Thứ Năm, 21 tháng 6, 2012

Ăn-chơi 'cực đã' ở Hà Giang

Cứ vào hè, tín đồ phượt và dân chơi ảnh lại phấn chấn với niềm đam mê du lịch Hà Giang.

Yên Chi

Cứ vào hè, tín đồ phượt và dân chơi ảnh lại phấn chấn với niềm đam mê du lịch Hà Giang.

Với khung cảnh đẹp như tranh vẽ của thung lũng nắng vàng và sự hùng vĩ của cao nguyên đá…, Hà Giang lúc nào cũng hấp dẫn du khách trong và ngoài nước.

Đất Việt mách nhỏ một số kinh nghiệm phượt - du lịch Hà Giang:
Phương tiện đi lại

Đi ô tô từ Hà Nội đến Hà Giang, thì nên chọn xe khách Hà Nội - Hà Giang, xuất phát từ bến xe Mỹ Đình và ngược lại, lựa xe Quản Bạ - Đồng Văn từ bến xe Hà Giang.

Trong trường hợp phượt xe máy, tuyến đường thuận lợi nhất, vừa gần lại dễ đi là từ Hà Nội, theo đường quốc lộ 2, chạy qua thành phố Vĩnh Yên khoảng 2 km có biển chỉ dẫn đi Tam Dương, rẽ đường đó, chạy thẳng Tam Dương, Sơn Dương, Tuyên Quang.
Phượt Hà Giang bằng xe máy cũng có nhiều thú vui, thoải mái ngắm cảnh ven đường...
Nếu đi từ 9h sáng, thì có thể nghỉ ăn trưa tại Tuyên Quang (đến đó là được 1/2 đường đi Hà Giang). Nghỉ ngơi ăn uống xong, chạy thẳng lên Hà Giang.

Điểm du hí

Trên địa bàn tỉnh Hà Giang có khá nhiều điểm du lịch lý thú như: Cột cờ Lũng Cú, Cao nguyên đá Đồng Văn, Bãi đá cổ Nấm Dẩn, Dinh họ Vương, Núi đôi Quản Bạ, Chợ tình Khau Vai…
Cột cờ Lũng Cú.
Từ thị xã Hà Giang, theo quốc lộ 4C ngược lên phía đông bắc khoảng 160km, du khách sẽ đến xã Đồng Văn, huyện Đồng Văn. Từ đây, tiếp tục xuôi theo con đường trải nhựa nối liền hai xã Lũng Cú - Đồng Văn khoảng 40km, du khách sẽ đến với đỉnh Lũng Cú.

Từ xa, Lũng Cú hiện ra thật sinh động: một vùng đất với 3/4 là đá, nổi bật lên là cột cờ Tổ quốc có hình dáng giống cột cờ Hà Nội, trông xa giống như một ngọn tháp; xung quanh là phong cảnh núi rừng hùng vĩ, trùng điệp... Khi tới gần, vẻ đẹp nơi đây càng rõ nét hơn: một cột cờ được dựng trên đỉnh núi Rồng (Long Sơn), dưới chân cột có khắc phù điêu mang rõ nét hoa văn của trống đồng Ðông Sơn, lá cờ Tổ quốc tung bay phất phơ trong gió và in bóng xuống mặt hồ Lô Lô xanh biếc. Đến đây, du khách sẽ có dịp được tận hưởng bầu không khí trong lành, tìm hiểu về những nét văn hóa truyền thống đặc sắc của một số dân tộc.
Cao nguyên đá Đồng Văn.
Cao nguyên đá Đồng Văn thuộc huyện Đồng Văn, một huyện vùng cao biên giới của Hà Giang, cách thị xã Hà Giang 146km. Đây là một cao nguyên đá trải rộng trên bốn huyện Quản Bạ, Yên Minh, Đồng Văn, Mèo Vạc. Ngày 3/10/2010, hồ sơ “Công viên Địa chất Cao nguyên đá Đồng Văn” đã được Hội đồng tư vấn Mạng lưới Công viên Địa chất Toàn cầu (GGN) của UNESCO chính thức công nhận là Công viên địa chất Toàn cầu - danh hiệu duy nhất ở Việt Nam và thứ hai ở Đông Nam Á.
Bãi đá cổ Nấm Dẩn.
Bãi đá cổ Nấm Dẩn được phát hiện vào năm 2004 bởi các nhà khoa học Viện Khảo cổ học và Bảo tàng Hà Giang. Khu di tích đá cổ chạm khắc các hình vẽ có cách đây cả nghìn năm nằm trong một thung lũng rộng thuộc địa phận xã Nấm Dẩn. Khác với di tích đá cổ ở Sa Pa (Lào Cai), bãi đá cổ Nấm Dẩn còn được ít người biết đến nhưng vẻ đẹp của các hình vẽ và những điều bí ẩn xung quanh các phiến đá thì không kém phần hấp dẫn và lôi cuốn. Vì thế, nơi đây chứa đựng tiềm năng du lịch rất lớn và là một địa điểm tham quan rất thú vị cho du khách.
Núi đôi Quản Bạ.
Núi đôi Quản Bạ nằm bên quốc lộ 4C, cách thị xã Hà Giang chừng 40km. Du khách qua đây đều có dịp chiêm ngưỡng “tác phẩm nghệ thuật” của tạo hoá ban tặng cho vùng đất này. Giữa những núi đá trùng điệp và ruộng bậc thang nổi lên hai trái núi có hình dáng, thế đứng ngồ ngộ khiến du khách không khỏi ngỡ ngàng trước vẻ đẹp kỳ vĩ của tạo hoá. Hai trái núi gắn với truyền thuyết “Núi Cô Tiên” rất thi vị.
Chợ tình Khâu Vai.
Nằm trọn trên ngọn đồi uốn lượn mềm mại như sợi dây mây, Khâu Vai thuộc huyện Mèo Vạc, Hà Giang quyến rũ du khách với phiên chợ tình có một không hai ở Việt Nam: Phiên chợ dành cho những người yêu có tình yêu dang dở, đã yêu nhưng lại lỡ duyên nhau. Cứ mỗi năm nhằm ngày 27/3 âm lịch, những chàng trai cô gái dân tộc của vùng cao nguyên đá lại vượt núi, băng rừng về hò hẹn tại nơi này.

Theo hãng lữ hành Vietrantour, nét văn hóa đặc sắc mang tính truyền thống này là một trong những lý do chính kéo du khách đến với Khâu Vai. Chợ tình rộn rã với tiếng loa đài náo nhiệt, những khuôn mặt háo hức, hào hứng của những chàng trai cô gái ở bản, làng Hà Giang. Trong lễ hội có nghi thức dâng hương tại miếu ông miếu bà, có tiếng hát giao duyên, tiếng khèn lá gọi bạn. Các trò chơi dân gian như đu quay, bập bênh, đánh sảng, chọi chim,…được tổ chức và được người dân hào hứng tham gia. Với những ai muốn thưởng thức ẩm thực độc đáo của vùng cao thì chợ Khâu Vai sẽ là một địa điểm lý tưởng với những gian hàng ẩm thực dân tộc đặc trưng như: mèn mén, thắng cố, lẩu dê, thịt treo, đậu chúa… Du khách đến đây sẽ còn phải ngỡ ngàng khi khám phá nét đẹp nguyên sơ của vùng cao nguyên đá và không gian trữ tình của những đôi lứa hẹn hò lặng lẽ dưới khung cảnh thơ mộng của núi rừng.

Ngủ nghỉ và ăn uống

Tại Hà Giang,  có thể nghỉ tại các khách sạn có giá trung bình như khách sạn Huy Hoàng, khách sạn Công đoàn, khách sạn Khánh Linh, khách sạn Cao Nguyên Đá (ở thị trấn Đồng Văn).

Khách sạn Huy Hoàng gần chỗ tượng đài Bác Hồ với cột mộc Hà Giang 0km được cho là lựa chọn nhiều nhất của các du khách trong và ngoài nước.

Còn về ăn uống,  từ khách sạn Huy Hoàng chạy quá lên một chút, có dãy phố ẩm thực, mang đến nhiều lựa chọn cho bạn. Những món ăn vừa dân dã vừa đặc sản, gồm: ngồng cải luộc vừa ngọt vừa bùi, bó ngô non nhồi thịt thơm phức, tôm suối xào lá chanh giòn tan…. Đặc biệt vào mùa lạnh, món lạp xường và thịt xông khói rất “hót” khách.

Thế nhưng, nếu đã một lần đến Cao nguyên đá, bạn hãy cố tìm để được ăn món "gà mèo", thịt rất lạ: không béo, không nát, chắc mà không dai, nạc mà không xác. Đây là giống gà đặc biệt chỉ có ở vùng cao núi đá này và xứng đáng được liệt vào hàng đặc sản. Con gà mèo không khác gì gà thường nhưng chân đen, mặt đen, mào đen, da đen, thịt đen và xương cũng đen nốt. Luộc, rang và nấu canh gừng là cách chế biến thường thấy ở mọi nhà hàng, quán ăn.

Lưu ý
Nên ra hiệu sách mua quyển "Bản đồ giao thông đường bộ" sẽ rất thuận tiện tra cứu trên đường đi, nhưng nên chọn quyển bìa cứng, đỡ bị quăn mép khi để trên xe ô tô.

Nếu đi xe nhà lên Đồng Văn, nhất là đi lên Lũng Cú thì phải chọn xe có đèn mù (đèn vàng), hoặc thủ sẵn ít giấy bóng, băng dính màu vàng, đề phòng trên đường đi gặp sương mù.

 Khi đi từ Hà Giang, thấy cây xăng nên mua luôn, vì từ đó lên tới tận Đồng Văn mới có tiếp. Tuy đường đi đẹp, nhưng quanh co, lại hơi hẹp, nhiều đoạn đã đi lên đèo là không quay đầu xe được, nên phải chọn tài xế có kinh nghiệm.

Đi tuyến này thì không nên cho trẻ nhỏ đi, vì chủ yếu là ngồi ô tô, ít có chỗ chạy nhảy, trẻ sẽ mệt; thêm nữa, vùng miền núi, sẽ không có sẵn đồ ăn cho trẻ nhỏ, mà phải mang từ nhà đi.

Đến nay, Du Già vẫn là con đường khó đi, kinh khủng nhất với dân phượt. Vì vậy, du lịch tuyến đường này phải cực kỳ cẩn thận vì thực tế cho thấy, có khá nhiều người đã bỏ cuộc giữa chừng.

Ngoài ra, vì phải đi bộ nhiều, bạn chú ý chọn loại giày êm, nhẹ...; đồng thời mang theo loại kem thoa chân dùng vào buổi tối để và một số thuốc men phòng xa.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét