Thứ Năm, 14 tháng 6, 2012

Nhớ rừng miệt thứ


SGTT.VN - Không khỏi nôn nao đôi chút khi theo cậu nhỏ địa phương trèo lên phà Tắc Cậu, chiếc phà có hành trình mà về sau mới biết “dài nhất nước”.
Rồi đây, thế hệ ở U Minh này chỉ còn biết đến rừng U Minh phong phú thế nào trên sách vỡ mà thôi. Ảnh:
Bởi không chỉ băng qua sông Cái Bé, phà còn chạy theo kênh Xẻo Rô rồi vượt sông Cái Lớn, tròm trèm 2km, mất khoảng 30 phút không kể thời gian chờ phà. Cũng bởi thời gian ngồi phà lâu lắc vậy mà tôi mới có dịp ngắm thoả thích phong cảnh hai bên dòng kênh.
Rừng với bao hệ luỵ của con người
Không trù phú như nhiều đô thị khác của miền Tây, nhưng cảnh sắc từ huyện An Biên tới Cà Mau cũng tỏ ra nơi đây đã đổi đời nhiều lắm, khác hẳn ngày xa xưa, cái ngày dòng kênh Xẻo Rô nối Rạch Giá tới Cà Mau chưa được khai thông. Những chuyện về thời “muỗi kêu như sáo thổi, đỉa lội tựa bánh canh” vẫn được nhiều người kể lại, câu chuyện mang chất Sơn Nam ấy lúc nào cũng có sắc độ tiếc nuối về thời trù phú và hoang dã ở những cánh rừng U Minh vắng dấu chân người.
Lần lượt từng con kênh nhỏ chia cắt dòng kênh lớn, và tính từ ngoài vào thì kênh Xẻo Rô được tính là thứ nhất, lần lượt mười con kênh còn lại được đánh số tới 11. Càng vào sâu cuộc sống càng gợi lên đôi chút hơi hướng của thời khẩn hoang, dù chắc chắn khắp cõi Kiên Giang và Cà Mau chẳng nơi nào còn nguyên những cánh rừng ngút ngàn âm u thời xa xưa. Cuộc chiến tranh tàn khốc với hàng triệu lít thuốc diệt cỏ không diệt được rừng U Minh, nhưng việc khơi kênh chống ngập đã đưa dân vào sống tận nơi sâu nhất của rừng, cộng thêm hai lần cháy dữ dội cách đây 30 năm và những đợt rầm rộ phát động phong trào nuôi tôm đã xoá sổ không ít diện tích rừng U Minh Thượng, chỉ còn lại U Minh Hạ thuộc địa phận Cà Mau.
Dẫu biết lịch sử không thể thay đổi, song tôi vẫn mong được tận mắt thấy cánh rừng tràm có những tổ ong khổng lồ, và có những đìa khua tay xuống nước là bắt được tôm cá. Đám chúng tôi sinh trưởng trên đất Bắc, từ thuở nhỏ đã đọc văn Sơn Nam, khi xưa nhắm mắt còn mường tượng cảnh lợn lòi đánh nhau với hổ... Ôi cảnh sắc miệt thứ ngày nay làm gì có chỗ nào hoang vu như vậy nữa, khi quốc lộ 36 đã chạy suốt từ An Biên tới tận Cà Mau, băng qua chỗ nào có cầu là y như rằng có nhà dân, chợ, chùa... Trong sân chùa bên kênh thứ 3, tôi bắt gặp cô gái Khmer lui cui quét thóc phơi, hạt lúa mẩy tròn. Dưới kênh, đám thanh niên đen cháy kìn kìn khiêng bao lúa xuống ghe. Tuốt nơi xa nhất này cũng coi lúa là nguồn sống chủ đạo thì làm sao còn rừng tràm, rừng đước thâm u nữa.
Cảnh sắc đô thị kéo dài dọc quốc lộ 36, hầu hết các cụm cư dân đều bám theo quốc lộ và có hình thái giống nhau. Sự no đủ có thể hiển hiện qua đời sống của các khu chợ, ở đó sản vật địa phương được bày bán cùng hàng hoá nơi khác nhập về, nói chung không thiếu vật dụng, song sự ô nhiễm hình như không được quan tâm. Những sạp hàng sát bờ kênh thoải mái ném rác xuống nước, ghe thương hồ xuôi ngược trên kênh cũng tất nhiên quăng mọi thứ hổ lốn xuống dòng nước đã nuôi dưỡng sự sống cho cả vùng. Và tôi vẫn thầm ước giá như xưa kia người ta đừng khơi dòng kênh này, đừng đưa dân vào tới lõi rừng U Minh thì chắc hẳn ngày nay mọi sự sẽ khác nhiều lắm.
Rừng xưa như chỉ còn trong ký ức
Đôi chỗ, chất khẩn hoang Nam bộ vẫn bộc lộ, nhất là khi tôi ghé chợ ở kênh thứ 7 mua ký thịt trăn để mang vô nhà người bạn địa phương nhậu chơi. Trong chợ, thịt trăn bán cùng dê, heo, bò, chắc chắn là trăn nuôi nhưng vẫn kích thích trí tưởng tượng của khách phương xa. Nhậu trong nhà lợp lá dừa nước, thảng hoặc có chiếc ghe chạy qua rao bán cá đông lạnh, tôm đông lạnh bằng loa điện mà thấy tiếc nuối cho cả vùng U Minh ngày nào. Cuộc nhậu của chúng tôi càng xôm tụ khi ông lão hàng xóm ghé chơi, sau vài ly sừng sừng bèn kể về cái thời còn rừng, lội rừng bắt rắn, vớt cá ra sao, đi ăn ong thế nào. Những hoài niệm ấy chắc chỉ chục năm nữa là sẽ theo thế hệ cũ của vùng U Minh đi vào dĩ vãng.
Từ nhà anh bạn gốc Khmer ở kênh thứ 7, chạy hơn 40km nữa là tiếp cận tới cửa vườn quốc gia U Minh Thượng. Vô vườn, mua vé, lên ghe đi thăm rừng. Nói ra thì động chạm, nhưng quả thật thất vọng quá cỡ bởi chạy một hồi chỉ thấy cỏ lác mịt mùng, dăm ba chú chim cúm núm bay vèo qua trước mũi ghe đã được giới thiệu là hệ động vật phong phú. Và khi ghe dừng giữa vùng nước mênh mông thì hướng dẫn thông báo kết thúc hành trình để quay về. Giải thích cái nhìn trợn trừng của tôi, anh hướng dẫn viên cười cười: “Ngày trước ở đây toàn rừng, tới năm 1982 cháy dữ nhất, tiêu hết cây rồi”.
Ôi chao, chưa bao giờ thấy thất vọng như lần này, mà cũng chưa bao giờ tận mắt thấy hệ luỵ nghiêm trọng của cháy rừng như lần này. Cả địa danh U Minh Thượng mà biết bao nhiêu trái tim mơ tới giờ đây chỉ còn một vùng nước mênh mông toàn lau lác, đôi chỗ cồn nổi lên um tùm cỏ lác mọc, phóng tầm mắt bốn phía chỉ thấy trời xanh. Sau này, khi gặp một người bạn già ở Rạch Giá, nghe chuyện mới biết thật ra nếu muốn biết về U Minh thì vẫn có nơi còn rừng, nhưng phải đi xa lắm, và đi theo đường khác, không phải vô theo tuyến du lịch. Nơi đó vẫn còn nghề đi ăn ong, vẫn còn những cánh rừng bít bùng như đám lá tối trời xưa kia cố nhà văn Sơn Nam đã miêu tả.
Miệt thứ xa mà một lần đi đã cảm thấy quá gần. Nơi đó tôi có người bạn gốc Khmer gặp lần đầu đã như cố hữu, nơi đó tôi đã gặp những cảnh sắc khá đẹp của kênh rạch, ruộng lúa. Nhưng miệt thứ cũng thật tiếc đã hoá thành nơi trồng lúa, dựng nhà tấm, uống cà phê võng hệt như bất kỳ nơi nào của miền Nam...
BÀI VÀ ẢNH: THÁI A

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét