Thứ Năm, 14 tháng 6, 2012

Biển Cửa Tùng nhìn sóng xóa đi


SGTT.VN - Quảng Trị có biển Cửa Việt, Cửa Tùng, chạy dài theo bãi biển khoảng 6km là địa đạo Vĩnh Mốc, một bảo tàng lịch sử trong lòng đất.
Nghề kiếm sống trên biển cũng dễ thở nhưng mùa biển động, thuyền bãi đìu hiu, nhẵn túi.
Nơi có thể trở về Thánh địa La Vang có nhà thờ cổ kính, có cây lá vàng và bạt ngàn lá vàng, loài lá ăn được để nuôi sống bao con người từ những biến cố của thế kỷ trước khi người công giáo gặp hạn – lá vàng đã cứu sống họ.
Một thành cổ Quảng Trị, nơi duy nhất có 81 tờ lịch đồng, không ai bóc được lịch sử 81 ngày đêm, nơi thành cổ hứng chịu 32.800 tấn bom. Là nơi lữ khách nhìn thấy nước mắt đục của má tự chảy ra, tự khô đi mà không có đứa con liệt sĩ nào trở về lau khô nước mắt cho má.
Quảng Trị nhiều điểm đến
Tôi đã đặt chân tới nhiều miệt biển, sóng đã xoá đi hết thảy dấu chân tôi. Không còn lại vết tích. Nhưng đến biển Cửa Tùng một trưa nóng rãy, vừa đi vừa nhảy như điệu samba, để cùng gỡ lưới quăng cá với ngư dân Điên Điển, với trơ khấc vài con thuyền thúng. Tôi cảm thấy hạnh phúc nhất đời vì được trò chuyện về đời sống kiếm cá trên biển. Mùa biển bình yên thì kiếm dăm triệu đồng, 10 triệu đồng một tháng ngon lành. Dễ thở lắm. Nhưng mùa biển động thì thuyền bãi đìu hiu, nhẵn túi.
Những con thuyền nghỉ trưa trên nắng vàng, những người đi tắm cũng chọn nắng non mới tắm, chứ buổi trưa không có ai. Biển Cửa Tùng chạy dài tới địa đạo Vĩnh Mốc, một bảo tàng sống trong chiến tranh cách đây đã 40 năm.
Có thể nào sóng biển chưa xoá nhoà những nỗi đau mất mát của con người.
Nhìn nước mắt đục nghĩ về sự trong
Thành phố Đông Hà đi khoảng 20km bạn sẽ đến thành cổ Quảng Trị. Cỏ đã xanh non, cây đã xanh non. Dấu vết của 32.800 tấn bom dội xuống Quảng Trị cách đây 40 năm như vừa mới lắng, những tờ lịch đồng nổi lên ngày tháng ác liệt nhất của bom rơi đạn nổ, rồi ngồi đọc những lá thư giấy đã ngả màu, những lời trong thư như vừa bước ra từ cõi hư không, những nấm đất in dấu vô danh. Những mộ đá liệt sĩ ở hàng phi lao không tên, các anh thấy mình có lỗi như thể chưa về lau khô được giọt nước mắt đục của mẹ, giọt nước mắt trong của vợ, và của người tình.
Không thể lý giải được vì sao giọt nước mắt của má đục thế, càng không thể đếm bóng dáng các má ở Quảng Trị, các má ở miền Nam, các bầm ở miền trung du Bắc bộ, đi xiêu vẹo ở cuối hàng phi lao thắp hương cho con mình, cho chồng mình. Nhìn họ tôi luôn tự hỏi, người sống có khi nào thấy mình có lỗi? Rất nhiều ngôi mộ đá ở Trường Sơn, ở Quảng Trị, ở đường 9, mộ chí rất cô đơn, vì những ngôi mộ rất dày, rất nhiều và rất xa, cần rất nhiều người chung tay thắp lửa làm ấm lại miền trời hoang vắng này.
Những nỗi đau đã làm lưng má gập xuống như một dấu hỏi. Buổi trưa vẫn có những bóng má lúi húi thắp hương, đối thoại với ngôi mộ đá vô danh. Vô danh ơi, không rõ con có bằng tuổi con trai má, không rõ anh là cỡ tuổi anh tui, tui cứ thắp nhang, dâng người lát bánh ăn cho đỡ đói lòng. Trời đất nóng giãy chân, bóng người má, bóng người vợ lính vẫn đổ xuống thành cổ Quảng Trị như những dấu hỏi và những dấu lặng đơn trên di tích thành cổ.
Những nỗi đau, biển Cửa Tùng có thể xoá dịu đi cho con người nhờ thời gian. Cả một vùng quê biển đã khởi sắc. Cả những con đường sân phơi, bãi cát đầy ắp cá cơm, cá chuồn, cá đuối, cá hồng. Nghề đan lưới cũng mở ra cho con cháu và lớp trẻ mới lớn, đi học về chưa ôn bài thì ngồi đan lưới. Đi phơi mực, phơi tôm. Trời phú cho trẻ con vùng Gio Linh, Vĩnh Linh đầy nắng gió. Da chúng đen đúa và khoẻ khoắn. Bầy trẻ thuộc tên cá hơn chúng ta, những người đọc sách đầy mình nhưng không rõ tên cá bằng chúng. Biển Cửa Tùng không xa chợ Do là bao, bạn sẽ thưởng thức khoai tím ngọt bùi không có ở xứ sở nào khoai ngọt hơn miền đất cát rực nắng vàng này.
Về chơi với biển thôi
Hà Nội đi xe từ 4 giờ sáng, đến 6 giờ tối sẽ tới Quảng Trị.
Nghỉ ở khách sạn Hữu Nghị, Đông Trường Sơn giá 350.000đ – 450.000đ/phòng; ăn uống ở Quảng Trị rất rẻ, nếu đi chợ Đông Hà, chỉ cần 30.000đ cũng ăn đủ món ngon Huế, Vĩnh Linh; nên chọn giày đi biển và đi rừng khác nhau, vì chợ rất xa; nên hỏi giá đi taxi và nếu đi xe ôm nên mặc cả, vì họ nói thách giá cao.
Bạn có thể thuê xe đi cửa khẩu Lao Bảo, nếu thích mua sắm, vì mua hàng ở cửa khẩu rất rẻ, hàng Thái, Lào, Campuchia rất sẵn.
Tiêu thời gian ở bãi biển Cửa Tùng có ý nghĩa nhất, vào buổi sớm bạn đi thăm cảng cá, chợ cá, mượn xe đạp đi chơi làng cá ven biển, thử làm nước mắm một ngày với ngư dân làng Do xem sao, để phổi ta ngấm thứ nước mắm cá cơm chan bún chay vẫn xộc lên mũi hương thơm của cá.
Buổi trưa thi thoảng vẫn nghe tiếng hò như dứt thịt da: Bên ven bờ Hiền Lương chiều nay ai đứng trông về mắt đượm tình quê… Rồi bạn sẽ ra khơi với thuyền thúng ngư dân cùng đi câu mực, câu tôm trong ráng chiều đỏ như tôm luộc.
Buổi sớm tỉnh dậy trước biển, bạn có thú khám phá rừng thì đi xe ôm khám phá rừng nguyên sơ Rú Đưng, dân địa phương còn gọi là rừng Lịnh (Rú Lịnh). Bạn có thể tham gia đi săn vịt trời và le le. Cũng có thể đi hái ổi, hái sung, hái hạt dẻ cho khỉ, cùng bắt tay thân thiện với chúng.
Về với rừng và biển, về với 81 lịch đồng không bóc, không sang trang ở thành cổ Quảng Trị, về với nghĩa trang Truờng Sơn, Đường 9, sân bay Tà Cơn, về rẻo đất thắt lưng ong của tổ quốc Việt Nam hình chữ S, bạn sẽ nhìn giọt nước mắt đục của má để nghĩ về sự trong, trong hy sinh vô giá của những người lính.
Về với biển Cửa Tùng để cảm nhận thời gian lữ khách tiêu dao không uổng phí cho những ngày có ích nhất trần gian.
BÀI VÀ ẢNH: HOÀNG VIỆT HẰNG

Cửa Tùng - nét duyên vùng biển Quảng Trị

Bờ biển tỉnh Quảng Trị với những bãi cát phẳng lì, thoai thoải kéo dài khoảng 75 cây số, có vẻ đẹp đủ sức hấp dẫn những người yêu thiên nhiên và thích khám phá sự kỳ thú của vùng biển nhiệt đới gió mùa Đông Nam Á. Thuộc xóm Cửa, thôn An Đức, xã Vĩnh Quang, huyện Vĩnh Linh, Cửa Tùng là bãi biển đẹp nhất ở tỉnh Quảng Trị từ hàng bao đời nay được ca ngợi là Nữ hoàng của các bãi tắm.
Bãi biển Cửa Tùng. Ảnh: Trần Hoài
Từ thành phố Đông Hà - trung tâm hành chính, thương mại tỉnh Quảng Trị - mất khoảng hơn 1 giờ chạy xe máy theo quốc lộ 1A ra phía bắc rồi rẽ xuống biển sẽ đến bãi biển Cửa Tùng, nơi con sông Bến Hải đổ ra biển. Bãi tắm bằng phẳng, cát trắng mịn, nước biển trong xanh và êm ả.
Người dân sống bên bãi biển Cửa Tùng vẫn thường truyền kể với nhau rằng, xưa kia đất đai nơi đây màu mỡ, cá dưới biển dồi dào nên vùng đất có cửa biển hiền hòa, kín gió này được gọi là Thừa Lương.
Vào đầu thế kỷ XX, người Pháp phát hiện vẻ đẹp tuyệt vời cũng như các giá trị tích cực đối với sức khỏe ở Cửa Tùng nên đã xây dựng ở đây các nhà nghỉ và biệt thự theo lối kiến trúc Gotich cùng hệ thống đường nội bộ trong khuôn viên, cầu nhảy, ghế đá... phục vụ nhu cầu nghỉ dưỡng, tắm biển, giải trí cho những viên chức, sĩ quan Pháp đồn trú ở Đông Dương.
Ghi chép của A.Laborde, một người Pháp rất am hiểu Cửa Tùng thuở đó nhấn mạnh, đại ý: Cửa Tùng có một sắc thái rất đặc biệt bởi một cao nguyên rất xanh tươi ở độ cao 20 mét. Từ trên đồi người ta chiêm ngưỡng những màu xanh luôn biến đổi của biển và trời. Cửa Tùng có đủ các yếu tố để hàng năm du khách có thể đến đây nghỉ mát.
Đặc biệt, trong những ngày sống ở Cửa Tùng, vua Duy Tân đã ví Cửa Tùng như "Cái chậu tắm bằng ngọc bích" tuyệt mỹ. Cũng chính con người khí khái bị giam cầm với chí lớn vì nước thương dân ấy ví các mạch nước trong ngần của Cửa Tùng là linh hồn của vùng biển "bao la bát ngát một vũng tòa" này.
Chảy dọc vĩ tuyến 17 từ tây sang đông, con sông Bến Hải mang nước từ nguồn đổ ra biển Cửa Tùng và dường như bàn tay của tạo hóa đã khéo bày tám mũi đất, đá bazan đỏ au kéo dài nhô lên trên bờ cát dày trắng mịn để ăn sâu ra biển khiến bãi biển Cửa Tùng như một chiếc lược kỳ vĩ, muôn đời chải mượt những đợt sóng của đại dương.
Qua những vết thương bỏng rát của lịch sử, người Quảng Trị vẫn giữ được niềm tự hào về Cửa Tùng - món quà của thiên nhiên ban tặng. Là một vịnh nhỏ ăn sâu vào chân dải đồi đất đỏ bazan chạy sát biển, bãi biển Cửa Tùng tựa lưng vào các làng biển của xã Vĩnh Quang bốn mùa rợp bóng xanh mát của hồ tiêu, chè và rừng phi lao rì rào trong gió.
Vào những ngày nắng đẹp, đứng ở mạn cát bên mép sóng Cửa Tùng, mắt người chạm lên huê dạng như một con rùa của đảo Cồn Cỏ in giữa nền trời màu xanh và mặt biển màu ngọc bích. Và ẩn hiện đây đó bên những nếp sóng miên man trong sự giao hòa của đất trời là những vuông cửa kín đáo dẫn vào làng địa đạo Vịnh Mốc huyền thoại, hư thực. Vào một khoảnh khắc nào đấy, những tấm lòng nồng nhiệt của du khách từ muôn phương nhận ra dòng Bến Hải như một cung đàn ngày đêm chuyển tải những âm ba của núi rừng Trường Sơn vào lòng biển khơi rộng mở và tạo nên chất lãng mạn của Cửa Tùng ẩn chứa trong từng hạt cát, con sóng, ngọn gió, rạn đá, tia nắng. Tại đây, con người sống trong không gian văn hóa du lịch độc đáo, nổi tiếng với sông Bến Hải vỗ về những nhịp cầu Hiền Lương lịch sử, sóng biển Cửa Tùng ru êm làng địa đạo Vịnh Mốc, rừng nguyên sinh Rú Lịnh tỏa mát vĩ tuyến 17...
Với những vồng cát trắng phau, phẳng mịn và sạch nối tiếp nhau chạy dài dưới ánh mặt trời, dịu dàng đón những đợt sóng trong xanh reo vui trong gió hết ngày hè này qua tháng hạ khác, Cửa Tùng là một phần của vẻ đẹp duyên dáng kỳ lạ của quê nhà Quảng Trị. Mỗi khi ngắm làn nước biến đổi màu sắc theo thời gian trong ngày trên mặt biển, nhìn những đợt sóng mềm mại vỗ bờ cát trắng trên bãi biển Cửa Tùng, con người có thể thấy lòng mình lắng dịu với những mơ tưởng kỳ diệu và niềm yêu mến sâu xa đối với quê hương, đất nước.
Nguyễn Bội Nhiên

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét