Thứ Tư, 30 tháng 5, 2012

Về Hải Dương nghe chuyện tình người và cò


TTCT - Chúng tôi đã quyết thực hiện một chuyến rong ruổi khám phá đất xứ Đông, đích đến là đảo Cò ở xã Chi Lăng Nam, Thanh Miện, Hải Dương cách Hà Nội hơn 80km.
Theo số liệu thống kê của chính quyền địa phương, hiện nay ở đây có từ một đến một vạn rưỡi con cò, vạc các loài đang sinh sống trên một dải đất khá hẹp.
Có đến chục loài cò, vạc cùng chung sống trên đảo Cò - Ảnh: Hải Dương

Phải qua rất nhiều ngã rẽ, chúng tôi mới tìm về tới một vùng quê yên ả, với những nếp nhà đơn sơ bình dị. Ông lái đò, một lão nông người xã Chi Lăng Nam, hồn hậu, nhiệt tình mời chúng tôi lên đò. Chúng tôi khá bất ngờ trước sự hiểu biết và khả năng hướng dẫn uyên thâm của ông lái đò “nhà quê” này.
Sao mà lắm cò thế!
Ông lão kể rằng người dân quê vẫn truyền miệng nhau câu chuyện về sự hình thành đảo Cò. Vào khoảng thế kỷ 15, những trận đại hồng thủy đã làm dải đê lớn ven sông Hồng và sông Luộc vỡ liên tiếp tạo thành hòn đảo nổi giữa hồ An Dương. Thế rồi đất lành chim đậu, từng đàn cò, vạc đủ loài từ khắp nơi đổ về đây cư trú. Dù theo truyền thuyết đảo Cò có từ lâu nhưng phải đến đầu thập niên 1990, nơi này mới chính thức được phát hiện và trở thành khu du lịch sinh thái với diện tích gần 32ha.
Theo giọng kể chầm chậm nhưng đầy lôi cuốn của ông lão lái đò, bầu trời dần chuyển sang ửng đỏ và từng đàn cò bay lượn về đảo ngày một nhiều. Có lẽ sau một ngày bay khắp nơi kiếm ăn, đến lúc hoàng hôn đàn cò lại bay về tổ ấm của mình. Và như một sự luân phiên một cách tự nhiên, đám vạc bừng tỉnh giấc đi kiếm ăn, nhường chỗ lại cho lũ cò nghỉ ngơi.
Ngắm và “chộp” lấy những khoảnh khắc hiếm có - Ảnh: Hải Dương

Khi những đàn cò bay về ngày một dày đặc bầu trời theo ánh hoàng hôn thì những chiếc đò xuất bến chở theo du khách thích thú với sở thích ngắm chim, cò cũng ngày một nhiều. Trên những con đò đơn sơ, lướt nhẹ theo mái chèo của người lái đò giữa mặt hồ phẳng lặng, chúng tôi thấy du khách đến với đảo Cò gồm đủ các thành phần, lứa tuổi. Nhưng có lẽ đông nhất vẫn là các bạn trẻ, học sinh, sinh viên đi theo lớp, theo nhóm.
Ôi! Sao mà nhiều cò thế! Chưa bao giờ chúng tôi thấy trong một chu vi nhỏ mà lại đặc kín cò như vậy. Cứ ngỡ chỉ có một loài cò màu lông trắng, nhưng theo hướng dẫn của ông lái đò chúng tôi mới biết ở đây có đến bảy loài cò như: cò trắng, cò lửa, cò nghênh... và ba loài vạc: vạc xám, vạc xanh, vạc đen.
“Mối tình” người và cò
Các cụ cao niên ở đây kể rằng từ hàng trăm năm nay mỗi khi đàn cò, vạc bay về chính là điềm báo vận may cho những ngôi làng nhỏ ven hồ. Ông lái đò kể dân làng bao nhiêu năm nay vẫn bảo vệ sự sinh tồn của đàn cò, vạc như chính sự trường tồn của ngôi làng nhỏ ven đảo vậy.
Bỏ sau lưng sự ồn ào nơi đô thị, về đây du khách được tận hưởng khung cảnh thanh bình - Ảnh: Hải Dương

Những năm trước dân làng và Hội Cựu chiến binh xã Chi Lăng Nam đã phân công ba cựu chiến binh cùng dân ven đảo thay nhau canh gác đảo Cò. Không chỉ bảo vệ, họ còn làm thêm tổ cho cò trú bằng cách băm, chặt nhiều cành tre nhỏ để vào những hốc cây, chạc cành tre để giúp cò, vạc có nơi trú ẩn an toàn.
Tình người và cò, vạc ở Chi Lăng Nam dường như đã thành một giai thoại đẹp: cò mang lại may mắn cho con người, còn dân làng ra sức bảo vệ đàn cò. Chuyện kể rằng từng có sáu hộ dân sinh sống trên đảo, nhưng khi đàn cò, vạc về nhiều, họ đã tình nguyện chuyển ra ngoài hồ, nhường đất cho cò.
“Đến đây câu cá thì được, chứ với cò, vạc tuyệt đối cấm săn bắt dưới mọi hình thức”, ông lái đò nghiêm nét mặt như thể muốn truyền thông điệp bảo vệ tài sản thiên nhiên và vẻ đẹp đàn cò quê mình cho tất cả mọi người.
Đến Văn Miếu Mao Điền, du khách có dịp tìm hiểu về những danh nhân nổi tiếng như Nguyễn Trãi, Mạc Đĩnh Chi, Nguyễn Bỉnh Khiêm... - Ảnh: Hải Dương
Các bạn trẻ thích thú với chuyến đi - Ảnh: Hải Dương

Theo kinh nghiệm của các bạn trẻ đi du lịch bụi, nếu chỉ có thời gian một ngày thì hành trình sẽ là Hà Nội xuôi quốc lộ 5 khám phá Văn Miếu Mao Điền, về TP Hải Dương ăn trưa với các món chế biến từ vịt rất ngon. Nghỉ ngơi một lúc rồi xuôi xuống đảo Cò Chi Lăng Nam. Lúc về mọi người có thể ghé qua Ninh Giang mua mấy xâu đặc sản bánh gai hoặc vài quả dưa hấu ở Gia Lộc về làm quà (vì dưa và bánh gai đều rất ngon mà giá lại cực rẻ).

HẢI DƯƠNG - NGUYỄN HƯỜNG

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét