghĩa là sông không có cá
Cào ghe, te điện cá chết hết rồi
Ung dung cầm cần máy ta ngồi
Nhìn đất nhìn trời,nhậu cho sướng...
Anh Trọng làm ở một gara ô tô quận 5 đi chiếc xe máy gắn hai cái hộp nhựa lớn đựng phụ tùng câu, chẳng khác gì cái xưởng công nghiệp. Nhưng, hai cái cần 2 triệu đồng của anh chẳng nhằm nhò gì so với nhiều người chơi dùng tới cần cả ngàn đô.
Ngược lại với Trọng, anh Thắng là người câu chuyên nghiệp, câu cá kiếm gạo. Thắng nói câu cá ở những nơi đông đúc, lắm nhà nổi, thường có cá to, nhưng cá no mồi nên ít cắn câu.
Thắng nói: “Em câu theo con nước. Vào đầu con nước, nếu được cá lớn thì suốt tuần ấy sẽ câu nhiều cá to. Ngày thường, phải tìm những nơi nước đọng, nước tù, các miệng cống đen đúa. Mỗi đêm có thể kiếm được vài chục con trê, con chép”.
Cá trê thường dùng kho tiêu. Cá trê tự nhiên rất ngon, nên người ta đặt mua từ trước cả. Câu không đủ bán.
Anh Khánh và sản phẩm
Anh Khánh và sản phẩm .
Những người câu cá kiếm gạo thường săn cá bông lau ở bên kia bờ Thủ Thiêm. Anh Tư với chiếc xe 67 nát vẫn câu được những con cá tới vài kg. Giá bán cho thương lái là 30.000 đồng/kg. Cá bông lau kho tộ, hoặc nấu canh chua đều ngon. Ở sông Nhà Bè, người ta cũng thường câu được cá Ngát, chỉ câu ban đêm. Người ta nói “cá Ngát sông Nhà Bè ngon nhất miền Đông”.
Câu trong ô nhiễm
Khu Thảo Điền ở quận 2 tiếng là nhiều biệt thự sang trọng bậc nhất, nhưng khổ cho dân câu bởi kênh rạch bỗng chốc bị lấp gần hết. Người câu thì nhiều mà nơi câu chẳng còn nữa. Người nghiền thường họp nhau ở những miệng cống cáu bẩn, bó gối buông cần, hòng kiếm được vài chú cá rô.
Khu Thảo Điền ở quận 2 tiếng là nhiều biệt thự sang trọng bậc nhất, nhưng khổ cho dân câu bởi kênh rạch bỗng chốc bị lấp gần hết. Người câu thì nhiều mà nơi câu chẳng còn nữa.
Người ghiền câu thường họp nhau ở những miệng cống cáu bẩn, bó gối buông cần, hòng kiếm được vài chú cá rô.
Thú câu cá ở dọc kênh Bến Nghé lịch sử mới được khôi phục cách đây hai năm, từ khi dòng kênh được nạo vét và đại lộ sáng ánh đèn. Cả hàng mấy cây số, người câu rải rác đến tận nửa đêm.
Anh Phúc thường câu cá ở đây nói: “Hồi chưa nạo vét, dòng kênh đen ngòm, không dám đến gần chứ nói gì chuyện câu cá!”. Câu gió là chính. Bây giờ, kênh nạo vét kỹ nên hệ thủy sinh đã bị xóa hủy, cá còn rất ít.
Đến khúc gần cầu Nguyễn Tri Phương quận 5, kênh còn ô nhiễm nặng. Cá chỉ lo thở, không thèm ăn. Một cần thủ câu từ 7 giờ đến 10 giờ tối được có hai con cá. Thậm chí nhiều người không được con nào. Trong khi một người cầm vợt ung dung đi vớt, một lát đã được hơn mười con trê to.
Ở những khúc ô nhiễm nặng, mùi xú uế nồng nặc như Nhiêu Lộc – Thị Nghè, vẫn thấy cao thủ buông câu. Tìm hiểu ra mới biết có loài cá chép ăn tạp, vẫn sống, thậm chí béo tốt. Chúng được phóng sinh vào ngày rằm nên khá nhiều.
Chú Út, thợ câu nói: “Chúng em câu để bán, chứ ăn thì tuyệt đối không dám đâu”. Người câu cá chép còn thả mồi xuống cả các miệng cống vỡ đen ngòm ven đường. Họ tin rằng cá chép quây quần ở đó để kiếm ánh sáng.
Trong nghĩa trang Bình Hưng Hòa lớn nhất thành phố, quần tụ dăm ba chục cần thủ, câu cá ngay giữa hàng vạn nấm mồ. Hỏi ra mới biết quanh đây chẳng có sông hồ nào sạch sẽ, chẳng vào nghĩa địa câu cá còn biết câu đâu? Nửa đêm, vắng ngắt, tôi còn thấy những người đi ra từ trong nghĩa địa, trên vai vắt vẻo chiếc cần câu.
Tháng 5 - 2012
Trần Nguyên Anh

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét