Thứ Bảy, 16 tháng 6, 2012

Thừa Thiên - Huế: Mở cửa trưng bày Khải Tường Lâu


Ngày 9-6, Trung tâm bảo tồn di tích cố đô Huế đã mở cửa trưng bày Khải Tường Lâu, thuộc Cung An Định - nơi ở của gia đình cựu hoàng Bảo Đại và bà Từ Cung (mẹ vua Bảo Đại) giai đoạn 1945 - 1955.
Theo đó, không gian trưng bày được tái hiện gồm 2 tầng. Tầng 1 nội thất có 7 phòng, nổi bật ở phòng chính là 6 bức bích họa. Những bức tranh này được vẽ trực tiếp bằng sơn dầu lên mặt tường trát xi măng có khung gỗ. Những bức tranh này vẽ lại hình ảnh các lăng vua triều Nguyễn. Ở tầng hai, tái hiện lại phòng ngủ của bà Từ Cung; phòng ngủ và phòng giải trí của gia đình vua Bảo Đại… Ngoài ra, bức tranh về gia đình vua Bảo Đại do gia đình cựu hoàng Bảo Đại tặng cho Bảo tàng Cổ vật Cung đình Huế vào năm 2011 cũng được trưng bày trong dịp này.

Toàn cảnh kiến trúc Khải Tường Lâu ở biệt cung An Định
 
 Phần trưng bày sử dụng nguồn hiện vật hiện lưu trữ tại Nhà lưu niệm bà Từ Cung và nhóm hiện vật được chuyển về bảo quản tại kho Bảo tàng Cổ vật Cung đình Huế năm 1981. 

Cung An Định là công trình kiến trúc nghệ thuật độc đáo của triều Nguyễn được xây dựng vào đầu thế kỷ XX. Vào năm 1902, Nguyễn Phúc Bửu Đảo (vua Khải Định sau này) khi ra lập phủ riêng bên bờ sông An Cựu đã đặt tên cho nơi ở của mình là phủ An Định. Đến năm 1917, trên cơ sở của nền móng phủ cũ, vua cho xây dựng lại theo kiểu kiến trúc tân cổ điển và đổi tên từ phủ An Định thành cung An Định. Khải Tường Lâu là công trình chính của cung được vua Khải Định cho xây dựng vào năm 1917 để tặng thái tử Vĩnh Thụy (vua Bảo Đại). 

Đây là một công trình kết hợp giữa kết cấu bêtông cốt thép của phương Tây và gỗ, gạch ngói truyền thống của Việt Nam. Không chỉ độc đáo về kiến trúc, Khải Tường Lâu còn được biết đến là một lâu đài lộng lẫy bởi những bức tranh tường và những họa tiết trang trí vẽ bằng sơn dầu trên các bức tường. Ðây cũng là một trong 17 cụm di tích thuộc hệ thống di sản văn hóa được UNESCO công nhận tại Huế.
Theo ĐCSVN

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét