Thứ Năm, 14 tháng 6, 2012

Khám phá “kỳ quan của bóng tối”


SGTT.VN - Hang Tối nằm trên nhánh tây Trường Sơn, trong quần thể Phong Nha - Kẻ Bàng (Quảng Bình). Hang động ngoạn mục này nổi tiếng với các đoàn thám hiểm quốc tế không nằm ở thạch nhũ mà là ánh sáng tối của nó như sánh đặc, nó được gọi là “kỳ quan của bóng tối”.
Hoá thạch san hô cổ
Ngã ba sông Chày dẫn vào Hang Tối.
Các nhà thám hiểm gọi Hang Tối là hang hoá thạch cổ nhất trong hệ thống hang động ở đây. Bởi thạch nhũ trong hang không còn lớn lên theo năm tháng nữa mà như đã tiệm cận đến tận cùng sự phát triển! Xác định độ tuổi của nó từ các thớ đá của hang tối, chuyên gia xác nhận Hang Tối có tuổi Famen thuộc kỷ Devon (không dưới 400 triệu năm). Hang Tối có chiều dài 5.258m, cao 83m, rộng 50m.
Đây là hang động kỳ vĩ, nếu đi thuyền từ ngã ba sông Chày, xuôi về hướng nam chừng 2km sẽ gặp cửa hang tuyệt đẹp. Đến đây, chúng ta sẽ thấy hóa thạch ngoạn mục từ tảng đá ngự ở cửa với tính toán khoa học là dày đặc hoá thạch san hô bốn tia và san hô vách đáy. Đó là ngôn từ chuyên môn của địa chất để chỉ sự hình thành của hang động ở đây có nguồn gốc từ đại dương mênh mông thời rất xa xưa.
Lối vào hang.
Hang Tối không lộng lẫy như Thiên Đường, không khổng lồ như Sơn Đoòng. Tuy nhiên, Hang Tối trầm mặc với ánh sáng tối như đặc quánh, sánh lại như dòng chảy của mật ong. Vào hang, ánh sáng đèn pha rực rỡ là thế, nhưng hầu như nó bị ánh sáng tối trong đó “tiêu hoá” chỉ còn là đốm nhỏ màu xanh nhạt, đủ rọi đường đi dưới từng bước chân.
Theo các nhà khoa học, hang tối có dòng nước hoạt động theo chu kỳ lên xuống của thuỷ triều. Khi nước lên, lòng hang như con sông trong vắt, triều xuống, hàng chục hồ lớn nhỏ nằm gọn trong Hang Tối và hàng chục loài cá có mặt ở đây quẫy đạp rộn ràng lòng hang.
Cuối hang là con đường đi ra một khu rừng rậm và bắt đầu vào một hang động khác. Trước cửa ra vào là khối thạch nhũ hình quả chuông vĩ đại. Sau đó chừng vài thước là hình của một thần kim quy khổng lồ.
Một dáng vẻ đẻo gọt của nước, gió qua hàng triệu năm đã hình thành nên khối nhủ hình con rùa thiêng mà dân trong vùng thường đến chiêm bái.
Cây xanh trên thạch nhũ
Hang có nhiều bãi thạch nhũ cổ xưa gãy đổ cho thấy kiến tạo mạnh mẽ ở đây từng vận động khốc liệt.
Cách cửa hang chừng 5m là khối thạch nhũ cao hơn 10m, đường kính hơn 3m được gọi là thạch nhũ già, thạch nhũ hoá thạch. Bởi cột thạch nhũ này đã bị phong hoá. Vì gần cửa động, bức xạ nhiệt từ ánh nắng buổi chiều dội vào làm tăng độ ẩm, tạo điều kiện cho địa y xâm nhập và bắt đầu một thế giới sự sống cho thực vật ở đây. Một câu chuyện hiếm về cây cối mọc trên thạch nhũ. Nó như là khó gặp lại ở hang động khác.
Cây xanh trên thạch nhũ ở Hang Tối là một ghi nhận mới mẻ và gây sững sờ cho người đến chiêm ngưỡng. Vì sao cây cối lại sống được ở đây là một câu hỏi thú vị. Và sự trả lời về đề bài này cũng dẫn đến những tìm hiểu lý thú. Chính bức xạ nhiệt tạo ra độ ẩm trên bề mặt thạch nhũ là hẳn nhiên bắt đầu cho địa y phát triển.
Nhưng từ đâu, và làm như thế nào giống loài dương xỉ lại “di cư” vào được hang động là một sự kỳ lạ? Đấy là một câu chuyện ly kỳ liên quan đến gió, bởi theo các nhà khoa học, chính gió đã phát tán giống nòi của dương xỉ vào Hang Tối, nó bay khắp hang khi mỗi đợt gió thổi ràn rạt vào hang. Hang Tối có lối ra phía sau rộng lớn, nên lòng hang là một cung đường lý tưởng cho gió đi và mang theo nó là những dạng sống của dương xỉ. Những cột thạch nhũ sâu trong hang tối không có ánh sáng, dương xỉ không thể tiến triển, nhưng cột thạch nhũ gần cửa hang đã phát huy tác dụng với phần mặt hứng lấy ánh sáng, cả một thế giới dương xỉ sống dậy ở đó. Chúng tận dụng các hốc thạch nhũ để sống.
Thạch kim quy khổng lồ án ngữ sau của hang.
Và người ta nghiên cứu, phát hiện dương xỉ sống thạch nhũ có bộ rễ cường tráng, chúng tiết ra chất dịch tương tự a xít, hoà tan lớp ngoài của thạch nhủ, biến thành chất mùn, tạo hữu cơ để có năng lượng sống cùng ánh sáng quang hợp. Một sự kỳ diệu hiếm thấy về sự thích nghi của thực vật.
Việc thăm thú hang động hơn 5km này đang được quan tâm từ nhiều giới. Bởi hang động này không sử dụng du lịch với hệ thống ánh sáng loè loẹt mà mỗi cá nhân vào đây được giúp đỡ bằng một chiếc đèn ánh sáng trắng gắn trên đầu mỗi người để khám phá. Không hướng dẫn viên, không thuyết minh, muốn vào Hang Tối, ít ra cần có một ít kiến thức cơ bản về địa mạo, địa chất để hiểu vì sao cùng một hang động nhưng bên vách trái, tường hang nhẵn trơn, bên vách phải, tường hang bị đào khoét dữ dội.
Đó là vì mùa lũ, dòng chảy trong hang dội thẳng vào vách phải, ma sát lớn của thàng tỷ tỷ trận siêu lũ từ hơn 400 triệu năm đã tạo ra kiến trúc có một không hai ở hang động này.
Những tảng thạch nhũ khổng lồ bị đứt gãy nằm vương vãi khắp lòng hang cho thấy một thời kỳ vận động mạnh mẽ ở đây. Đi chỉ với ánh sáng trắng là cũng nhằm bảo vệ các loài cá sống trong môi trường yếm sáng, bảo vệ các loài nhện hang động không có mắt và vô số loài côn trùng khác. Nhưng hữu ích nhất là tránh không để loài chim yến ở hang tối bỏ đi. Và đi như thế cũng để bảo vệ môi trường của đàn voọc hàng chục con mỗi cuối chiều về cửa hang trú ngũ. Đấy là cách có thêm kiến thức về Hang Tối kỳ vĩ mà cũng là cách hiểu nhiều hơn về hang động và vỏ trái đất từ xa xưa khi chưa có con người.
Hàng chục hồ nước bậc thang trong Hang Tối là nơi có rất nhiều cá.
Dương xỉ di cư từ ngoài vào mọc trên thạch nhũ hoá thạch hết sức hiếm.
BÀI VÀ ẢNH: QUỐC NAM

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét