Thứ Bảy, 16 tháng 6, 2012

Tục "mặn nồng" lần cuối trước ly hôn


Theo Người đưa tin
Trong ngày ly hôn, đàng chồng, đàng vợ đều phải phát biểu ý kiến và đến đêm, 2 vợ chồng phải lần cuối "mặn nồng".
Nậm Nhóng là xã vùng cao của huyện Quế Phong (Nghệ An). Nơi đây 100% là người dân tộc thiểu số, chủ yếu là người Thái và Khơ Mú. Đến thời điểm này, điện vẫn chưa về với bản làng và mọi thứ người dân đều phải tự cung tự cấp. Nơi đây có rất nhiều phong tục lạ, nhưng có lẽ ấn tượng nhất là tục làm cỗ tưng bừng trong ngày ly hôn.
 
Muốn ly hôn không dễ
 
Người dân nơi đây cho biết, hôn nhân của họ rất được coi trọng nên khi lấy nhau, tất cả người dân trong bản đều quan niệm phải bằng mọi cách để gia đình không tan vỡ. Thế nên, dù có ghét nhau thì cũng rất khó để vợ chồng có thể ly hôn vì vướng vào những phong tục của địa phương.
 
Chị Vi Thị Nga, người dân bản Na Hốc 1, cho biết: đôi vợ chồng nào muốn ly hôn thì phải lên báo cáo với trưởng bản. Theo nguyện vọng của các cặp vợ chồng, trưởng bản sẽ tổ chức một cuộc họp với đầy đủ các thành phần trong bản để cử ra ban hòa giải. Sau đó, không chỉ là ban cán sự bản, mà tất cả các hộ trong bản đều phải luân phiên nhau đến nhà cặp vợ chồng muốn ly hôn để làm công tác hòa giải.
 
Khi mà ban cán sự và tất cả người dân đến khuyên can đều không được, trưởng bản mới làm thủ tục chuyển nguyện vọng xin ly hôn lên chính quyền xã. Tuy nhiên, trước khi làm việc này, trưởng bản sẽ gặp hai vợ chồng để tiến hành ký một cam kết mà đã tồn tại bao đời nay ở xã này.
 
 
Cụ thể, người chủ động xin ly hôn (tức người đến gặp trưởng bản đặt vấn đề xin ly hôn) sẽ có trách nhiệm bồi thường chi phí hôm ăn hỏi gồm: 6 chỉ vàng, 2 con bò, 2 con lợn, 2 tạ gạo, 2 tạ nếp, 2 chum rượu bầu, cau trầu, tiền cỗ (đối với bên vợ) và toàn bộ chi phí làm cỗ hôm đám cưới ở nhà gái (đối với chồng). Ngoài ra, người chủ động ly hôn sẽ không được sở hữu bất cứ tài sản gì trong thời gian 2 người sống với nhau và cùng nhau làm ra (kể cả con cái).
 
Đây là quy định bắt buộc nên cặp vợ chồng nào cũng phải ký vào cam kết rồi mới được trưởng bản chuyển "hồ sơ" lên cấp cao hơn và sau đó ra tòa ly hôn. Với những quy định khắt khe như vậy, nên từ bao đời nay ở nơi đây, xã chỉ mới có 10 lần phải chứng kiến các cặp vợ chồng bỏ nhau.
 
Trưởng bản Na Hốc 1, ông Hà Văn Quyết, cho biết: "Từ xa xưa, cha ông nơi đây đã dạy cuộc sống vợ chồng rất quan trọng, vì thế không chỉ chu đáo trong việc cưới hỏi mà khi hôn nhân của vợ chồng không hạnh phúc, bản làng cũng phải tìm mọi cách để cứu vãn. Mọi quy định khắt khe đề ra cũng là để tránh việc vợ chồng bỏ nhau và nếu bất đắc dĩ phải đôi người đôi ngả thì vợ chồng còn vui vẻ nhìn mặt nhau”.
 
Ngày ly hôn như ngày cưới
 
Theo phong tục, một ngày sau khi ra tòa, cặp vợ chồng vừa chia tay phải trở về bản để chuẩn bị làm lễ ly hôn. Theo nghi thức, lễ ly hôn được tổ chức ở nhà người vợ trước. Cũng như đám cưới, gia đình người vợ phải cho người đi đến các gia đình trong bản mời đại diện đến tham dự.
 
Trong ngày tổ chức ở nhà người vợ, đại diện nhà chồng cũng có mặt, khoảng 7 - 10 người là bố mẹ và anh em ruột thịt của chồng. Tại đây, trưởng bản và những người cao niên trong làng sẽ chứng kiến lễ cúng ông bà tổ tiên của cặp vợ chồng và sau đó chứng kiến lễ phân chia tài sản.
 
Sau khi làm tất cả các thủ tục đó, đàng vợ, đàng chồng sẽ lần lượt phát biểu ý kiến trước tất cả mọi người. Thông thường đó là những phát biểu đầy nước mắt khi không thể cứu vãn được hôn nhân của con cái họ và mong bản làng thông cảm. Sau đó mọi người ăn cỗ rồi chúc cho vợ chồng sau khi ly hôn sẽ tìm được hạnh phúc mới.
 

Cảnh một buổi lễ ly hôn.
 
Một ngày sau, đến lượt nhà trai tổ chức nghi lễ tương tự. Cũng có rạp cưới, cũng có loa đài mở inh ỏi, cũng mổ bò, mổ lợn tưng bừng. Cũng trang hoàng mọi thứ cho thập đẹp để đón họ hàng nhà thông gia và tất cả, chẳng khác gì một nghi thức đón dâu. Nhà gái đến, anh em hai họ có mặt đầy đủ, nghi thức cũng bắt đầu diễn ra khi vợ chồng vào bàn thờ ông bà tổ tiên cúng.
 
Rồi cũng là trưởng bản chứng kiến lễ ly hôn của hai người khi các tài sản của hai vợ chồng được công khai và phân chia lại một lần nữa. Lần này thì không chỉ đại diện đàng vợ, đàng chồng phát biểu mà những cả hai vợ chồng cũng phải nói lên suy nghĩ của mình. Sau đó, vợ chồng dắt nhau đi chúc rượu mọi người và cầu mong thứ lỗi, đồng thời hứa sẽ không ly hôn nữa nếu lấy người mới.
 
Đêm hôm ấy, vợ chồng về nhà chung của hai người (trước khi cưới, nhà trai phải dựng nhà trước) và sống với nhau một đêm cuối cùng. Thông thường những đêm như thế này, họ thức với nhau đến sáng để tâm sự và rồi ngày sau đó, người vợ và những đứa con (nếu vợ bị chồng bỏ) sẽ soạn đồ đạc và về nhà ngoại ở, chính thức chia tay nhau. Bắt đầu từ lúc này, họ chỉ còn là vợ chồng cũ và được phép tìm hiểu và xây dựng gia đình với người mới.
 
Những niềm vui bất ngờ
 
Hỏi người dân bản Na Hốc 1 và Na Hốc 2, thì tất cả đều có chung một câu trả lời, ăn cỗ ly hôn là thiếu hào hứng và chán nhất. Bởi phong tục, họ phải đến và tham dự chứ nhiều người nuốt chẳng trôi chứ nói gì đến ngon miệng khi ăn cỗ. Theo quan niệm của người dân ở đây thì có lễ thành hôn, ắt cũng phải có lễ ly hôn, vì làm gì cũng phải có trước có sau.
 
Vì những chuyện cảm động trong buổi ly hôn mà có không ít cặp vợ chồng đã nghĩ lại và chỉ ít hôm sau đã xin phép tái hợp. Trưởng bản Hà Văn Quyết cho biết, trong số 10 cặp vợ chồng ly hôn thì có 3 người sau đó đã xin đoàn tụ.
 
Tất cả đều có chung một tâm sự rằng, chứng kiến buổi lễ ly hôn mà thấy đau đớn nên muốn quay lại để xóm làng được vui vẻ. Gần đây nhất là cặp vợ chồng Vi Văn H và Hà Thị Th ở bản Na Hốc 2. Đôi vợ chồng này quyết định ly hôn sau 7 năm chung sống. Tuy nhiên, chỉ 5 ngày sau khi ly hôn đã đến xin gặp trưởng bản để quay lại với nhau.
 
Được biết, bản luôn tạo những điều kiện tốt nhất để cho các cặp vợ chồng sau khi ly hôn muốn quay lại. Theo đó, chỉ cần 2 người đến gặp trưởng bản trình bày nguyện vọng rồi sau đó về làm vài mâm cơm mời anh em họ hàng thân thiết đến tham dự là được. Ban cán sự bản có trách nhiệm thông báo đến tận các gia đình tin vui trên và làm các thủ tục để báo với cấp trên việc cặp vợ chồng này muốn quay lại với nhau.
 
Từ những quy định khắt khe để tránh việc ly hôn, đến những nghi lễ cảm động trong ngày chia tay, rồi cả quy định thông thoáng cho việc tái hôn, tất cả cho thấy người dân Nậm Nhóng từ xa xưa đã ý thức rất cao hạnh phúc gia đình và tìm mọi cách để níu kéo hôn nhân cho mọi gia đình. Đó cũng là điều tích cực khi nhìn về thực trạng ly hôn đang ngày càng gia tăng ở các vùng miền xuôi.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét