Thứ Năm, 14 tháng 6, 2012

Bốn mùa gói trong 100 cây số


SGTT.VN - Nếu đi xe máy trên đoạn đường Phan Rang - Đà Lạt dài khoảng 100km qua hai con đèo Sông Pha (Krôngpha) – Cầu Đất, bạn có thể cảm nhận bốn mùa rõ rệt, biến chuyển nối tiếp nhau.
Mùa thu.
Hiện nay, khách du lịch phía Nam đến Đà Lạt qua đèo Bảo Lộc (hướng từ Đồng Nai), đèo Đại Ninh (hướng từ Bình Thuận). Khách từ phương Bắc đến Đà Lạt qua tuyến đường Nha Trang – Đà Lạt. Do đó, đường Phan Rang – Đà Lạt qua đèo Ngoạn Mục như “nàng công chúa bị bỏ rơi”. Sự “bỏ rơi” không chỉ ở lựa chọn của khách du lịch mà còn ở sự nguy hiểm, do chất lượng con đường ngày càng xuống cấp. Đó là trong nhận định của cánh lái xe tải đường dài. Còn với những tay đi bụi bằng xe máy như chúng tôi, con đường vắng, nắng vàng, đượm mùi nhựa thông… đã có mặt trong một chuyến du xuân đầy lý thú.
Hè qua thu tới…
Dù thời điểm nào trong năm, đi trong vùng đồi núi thấp thuộc Ninh Sơn (Ninh Thuận), người ta cũng cảm nhận thấy một “mùa hè” rõ rệt. Những khu đồi da beo, những cánh rừng thấp khô lá. Nắng gắt và cát trắng bao bọc lấy những mẫu ruộng nhỏ cạnh dòng kênh. Khung cảnh nên thơ gợi một vài giai điệu phảng phất nét Chămpa của người con xứ này, nhạc sĩ Từ Công Phụng: “Mưa soi dấu chân em qua cầu, theo những cánh rong trôi mang niềm đau…” Cứ như nỗi niềm âm u của vùng cao Đà Lạt – xứ sở sương mù đã men theo các lạch suối chảy về qua đây, hoá thân cả vào những cánh rong mềm mại, như người nữ Chăm hành hương qua núi đồi đá sỏi.
Từ dưới đèo đến hết đèo Krôngpha (đèo Ngoạn Mục), dài 18km, là nơi độ cao thay đổi rõ rệt theo từng đường cua khuỷu tay. Cái nóng của Ninh Thuận đã bị bỏ lại phía sau trong ngút ngàn màu xanh của rừng. Du khách phải “chui” qua hai lần cống thuỷ điện vắt qua núi để đến được đỉnh đèo. Nhiệt độ càng lên cao càng giảm nhẹ. Khí nóng của “mùa hè” Ninh Thuận dần chạm đến điểm dung hoà giữa hai xứ sở có khí hậu đối ngược nhau. Sự giao thoa này tạo nên một chuyển cảnh từ hè sang thu. Có thể thấy lá vàng rơi rụng xuống vách núi theo những đợt gió. Từng bánh xe của chúng tôi băng qua từng lối đi hẹp, phủ lá vàng. Cứ qua một chặng đèo, bạn có thể nhìn xuống thung lũng Ninh Sơn và đồng bằng Phan Rang, giờ như một lòng chảo tuyệt đẹp. Sau một quãng đường, bạn có thể nghỉ ngơi dưới tán lá rừng và phóng tầm mắt nhìn quãng đường mình đã đi qua ẩn hiện khúc khuỷu sau núi đồi.
Sắc xuân theo từng gót chân
Hoa đào khoe sắc bên vệ đường.
Eo Gió trên đỉnh đèo Krôngpha chỉ là một khe núi rộng chừng 20m nhiều gió luồn qua mát lạnh, là mốc “ranh giới” đánh dấu chấm hết cho khí hậu nóng khô đồng bằng Phan Rang. Khí hậu dịu mát và khung cảnh đầy hoa vùng Đơn Dương (Lâm Đồng) vẽ nên bức tranh mùa xuân tuyệt diệu.
Từ đỉnh đèo Ngoạn Mục đến thị trấn Dran chỉ khoảng 10km. Chúng tôi chọn con đường tắt, băng qua đèo Cầu Đất. Không dài như đèo Krôngpha nhưng con đèo ở đây có những cái gập khuỷu tay ngặt hơn và mức độ “đường xếp tầng” không thua kém. Nếu như đứng trên Krôngpha nhìn thấy đồng bằng Phan Rang như cái chảo khổng lồ, ngày đẹp trời có thể thấy biển Ninh Chữ cách 30km lấp lánh thì Dran dịu hơn nhờ màu xanh biếc của hồ trên núi: hồ Đa Nhim. Sau những búi thông, hồ hiện ra mênh mông giữa hai quả núi. Gió hắt từng mảng trên mặt hồ nhẹ vừa đủ lăn tăn sóng.
Một mùa xuân hiện ra lung linh với những đồi dã quỳ vàng rực như để nuối tiếc một mùa hương sắc sắp qua. Những cành đào dại ven đường bung những nụ đầu tiên. Vườn càphê khoe sắc đỏ đầu mùa. Những con đường dốc vắng hoá thành bản tình ca của các loài hoa dại. Người dân cũng trồng hoa thành luống trang trí cho con đường của mình. Cứ như có một festival hoa khác bên cạnh Festival hoa Đà Lạt, không cầu kỳ, không tiền tỉ mà vẫn nói hết vẻ đẹp của hoa gắn liền với cuộc sống hàng ngày. Trong quá khứ, vì biến động thời cuộc, nhiều cư dân thành phố Đà Lạt đã lánh về đây lập vườn sinh sống.
Mùa đông và… Tây Bắc giữa Tây Nguyên
Mùa đông.
Giữa chiều, cũng ở cung đường Cầu Đất này, 30 cây số hành trình trở nên mù sương khói như mùa đông. Những khu biệt thự lẻ loi ven đường cũng bị phủ trong màn sương mù. Ở độ cao khoảng 1.600 mét so với mực nước biển này, sương phủ mờ rất nhanh, trong thoáng chốc. Sương bò qua đường khiến khách phải giảm tốc độ, choàng thêm áo lạnh. Bên đường là những đồi trà cổ thấp thoáng trong sương. Cứ như đây là một Tây Bắc giữa Tây Nguyên. Những màn sương như một quà tặng của núi rừng cho cuộc hành trình thêm thi vị. Nhưng chúng tôi luôn nhớ bật đèn xe máy, dù đồng hồ mới chỉ 3 giờ chiều.
Người dân Lâm Đồng và Ninh Thuận chọn cung đường này để thoả khát khao khám phá những cung bậc khác nhau của cảm xúc trên từng cây số hành trình. Trong con người miền nắng gió Ninh Thuận là khát khao tìm hiểu về một vùng không khí lạnh, loãng, những con đường đầy hoa dại miền cao và những đồi thông bàng bạc sương. Người Lâm Đồng, họ cần tìm cho mình cái nắng ấm của xứ xương rồng, cát trắng để thấy được giá trị của những dòng nước mát trong sa mạc cằn khô.
BÀI VÀ ẢNH: XUÂN HUY
Những điểm dừng chân không thể bỏ qua
Đây là cung đường bạn có thể đi mọi thời điểm trong năm. Trên đường đi, bạn không nên bỏ qua cụm tháp Chàm - Po Klong Giarai, cách ngã năm Phan Rang chừng 6km. Vào những ngày đầu tháng 7 Chăm lịch (khoảng đầu tháng 10 dương lịch), lễ hội Ka-tê và văn hoá Chăm sẽ làm chuyến đi bạn hấp dẫn hơn. Thị trấn Sông Pha (nơi đặt nhà máy thuỷ điện Đa Nhim) dưới chân đèo Ngoạn Mục cũng là nơi dừng chân lý tưởng để nghỉ ngơi, thưởng thức nhiều loại trái cây địa phương. Khi lên tới đỉnh đèo Ngoạn Mục, Eo Gió là nơi bạn có thể dừng lại để chụp ảnh, nhìn bao quát đèo, cảm nhận sự khác nhau của hai vùng khí hậu. Bạn nên chạy xe chậm để thưởng thức được vẻ đẹp của rừng thông, cánh đồng hoa, đồi chè, nương rẫy càphê, mái ngói cổ, biệt thự… ven đường đèo Cầu Đất, và cũng vì lý do an toàn – Cầu Đất và Ngoạn Mục là hai con đèo có đường nhỏ hẹp, nhiều khúc cua gấp khúc nguy hiểm, chất lượng đường đang xuống cấp, hay xảy ra tình trạng lở đèo mùa mưa. Bạn có thể gặp mưa khi lên đèo, dù là mùa nào.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét