Thứ Năm, 14 tháng 6, 2012

.Lăng Hoàng Gia


Thăm lăng Hoàng Gia nhớ bà Từ Dũ

.
Là một trong những dòng họ nổi tiếng nhất miền Nam bộ trước kia vì ông tổ dòng họ từng kết thông gia với cả… vua Minh Mạng. Đặc biệt hơn, con gái ông là vợ vua Thiệu Trị, mẹ vua Tự Đức với tên gọi thân thuộc, nổi tiếng cả hoàng cung lẫn trong dân gian, Hoàng Thái Hậu Từ Dũ. Lần này, qua bến phà Mỹ Lợi, men theo quốc lộ 50 uốn lượn chúng tôi về gò Sơn Quy, thăm Lăng Hoàng Gia - nơi đã được xếp hạng Di tích lịch sử cấp quốc gia
năm 1993.

 .
.
Dòng họ khoa bảng
Lăng Hoàng Gia được xây dựng vào thời nhà Nguyễn (năm 1826), thờ ông Tổ dòng họ là Phạm Đăng Hưng, tức ông ngoại vua Tự Đức. Theo sử sách, cụ Phạm Đăng Hưng sinh năm 1786 tại ấp Gò Rùa, xã Long Hưng, Gò Công, (nay là ấp Lăng Hoàng Gia, xã Long Hưng, thị xã Gò Công, Tiền Giang). Từ nhỏ, ông đã nổi tiếng là thông minh, hiếu học và văn võ song toàn được nhiều người mến mộ. Năm 1784 cụ Đăng Hưng thi đỗ Tam trường, được vua Minh Mạng bổ làm "Lễ bộ thượng thư”. Trong thời gian làm quan cho triều Nguyễn, ông còn giữ nhiều chức vụ quan trọng khác. Không những vậy, 4 người con trai của ông cũng đều làm các chức quan to, được mọi người kính mộ. Tuy nhiên, người con gái của gia đình mới chính là người phụ nữ được nhiều người biết đến khi bà kết hôn cùng Thái tử Miên Tông - con trai thứ 2 của Minh Mạng, sau này lên ngôi lấy niên hiệu là Thiệu Trị. Ông mất năm 1825 (thọ 61 tuổi) và được vua Tự Đức ban hiệu "Đức quốc công”.
Còn về Hoàng Thái hậu Từ Dũ, một bậc Mẫu quốc thiên hạ thời đó được nhiều người tôn kính, sử sách chép rằng, bà tên thật là Phạm Thị Hằng, từ bé đã thông làu kinh sử, hiếu hạnh hơn người. Sau khi vua Tự Đức lên ngôi, ngoài thiên chức một người mẹ, bà còn giúp nhà vua rất nhiều việc trong những quyết định khó khăn như trọng dụng các trung thần như Nguyễn Tri Phương, Phạm Phú Thứ, Võ Trọng Bình… Đây là giai đoạn lịch sử nước ta vô cùng biến động nên bà đã làm Mẫu quốc của cả thảy 8 đời vua, từ Tự Đức cho tới Bảo Đại. Để tưởng nhớ công ơn to lớn của bà, một trong những bệnh viện lớn nhất nước ta ở TP. Hồ Chí Minh mang tên bà, Bệnh viện Từ Dũ. Có lẽ, cùng với Nam phương Hoàng hậu, bà chính là 1 trong 2 người phụ nữ nổi tiếng nhất lịch sử phong kiến Việt Nam được sinh ra ở vùng đất Gò Công này. Ngày nay, ngoài phần mộ và lăng miếu của bà tại kinh thành Huế, bên ngoài khuôn viên Lăng Hoàng Gia cũng có một phần đất nhỏ làm nơi thờ phụng bà, như để đời sau tỏ lòng tôn kính với một con người tài đức như thế. Nói về điều này, ông Phạm Đăng Luận - người đang trông coi lăng tâm sự: Mấy trăm năm trước khi xây dựng khu nhà thờ này, cụ Phạm Đăng Hưng đã có quy định, phần trong lăng chỉ được thờ các trưởng nam, phận nữ nhi, dù nổi tiếng tài đức đến đâu cũng không được gửi thân ở trong lăng. Chính vì điều này mà mộ Thái hậu Từ Dũ ở ngoài khu Lăng Hoàng Gia, mặc dù đa phần du khách đến thăm lăng là vì mến mộ Thái hậu Từ Dũ, muốn đến thăm ngôi nhà bà sinh ra và lớn lên đến năm 15 tuổi mới ra kinh thành Huế học lễ nghĩa để vào cung, hầu hạ vua Thiệu Trị.
Phía bên trong Lăng Hoàng Gia
Vàng son một thuở huy hoàng
Theo thời gian, lăng mộ dường như ngày càng trở nên cổ kính, độc đáo, bởi niên đại hơn 100 năm của mình. Ông Phạm Thành Luận, người cai quản ở đây cho biết, khu Lăng mộ này được xây dựng với kiểu kiến trúc độc đáo hình bát giác, mang dáng dấp của một chiếc mũ triều phục. 4 trụ thấp cách điệu giữa búp sen và chiếc nón cùng biểu tượng đôi cá vượt vũ môn được đặt phía trước. Sau bức hoành phi là 4 con rồng ngự trị trên cao giương cặp mắt sáng quắc như đang canh giữ, cai quản lăng. Phía dưới là hình tượng ngũ lân với hình chạm khắc khảm trai hình 5 chú hổ rất sắc sảo và độc đáo. Mặc dù không phải là người có dòng dõi làm vua nhưng lại may mắn được kết thông gia với vua, nên khu lăng mộ này được Tự Đức chấp nhận là Lăng Hoàng Gia, điều chỉ có ở những khu lăng tẩm nhà vua.
Ngoài ra, ngay trước cổng vào lăng là hai cây sứ trắng có niên đại hơn 100 năm tuổi đứng sừng sững tựa như hai người lính canh giữ giấc ngủ cho những người đã khuất yên nghỉ và chứng kiến bao thăng trầm của thời gian. Bên trái, một cây khế được cho đã trồng hơn 100 năm nay với những trái chín vàng rực đang đung đưa trước gió, tỏa hương dịu dàng.
Theo chân ông Luận bước vào sâu trong Lăng Hoàng Gia là ngôi từ đường của dòng họ Phạm Đăng. Vào đây, người ta mới thật sự cảm nhận được vẻ đẹp cổ kính của lăng Hoàng Gia. Điểm đặc biệt nhất của lăng có lẽ là việc sử dụng 100% chất liệu gỗ để xây dựng, không thể tìm ra được một cây đinh nào trong việc gắn kết các thanh gỗ, kèo, cột ở đây. Tất cả đều được đục mộng tra vào nhau một cách tinh xảo đến tuyệt vời. Người xem khâm phục biết bao bàn tay và nghệ thuật xây dựng cũng như kiến trúc của các nghệ nhân xưa. Nếu bạn có dịp ra Huế sẽ thấy rõ hơn kiểu kiến trúc này trong các lăng tẩm, đền đài của đất Cố đô ngàn năm văn hiến.
Khu mộ dòng họ
Màu sơn gỗ nâu bóng lộn càng khiến Hoàng Gia có nét quyến rũ đến lạ kỳ, kiêu sa mà mạnh mẽ, hùng dũng mà dịu dàng. Hiện nay, trong lăng ngoài thờ cúng Quốc Công còn là nơi thờ tự dòng tộc của Ngài, từ thân sinh, phụ mẫu tới ông bà tổ tiên cũng đều được thờ cúng ở nơi trang nghiêm nhất. Điểm đặc biệt hơn nữa là việc chăm lo hương khói chỉ do một bác bộ đội xuất ngũ quán xuyến toàn bộ, người đã hướng dẫn chúng tôi trong suốt buổi tham quan. Có lẽ vì thế mà lăng càng trở nên trang nghiêm, huyền bí, song lại có sức cuốn hút lạ kỳ đối với những ai đã từng đặt chân đến đây.
Sau rất nhiều những biến đổi của thời cuộc, những hưng phế của vương triều, hiện nay Lăng Hoàng Gia chỉ còn đơn thuần là một khu Di tích với thắng cảnh mang vẻ đẹp vừa trầm buồn, vừa mơ mộng của thời gian như muốn níu chân du khách đã từng một lần ghé thăm. Ở đó, sau mấy trăm năm qua đi, những dấu tích vàng son của bậc vua chúa đế vương vẫn còn thấp thoáng đâu đó, như tồn tại mãi mãi cùng thời gian.
ĐOÀN XÁ

 Di tích lịch sử dân tộc: Lăng Hoàng gia
.
Lăng Hoàng Gia thuộc giồng Sơn qui, xã Long Hưng, thị xã Gò Công. Đường đi đến di tích bằng ôtô rất thuận tiện.   
Lăng Hoàng Gia bao gồm mộ và nhà thờ dòng họ Phạm Đăng là thích lý của triều Nguyễn. Dòng họ Phạm Đăng đến đời thứ ba có ông Phạm Đăng Hưng làm quan dưới hai triều vua Gia Long và Minh Mạng. Ông chính là cha của Hoàng Thái Hậu Từ Dũ, là ông ngoại của vua Tự Đức. Năm 1826, triều đình nhà Nguyễn cho xây dựng tại đây đền thờ và lăng mộ dòng họ Phạm Đăng  gọi là Lăng Hoàng Gia.           
Phạm Đăng Hưng sinh năm 1764 là người thông minh, tuấn tú. Năm 1794 ông chuẩn bị thi tứ trường thì bị bệnh nên phải trở về quê làm ruộng. Nhưng vì nổi tiếng là người văn tài lỗi lạc và hiền đức nên được bổ làm "Lễ sinh nội phủ của triều Nguyễn" (thời vua Gia Long). Ông được mọi người biết đến qua nhân vật Ba Bị vì "đi đâu ông cũng mang theo ba bị ngũ cốc để phân phát cho dân nghèo". Trãi qua nhiều lần thăng gián vì bị gièm pha, cuối cùng ông đã được thăng chức "Quốc Sử Quán Tổng tài" năm Minh mạng thứ 2 (1821). Năm 1825, Phạm Đăng hưng bị bệnh mất tại Huế nhằm ngày 14 tháng 6 (AL), được vua Minh Mạng thăng hàm "Vinh Lộc Đại Phu Trụ Quốc Hiệp Biên Đại Học Sĩ Thuỵ Trung Nhã" và đưa về an táng tại Sơn Qui. Năm 1849, vua Tự Đức gia tặng "Đặc Tiến Kim tử Vinh Lộc Đại Phu Thái bảo cần Chánh Điện đại Học Sĩ Tước Đức Quốc Công". Từ đó, mọi người gọi ông là Đức Quốc Công Phạm Đăng Hưng.
Một năm sau khi Đức Quốc Công Phạm Đăng Hưng mất tức năm 1826, triều đình nhà Nguyễn cho xây dựng tại đây nhà thờ và lăng mộ dòng họ Phạm Đăng đúng theo kiến trúc phong thuỷ dành cho lăng tẩm vua quan lúc bấy giờ. Ngoài cùng là La Thành, giới hạn khuôn viên Lăng. Bên trong là Sân Chầu, với nhà Hành Lễ bên phải, nơi để dành cho mọi đến viếng Lăng. Sâu hơn nữa, Nhà Bia mà phạm vi được qui định bởi Thành Bao hình cung, mở rộng thêm nhờ hai cung Thành bao ở hai đầu. Khu vực này dành riêng cho thân tộc và vua chúa vào viếng lễ. Cấu trúc nền dốc từ trong ra ngoài, cung ranh giới Thành Bao thể hiện rõ tư tưởng phân chia giai cấp của chế độ phong kiến thời bấy giờ. Với phù điêu, những chạm trổ trên Mộ Bia, những long, lân, sư biểu tượng của giai cấp vua quan nơi Nhà Bia khẳng định uy quyền người đã khuất. Hiện nay tại Lăng có đến hai nhà bia, với lý do sau:
- Nhà Bia phía bên phải được làm vào năm 1849 bằng đá cẩm thạch trắng (đá Non Nước ở Đà Nẳng). Nhưng khi di chuyển từ Huế vào đến Sài Gòn bị Pháp lấy đem vào đất Thánh Tây Mạc Đỉnh Chi  làm mộ bia cho Đại Uý Berbê vừa bị nghĩa quân Trương Định bắn chết. Năm 1999 tấm bia này đã được chuyển về đây.
- Nhà Bia bên trái là bia do vua Thành Thái cho làm lại bằng đá hoa cương (đá Ganis) năm 1899. Nội dung cũng giống như tấm bia ban đầu là ghi lại công trạng của Đức Quốc Công Phạm Đăng Hưng và dòng họ Phạm ở Gò Công là "Thích Lý của triều Nguyễn".
Cùng nằm trên khuôn viên Lăng còn có hệ thống mộ dòng họ Phạm Đăng được chôn theo một trục dài, toàn bộ đều làm bằng hồ ô dước, bao bọc chung quanh bằng một lớp tường dày và cao 90cm, các ngôi mộ tổ bố cục đơn giản theo hình vuông hoặc chử nhật).
Cách Lăng 30m về bên phải  là nhà thờ dòng họ Phạm Đăng:
- Gian giữa là bàn thờ Đức Quốc Công Phạm Đăng Hưng.
- Gian tả (trái) thờ Phước An Hầu Phạm Đăng Long, cha của Phạm Đăng Hưng.
- Gian tả ngoài thờ Mỹ Khá tử Phạm Đăng Tiên, ông cố Phạm Đăng Hưng.
- Gian hữu thờ Bình Thạnh Bá Phạm Đăng Danh, ông nội Phạm Đăng Hưng.
- Gian hữu ngoài thờ Thiềm Sư Phủ Phạm Đăng Khoá, ông sơ Phạm Đăng Hưng.
Nhà thờ được kiến tạo năm 1888 thời vua Thành Thái và năm 1921 thời vua Khải Định. Đây cũng là lúc nước ta chịu 30 năm thống trị của thực dân Pháp. Do vậy, kiến trúc nghệ thuật cũng bị ảnh hưởng không ít những vẫn giữ kiểu nhà ba gian đậm nét Việt Nam.
Tóm lại, Lăng Hoàng Gia là một di tích lịch sử văn hoá có ý nghĩa quan trọng đối với sự hình thành và phát triển của Nam Bộ nói chung và Gò Công nói riêng. Vì Phạm Đăng Hưng và dòng họ của Ông là những người vào đây lập nghiệp từ đầu thế kỷ XVII (còn mộ bốn đời Phạm Đăng Hưng tại Sơn Qui.
Nhà thờ và mộ Phạm Đăng Hưng là một công trình kiến trúc nghệ thuật hài hoà giữa Âu và Á nhưng vẫn mang đậm nét truyền thống dân tộc được thể hiện qua các mãng chạm khắc trong nhà thờ và trên lăng mộ.
Di tích Lăng Hoàng Gia, được Bộ Văn hóa-Thông tin (nay là Bộ văn hóa, Thể thao và Du lịch công nhận di tích cấp quốc gia năm 1992./.
Các hình ảnh về di tích lịch sử dân tộc Lăng Hoàng gia


Những điều chưa biết về lăng mộ Hoàng gia


Ông Phan Văn Dũng, người đang trông coi lăng mộ Hoàng gia nói với chúng tôi: “Lăng này xây dựng năm 1927. Đã có nhiều du khách đến đây tham quan lầm tưởng đây là nơi thờ tự bà Phạm Thị Hằng (tức bà Từ Dũ, vợ vua Thiệu Trị, mẹ  ruột của vua Tự Đức), nhưng thực tế đây là lăng mộ thờ ông Phạm Đăng Hưng (cha ruột bà Từ Dũ, tức ông ngoại vua Tự Đức). Tôi nghĩ, các cơ quan truyền thông, văn hóa, lịch sử cần giải thích rõ vấn đề này để tránh sự nhầm lẫn”.
 Bên ngoài lăng mộ.
Bên ngoài lăng mộ.
Huyện Gò Công thuộc tỉnh Tiền Giang, sau đó chia tách thành 4 đơn vị hành chính là: TX. Gò Công, huyện Gò Công Đông, huyện Gò Công Tây và huyện Tân Phú Đông. Lăng mộ Hoàng gia nay thuộc ấp Lăng Hoàng Gia, xã Long Hưng, TX. Gò Công.
Nhiều du khách cùng thống nhất nhận xét: Đến Gò Công mà không biết đến 3 địa danh lịch sử nổi tiếng là: Lăng mộ Hoàng gia, đền thờ Anh hùng dân tộc Trương Định và ao Trường Đua thì coi như chưa biết Gò Công.
Riêng về tên gọi chính xác là lăng Hoàng gia, nhưng người dân địa phương quen gọi là lăng mộ Hoàng gia vì có mộ ông Phạm Đăng Hưng đang an vị tại đây. Bên cạnh đó có người gọi bà Từ Dũ là Từ Dụ, nhưng đến nay chưa xác định tên nào là chính xác.
Ông Phạm Đăng Hưng thông minh, văn võ song toàn. Năm 1784, lúc 20 tuổi, ông thi đỗ Tam trường, nổi tiếng hiền đức và siêng năng, có 4 người con làm quan to trong triều Nguyễn. Năm 1825, ông Phạm Đăng Hưng mất, được đưa về gò Sơn Qui chôn cất. Năm 1849, ông được vua Tự Đức truy phong Đức Quốc công.
Ông Sơn Thê, 87 tuổi, cư dân tại đây kể lại câu chuyện rất kỳ bí đầy vẻ tâm linh: Lúc ông Phạm Đăng Hưng đến gò Rùa (hiện là Sơn Qui) thấy đất rất đẹp nhưng không có chỗ nào đào được giếng có nước ngọt. 
Sau đó ông phát hiện ra mạch nước ngầm ở gò Sơn Qui, liền quy tập mồ mả gia đình về đây và xây nhà ở gò đất này. Khi sinh bà Phạm Thị Hằng (tức bà Từ Dũ) thì có một vầng trăng chiếu sáng lòa cả gò Sơn Qui, nên ông Phạm Đăng Hưng đặt tên cho con là Hằng (nghĩa là mặt trăng). Hiện nay, tại lăng mộ Hoàng gia vẫn còn cái giếng ngầm rất trong và mát”.
Sẵn chuyện vui, ông Thê kể tiếp câu chuyện thứ hai càng hấp dẫn hơn. Chuyện rằng: Thời mở đất, dân gian thường thấy một người luôn mang trong mình ba cái bị lớn (giống như bao tải nhưng có quai đeo bên mình).
Ông “Ba Bị” đi đến đâu thì con nít rất sợ nhưng người lớn thì ngược lại, bởi ông mang đủ loại hạt giống đi phát cho dân và hướng dẫn cách trồng. Nhà nào quá nghèo, ông “Ba Bị” cho người mang gạo đến giúp. Đó chính là ông Phạm Đăng Hưng.
Câu chuyện thứ ba thì có vẻ bí hiểm. Chuyện kể rằng: Tại lăng mộ Hoàng gia có một tấm bia bằng đá trắng làm từ đá quý chở về từ tỉnh Quảng Nam. Bia đá này do ông Phan Thanh Giản và Trương Quốc Dụng xây dựng vào năm Tự Đức thứ 10 (1857) nhằm ca ngợi công đức của Đức Quốc công Phạm Đăng Hưng. Nhưng sau đó tấm bia đá này mất tích một cách bí hiểm.
Năm 1983 khi giải tỏa nghĩa trang Mạc Đĩnh Chi (quận 1, TP. Hồ Chí Minh) để xây dựng công viên Lê Văn Tám, người ta thấy còn sót lại một tấm bia đá cổ hoang phế. Ngay lập tức các nhà chuyên môn đến khảo sát và xác định đây là tấm bia có xuất xứ từ lăng mộ Hoàng gia ở Gò Công bị đánh cắp.
Lần theo lịch sử, người ta xác định, người đánh cắp tấm bia trên là trung úy người Pháp tên Barbé đã có thời gian đóng quân tại Gò Công xưa. Barbé chính là nhân vật chính trong vở cải lương rất nổi tiếng một thời “Nàng Hai Bến Nghé”, kể về câu chuyện cô gái tên Hai đã giúp nghĩa quân Trương Định phục kích giết chết trung úy người Pháp Barbé vào đêm 7-12-1860 tại Thị Nghè, TP. Sài Gòn (nay là TP. Hồ Chí Minh).
Như vậy, sau 140 năm lưu lạc (từ năm 1858 đến 1998) tấm bia do vua Tự Đức sắc phong cho ông ngoại mình là ông Phạm Đăng Hưng mới trở về chốn cũ (lăng mộ Hoàng gia).
Hiện tại, lăng mộ này có gian điện chính thờ Quốc công Phạm Đăng Hưng; Gian tả thờ Phước An hầu Phạm Đăng Long, là cha của Phạm Đăng Hưng. Gian tả ngoài cùng thờ Khả tự Phạm Đăng Tiên.
Gian hữu thờ Bình thạnh bà Phạm Đăng Danh. Trước bàn thờ ông Phạm Đăng Hưng là bức tượng bằng đá quý màu xanh lục tạc hình bà Phạm Thị Hằng (bà Từ Dũ).
Mộ ông Phạm Đăng Hưng táng trên gò cao có hình dáng mai rùa, được xây theo kiểu dáng “đỉnh trụ” hình bát giác, trông vừa như chiếc nón lá vừa như búp sen. Mặt sau mộ, xây bình phong hình bán nguyệt, trên có chạm 4 con rồng, dưới có 5 con kỳ lân.
Vòng quanh mộ ông Phạm Đăng Hưng có một số phù điêu trang trí (búp sen, cá hóa long…), lại mang phong cách điêu khắc phương Tây.
Bà Mặc Thùy, du khách đến từ TP. Bắc Kinh, Trung Quốc, sau khi tham quan mộ đã cho biết cảm nghĩ: “Có quá nhiều câu chuyện bí ẩn tâm linh tại lăng mộ này khiến du khách cứ phải ấn tượng mãi. Kiến trúc lăng quá đẹp, tinh xảo, pha lẫn phong cách Âu - Á một cách hài hòa. Chúng tôi rất thích khi đến đây”.
TÔ PHỤC HƯNG

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét