Thứ Năm, 17 tháng 5, 2012

Dấu xưa cõi thiền


Tiếng rằng quen biết với nhà sư Thích Viên Thanh đã lâu nhưng quả thực là chuyện về “kho” thông điệp quá khứ đậm chất thiền nơi cửa Phật do thầy làm trụ trì – chùa Vạn Hạnh (39 Phù Đổng Thiên Vương, phường 8, Đà Lạt, Lâm Đồng) – có từ vài chục năm nay thì đến mãi tận vài năm gần đây tôi mới được thấy tận mắt.
Dấu xưa cõi thiền
Thượng tọa Thích Viên Thanh và Phật tử.
Sau đó, tôi năng đến chùa Vạn Hạnh hơn, nhưng cứ mỗi lần đến là một lần tôi có cảm giác rằng hình như mình vẫn không biết gì về dấu xưa nơi cõi thiền kia!
Gốc gác của nhà sư Thích Viên Thanh là người Quảng Ngãi. Nhưng, gia đình ông vào “mần vườn” ở xứ Đà Lạt này từ lâu lắm rồi. Xuất gia năm 14 tuổi, là đệ tử của cố hòa thượng Thích Từ Mãn (trụ trì chùa Linh Sơn – một ngôi chùa rất nổi tiếng ở Đà Lạt); năm hơn 30 tuổi, ông theo học cử nhân Phật học rồi cao cấp Phật học tại TP Hồ Chí Minh… 
Chất nghệ sĩ đồng hành cùng Phật sự
“Ngày tôi về trụ trì, chùa Vạn Hạnh là một ngôi nhà tôn vách gạch nho nhỏ nằm trên đồi thông rộng bao la này. Cuối năm 1994, thiền viện Vạn Hạnh được làm lễ đặt đá xây dựng lại. Sau đó, đến năm 2002, Thích Ca Phật đài lộ thiên cao 24m và nặng trên 60 tấn được xây dựng ngay trước sân chùa” – thượng tọa Thích Viên Thanh vắn tắt vài dòng về thiền viện Vạn Hạnh nơi mình đang là trụ trì.
Đặc biệt, tượng Phật Thích Ca niêm hoa vi tiếu (theo tích kinh điển của phái Thiền Tông) nổi tiếng này do ông chỉ đạo thiết kế và nhà điêu khắc Thùy Lam thực hiện. Nói ra điều này để thấy rằng cái “máu nghệ sĩ” trong con người nhà tu hành này dường như cũng đang song hành cùng chất nhà Phật trong Phật sự mà ông đảm đương trong mấy chục năm qua, từ chú tiểu đến đại đức rồi đến thượng tọa; từ một Phật tử bình thường đến trụ trì rồi Phó Ban Trị sự Giáo hội Phật giáo Lâm Đồng, Chánh đại diện Phật giáo TP Đà Lạt và đồng thời là Phó Hiệu trưởng Trường Trung cấp Phật học Lâm Đồng hiện nay.
Thật vậy, cái “máu nghệ sĩ” ấy “chảy” suốt chiều dài con đường Phật sự của ông, nhưng chỉ đến khi những tác phẩm nghệ thuật được công bố nhân dịp Festival Hoa năm 2010 thì mọi người mới nhận ra một “thượng tọa – nghệ sĩ” Thích Viên Thanh! Ông thổ lộ: “Tôi sưu tầm cổ vật không để trở thành một nhà sưu tầm. Tôi làm việc này đã hơn ba chục năm qua nhưng chỉ duy nhất có một mục đích là làm thế nào để lớp cháu con ta sau này biết được cha ông đã sống ra sao, đã ứng xử ra sao, đã yêu thương nhau như thế nào... mà thôi!”.
Ông kể trong khi đưa tôi đi thăm lại gian trưng bày: “Những hơn 5.000 hiện vật, trong đó có một số cổ vật, sưu tầm được nhưng chỉ được trưng bày trong gian phòng rộng chỉ vài trăm mét vuông như thế này xem ra đã chật chội rồi đây. Do vậy, sắp đến, tôi muốn làm một điều gì đó khác hơn để... giải phóng những hiện vật này. Ước mong của tôi là sẽ hình thành ngay trong khuôn viên chùa Vạn Hạnh này một khu văn hóa Phật giáo và dân tộc; trong đó, lấy việc trưng bày các cổ vật và những tác phẩm nghệ thuật tôn giáo làm chủ đạo”.

Bức tượng Phật Thích Ca niêm hoa vi tiếu do thượng tọa Thích Viên Thanh chỉ đạo thiết kế.
Thông điệp từ quá khứ
Như trên vừa nói, vài năm gần đây, thiền viện Vạn Hạnh khá nổi tiếng với tượng Phật Thích Ca “Niêm Hoa Vi Tiếu” được dựng ngoài trời, ngay trước sân chùa. Thầy Thích Viên Thanh giải thích cho tôi rõ hơn: “Bảo tượng với tay phải cầm cánh hoa sen đó bắt nguồn từ một ý trong kinh điển của phái Thiền Tông rằng khi Đức Thế Tôn cầm một cánh sen đưa lên thì cả hội chúng đều im lặng và ngơ ngác nhìn, duy chỉ có ngài Ca Díp là mỉm cười.
Thấy vậy, Đức Thế Tôn liền nói: “Ta có con mắt của chánh pháp, diệu tâm của niết bàn, thực tướng của vô tướng, pháp này siêu việt ngôn, từ nay ta truyền trao cho Ca Díp”. Tích này được gọi là “niêm hoa vi tiếu”. Bởi vậy, Thích Ca Phật đài kia được gọi là Phật Thích Ca Niêm Hoa Vi Tiếu”.
Thích Ca Phật đài trước sân chùa Vạn Hạnh từ khi khánh thành đến nay đã thu hút không chỉ các tăng ni, Phật tử khắp cả nước mà còn là điểm đến của nhiều du khách trong và ngoài nước với tâm nguyện chiêm bái và ngưỡng vọng. Và cũng như tôi, nhiều người đã ngỡ ngàng khi ra phía sau bảo tượng Phật Thích Ca Niêm Hoa Vi Tiếu để thăm khu trưng bày trên dưới 5.000 hiện vật do nhà sư Thích Viên Thanh và các đệ tử sưu tầm và cả việc chiêm bái các tác phẩm nghệ thuật đậm sắc thiền do nhà sư Thích Viên Thanh tạo tác.
Bộ sưu tập trên dưới 5.000 hiện vật, trong đó có những cổ vật, của nhà chùa có thể phân định bằng chất liệu: Nhiều nhất và quý nhất là những hiện vật bằng đồng, thứ đến là bằng đá và bằng gỗ. Với bộ sưu tập đồ đồng, quá vãng của người Đà Lạt xưa, kể cả các bộ tộc thiểu số bản địa, như hiện về từ vài chục năm trước, từ vài trăm năm trước thông qua những nồi đồng, mâm đồng, cơi trầu bằng đồng, lư nhang đồng, lư đèn đồng, cồng chiêng bằng đồng... có “tuổi” từ vài chục năm đến vài trăm năm.
Và không chỉ quá vãng của Đà Lạt mà còn hơn thế: Hồn Việt hiện về trong căn phòng trưng bày này! Những bộ cồng chiêng bằng đồng được ông dành cho sự ưu ái đặc biệt khi đặt trang trọng thành một dãy phía trái gian phòng. Tôi lần nữa nhìn lại những bộ chiêng của các tộc người thiểu số Nam Tây Nguyên (Lâm Đồng) được ông sưu tầm. Có chiếc có đường kính lên đến gần cả mét, tuổi những trăm năm; chiếc nhỏ chỉ vài centimet đặt cạnh mấy cái não bạt!
“Ngoài những đại hồng chung cổ xưa có giá trị khó mà đo đếm được thì những nồi đồng con con dùng để kho cá đến “đại nồi đồng” dùng để nấu cơm vào các dịp hội làng xưa của cư dân Đà Lạt lại có những giá trị riêng, những giá trị thật khó đo đếm bằng vật chất” - ông bảo.
Về bộ sưu tập đá, Thượng tọa Thích Viên Thanh tiết lộ: “Suốt mấy chục năm qua, bộ sưu tập đá thạch anh này yên vị sau mấy cánh cửa thường xuyên đóng khóa. Đến năm 2010, nhân Festival Hoa Đà Lạt, nhà chùa mới mở cửa kho đá quý để giới thiệu với công chúng”.
Việc “trưng bày” năm ấy cũng chỉ là giới thiệu một phần rất nhỏ của kho đá quý mà Vạn Hạnh đang sở hữu. Tuy nhiên, vấn đề quan trọng không chỉ nằm ở chỗ những viên đá ấy quý như thế nào (đá thạch anh) và số lượng đá trong “kho” ấy nhiều đến mức nào (hàng ngàn viên) mà chính là “ý tưởng nghệ thuật” của những tác phẩm do ông tự tạo hoặc nương vào tự nhiên mà sáng tác.
Thiên nhiên thật kỳ diệu: Trong các tác phẩm đá tự nhiên trong “kho” của chùa Vạn Hạnh, ngoài những viên đá có hình các chữ “nhân, tâm, đức, ngộ, nhẫn...”, đáng kể còn là một viên đá có hình đức Phật Thích Ca với những đường vân rất đẹp. “Tìm được đá cũng là cái duyên vậy! Khối đá có những đường vân và màu sắc tạo thành hình đức Phật Thích Ca được tôi tìm thấy giữa một vùng rừng núi giáp ranh hai tỉnh Lâm Đồng và Bình Thuận.
Tôi không “săn lùng” như những người chơi đá cảnh mà chỉ luôn giữ được tâm niệm trên con đường sưu tầm của mình để có được những tác phẩm mang chất thiền mà thôi. Khối đá có hình đức Phật Thích Ca nằm đó trước bàn chân qua lại của nhiều người nhưng đến lượt tôi ngang qua, tôi bỗng cảm thấy cần phải nhẹ bước bởi dường như chốn này có điều gì đó rất lạ. Và thế là khối đá “hiện lên” trong mắt tôi như bước ra từ cõi thiền” – ông kể.
Không dừng lại ở việc sưu tầm đá, Viện chủ Thiền viện Vạn Hạnh Thích Viên Thanh còn tạo tác không ít tác phẩm nghệ thuật từ đá như “Tượng Quan Âm”, “Anh hùng tương ngộ”, “Bản đồ Việt Nam”, “Tâm”, “Nhẫn”...
Về gỗ, ngoài những tác phẩm nghệ thuật mang màu sắc Phật giáo do tự nhiên chế tác, trong nhiều năm qua, thượng tọa Thích Viên Thanh cũng đã sáng tác nhiều tác phẩm từ vỏ thông, từ gốc rễ các loại cây như các tác phẩm “Bồ đề Đạt Ma”, “Phật thành đạo”... Cũng bằng chất liệu gỗ, ông hiện đang tạo tác “Đức Phật nhập niết bàn” với quy mô dài 8m theo dáng tượng Phật nằm. “Có thể, “Phật thành đạo” sẽ là tác phẩm trung tâm khi khu vườn văn hóa Phật giáo và dân tộc theo ý nguyện của tôi được hình thành nay mai trong khuôn viên Vạn Hạnh” – thượng tọa Thích Viên Thanh tiết lộ trước khi tôi chia tay thiền viện Vạn Hạnh để “xuống núi”.
Cùng với các tác phẩm nghệ thuật đậm màu sắc thiền thì những bộ sưu tập đồ đồng, đồ đá và cả đồ gỗ của chùa Vạn Hạnh cũng đang chứa đựng rất nhiều những thông điệp của quá khứ, những thông điệp đang cần mọi người, nhất là các tăng ni, Phật tử và cả du khách khi đến Đà Lạt quan tâm khám phá, để thấy lòng mình thư thái bình an, khám phá để nhận diện những giá trị văn hóa dân tộc như dòng suối chảy từ quá khứ nguồn cội đến hiện tại và trải đến tương lai...
Khắc Dũng

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét