Thứ Tư, 27 tháng 6, 2012

Đất trời phóng khoáng


Trên đỉnh Trà Linh cao 2.200m so với mực nước biển là vạn triệu cảnh trời xanh mây trắng và những trải nghiệm mới lạ, khi khách như lọt thỏm giữa đất trời chùng chình sương giăng…


Dưới tàn cây cổ thụ tầng tầng lớp lớp đan xen, bóng mát che kín bầu trời đổ nắng rực lửa. Cơn gió núi se lạnh tràn qua, chạm vào những giọt mồ hôi sau chặng đường leo dốc. Người đi đã quên ngay vách đá dựng đứng, đoạn đường nhầy nhụa hay lối đi hiểm trở vừa mới trải qua. Dọc theo con dốc cheo leo ấy những bụi hoa dại, cỏ non, rau rừng xanh đến miên man. Núi rừng Trà Linh trong veo, hiền hậu khác hẳn với sự nhọc nhằn, cô độc như tôi đã hình dung trước đó. Phía dưới con suối đang cuộn mình chảy là bản làng của người Xê Đăng quay đầu vào chân núi. Giữa trời cao, vực sâu, có thể đưa tay ngắt cụm rau quen thuộc như diếp cá, rau má đang là là quanh chỗ bạn ngồi, nhấp nháp vị đăng đắng trên môi hoặc vò nát những đọt chè xanh ngửi lấy mùi thơm nồng ngai ngái. Nhưng để đến với đỉnh sương mù phía lưng chừng trời kia bạn còn phải thử sức với chính mình bằng đôi chân chắc khỏe và một ý nghĩ phóng khoáng để tiếp tục “Trèo lên, lên trèo lên!”…

Chúng tôi chọn nóc Măng Lùng của người Xê Đăng dừng chân. Gặp người dân giọng lơ lớ đáng yêu, hồn hậu và một cái bếp lạ: không thiếu các loại thịt hong khô và những chum rượu cần đầy ắp. Những cô bé, cậu bé đen nhẻm e thẹn không dám nói chào, cứ chạy lăng quăng theo những người khách lạ. Nơi ấy chưa hề xuất hiện ý niệm về “du lịch”, “homestay” hay là “khách trọ”. Ai đến cũng như người nhà. Không giống sự háo hức chờ đợi “bình minh trong veo” trên đỉnh núi, sau một giấc ngủ sâu giữa chăn, nệm, cạnh bếp lửa giữa nhà, sớm mai ở Măng Lùng lại… vắng mặt trời. Sương chùng chình qua ngõ, giăng đầy lối đi. Chẳng thấy gì ngoài màn sương đặc quánh. Triệu triệu giọt sương li ti đầy trong vốc tay.

Trời mưa, đoạn đường trải qua khi đến đỉnh Trà Linh dốc dựng cứ như leo lên ngọn dừa. Từ Tắc Pỏ, thị trấn của Nam Trà My vào đến chân núi xã Trà Linh mất hơn 1 giờ xe chạy. Phương tiện duy nhất cho dân “phượt” là xe máy hoặc đội ngũ xe Mink của cánh xe ôm. Đoạn đường gần 20km lúc cong vồng, lúc xuôi thẳng nhưng cảnh sắc rất hữu tình. Suối trong, vực sâu, vách núi đổ đầy những đụn đất đá và cả ngọn cây cao vút giữa trời. Hãy chuẩn bị những đôi ủng để chống chọi lại sình lầy trên đoạn đường vào chân núi trời mưa. Chúng tôi mang ba lô, giày, gậy và sẵn sàng theo hướng núi mà đi. Trên suốt chặng đường dân sinh luôn có những hàng tạp hóa của người dân. Họ luôn sẵn sàng giúp đỡ không một mảy may thắc mắc về chuyện trả “thù lao”.

Người giàu kinh nghiệm đi rừng núi ở Trà Linh nói, đến được đỉnh núi Ngọc Linh (thuộc địa phận Kon Tum ở độ cao 2.500m) phải mất đến 3 ngày. Nhưng chỉ cần những thử sức thú vị trên đường đi và nghe câu chuyện văn hóa của đồng bào Xê Đăng bên bếp lửa vậy là đủ. Đến Nam Trà My hiếm khi chỉ để thưởng ngoạn, nhưng hãy thử đặt mục tiêu cho đường lên đỉnh mù sương Trà Linh là ngao du, bạn sẽ ý thức được về sự nhỏ bé của con người giữa bao la gió ngàn. Cứ đi sẽ đến, sẽ thấy mặt trời chói lòa trên đỉnh đầu và những trải nghiệm thú vị.
Theo Anh Trâm (Báo Quảng Nam)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét