Thứ Tư, 27 tháng 6, 2012

Giải bí ẩn về Đàn Âm hồn ở Huế


Đàn Âm hồn liên quan đến một sự kiện bi tráng mà những ai quan tâm đến lịch sử đất nước đều biết: Thất thủ kinh đô 23/5 Ất Dậu (5/7/1885).
Ở Huế có đến mấy đàn, miếu âm hồn tưởng niệm sự kiện đau thương này, nhưng Đàn Âm hồn tại đường Ông Ích Khiêm do Bộ Lễ lập nên dưới thời vua Thành Thái (1894) là nơi Triều đình Huế hàng năm tổ chức tế lễ vào 23/5. 

Tại đây, người ta nhớ đến những tiền nhân đã đổ máu trong cuộc chiến bảo vệ chủ quyền đất nước - một cuộc chiến không cân sức, một cuộc chiến bắt buộc vì sự láo xược của đội quân xâm lược, đứng đầu là tướng Pháp Roussel De Courcy. Chúng đòi Triều đình Huế trong vòng 3 ngày phải nộp đủ tiền bồi thường chiến phí 200.000 thỏi vàng, 200.000 thỏi bạc, 200.000 quan tiền và yêu cầu cho chúng được mang vũ khí vào cửa Ngọ Môn... 
Đàn Âm hồn. Ảnh: wordpress.com.
Thế là, 1h ngày 5/7/1885 (tức 23/5 Ất Dậu) quân đội Triều đình Huế đã mở trận tấn công vào các trung tâm chỉ huy quân Pháp ở Tòa Khâm, đồn Mang Cá. Nhưng vì trang bị kém, đến 9h, Kinh đô thất thủ. Quân xâm lược đã tàn sát man rợ trong Thành Nội Huế suốt hai ngày đêm. Có chừng 1.500 quân triều đình và khoảng 7.800 người dân bị thương vong.
 “…Cạnh các bãi tro than tanh bành, luôn luôn thấy những thây người bị thiêu, da thịt xém đen, có người chưa thật chết còn nằm quằn quại bên đống lửa. Trong các nhà, trên các con đường, dưới những hồ sen, ao cá, đâu đâu cũng có người chết… xác người chồng chất lên nhau từng đống…”,  nhà văn Ngô Tất Tố, trong một bài viết năm 1935 đã miêu tả cảnh tượng Huế sau ngày 23/5 như thế.
Chính vì thế, tôi nghĩ, Đàn Âm hồn Huế xứng tầm là một “Đài liệt sĩ cấp quốc gia”. Nhiều năm qua, chúng ta đã đặc biệt chú trọng xây dựng những nghĩa trang liệt sĩ. Vì nhiều lý do, nơi thờ phụng các liệt sĩ đã hy sinh vì Tổ quốc trong các thời đoạn khác của lịch sử dân tộc chưa được quan tâm đúng mức. Riêng Đàn Âm hồn Huế, không thể vì chế độ phong kiến yếu nhược mà hạ thấp sự hy sinh của những người lính bảo vệ kinh đô Huế ngày 23.5 Ất Dậu (1885). Ngược lại, chính trong tình thế vua quan yếu hèn, tinh thần quả cảm của những người lính với vũ khí thô sơ càng đáng trân trọng. 
Mặt khác, giá trị lịch sử - văn hoá của Đàn Âm hồn và sự kiện liên quan có chiều kích lớn rộng hơn một cuộc chiến đấu cụ thể, thực sự có tầm quốc gia, dù thể chế đổi thay. Vì chính từ thời điểm đó, cùng với phong trào Cần vương, đã khai sinh một dòng văn học yêu nước với những tác giả và tác phẩm được lưu truyền mãi trong sử sách…
Cũng xin được nhắc lại: Hồi còn ở Huế, hai anh em Nguyễn Sinh Khiêm và Nguyễn Sinh Cung vẫn thường đến Miếu Âm hồn khi bà con trong vùng cúng lễ những “hương hồn liệt vị chiến sĩ và nhân dân đã anh dũng hy sinh trong cuộc chống Pháp xâm lược” (dòng chữ ghi trên Miếu Âm hồn bên đường Mai Thúc Loan, gần ngôi nhà Nguyễn Sinh Cung từng sống), cùng bà con nhẩm theo bài vè “Thất thủ kinh đô”, thương xót cho những người đã chết, trách móc các bậc vua quan hèn nhát đầu hàng giặc và căm giận bọn Pháp cướp nước…
Có thể nói, cậu bé Nguyễn Sinh Cung (tức anh Ba - Nguyễn Tất Thành) đã thấm hiểu bài học đầu tiên về lòng yêu nước từ những Đàn, Miếu Âm hồn của Huế thờ phượng những đồng bào mình đã bỏ mình vì giặc ngoại xâm như thế.
Vậy mà mấy chục năm này, một di tích như Đàn Âm hồn rộng hơn ngàn m2 sau một thời gian bị chia xẻ cho HTX nghề mộc và người dân, phần còn lại hầu như hoang phế!
Thật may mắn là lòng dân Huế hơn trăm năm qua không quên ngày 23/5. Ngày đó, trên nhiều đường phố, bà con tự động lập bàn thờ tưởng niệm vong linh những người đã bỏ mình vì đất nước. Tuy vậy, do tầm vóc Di tích Đàn Âm hồn, thiết nghĩ Thừa Thiên Huế cần có chủ trương khôi phục thích hợp - không nhất thiết phải lập dự án hoành tráng tốn kém mà chỉ cần chấm dứt tình trạng hoang phế, xây một đàn thờ trang nghiêm và hàng năm chính quyền tỉnh chủ trì tế lễ, chứ không nên để bà con “tự phát” như vừa qua.
Việc khôi phục Đàn Âm hồn Huế và lễ tế hàng năm không chỉ là sự tôn trọng lễ nghi, đạo lý dân tộc và hợp lòng dân mà còn là dịp để nhắc nhớ một bài học lịch sử vẫn còn nóng bỏng: Kẻ xâm lược dù ngang ngược, tàn bạo đến đâu, rút cục vẫn phải thất bại trước dân tộc Việt đã từng tuyên ngôn từ ngàn năm trước: “Nam quốc sơn hà Nam đế cư…”. 

Nhà văn Nguyễn Khắc Phê

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét